Đối thoại Shangri-La diễn ra từ ngày 30/5 đến 1/6 đã thật sự trở thành “đấu trường” ngoại giao quốc phòng, nóng bỏng với chủ đề bất ổn an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do Trung Quốc có hành động gây hấn, đe dọa dùng vũ lực tranh giành lãnh thổ trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Bắt đầu từ chiều ngày 30/5, lần lượt Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và hàng loạt các quan chức quốc phòng các nước, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, đã lên diễn đàn phát biểu phê phán, chỉ trích hành động hung hăng tranh giành chủ quyền lãnh thổ trên biển của Trung Quốc gây nên những căng thẳng và bất ổn trong khu vực.
Trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La chiều 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nêu đích danh Trung Quốc xua tàu chiến và máy bay đến các vùng biển tranh chấp và có những hành động nguy hiểm trong khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trong vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Abe cũng bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng ép để thay đổi hiện trạng khu vực thông qua tuyên bố chủ quyền sai trái. Ông Abe kêu gọi các nước liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế để tránh gây ra xung đột với các quốc gia láng giềng.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn định trong khu vực với những hành động đơn phương khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, cụ thể nhất hiện nay là việc Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây bất bình trong dư luận, gây quan ngại cho các quốc gia láng giềng.
Hành động đơn phương của Trung Quốc không chỉ phá vỡ các cơ chế hợp tác an ninh trong khu vực mà còn tạo nên tư thế đối đầu căng thẳng, đe dọa quan hệ hữu nghị giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Ông Hagel khẳng định: Mỹ không can dự vào các tranh chấp lãnh thổ giữa các nước, nhưng "nhất định phản đối bất kỳ quốc gia nào dọa nạt, cưỡng ép hay đe dọa dùng vũ lực để khẳng định các tranh chấp này".
Trung Quốc lo quan hệ Mỹ - Nhật mạnh lên sau đối thoại Shangri-La
Không chỉ Nhật Bản, Mỹ, các quan chức quốc phòng một số nước khác cũng có bài phát biểu bày tỏ mối quan ngại trước những hành động gây căng thẳng trong khu vực của Trung Quốc. Nhưng chính các phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo đã khiến Trung Quốc tức giận, điên cuồng "phản công".
Trong bài phát biểu vào chiều Chủ nhật 1/6, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung đã kịch liệt chỉ trích Mỹ "lên giọng kẻ cả, đầy giọng điệu bá quyền", chỉ trích bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản là "khiêu khích", kích động các nước chống lại Trung Quốc, cho rằng Mỹ và Nhật Bản "phối hợp khiêu khích và thách thức" Trung Quốc.
Sau Đối thoại Shangri-La, dư luận quốc tế tiếp tục phê phán Trung Quốc do những lời lẽ nảy lửa mà tướng Vương Quán Trung sử dụng trong bài phát biểu đốp chát đả kích Mỹ và Nhật Bản. Các chuyên gia từ các tổ chức nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng, Trung Quốc chỉ tự gây hại cho chính mình nếu cứ tiếp tục theo đuổi chính sách hiếu chiến, gây hấn với các nước láng giềng trong khu vực.
Dư luận chung quan ngại rằng tình hình căng thẳng tiếp tục ở mức cao một cách nguy hiểm trên các vùng Biển Đông và Hoa Đông quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với các tàu và máy bay tiếp cận cự ly gần đang ẩn chứa nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến xung đột khó tránh khỏi. Một cuộc xung đột vũ trang nếu có xảy ra sẽ không mang lại lợi ích cho ai, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của khu vực Châu Á và thế giới nói chung.
Vì vậy, tại những sự kiện, diễn đàn quốc tế như Shangri-La là những dịp rất quan trọng để các quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, tìm cách tránh đi nguy cơ tiềm ẩn đó. Đáng tiếc, Trung Quốc lại không muốn như thế.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại đối thoại Shangri-La
Đã một tháng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tình hình căng thẳng chưa có dấu hiệu thuyên giảm, mặc dù Việt Nam đã hết sức kiềm chế, liên tục khẳng định thiện chí giải quyết vấn đề một cách hòa bình thông qua mọi kênh đối thoại ngoại giao.
Điều đáng nói là, Trung Quốc không những không nhìn nhận việc làm sai trái của mình mà còn có những phát ngôn ngang ngược, sai sự thật, bất chấp sự chứng kiến tận mắt của báo chí, dư luận quốc tế. Trong khi dư luận tại Đối thoại Shangri-La đang sôi lên với hành động vô nhân đạo của Trung Quốc là đâm chìm tàu cá làm 10 ngư dân Việt Nam rơi xuống biển rồi bỏ mặc, thì tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc tiếp kiến, hội đàm với Thủ tướng Malaysia Najib Razak, lại phủ nhận việc Bắc Kinh gây căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời đổ lỗi cho các nước trong khu vực "khiêu khích" Trung Quốc, đồng thời phản đối việc đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra quốc tế. Thái độ ngang nhiên đổi trắng thay đen, chà đạp lên dư luận của Trung Quốc đang khiến cho ngày càng có nhiều nước đứng về phía Việt Nam.
Trong những ngày qua, Trung Quốc tiếp tục bao vây tàu cá, va đâm quyết liệt nhằm ngăn cản các tàu chấp pháp của Việt Nam thực thi nhiệm vụ. Thậm chí Trung Quốc còn cho máy bay chiến đấu bay quần thảo tầm thấp nhằm đe dọa, khủng bố tinh thần các tàu của Việt Nam. Đặc biệt, tối 1/6, tàu Trung Quốc đã có cú đâm va nguy hiểm làm thủng mạn tàu Cảnh sát biển 2016. Với hành động nguy hiểm này, Trung Quốc đang gia tăng khiêu khích và trông chờ Việt Nam mất bình tĩnh để gây chiến.
Sự kiên trì, nhẫn nại, kiềm chế của Việt Nam là có hạn. Nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động leo thang cẳng thẳng, tấn công đâm va các tàu chấp pháp và tàu cá của Việt Nam, thì Việt Nam có khả năng sẽ phải kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế hoặc Tòa Trọng tài Quốc tế, để buộc Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, như những gì mà các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc đã cam kết, hứa hẹn./.
Huyền Trang (st)