Đảo Trường Sa Lớn được mệnh danh là thủ đô của các quần đảo thuộc hệ thống quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Đây được coi là một xã hội thu nhỏ với cơ quan chính quyền, nhân dân cùng nhau sinh sống. Như ngàn đời xưa, ở đâu có người Việt sinh sống thì ở đó có tiếng chuông chùa và nhiều công trình văn hóa phục vụ cho đời sống tâm linh.

 Nhắc đến thiết chế văn hóa mà cụ thể là những công trình văn hóa tâm linh trên đảo Trường Sa Lớn phải nói đến Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm liệt sĩ. Đây là hai công trình kiến trúc lớn mang giá trị văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

nha-tuong-niem-bac-ho-130125
Quang cảnh Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: T.DIỆU

Khi con tàu HQ571 thuộc Vùng 4 Hải quân (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) vận chuyển hàng tết và làm nhiệm vụ thay quân trên quần đảo, cập cảng đảo Trường Sa Lớn, Đoàn phóng viên chúng tôi cảm thấy ngỡ ngàng về sự bề thế của các công trình văn hóa tâm linh trên đảo. Ai cũng chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng thắp nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cả lữ đoàn cùng quân dân trên đảo thực hiện một chuyến hành hương qua các công trình văn hóa tâm linh.

 Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được trùng tu vào năm 2010 do Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đóng góp kinh phí xây dựng. Công trình văn hóa này tọa lạc về hướng tây nam đảo Trường Sa Lớn và chính điện quay hẳn về hướng đông. Nhà tưởng niệm được xây theo phong cách truyền thống với mái ngói cong có biểu vật trang trí hình con sóng biển cách điệu. Tượng Bác Hồ được đặt trang trọng giữa gian chính thất của nhà tưởng niệm. Chuông u minh, trống, các biểu vật rùa đội hạt… được làm vật trang trí, tạo không khí trang nhã mang màu sắc thiền khi quan sát. Trong không gian của nhà tưởng niệm có đặt 8 tủ kính trưng bày 64 bức hình và lưu bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời niên thiếu, quê hương, gia đình quá trình hoạt động cách mạng của Người... Tại gian trưng bày Bác Hồ với bộ đội hải quân có lưu lại những hình ảnh quý giá của Người được bộ đội hải quân tặng bông hoa san hô, Bác Hồ đội mũ hải quân, Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Lương Bằng…

Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Phó Lữ đoàn trưởng quân sự, Trưởng đoàn công tác phía Nam trịnh trọng nói: “Kính thưa Bác! Hiện nay, Đoàn chúng con đã tới đảo Trường Sa Lớn làm nhiệm vụ thay quân, chúc Tết cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa Lớn. Các thành viên trong đoàn nghiêng mình kính cẩn thăm Bác, thắp hương tưởng nhớ đến Người. Kính thưa Bác! Bác thương, phù hộ đoàn công tác chúng con đi một chặng hải trình dài, thay quân, chúc tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân quần đảo Trường Sa được an lành. Kính Bác nén hương bày tỏ lòng thành!”. Lời nguyện cầu của thượng tá Nguyễn Hồng Quân cũng chính là nguyện ước của hầu hết thành viên trong Đoàn. Đoàn dâng hương tưởng niệm thành tâm tiến về Đài tưởng niệm liệt sĩ.

nha-tuong-niem-bac-ho
Cán bộ chiến sĩ thắp hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm liệt sĩ - Ảnh: T.DIỆU

Đài tưởng niệm liệt sĩ là công trình tâm linh do ông Hoàng Văn Sáu, Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông (tỉnh Bình Phước) phác nguyện và xây dựng. Nhà tưởng niệm liệt sĩ cũng tọa lạc về hướng tây nam của đảo Trường Sa Lớn. Cổng đài tưởng niệm quay về hướng đông. Công trình tâm linh này có kinh phí gần 10 tỉ đồng, rộng 670m2, tượng đài cao gần 13m.

 Nguyễn Hồng Cường, thành viên trong Đoàn công tác, nói: “Tôi thắp hương cầu mong các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì biển trời thiêng liêng của Tổ quốc được an nghỉ nơi chín suối. Nguyện cầu các anh phù hộ cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa luôn vững tâm, nắm chắc tay súng canh giữ biển, đảo Tổ quốc”.

 Hằng ngày có một người dân miệt mài quét lá, lau bàn thờ để không gian nơi đây được sạch sẽ và trang trọng. Anh là Nguyễn Văn Trung. Anh nói: “Truyền thống đạo lý của người Việt Nam là “Uống nước nhớ nguồn”. Hằng ngày, tôi đều đến Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm liệt sĩ để quét lá và lau dọn các công trình văn hóa tâm linh này. Khi các công trình văn hóa tâm linh được sạch sẽ, tôn lên vẻ trang trọng tôi cảm thấy tự hào vì bản thân đã góp phần vào công cuộc giữ gìn công trình văn hóa tâm linh được mọi người tôn kính như là một cách bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của người Việt Nam”.

 Cùng là người Phú Yên gặp nhau trên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi tay bắt mặt mừng như quen nhau từ lâu sau khi thắp hương khấn vái. Anh là Võ Thế Phúc Trân, ở phường 8, TP Tuy Hòa tại ngũ trên đảo hơn 1 năm. Anh Trân nói: “Lính đảo ở đây thường xuyên đi thắp hương ở các công trình văn hóa tâm linh, đặc biệt là vào những ngày lễ, Tết. Chính trị viên đảo cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiến sĩ đã hy sinh, cầu an lành, bình yên cho gia đình, người thân và lính đảo”.

 Theo thượng tá Phạm Quang Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn, Chủ tịch HĐND thị trấn Trường Sa Lớn, trong nhà mỗi người dân trên đảo đều có di ảnh Bác Hồ, bởi nhân dân đã nhìn thấy và trân trọng công lao của Người đối với sự nghiệp giải phóng vẻ vang và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc từ buổi chìm trong đêm đen nô lệ đến lúc thoát khỏi ách đô hộ. Chính vì thế, nói đến thiết chế văn hóa trên đảo Trường Sa Lớn thì Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm liệt sĩ đóng vai trò rất lớn; là nơi để cán bộ, chiến sĩ gửi gắm tình cảm với các vị anh hùng đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo, để lớp lớp cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn noi theo.

 Trong tủ kính trưng bày tranh và lưu bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lính đảo, Người có nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”./.

Tuyết Diệu
Theo Báo Phú Yên
Minh Thu (st)

Bài viết khác: