Việt Nam cùng với các nước trong khu vực kiên trì chủ trương giữ vững quan hệ hòa bình, hợp tác và ổn định để cùng phát triển, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Dựng nước đi đôi với giữ nước
Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã khẳng định quy luật: Dựng nước luôn phải đi đôi với giữ nước. Đây là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, là quy luật tồn tại và phát triển trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Trong thế giới hiện đại, quyền độc lập dân tộc đã bao gồm quyền tự quyết, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam tiến hành trong nhiều thập niên giữa thế kỷ 20 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và vị lãnh tụ xuất sắc của mình để giành lại quyền độc lập dân tộc thiêng liêng, giải phóng nhân dân, loại bỏ ách cai trị thực dân ở Việt Nam cũng đồng thời xác lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia dân tộc Việt Nam theo những chuẩn mực của công pháp quốc tế trong một thế giới văn minh.
Khi các thế lực ngoại xâm quay lại Việt Nam với âm mưu “chia để trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định với toàn dân Việt Nam và thế giới: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không hề thay đổi”. Giữa lúc bom Mỹ trút xuống khắp dải đất Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên chân lý của thời đại trong khẩu hiệu nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
Khi cách mạng giải phóng dân tộc đã thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi giữ nước là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng; toàn đảng, toàn dân, toàn quân phải dốc sức lực cho việc giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Người căn dặn các chiến sĩ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Thực hiện lời căn dặn của Người, các chiến sĩ hải quân đã kiên cường, dũng cảm chiến đấu đánh bại cả hai cuộc chiến tranh “phá hoại và bóp nghẹt” của không quân và hải quân Mỹ (1964 - 1968 và 1972). Những chiến sĩ trên những con tàu không số của Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại đã kiên cường, dũng cảm, sáng tạo mở tuyến, vận chuyển chi viện cho miền Nam, giải phóng các đảo và quần đảo Trường Sa, góp phần giành thắng lợi trọn vẹn, thống nhất đất nước. Có một trận tuyến lòng dân đưa đón và bảo vệ những con tàu không số. Có một cuộc chiến tranh nhân dân đánh thắng một cuộc chiến tranh hiện đại đầy đủ theo đúng nghĩa trên biển Việt Nam trong những năm giữa thế kỷ 20. Những lý thuyết về chiến tranh hiện đại hôm nay vẫn chưa bỏ qua được những kinh nghiệm lịch sử này.
Cuộc sống của quân và dân ở Trường Sa đang đổi mới từng ngày. (Ảnh: Lưu Trọng Đạt)
Công việc hôm nay
Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng là biện pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Điều này cũng nằm trong chính sách đối ngoại chung của Việt Nam - được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nêu rõ - là làm bạn với các nước dân chủ.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) xác định “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó mục tiêu phấn đấu là “Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo”. Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng nêu định hướng: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta”.
Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, những nhân tố bất ổn khó lường vẫn rình rập ở Biển Đông, lúc tiềm ẩn, lúc bùng phát. Chúng ta nỗ lực xây dựng hòa bình trong cục diện quan hệ quốc tế mới với những mối quan hệ đan xen phức tạp. Việt Nam cùng với các nước trong khu vực kiên trì chủ trương giữ vững quan hệ hòa bình, hợp tác và ổn định để cùng phát triển nhưng cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình.
Nhìn từ truyền thống, mỗi khi độc lập dân tộc bị đe dọa, Tổ quốc lâm nguy, lòng dân lại kết thành những ngọn sóng mạnh mẽ nhấn chìm lũ xâm lược. Lịch sử cũng đã ghi thất bại cay đắng của những đội quân xâm lược hùng mạnh sau khi ngông cuồng, ngạo mạn: Sứ giả Sài Thung của quân Nguyên Mông nghênh ngang cưỡi ngựa vào cấm thành đòi gặp vua Trần trước khi Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để chạy về nước; Tổng đốc lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị của nhà Thanh coi dân Nam như “giặc cỏ” dễ dàng quét tan để rồi không kịp mặc áo giáp, bỏ cả quân sĩ để chạy trốn... Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hôm nay, đứng nơi đầu sóng ngọn gió là các chiến sĩ hải quân, là những lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Và còn có sức mạnh đoàn kết của hơn 90 triệu trái tim Việt Nam, tiếp sức cho họ luôn tỉnh táo cảnh giác và kiên cường trước mọi thủ đoạn, quyết tâm đánh bại mọi hành vi xâm lấn, xâm lược.
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, chiến đấu thắng lợi trước bất cứ âm mưu và hành động leo thang chiến tranh nào, năm xưa Bác Hồ đã nhấn mạnh với các chiến sĩ hải quân: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên”(1). Những lời căn dặn của Người vẫn được thế hệ các chiến sĩ trẻ hôm nay tâm niệm.
Trong bối cảnh mới, cuộc chạy đua vũ trang đang tiếp tục với những vũ khí ngày càng hiện đại, câu hỏi đặt ra là: Học thuyết quân sự Việt Nam có còn giá trị không? Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời câu hỏi này: “Chúng ta không bao giờ chủ quan khinh địch, luôn coi trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quân sự, phát triển học thuyết quân sự Việt Nam lên những bước mới. Và chúng ta có thể khẳng định ngay rằng: Học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh hoàn toàn có khả năng giữ vững nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược bất cứ từ đâu tới” (Võ Nguyên Giáp (2011) - Tổng tập - Hồi ký, tr. 1354).
Ngô Vương Anh
Theo http://www.nhandan.com.vn
Thu Hiền (st)
------------------------------
(1) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (2008), Nxb CTQG, Hà Nội, Tập 8, tr 46.