Hiếu với dân (luôn đi cùng với Trung với nước) là hạt nhân cơ bản nhất của Ðạo hiếu Hồ Chí Minh. Khái niệm “Gia đình” trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã vượt khỏi giới hạn của một cái nhà (gia), một cái sân (đình) mà là đại gia đình, là khối đại đoàn kết dân tộc.
1. Trung, Hiếu là hai đức tính cơ bản của con người mà luân lý Nho giáo đòi hỏi rất nghiêm khắc. Đánh giá con người, tư tưởng, hành vi, tất thảy đều lấy Trung, Hiếu làm chuẩn mực. Trai thì trung hiếu làm đầu. Đạo Hiếu được xem là nền của đạo Trung. Có Hiếu mới có Trung. Bất Hiếu mà Trung là điều khó có thể có. Trên bình diện triết lý, đạo đức. Hiếu được coi như một giá trị đạo đức cá nhân cao quý, là gốc của nhân luân, là rường mối để xây dựng nên nhân cách con người. Kẻ bất hiếu được coi là xấu xa nhất, tội bất hiếu được xử theo luật hình và có mức án khá nặng. Dù trải qua thời gian với nhiều biến động chính trị, xã hội nhưng chữ Hiếu được duy trì như một tín điều trong tâm thức mỗi người cũng như trên phạm vi toàn xã hội. Triều đại này có thể thay thế triều đại khác, song không triều đại phong kiến nào dám bỏ hoặc thay thế chữ Hiếu.
Trước kia, những biểu hiện của chữ hiếu chủ yếu trong phạm vi gia đình, dòng tộc. Hiếu là Lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ(1). Cũng trong phạm vi gia đình, đạo Hiếu đã đi xa hơn phạm trù đạo đức. Nó còn là một phạm trù tín ngưỡng thế tục, một điều luật xã hội mà mọi người đều phải tuân thủ. Dưới tác động của đạo Hiếu được nhà nước phong kiến sử dụng như một công cụ tư tưởng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt đã được thể chế hóa và tôn giáo hóa. Những điều này ăn sâu trong tâm lý tình cảm của mỗi người dân Việt.
Cậu bé Nguyễn Sinh Cung sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học. Từ nhỏ cậu đã được truyền thụ những kiến thức cơ bản, sơ khai của luân lý Nho giáo: Hiếu ư thân / Sở đương chấp - Hiếu với người thân (là điều) phải giữ làm thói quen; Thủ hiếu đễ / Thứ kiến văn - Giữ hiếu đễ (sau mới) học tri thức (Tam tự kinh).
Quyết tâm đi tìm đường cứu nước nhưng lòng Nguyễn Tất Thành vẫn canh cánh tình thương yêu. Những tháng lương đầu tiên từ nghề phụ bếp trên tàu, Người gửi về biếu cha(2). Khi được tin anh cả Nguyễn Sinh Khiêm mất ở quê nhà, Người viết thư gửi họ Nguyễn Sinh (11-9-1950): “... xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước.”(3). Nhưng chữ Hiếu của Hồ Chí Minh đã là Đại Hiếu - Hiếu với dân. Người thể hiện đạo Hiếu của mình không chỉ với những người thân trong gia quyến, Người Hiếu với toàn thể nhân dân, Hiếu với đất nước Việt Nam còn đang đau thương dưới ách nô lệ thuộc địa.
2. Theo dòng tư tưởng Hồ Chí Minh, người cách mạng không chỉ “có hiếu với cha mẹ” mà còn phải “hiếu với dân”. Ngoài bổn phận với gia đình, người cán bộ cách mạng còn phải hoàn thành bổn phận với dân, với nước. Hồ Chí Minh đã nói khá rõ về điều này trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh Đảng Trung ương khóa 2 (3-1953):
“Có người nói: người cộng sản là vô tình, là bất hiếu. Con làm cách mạng có khi phải bỏ cả bố mẹ. Cái đó có không? Có.
Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến giày vò.
Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa.
Phải hiểu chữ hiếu của cách mạng rộng rãi như vậy.”(4)
Đó chính là khái niệm “đại hiếu” của Hồ Chí Minh. Khái niệm “Gia đình” trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã vượt khỏi giới hạn của một cái nhà (gia), một cái sân (đình) mà là đại gia đình, là cả khối đại đoàn kết dân tộc. “Người cách mạng chọn gia đình to” (là cả nước) và chữ tình, chữ hiếu của người cán bộ cách mạng phải được hiểu trong một nội hàm rộng hơn nguyên nghĩa. Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng đạo Hiếu với dân của người cán bộ cách mạng không dừng lại ở chỗ thương dân với tính chất là đối tượng cần phải dạy dỗ, ban ơn, mà là đối tượng phải phục vụ hết lòng - vì cán bộ cách mạng là nô bộc (đày tớ) của nhân dân, không phải là quan phụ mẫu (cha mẹ của dân) như thời phong kiến. Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ cách mạng phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, dân ý, lại phải thường xuyên quan tâm đến việc cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, để nhân dân hiểu được quyền và trách nhiệm của mình là người chủ đất nước, quyền thì được hưởng còn trách nhiệm thì phải làm tròn. Người cũng dạy rằng hiếu với dân thì phải làm cho dân được no ấm, hạnh phúc. Cho đến những dòng cuối cùng để lại cho chúng ta trước lúc đi xa Người vẫn căn dặn Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân...
“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.”(5) - câu nói đó của Người vừa là lời kêu gọi hành động, vừa là định hướng chính trị - đạo đức không chỉ cho mỗi chiến sĩ mà còn cho tất cả mọi người Việt Nam yêu nước và cách mạng, không phải chỉ trong cuộc đấu tranh cách mạng trước kia và hiện nay, mà còn mãi về sau.
“Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa. Phải hiểu chữ hiếu của cách mạng rộng rãi như vậy.”
Ngô Vương Anh
Theo http://www.nhandan.com.vn
Thu Hiền (st)
-----------------------------------
(1) Trung tâm từ điển học - Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2003, tr 429.
(2) Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử - Nxb CTQG, H, 2006, Tập 1, tr 45: Ngày 31-10-1911, từ Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung kỳ nhờ chuyển số tiền 15 đồng cho cha là Nguyễn Sinh Huy. Số tiền trên được ông Nguyễn Sinh Huy ký nhận ngày 9-11-1911.
(3) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, Tập 6, tr 463.
(4) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 8, Sđd, tr 99.
(5) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Sđd, tr 350.