Hệ thống Trợ năng

Thứ sáu, 24/01/2025

Trong đổi mới tư duy và hoạt động của lãnh đạo, có đổi mới phương pháp công tác và tác phong lãnh đạo. Bác Hồ của chúng ta là một điển hình về tác phong lãnh đạo gần gũi với đời sống của người dân, thân tình với mọi tầng lớp xã hội: Bác lội xuống ruộng cùng nông dân xem từng gié lúa, Bác tát nước chống hạn, Bác ngồi bên bờ ruộng cùng nông dân, ngồi bên cỗ máy với công nhân, trên bãi biển cùng các lão ông ngư dân…

Tacphonglanhdao

Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Đông (12-1-1958) - Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc vai trò to lớn của đạo đức trong đời sống xã hội, nhất là trong nhân cách, tác phong, lối sống của cán bộ, đảng viên. Bằng chính tấm gương của mình và bằng rất nhiều bài nói và viết, Người đã đặt nền móng xây dựng nền đạo đức cách mạng. Tại buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu (Khoá I, ngày 18/1/1949), Người căn dặn cán bộ, đảng viên: Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết của mình trước tiên. Tính nết mà Bác nói, có tác phong, lối sống. Bằng cả cuộc đời, Người nêu gương mẫu mực về đạo đức cách mạng vì nước, vì dân. Người chỉ rõ: Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Người căn dặn cán bộ: Tu dưỡng, rèn luyện, sửa đổi tính nết của mình phải thông qua hoạt động thực tiễn, bền bỉ mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Tác phong lãnh đạo luôn gắn với uy tín, tình cảm của lãnh đạo đối với đồng cấp, thuộc quyền, với quần chúng và cả khi hoạt động, giao lưu đối ngoại. Tác phong được thể hiện từ quan điểm sống, từ lối sống giản dị, lành mạnh, biết tôn trọng con người, không phân biệt thấp, cao, sang, hèn. Trong các hội nghị, tiếp xúc cử tri, gặp gỡ, đối thoại với nhân dân tác phong quan cách, quan trọng hóa chức vụ, vị thế đã vô hình trung tạo ra khoảng cách giữa cấp trên với cấp dưới, giữa lãnh đạo với người dân. Đã có khoảng cách thì trong lượng lời nói và sức thuyết phục chắc chắn bị giảm trước cử tọa, trước dân chúng. Có thể nêu một số tác phong lãnh đạo sau:
Lãnh đạo theo lối “mệnh lệnh”: Là đòi hỏi cấp dưới tuân thủ chấp hành (có khi là ngay tức khắc) mệnh lệnh một cách cứng nhắc, là “mệnh lệnh hóa”, không cho người được giao nhiệm vụ có ý kiến đề xuất, kiến nghị, lệnh là phải làm ngay (điều này ngoại trừ những mệnh lệnh cần thiết của người chỉ huy trong lực lượng vũ trang). Tác phong này có khi được việc nhanh, hiệu quả tức thì, nhưng nhiều khi tai hại vì thiếu dân chủ, nảy sinh lối độc đoán, chuyên quyền. Có khi kết quả thực thi nhiệm vụ không được như mong muốn hoặc ngược lại với ý định lãnh đạo.
Lãnh đạo theo lối “quyết đoán”: Thể hiện tác phong nhanh, dứt điểm. Đa số những người lãnh đạo có tác phong này đều thể hiện năng lực một cách tự chủ, coi trọng nội lực, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Biết tự tin, hiểu cấp dưới, tác nhân trực tiếp của thay đổi lớn. Họ có khả năng nhìn nhận và sử dụng thuộc cấp, huy động được cấp dưới xoay quanh một định hướng chiến lược, có tác dụng làm gương và thu hút sự chú tâm làm nhiệm vụ của cấp dưới. Khi quyết đoán càng hiệu quả thì uy tín của người quyết đoán càng lớn. Tác phong lãnh đạo này thường rất hữu hiệu cho đổi mới, cần một mục tiêu lớn và rõ ràng.
Lãnh đạo theo lối “tình cảm hài hòa”: Tạo ra sự hài hòa cho cấp dưới. Tác phong này thường theo phương pháp nhuần nhị, khéo léo, tỏ ra biết tôn trọng mọi người, “lạt mềm buộc chặt”, lo cho nhân viên trước. Vì thế, họ tạo được trong cơ quan, đơn vị sự thông cảm lớn, không khí cởi mở. Chính vì thế, đoàn kết nội bộ chặt chẽ, rất hữu hiệu trong việc xây dựng một tinh thần gắn bó, động viên trong những lúc khó khăn.
Lãnh đạo theo lối “dân chủ - đồng lòng”: Tác phong này thường là rất được lòng tập thể, cộng đồng, tạo dựng được sự đồng lòng thông qua sự tham gia tích cực của cấp dưới. Người lãnh đạo phát huy dân chủ, luôn luôn thực hành dân chủ rộng rãi. Có việc gì hệ trọng thường hỏi ý kiến: “Mọi người nghĩ thế nào?” trước khi quyết định. Tác phong này thường hội tụ được sức mạnh tổng hợp, tận dụng được thế mạnh hợp lực, hợp tác với cấp dưới, dựa vào sự trao đổi. Vì thế, rất hữu hiệu để cấp dưới mạnh dạn hợp tác tích cực.
Lãnh đạo theo lối “kích động”: Đây là tác phong thể hiện sự gương mẫu và coi trọng xây dựng nhân vật điển hình, tập thể, bộ phận điển hình, làm mẫu để áp dụng cho toàn diện. Người lãnh đạo với tác phong này cũng quyết đoán, ấn định những tiêu chí thành công cao bằng sự tự tin. Tác phong này luôn luôn mang tính chỉ dẫn, khuyến khích: “Hãy làm như tôi, hãy làm như họ”. Người lãnh đạo này thường có ý thức, ham muốn thực hiện, nảy sinh và phát huy được những sáng kiến.
Lãnh đạo theo lối “huấn luyện viên”: Đây là tác phong xây dựng một đội ngũ thuộc quyền có năng lực và tinh thần trách nhiệm “đều tay”. Nó góp phần không nhỏ xây dựng đội ngũ kế cận có năng lực và phát triển nhân tài cho tương lai. Tác phong lãnh đạo theo những phương pháp này rất thuận lợi cho sự phát triển năng lực cấp dưới, cảm thông và ý thức rõ về vai trò lãnh đạo của mình. Rất hữu hiệu để hướng tới tương lai, đội ngũ lãnh đạo kế thừa có chất lượng.
Lãnh đạo theo lối “quan liêu, quan cách, thiếu trách nhiệm”: Đây là tác phong lãnh đạo kém hiệu quả nhất. Nhiều khi do nặng giải quyết “khâu oai”, cá nhân chủ nghĩa, mất dân chủ, không tập hợp được ý kiến, sức mạnh tập thể, dễ mắc khuyết điểm, sai lầm. Tác phong này cũng dễ bị cấp dưới lợi dụng, xu nịnh, làm xao nhãng chức trách. Người lãnh đạo có tác phong này thường cho mình là năng lực giỏi nhất, luôn áp đặt, hoặc khoán trắng cho cấp dưới, chung chung. Lo thu vén cá nhân, ít quan tâm đến người khác. Công việc ở những cơ quan, đơn vị như vậy thường bị trì trệ, hiệu quả thấp, bằng mặt mà không bằng lòng, mất đoàn kết nội bộ.
Tác phong, phương pháp, phong cách hay thuật lãnh đạo đều có nét chung là sự thể hiện rõ nét trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đạo đức, nhân cách, cá tình của người lãnh đạo. Tác phong càng giản dị, tự nhiên, biết tôn trọng và gần gũi mọi người, có đầu óc cầu tiến, coi trọng chí tiến thủ thì người lãnh đạo càng được quần chúng tin yêu, cảm phục, uy tín càng sâu rộng. Tác phong lãnh đạo có tác dụng rất lớn đến sự phát triển của “văn hoá lãnh đạo”, đem lại những hiệu quả tùy mức độ khác nhau trong công tác đổi mới tư duy, hành động, đổi mới phương pháp công tác của cán bộ lãnh đạo các cấp.
Theo Bùi Văn Bồng/ Tạp chí Xây dựng Đảng
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: