Trong hệ thống những quan điểm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vai trò của biển đảo và việc bảo vệ khai thác nguồn lợi từ biển phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Từ năm 1910, khi Bác Hồ dạy học ở trường Dục Thanh (nơi có bãi biển Thương Chánh) đã giúp Người có nhiều cảm xúc sâu xa: Biển của ta giàu đẹp nhưng tại sao dân ta phải chịu cảnh lầm than cơ cực? Người Pháp ca ngợi nước Pháp là tự do, bình đẳng bác ái và đem cái gọi là tự do, bình đẳng bác ái ấy đến “khai phá văn minh cho nước Việt”, nhưng đằng sau những lời hoa mỹ ấy của người Pháp và phương Tây là gì? Người suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định ra nước ngoài bằng đường biển trên chính chiếc tàu buôn của Pháp với hai bàn tay trắng. Có lẽ với Bác, đường biển lúc bấy giờ là con đường ngắn nhất để đến với “thế giới văn minh”. Qua 30 năm rời xa Tổ quốc trên nhiều con tàu đến với nhiều đại dương, nhiều châu lục khác nhau trên thế giới đã giúp Người khẳng định biển và đại dương gắn liền với sự phát triển của văn minh nhân loại.
Với lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chí Minh đã tìm được con đường cứu nước từ chủ nghĩa Mác - Lênin; khi trở về Người xây dựng được Đảng của giai cấp công nhân; xây dựng được lực lượng vũ trang và các lực lượng cách mạng; Người tiến hành chỉ đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; lập ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm gian khổ, do thấy được địa thế quan trọng của sông biển, Người chỉ đạo thành lập cơ quan Hải quân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam với tên gọi lúc bấy giờ là Quân đội quốc gia Việt Nam. Xây dựng các lực lượng tác chiến để chủ động tiến công địch trên các chiến trường sông biển từ Hòn Gai đến Hà Tiên. Người giao nhiệm vụ cho một bộ phận dùng tàu gỗ chở vũ khí đến tận Bến Tre để phục vụ đoàn quân Nam tiến.
Sau hòa bình 1954, khi cả nước tiến hành thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc khai thác, bảo vệ vùng biển, coi đó là nhiệm vụ rất quan trọng và chỉ đạo xây dựng lực lượng chuyên trách để bảo vệ vùng biển mới được giải phóng từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17. Ngày 07/5/1955 Người chỉ đạo thành lập Cục phòng thủ bờ bể, tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay. Ngày 31/3/1959 khi về thăm làng cá Cát Bà, Người dạy: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Tư tưởng của Người là phải làm chủ tiềm năng của biển, bảo vệ biển và khai thác các nguồn lợi từ biển để phục vụ cho sự phát triển đất nước và đời sống của nhân dân. Để tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là động lực thúc đẩy, là ý chí và hành động trong quá trình khai thác các nguồn lợi từ biển, ngày 04/01 hàng năm trở thành ngày truyền thống nghề cá của ngành Thủy sản Việt Nam.
Năm 1961, khi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ hải quân, Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời căn dặn của Bác với các chiến sĩ hải quân ngày ấy ẩn chứa sâu xa luận điểm của Người, là sự khái quát rất ngắn gọn và dễ hiểu về lịch sử truyền thống về Tổ quốc, về tiềm năng của biển nước ta và trách nhiệm của mọi thế hệ người Việt Nam phải biết khai thác, quản lý và bảo vệ biển.
Bác Hồ trong một chuyến đến thăm cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam
trên đảo Vạn Hoa - 1962
Sau ngày hòa bình được lập lại trên toàn cõi Đông Dương nhưng đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam lại ra sức phá hoại Hiệp định Genève, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng hải quân: “Phải trên cơ sở học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, đồng thời biết kế thừa và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng như truyền thống đánh giặc của ông cha ta”. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Người, các lực lượng vũ trang trên biển có nhiều cách đánh thông minh, sáng tạo. Tiêu biểu nhất là các chiến dịch: Tiểu phỉ trên quần đảo Đông Bắc, tiến công đuổi tàu khu trục Ma Đốc của Hạm đội 7 Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta ngày 02/8/1964; đánh thắng trận đầu vào ngày 05/8/1964 khi đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc; đánh thắng chiến dịch phong tỏa bằng thủy lôi vào ven biển và các cửa sông, góp phần đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đối với miền Bắc.
Trên chiến trường miền Nam, chỉ riêng ở Quảng Trị trong 7 năm (1966 - 1973), đặc công hải quân tổ chức đánh trên 300 trận, đánh chìm 339 tàu thuyền của Mỹ - Ngụy, phá hủy hàng ngàn tấn phương tiện chiến tranh. Đặc biệt là năm 1961, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 125 với mật danh “Đoàn tàu không số” được xây dựng để mở đường chiến lược trên biển, được anh em gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông” để vận chuyển, chi viện cho miền Nam. Chỉ 15 năm (từ 1961 đến 1975), “Đoàn tàu không số” đã cùng với các lực lượng hải quân đưa hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và phương tiện vũ khí tiến đánh, giải phóng các đảo và quần đảo Trường Sa, góp phần giành thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Với sứ mệnh lịch sử và hiệu quả to lớn như thế, đường Hồ Chí Minh trên biển Đông trở thành huyền thoại, là nét độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trên chiến trường sông biển, làm sáng ngời chân lý nhận thức về biển đảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vài dẫn chứng trên để cho ta thấy, biển nước ta từ xưa tới nay luôn đóng vai trò to lớn, là không gian chiến lược quan trọng đối với quốc phòng và an ninh quốc gia mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm. Ngày nay trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng ta có Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định mục tiêu phấn đấu “đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo”.
Trong tình hình hiện nay, mỗi người chúng ta cần quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về biển đảo, bởi đây là một nội dung quan trọng; việc tiến ra biển, làm chủ biển, bảo vệ và khai thác nguồn lợi từ biển đang là cơ hội, đồng thời là thách thức lớn đối với cả dân tộc./.
Thượng tá NGUYỄN VĂN DỤ
(Chủ tịch Hội CCB P22)
Kim Yến (st)