Trở về Tổ quốc và được đến Trường Sa luôn là mong ước cháy bỏng của mỗi kiều bào đang sống xa quê hương. Vì thế, chuyến công tác số 6 tới Trường Sa mà Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, và Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, đã đáp ứng được phần nào mong ước của đại diện hàng triệu kiều bào đang sống ở khắp nơi trên thế giới. Trên con tàu HQ 571, 46 kiều bào đại diện đã tới Trường Sa với một nhiệm vụ “không hề nhỏ”, đó là tận mắt chứng kiến vẻ đẹp hùng vĩ của biển đảo quê hương, để khi trở về mang theo một thông điệp “Trường Sa, Hoàng Sa vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam”.

Kỳ I - Trường Sa không xa

Sau hải trình dài 10 ngày trên Biển Đông, hình ảnh một Trường Sa hùng vĩ khiến những kiều bào lần đầu tiên ra đảo không khỏi ngỡ ngàng. Đầu tiên là háo hức, tò mò rồi chuyển sang ngạc nhiên, khâm phục, đó là cảm nhận chung của các đại biểu kiều bào trong đoàn.

Cái không khí háo hức đó được chính ông Đặng Thế Sáng, kiều bào Đức "thắp" lên thành những “ngọn lửa” nhiệt huyết ngay trước cầu cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). Với sự bắt nhịp của ông Sáng, một nhóm kiều bào nắm tay, cùng hô to: “Trường Sa! Hoàng Sa!” nhiều lần. Một tinh thần đại đoàn kết hiếm thấy ngay trước khi con tàu HQ 571 nhổ neo.

truong-sa-mau-thit-a
Đoàn đại biểu kiều bào chụp ảnh lưu niệm tại đảo Sơn Ca

Trong suy nghĩ của nhiều kiều bào, Trường Sa là một quần đảo với những hòn đảo nhỏ, có những trạm gác nhỏ, không cây cối và cuộc sống của các chiến sĩ rất thiếu thốn. Thế nhưng, Trường Sa quả là khác xa so với suy nghĩ của họ. Trường Sa khoác trên mình màu xanh của lá với những cây bàng quả vuông, bàng ta, cây tra, được trồng ở khắp nơi. Trường Sa có những mái nhà đầy ắp tiếng cười, tiếng hát trẻ thơ, và cả những ngôi chùa bình an, tĩnh tại giữa mênh mông biển trời.

Ngày nay, các đảo đều có điện sinh hoạt nhờ hệ thống pin mặt trời và năng lượng gió, được phủ sóng điện thoại, ti-vi, internet, đưa Trường Sa gần với đất liền hơn. Bởi thế, chiến sĩ nơi đảo xa cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Ông Nguyễn Sỹ Tuyên, kiều bào ở U-crai-na, chia sẻ: “Trước đây, tôi nghĩ các hòn đảo ở Trường Sa hoang sơ, thiếu thốn đủ bề. Nhưng thực tế khác quá. Ở Trường Sa đầy ắp cây xanh, cả chiến sĩ và nhân dân đều yên tâm và quyết tâm bảo vệ mảnh đất của Tổ quốc”. Suy nghĩ của ông Tuyên cũng là cảm nghĩ chung của nhiều kiều bào khi ra thăm Trường Sa lần này.

Ngập tràn cung bậc cảm xúc

Đây là lần thứ ba Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chương trình đưa đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa. Song, khác với hai lần trước, thành phần đoàn rất đa dạng. Thế nhưng, trong suốt hành trình chuyến đi không có một chút phân biệt họ là ai, dù giàu hay nghèo, dù yêu nước hay còn có tư tưởng cực đoan... Tất cả đều hướng về Trường Sa, quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là phần máu thịt không thể tách rời đối với họ.

Ông David Nguyễn, kiều bào ở Mỹ, chia sẻ: “Tôi không thể tin rằng mình đang đứng trên Biển Đông. Trước chuyến đi, nhiều người ở Mỹ nói với tôi rằng: Biển Đông không có an lành đâu, đừng về đó. Nhưng tôi vẫn quyết đi và tôi đang đứng nơi đây, vô cùng hãnh diện và hạnh phúc”.

Bà Phùng Tuệ Châu (kiều bào ở Mỹ), cảm động không cầm được nước mắt, chia sẻ: “Khi còn ở Mỹ, tôi nghĩ không thể nào tôi có thể được đến với Trường Sa bởi vì nghe người ta nói đi rất khó khăn với lại tuổi tôi cũng cao. Nhưng tôi đã quyết tâm đi đến tận nơi hải đảo để tận mắt chứng kiến chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Được sự ủng hộ của hồn thiêng sông núi, giờ đây tôi đã có mặt ở Trường Sa. Một điều thật kỳ diệu”.

truong-sa-mau-thit-b
Đại tá Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, tặng quà các chiến sĩ trên đảo Sơn Ca

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Thuật, kiều bào ở Đan Mạch, năm nay đã 74 tuổi, nhưng đã hai lần được đặt chân tới quần đảo Trường Sa. Tự hào về các thế hệ cha ông đi trước đã mở mang bờ cõi để Việt Nam có một vùng biển dài và tươi đẹp, ông Thuật khẳng định: “Một tấc đất, một tấc biển của ông cha để lại, không thể để cho người ngoại quốc kiểm soát!”.

Là một người trẻ trong đoàn kiều bào, nhưng chị Trần Khánh Vân, đại diện duy nhất của cộng đồng người Việt Nam tại Xin-ga-po, lại là người để lại nhiều ấn tượng sâu đậm. Hình ảnh chị cầm chiếc quạt giấy quạt cho chiến sĩ đang đứng gác cột mốc chủ quyền khiến nhiều người cảm động. Chị chia sẻ, lần đầu tiên tới Trường Sa, được ngắm nhìn những gương mặt chiến sĩ tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, lạc quan, dũng cảm và gan dạ, những người dân đảo thân tình, hiếu khách, những công trình kiên cố, vững chãi,... là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời chị.

Thông điệp sau chuyến thăm

Được tận mắt chứng kiến một sự thực không bao giờ thay đổi là “Trường Sa vẫn thuộc chủ quyền Việt Nam”, nhiều kiều bào cho biết, sau chuyến đi này, họ sẽ về kể lại “những điều mắt thấy, tai nghe” với người thân, bạn bè và những người còn chưa hiểu về quê hương Việt Nam.

Ông David Nguyễn, một người từng chống Việt Nam nổi tiếng ở Mỹ trước đây, chia sẻ: “Tôi biết rằng sau chuyến đi này, khi trở về Mỹ, tôi sẽ gặp nhiều sức ép từ những thành phần cực đoan luôn có cái nhìn không thiện cảm đối với Việt Nam. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định một điều rằng, không ai có thể ngăn cản tôi yêu quê hương đất nước. Đó là lý do vì sao tôi trở về Việt Nam để được đặt chân lên Trường Sa. Trước đây, tôi đã sai nhưng giờ tôi đã thay đổi. Tôi sẵn sàng đứng cùng hàng ngũ với các cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ biển trời quê hương tôi. Chính nghĩa lúc nào cũng là ngọn hải đăng soi đường. Khi về Mỹ tôi sẽ chia sẻ tất cả những gì tôi đã chứng kiến để phản bác lại những quan điểm sai trái về Biển Đông. Tôi kêu gọi những người bất đồng chính kiến hãy trở về quê hương để chứng kiến sự thật chứ đừng tuyên truyền sai trái nhằm bôi nhọ Tổ quốc của chính mình”.

truong-sa-mau-thit-c
Ông Đặng Thế Sáng, kiều bào ở Đức, cùng thành viên trong đoàn công tác hô vang: “Trường Sa! Hoàng Sa!” nhiều lần trước khi tàu rời bến

Đồng tình với ông David Nguyễn, anh Trần Quốc Dũng, kiều bào ở Mỹ, cho hay sau chuyến đi này, ông sẽ đem một “thông điệp Trường Sa” tới bà con người Việt nơi ông đang sống là Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

“Qua chuyến đi này, tôi cũng mong muốn nhắn gửi tới bạn bè và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là hãy về thăm quê hương, thăm Trường Sa để có thể thấy quê hương mình đẹp bao la, tình cảm con người chan chứa, thân thương như thế nào. Bản thân tôi sẽ cố gắng chung tay cùng cộng đồng người Việt Nam tại Xin-ga-po cùng giữ gìn truyền thống, ngôn ngữ, quảng bá văn hoá dân tôc, cùng hướng về đất nước, để chia sẻ, đóng góp trong khả năng của mình”, chị Trần Khánh Vân từ Xin-ga-po chia sẻ./.

Bài và ảnh: LINH OANH

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: