Bác có cách dùng người, chọn người rất đúng, Bác giao việc rất chính xác và Bác quan tâm thường xuyên bằng cả tấm lòng mình cho nên cán bộ đem hết khả năng giúp nước, giúp dân. Bác biết là kháng chiến kiến quốc cần rất nhiều nhân tài cho nên phải huy động người tài giỏi ra làm việc.
Bác Hồ tới thăm các cháu thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc ở tỉnh Thanh Hoá (1957)
Người luôn có tâm, có đức, có trí là dùng. Trong thư gửi quốc dân đồng bào, Bác đặt vấn đề: "Chính phủ bận nhiều việc, thấy không hết, nhìn không thấu, nên đồng bào thấy ở đâu có người tài giỏi thì xin mách bảo với Chính phủ, để Chính phủ trọng dụng". Bác cho mời luật sư Hồ Đắc Điềm 30 tuổi, tốt nghiệp đại học ở Ba-li về Luật học, là con một gia đình quý tộc đến gặp để giao việc. Trước người có học Bác không cần nhiều lời. Bác nói một câu, giản dị, chân tình bằng tấm lòng, bằng trái tim: "Bác biết chú là người nhiều chữ, theo Bác chú nên san sẻ bớt cho người ít chữ". Cảm động vì câu này mà Luật sư Hồ Đắc Điềm để suốt cả cuộc đời làm nghề bổ túc văn hóa dạy chữ cho dân. Bác cũng cho mời đến gặp để giao trọng trách bộ trưởng một người mới hơn 30 tuổi là Giáo sư Nguyễn Văn Huyên nhân sĩ trí thức ở Pháp. Bác giao chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, rồi Giám đốc Bảo tàng Quốc gia, Giáo sư Huyên nể Bác thì nhận, chứ trong lòng rất áy náy vì nghĩ mình là một người đứng đầu ngành mà không phải là đảng viên, trong khi đó thứ trưởng là bí thư đảng đoàn, cán bộ công chức cơ quan cũng đều là đảng viên 6 tháng sau Giáo sư Huyên xin gặp Bác để từ chức. Bác nói ngay: "Chú từ chức vì nghĩ chú không phải là đảng viên có đúng không?". "Thưa Bác đúng như vậy. Bác thông cảm để cho cháu về làm chuyên môn", nhưng Bác nói "Bác có tin chú thì mới giao việc lớn, như thế; Trung ương, Đảng càng tin chú hơn, sao chú lại từ chức. Việc gì khó, cần Bác giúp thì cứ mạnh dạn nói. Chú chỉ chưa phải là đảng viên với nghĩa là chú chưa có tên trong đảng tịch chứ còn về tâm, về trí, về đức, về tài thì chú là cộng sản từ lâu rồi". Bác đem cả tấm lòng của mình đối đãi với người tài giỏi cho nên quy tụ được những người tài giỏi nhất ra giúp dân giúp nước.
Bác Hồ rất khiêm tốn, không bao giờ tự nói về mình, nhưng ngành Văn hóa rất cần làm bảo tàng, làm triển lãm nên thường xuyên cử nghệ sĩ, họa sĩ đến để vẽ tranh, nặn tượng về Bác, sáng tác về Bác. Bác tiếp rất chu đáo, mặc dù Bác không muốn. Có lần 2 họa sĩ trẻ được cử vào vẽ tranh, Bác bảo các chú đã đến đây thì các chú cứ làm việc, Bác cũng làm việc cần gì cứ nói Bác giúp. 2 họa sĩ trẻ lần đầu tiên được tiếp xúc với Bác đã rất xúc động cho nên vẽ tranh về Bác không được tự nhiên. Hết giờ đưa tác phẩm cho Bác xem. Bác ngắm nghía hai bức tranh và cứ tủm tỉm cười. Bác nói: "Các chú đến thăm Bác là quý rồi, lại vẽ tranh để tặng Bác nữa, Bác rất cám ơn. Bác sẽ giữ làm kỷ niệm, mỗi lần xem tranh của các chú chắc là Bác sẽ nhớ các chú nhiều lắm đấy". Hai họa sĩ rất hồi hộp chưa biết Bác khen hay chê, lúc bấy giờ Bác mới từ từ đưa cả hai bức tranh lên để ba Bác cháu cùng ngắm, rồi Bác nói: "Đây có phải là các chú tặng Bác những hai anh em Hồ Chí Minh không". Bác tinh thế như thế, cách diễn đạt ngôn ngữ để ứng xử như thế, khiến ai cũng có một niềm tin, không ai cảm thấy bi quan cả.
Lần Bác về thăm quê ở Nghệ An, Bác nói chuyện với hàng vạn đồng bào trên một đồi cao. Miền Trung nắng nóng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thương Bác, sợ Bác nắng chạy lên để lấy ô che cho Bác. Bác quay lại hỏi một câu rất ân cần: "Liệu chú có đủ 1 vạn cái ô ở đây không? Thôi cất đi, để Bác nói chuyện với dân, để ta kết thúc sớm kẻo nắng". Có lần Bác xuống xã, về buổi trưa nắng mệt, Bác cởi áo nằm nghỉ ngay dưới sàn nhà, tay phe phẩy quạt mo cau, quạt lá cọ. Thấy ngoài hành lang cứ rầm rì xin gặp Bác 5 phút thôi rồi về, không làm phiền Bác nhiều. Bác nghe hết đầu đuôi câu chuyện rồi Bác mở cửa. Thấy đoàn người, nhận ra đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tỉnh nọ Bác coi như không biết chuyện gì, Bác không chào cũng không hỏi. Bác cầm tay một cụ già trong đoàn ân cần dắt cụ ra phía hành lang mời cụ hút thuốc. Hút xong điếu thuốc, Bác lại dắt tay cụ già ân cần về đúng chỗ cụ đứng lúc trước. Bấy giờ Bác mới vào chuyện, Bác chỉ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hỏi chú tên gì, làm gì, rồi Bác ra vẻ ngạc nhiên chú làm to đến thế cơ à. Sau đó Bác chỉ vào Bác hỏi: "Thế chú có biết Bác là ai không?", đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thưa: "Cả nước, cả thế giới biết Bác ạ, Bác là Bác Hồ". "Đúng, thế Bác làm gì", "Thưa Bác, Bác là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước ạ", Bác bảo "Đúng nhưng cũng chỉ là đầy tớ của dân, suốt đời là công bộc của dân. Chú là Bí thư Tỉnh ủy mà Bác cứ ngỡ chú là quan tuần phủ cơ đấy, còn Bác là đầy tớ của dân mà chú lại coi Bác là vua hay sao. Ngày xưa của ngon vật lạ mới tiến vua, bây giờ dù chỉ là con cá chép mà đem từ xa như thế đến cho Bác thì có coi Bác là vua không". Bác không đồng ý, Bác khéo léo phê bình và giải thích: "Con cá này của cụ già để cụ dùng làm cơm cho con cháu trong nhà ăn cho vui, mời bà con hàng xóm thì càng tốt. Có lòng với Bác thì Bác cám ơn chứ Bác không nhận đâu.Bây giờ trời thì nắng, đường xa Bác mời cụ và các chú nghỉ ngơi uống nước rồi về để Bác làm việc và lần sau rút kinh nghiệm đừng bao giờ như thế nữa". Phong cách dân chủ của Bác là như vậy, luôn tôn trọng dân và tránh chuyện phù phiếm, hình thức không đi đến đâu, khiến mất thì giờ, tiền của, sức người của dân.
Bác Hồ là người rất chú trọng các phép tắc và luật lệ. Bác đi bầu cử, chúng ta quen một thói quen là dạt hết cả cử tri dân chúng để Bác vào bỏ phiếu. Bác phê bình, Bác bảo "Bác đến sau để Bác chờ, để các cụ vào bỏ phiếu trước”. Thế là khi đến lượt Bác vào bỏ phiếu ta lại cứ theo Bác vào tận phòng phiếu để bảo vệ Bác, Bác bảo: Các chú đi ra để Bác bầu, hay là các chú định gợi ý cho Bác đây, phải có luật lệ chứ. Khi trúng cử với số phiếu tuyệt đối, Bác có thư cám ơn đồng bào: "Tôi thành thật cám ơn quốc dân đồng bào đã có lòng yêu mến và tín nhiệm tôi, giao cho tôi trọng trách, tôi như một người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào ra mặt trận sẽ hết lòng, hết sức để phục vụ đồng bào. Còn khi nào đồng bào bảo tôi thôi tức là nghỉ, tôi sẵn sàng lui. Tôi sẽ làm một ngôi nhà nhỏ bên bờ suối sớm ngày trồng hoa câu cá, ngâm thơ, vui chơi với các cháu nhỏ và bạn già. Tuyệt đối tôi không màng danh lợi, tôi ở ngoài vòng danh lợi. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Năm 1946, Bác sang Pháp đàm phán dài ngày với Chính phủ Pháp nhằm cứu vãn nền hòa bình mong manh đang đổ vỡ của Việt Nam. Trong một cuộc họp báo rất đông khách ở Pari, có một người hỏi Bác một câu đầy khiêu khích: "Thưa cụ Chủ tịch, cụ có đúng là một người cộng sản không?". Bác biết ý của người hỏi Cộng sản theo nghĩa xấu, nên không trả lời. Bác nhìn thoáng trên bàn thấy có một lẵng hoa hồng, Bác đến tận nơi rút từng bông hồng một tặng cho tất cả mọi người, sau đó Bác nói "Tôi đúng là một người cộng sản, nhưng là cộng sản như thế này đây" (tức là cộng sản yêu hoa, yêu hòa bình, yêu con trẻ, vì nhân dân và nhân loại chứ không phải cộng sản theo ác ý của các ngài đâu). Chuyện Bác đi Pháp, lúc đi, lúc trở về bao giờ họ cũng bố trí duyệt binh hải lục không quân mật, quân nghi phục và nghi lễ gươm súng tuốt trần, đứng thành hình vuông để chào Bác, để tiễn Bác và chụp ảnh kỷ niệm. Người Pháp bố trí để Bác đứng giữa, hải lục không quân đứng xung quanh hình vuông. Trước khi chụp ảnh một người hỏi khiêu khích: "Thưa Chủ tịch, trong những giờ phút như thế này Chủ tịch có cảm giác mình đang bị bao vây không"?. Bác trả lời: "Các ngài nhầm to. Tôi đứng giữa, tôi mới là tấm ảnh, các ngài đứng hình vuông xung quanh chỉ là cái khung ảnh cho tôi thôi. May mà nhờ có tấm ảnh nên cái khung ảnh kia mới có một chút ít giá trị, chứ không là đồ bỏ đi".
Khi Bác phong hàm đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và một loạt tướng tá khác để chuẩn bị tổng tiến công, phóng viên tư sản tới tấp phỏng vấn Bác những câu hỏi đầy trừu tượng: "Trước hết xin chúc mừng Chủ tịch từ nay có rất nhiều tướng tá, bây giờ xin hỏi Chủ tịch một câu: Nguyên tắc phong tướng của Chủ tịch là gì? (có ý chê bai chúng ta là chiến tranh du kích toàn súng trường với lựu đạn mà cũng tướng với tá) thì Bác trả lời rất ung dung: "Nguyên tắc của tôi dĩ nhiên là có và rất đơn giản thắng cấp nào tôi phong cấp đó, có thế thôi" (tức là tôi trên tài anh, tôi khiêm tốn như thế mà ông Giáp tôi phải phong hai ba lần Đại tướng tôi phong có một lần thôi). Qua đây chúng ta hiểu mưu lược trí tuệ của Hồ Chí Minh là như vậy.
Một nhà báo cộng sản Pháp hỏi Bác: "Thưa Chủ tịch, trong cuộc đời của Chủ tịch đâu là điều hệ trọng nhất", Bác trả lời là: "Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho dân tộc tôi, hạnh phúc cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu". Một nữ nhà báo cộng sản Cuba cũng phỏng vấn Bác một câu về cuộc đời riêng: "Thưa Chủ tịch, trong cuộc đời của Chủ tịch đâu là điều Chủ tịch cho là quan trọng nhất, chính yếu nhất", Bác trả lời: "Tôi tự nguyện dâng hiến đời tôi cho dân tộc tôi, cho nhân dân tôi và cho cả nhân loại nữa". Một câu thôi mà thâu tóm được tất cả sự nghiệp, cuộc đời Hồ Chí Minh - tận trung với nước, tận hiếu với dân, tận hiến cho nhân loại.
Năm 1945, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở trong quê Bác ai cũng cảm thấy giọng đọc Tuyên ngôn Độc lập trầm ấm và ngân vang như vậy nhất định là giọng của Nguyễn Tất Thành, nhưng nhìn ảnh thì không ai tin được, cứ bán tín, bán nghi không biết có đúng là Nguyễn Tất Thành làng Sen không. Thế là ở quê quyết định cử người ra Hà Nội mà người cử là bà Thanh chị gái của Bác, nếu đúng là Nguyễn Tất Thành thì là dịp để chị em gặp nhau, còn nếu không phải như vậy cũng là người dân xứ Nghệ ra thăm vị Chủ tịch nước Việt Nam mới, như thế vẹn cả đôi đường. Bà Thanh lặn lội từ trong quê ra Hà Nội lại đúng ngày Bác tiếp khách Quốc tế. Cảnh vệ vào báo tin cho Bác là có người ở trong quê ra, nói là người nhà của Bác. Bác rất ngạc nhiên, 30 năm đi xa tìm đường cứu nước, chưa một lần về thăm quê bây giờ lại có người trong quê ra không biết là ai, Bác bảo tả cho Bác xem người như thế nào "Thưa Bác, một người phụ nữ gương mặt rất phúc hậu, tay thì cầm một nải chuối, tay thì cầm một đôi vịt", mới nói một vài câu đầu Bác đã khóc: "Chị gái của Bác rồi, chú ra đón chị vào đây cho Bác. Tiếp khách quốc tế xong Bác sẽ đi tìm chị, đi thăm chị". Bác đi tìm chị không phải vị Chủ tịch nước gặp dân đâu mà em trai gặp chị gái. Hai chị em ôm chầm lấy nhau mà khóc. Bà Thanh hỏi Bác: "Việc riêng của cậu đến đâu rồi" (ý hỏi Bác về việc gia đình vợ con). Bác lại khóc, Bác bảo: "Không còn thời gian nữa, muộn mất rồi. Bây giờ em chỉ còn một việc thôi lo cho dân, cho nước". Bác giữ chị ở chơi một vài ngày cho đỡ nhớ mà bà Thanh nhất định xin về, để báo kịp cho dân làng biết Nguyễn Tất Thành đúng là Chủ tịch Nước.
Ông cả Khiêm (tức là Nguyễn Tất Đạt - anh trai của Bác) lại ra thăm Bác, hỏi Bác một câu hệt như bà Thanh: "Anh đã vậy, liệu chú cũng định ở vậy sao?". Bác không khóc nữa, Bác đứng lên đặt tay vào vai anh và ngâm cho anh nghe một câu Kiều "Đã tu tu chót, qua thì thì thôi". Toàn tâm, toàn ý vì dân, gạt cả việc riêng mặc dù Bác vẫn là một con người, chúng ta càng hiểu thêm phần nhân văn của Bác./.
Theo Baophutho.vn
Kim Yến (st)