Trong văn hoá Hồ Chí Minh có một đặc trưng mang dấu ấn riêng, rất Hồ Chí Minh đó là văn hoá ứng xử. Trong phong cách ứng xử của Người, chúng ta thấy vừa là lãnh tụ, vừa là công bộc của nhân dân, vừa có uy lực lại vừa có sức cuốn hút kỳ lạ; vừa là nhà chính trị sáng suốt vừa là nhà thơ mẫn cảm; khẩn trương như một chiến sĩ, thanh thản như một triết gia, mềm dẻo mà cương nghị, cao cả mà thiết thực, vô cùng giản dị mà lại rất mực thanh tao, quan tâm cái lớn, không quên cái nhỏ, thấy rừng và thấy cả từng cây. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “... Con người giản dị, vĩ đại ấy cũng là người cực kỳ  lịch sự, thanh tao, cao quý trong cách ứng xử với bạn bè quốc tế, với cụ già, phụ nữ, thanh niên và nhi đồng”. Văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh là một hệ thống ứng xử xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, thể hiện tầm vóc trí tuệ lớn lao cùng tình cảm sâu sắc của Người. Văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh đa dạng, phong phú, hấp dẫn trong đó nổi bật là tính nhất quán về mục tiêu, nguyên tắc ứng xử.

Tính nhất quán về mục tiêu, nguyên tắc ứng xử trong văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh có nguồn cội trong lịch sử tư tưởng và thực tiễn của dân tộc, thời đại và dấu ấn phẩm chất cá nhân cũng như sự rèn luyện vươn lên không ngừng của Người. Văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh hài hoà giữa văn hoá ứng xử phương Đông, phương Tây, trong đó hạt nhân chủ yếu là mục đích vì nhân dân, vì dân tộc mình nói riêng và nhân loại tiến bộ nói chung.

Sinh ra và lớn lên trong những ngày đất nước đắm chìm dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến, ngay từ tuổi ấu thơ, Hồ Chí Minh đã trực tiếp chứng kiến bao cảnh cơ hàn của người dân mất nước và sự tàn ác vô nhân đạo của thực dân phong kiến. Điều đó đã thôi thúc Người quyết ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc ra khỏi cảnh lầm than. Ngày 5/6/1911, trên chuyến tàu Amiral Latouche Tréville, Nguyễn Tất Thành với tên gọi mới là Văn Ba cùng hành trang là ý chí và nghị lực phi thường đã rời cảng Sài Gòn bắt đầu những ngày tháng bôn ba tìm đường đi cho dân tộc. Trên hành trình đó, Người đi khắp Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ. Ở bất cứ nơi đâu khi đặt chân đến, Người đều tìm hiểu, đánh giá, nhận xét, học tập, để mong sao tìm đường đi đúng cho dân tộc. Người đã bắt gặp chân lý cứu nước của chủ nghĩa Mác - Lênin (năm 1920). Người đã truyền bá tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930), lãnh đạo nhân dân Việt Nam lật đổ chủ nghĩa thực dân và phong kiến tay sai giành độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân (năm 1945). Có thể khẳng định rằng, dù ở bất kỳ nơi đâu, trên bất kỳ cương vị nào, mục tiêu cuối cùng mà Người phấn đấu, hy sinh suốt cuộc đời là độc lập dân tộc và ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Đây cũng chính là mục tiêu trong văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh. Khi đã ở trên cương vị Chủ tịch nước, trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài năm 1946, Người nói: “Tôi có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho đất nước được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Mục tiêu nhất quán đó đã chi phối nguyên tắc ứng xử của Hồ Chí Minh trong mọi hoàn cảnh, điều kiện. Nguyên tắc nổi bật nhất của Bác là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tức là lấy cái kiên định, vững vàng để ứng phó với mọi biến cố.

Ngày 31/5/1946, trước khi đi Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với Cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ dĩ bất biến, ứng vạn biến”(1). Tinh thần dĩ bất biến, ứng vạn biến không chỉ Hồ Chí Minh ứng dụng trong một thời gian, một hoàn cảnh nhất định, mà thực sự trở thành phong cách ứng xử khoa học được Người vận dụng ở mọi hoàn cảnh. Cái bất biến của Người là độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc cho đồng bào, sự giàu mạnh của đất nước. Cái bất biến còn là những điều thiện, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Cái bất biến còn là lẽ phải, là chân lý.

Khi thực dân Pháp xâm lược đất nước và tưởng như không có gì lay chuyển được địa vị thống trị này thì trước sự đe dọa của kẻ thù, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”(2). Khi thời cơ giành chính quyền đến, Người nêu rõ quyết tâm: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(3). Sau này trước âm mưu chia cắt đất nước của kẻ thù, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó vẫn không bao giờ thay đổi”(4). Độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tự do hạnh phúc của nhân dân là mục đích và cũng là “ham muốn tột bậc”, là điều bất biến của Hồ Chí Minh và của cả dân tộc Việt Nam. Khi đế quốc Mỹ mở rộng phạm vi ném bom ra miền Bắc và Hà Nội nhằm “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ quyết tâm của cả dân tộc ta: “Giôn-sơn và bè lũ phải biết rằng: chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa… Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(5).

Cùng với cái bất biến là độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc ấm no cho nhân dân, Hồ Chí Minh đã xác định phải giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người thật triệt để thì mới có được độc lập, thống nhất vững chắc của Tổ quốc và tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân mới thực sự vững bền. Để đạt được mục đích cao cả đó không còn con đường nào khác là tiến hành cách mạng dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, phải có Đảng cách mạng vững vàng. Đảng “phải có chủ nghĩa làm nòng cốt”(6), giống như trí khôn đối với con người, như bàn chỉ nam đối với con tàu trên biển, “trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”, ai cũng phải “giữ chủ nghĩa cho vững”(7) và “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”(8). Đấy cũng là những cái bất biến Hồ Chí Minh đặt ra cho cách mạng Việt Nam. Chính nhờ giữ vững mục tiêu bất biến đó, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành được những thắng lợi to lớn, mở ra một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng.

Trong thực tiễn hoạt động cách mạng, dĩ bất biến nhưng phải ứng vạn biến, ứng vạn biến nhưng không xa rời, vứt bỏ cái bất biến, đó chính là tinh thần biện chứng, duy vật trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh. Độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tự do hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu đấu tranh của mọi người Việt Nam yêu nước, của cả dân tộc Việt Nam. Mục tiêu đó là bất biến. Nhưng con đường đi đến mục tiêu đó là con đường dài, đầy khó khăn gian khổ, đòi hỏi sự hy sinh của nhiều lớp người, nhiều thế hệ. Trong mỗi bước đi lên, cách mạng phải đối phó với muôn vàn sự biến đổi, đòi hỏi lý trí sáng suốt, tỉnh táo, nhạy bén, chủ động thay đổi cách thức đấu tranh phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể theo phương châm “biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nhưng mọi sự “ứng vạn biến” trong mỗi thời điểm, mỗi thời kỳ nhất định không được làm tổn hại đến “cái bất biến”, tức là mục tiêu lâu dài đã được xác định. Nguyên tắc ứng xử “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh là hoàn toàn phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong đấu tranh cách mạng phải giành cho được thắng lợi trong từng mục tiêu cụ thể của từng bước đi lên, nhưng lại không thể chỉ biết có mục tiêu trước mắt mà quên mục tiêu lâu dài, không thể hy sinh mục tiêu lâu dài chỉ vì mục tiêu trước mắt. Trong đấu tranh có thể có những cái cần thoả hiệp, nhưng thoả hiệp có nguyên tắc, không được từ bỏ nguyên tắc trong khi thương lượng với kẻ thù. Hồ Chí Minh nhận định không có ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin thì cách mạng không có đường ra, không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn thì cách mạng không thể đi đến thắng lợi. Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nòng cốt, có nghĩa là “phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta… Không phải học thuộc lòng từng câu, từng chữ… Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ thực tiễn cách mạng nước ta”(9).

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã vận dụng nguyên tắc này như một phương châm xử thế. Người đã vượt qua mọi thử thách đối với bản thân cũng như chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những giai đoạn khó khăn, có lúc kiên quyết giữ lập trường, có lúc phải đi vòng… nhưng cuối cùng vẫn xác định đi đến mục tiêu nhất quán: độc lập thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc, đưa nhân dân lên con đường tự do, hạnh phúc. Một phóng viên người Pháp nhận định: “Mềm dẻo hay kiên quyết khi cần thiết, nhưng bao giờ cũng tự chủ và vẫn giữ phong thái Việt Nam, Ông biết đương đầu với những biến động chính trị và lịch sử, đem cái sức toả sáng phi thường và vô vàn đức tính cao quý của Ông phục vụ sự nghiệp mà Ông là hiện thân”(10). Như vậy, cái bất biến ở đây là tinh thần cách mạng, khoa học, phương pháp, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin. Còn cái vạn biến là dùng tinh thần cũng như lập trường quan điểm, phương pháp đó để soi rọi vào thực tế, phân tích để nhận thức đúng thực tế, giải quyết những vấn đề mà thực tế đặt ra. Hồ Chí Minh đã kết hợp hai vấn đề đó một cách hài hoà, đưa nghệ thuật ứng xử Hồ Chí Minh lên tầm cao của nhân loại, đồng thời tạo nên dấu ấn riêng biệt trong văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh.

Chân dung nhà văn hoá Hồ Chí Minh được thể hiện rất chân thực, sinh động, cụ thể qua văn hoá ứng xử. Văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh thể hiện nhân cách và bản lĩnh cùng với tầm vóc trí tuệ uyên bác và tình cảm sâu sắc của Người trong hoạt động thực tiễn. Văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo lý tốt đẹp trong gia đình, của quê hương, đất nước và văn hoá nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với tinh thần quốc tế vô sản trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin.Tính nhất quán về mục tiêu, nguyên tắc ứng xử của Hồ Chí Minh phản ánh nhân cách vĩ đại của người anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, với dân tộc mình. Nét chung tạo nên tính nhất quán trong văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh là sự chân thành bình dị, tự nhiên, trong vắt như suối tận nguồn của một tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng. Văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh không phải là “nghệ thuật xã giao” được gò theo những nguyên tắc định sẵn, càng không phải là những “xảo thuật xử thế” giả dối để mua chuộc lòng người. Văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh thể hiện nhân cách và bản lĩnh của Người. Nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết của UNESSCO ghi: “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hoá hàng ngàn năm của nhân dân Việt nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau của các dân tộc”(11)./.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh (1993), Biên niên tiểu sử  (3), NXBCTQG, Hà Nội, tr216

2. T.Lan (1976), Vừa đi đường vừa kể chuyện, NXBST, Hà Nội, tr 15

3. Đoàn Văn Chúc (1997), Xã hội học văn hoá, Viện văn hoá và NXBVHTT, Hà Nội, tr38

4. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập (4), NXBCTQG, Hà Nội, tr246

5. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập (12), NXBCTQG, Hà Nội, tr108

6, 7, 8. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập (2), NXBCTQG, Hà Nội, tr260, 267, 268

9. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập (8), NXBCTQG, Hà Nội, 497

10. Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh: H29C1/21, Hà Nội, tr3

11. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1995), Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXBCTQG, Hà Nội, tr5-6

Ths Cao Hải Yến
 Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Kim Yến (st)

Bài viết khác: