Ông Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời điểm tháng 5.1946, khi chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta vừa mới ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách...
Nhân kỷ niệm 124 năm Ngày sinh của Bác Hồ, Lao Động có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - về phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Bác, soi rọi vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc những ngày này.
Độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là "cái bất biến"
PV: Thưa ông, chủ quyền biển đảo của chúng ta một lần nữa đang bị xâm lấn, đe dọa. Lúc này nguyên tắc chỉ đạo và phương châm ứng xử trong hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như càng ngời sáng, đem đến niềm tin tất thắng cho dân tộc. Là nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có thể nói rõ về phương châm này của Người?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Tư tưởng của Người về “dĩ bất biến, ứng vạn biến” - nói một cách cụ thể hơn, đó là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa tính nguyên tắc, tính kiên định, tính vững chắc với tính linh hoạt, tính uyển chuyển của sách lược trong từng thời kỳ cụ thể; giữa đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng. Trung thành với nguyên tắc cũng chính là trung thành với mục tiêu, lý tưởng của dân tộc, của Đảng đã đề ra. Đó là “cái bất biến”.
Để thực hiện được cái bất biến ấy, trong những tình thế đầy hiểm nghèo, đầy gian nan thử thách, người cách mạng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, dũng cảm, sáng suốt và mưu lược để áp dụng muôn vàn “cái vạn biến” trong đường đi nước bước mà hoàn cảnh đặt ra và đòi hỏi phải giải quyết.
Bởi vậy, sách lược trong từng thời kỳ cụ thể cũng phải mềm dẻo, uyển chuyển (cái vạn biến), nhưng dù có mềm dẻo, uyển chuyển như thế nào đi chăng nữa cũng không được quên mục đích cuối cùng (cái bất biến).
PV: Trong cuộc đấu tranh chống lại hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của phía TQ hiện nay thì cụ thể “cái bất biến” là những gì và “cái vạn biến” là như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: “Cái bất biến” ở đây là độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ (lãnh thổ là bao gồm cả lãnh hải, biển đảo). Đây là quyền của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, đây là “cái bất biến”!
“Cái vạn biến” ở đây là trong ứng xử, hành động của ta (yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam) phải tỉnh táo, sáng suốt, mưu lược, kiên trì và dũng cảm. Cái vạn biến là sự kết hợp các phương sách hành động để giải quyết vấn đề, từ phương pháp ngoại giao, pháp lý, đến các ứng xử trên thực địa... Chỉ riêng trên mặt trận đấu tranh ngoại giao thì cũng có rất nhiều hình thức, phương cách... mà tùy từng thời điểm, tình chất, mức độ cụ thể để áp dụng, triển khai, đó là “cái vạn biến”.
Chúng ta là quang minh chính đại...
PV: Thưa ông, được biết từ rất sớm sau khi giành độc lập, Bác Hồ đã có những phê phán hiện tượng nước lớn “ăn hiếp” nước nhỏ, cảnh báo về các hành động xâm phạm chủ quyền…?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Ngày 2.7.1946, chỉ thời gian rất ngắn sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong chuyến thăm tới Pháp, Bác Hồ đã có bài phát biểu nói về quan hệ bang giao quốc tế, Người dẫn câu “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” để bày tỏ quan điểm rằng điều mà mình không muốn thì đừng áp đặt, đừng làm cho người khác. “Ai cũng muốn độc lập, muốn chủ quyền, muốn lợi ích dân tộc mình được bảo vệ; vậy hà cớ gì mà đi xâm phạm, áp đặt người khác” - Người nhấn mạnh. Bác cũng bày tỏ: Trong quan hệ với các nước phải thành thực, sự thành thực sẽ “san phẳng” được mọi trở ngại trong quan hệ.
Ứng xử trên tinh thần Việt Nam là đất nước có nền văn hiến
PV: Không chỉ có đường lối chỉ đạo cách mạng tài tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là lãnh tụ xử lý thành công các kinh nghiệm đúc kết của cha ông trong dựng nước và giữ nước?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Bác đã xử lý thành công đúc kết qua câu nói của Trần Hưng Đạo: “Vua - tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức và khoan sức dân”. Bác coi đây là thượng sách trong kế giữ nước. Với đúc kết của Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo”; về vấn đề này, Bác luôn chỉ đạo phải ứng xử trên tinh thần Việt Nam là đất nước có nền văn hiến.
Tháng 9.1945, khi cuộc kháng chiến Nam Bộ chỉ mới được 3 ngày, Bác đã có bài viết nêu rõ: Chúng ta là quang minh chính đại, chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không tư thù, tư oán. Nếu cần đánh thì phải đánh, nhưng chúng ta phải làm cho thế giới biết rằng, chúng ta là dân tộc văn minh.
PV: Bác Hồ được coi là chính trị gia luôn có kế sách khéo léo, mềm dẻo trong ứng xử bang giao với các nước vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Nghiên cứu sâu về Hồ Chủ tịch, ông có thể cho biết thêm về điều này?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Có điều có thể nhiều người chưa biết, Bác của chúng ta rất chú trọng và giỏi tạo dựng quan hệ thân thiện với cá nhân lãnh đạo các nước vì việc lớn của dân tộc. Nhờ có mối quan hệ cá nhân thân thiện mà nhiều việc lớn của đất nước được giải quyết nhẹ nhàng, hiệu quả... Sinh thời, Bác có quan hệ thân thiện với Stalin – nhà lãnh đạo Liên Xô khá nóng tính, Bác cũng rất thân thiện với Chủ tịch Mao Trạch Đông, các ông Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Indonesia...
Mỗi khi có chuyện gì, Bác lại sang các nước, đó không hẳn là các chuyến thăm chính thức, mà nhiều khi là chuyến đi nghỉ dưỡng, đi chữa bệnh..., nhằm tranh thủ trao đổi tạo sự ủng hộ của các vị đó, để việc lớn được suôn sẻ. Người cũng nổi tiếng là chính trị gia hết sức kiên trì, bình tĩnh, kiên nhẫn, thậm chí chịu đựng... Tất cả vì sự nghiệp lớn thành công./.
Khúc Thị Lan Hương (st)