5 luat

Từ ngày 01/7/2014, 5 Luật mới chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều quy định quan trọng, bao gồm: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Tiếp công dân, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi.

1. Luật Đất đai

Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, thu hút sự quan tâm rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và xã hội của đất nước.

Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương, 212 điều, tăng 7 chương, 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Luật Đất đai năm 2013 khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Luật cũng quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất như bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân.

Luật Đất đai năm 2013 bổ sung quy định về các trường hợp đăng ký lần đầu, đăng ký biến động; quy định đăng ký đất đai trên mạng điện tử nhằm khắc phục tình trạng sách nhiễu, phiền hà khi người dân trực tiếp đăng ký. Kèm theo Luật này, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn như Nghị định 43, 44, 45, 46/2014/NĐ-CP.

Luật Đất đai 2013 quy định chế tài khá rõ đối với trường hợp chậm đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng, quy định đầy đủ, chi tiết về những trường hợp thật sự cần thiết Nhà nước phải thu hồi. Theo Luật này, giá đất bồi thường được áp dụng theo giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất. 

2. Luật Phòng cháy chữa cháy

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Luật bổ sung các quy định mới về kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy; phòng cháy đối với cơ sở hạt nhân; phòng, chống cháy, nổ đối với cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy.

Luật nghiêm cấm các hành vi mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người và không báo cháy khi có điều kiện báo cháy, trì hoãn việc báo cháy.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

3. Luật Đấu thầu

Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 với 13 chương, 96 điều. Luật Đấu thầu chú trọng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo việc làm cho lao động trong nước, ưu đãi đối với nhà thầu và hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.

Luật quy định rõ 4 phương thức đấu thầu (phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ, hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ). Nhà thầu nước ngoài đấu thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh với nhà thầu trong nước. Luật cũng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo việc làm cho lao động trong nước, ưu đãi đối với nhà thầu và hàng hóa sản xuất trong nước.

Nhằm tăng cường chế tài xử lý vi phạm trong đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu; quy định thêm biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định, các biện pháp phạt bổ sung như đăng tải công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trên Báo đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, buộc phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định.

4. Luật Tiếp công dân

Luật Tiếp công dân được coi là đạo luật điều chỉnh đầy đủ nhất về tổ chức và hoạt động tiếp công dân, gồm 9 chương, 36 điều.

Về trách nhiệm của người tiếp công dân, Luật quy định người tiếp công dân phải có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày; giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật…

Để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân. Theo đó, người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình; đồng thời trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan còn có trách nhiệm tiếp công dân đột xuất trong những trường hợp nhất định.

5. Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí 

Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi) với 5 chương, 80 điều kết cấu lại và làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Quy định rõ về các trường hợp lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán, quyết  toán ngân sách Nhà nước; mua sắm, quản lý, sử dụng phương tiện làm việc; tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý đất đai, tài nguyên… Luật cũng bổ sung nhiều quy định khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hành tiết kiệm, phát hiện lãng phí, chống lãng phí…

Cùng với 5 Luật trên, từ ngày 01/7/2014, một số văn bản dưới luật và chính sách mới cũng sẽ có hiệu lực thi hành

Phi công được lái máy bay tới 65 tuổi

Theo Thông tư số 14/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về Quy chế an toàn hàng không dân dụng, độ tuổi tối đa của phi công lái tàu bay (máy bay) sẽ được nâng lên 65 tuổi (trước đây là 60 tuổi). 

Cán bộ công chức được gộp phép 3 năm nghỉ một lần

Thông tư số 57/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014) quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập bổ sung nhiều nội dung có lợi cho người lao động so với Thông tư 141 ban hành năm 2011.

Cán bộ, công chức có thể thỏa thuận với thủ trưởng cơ quan, đơn vị để nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần nhưng chỉ được thanh toán một lần tiền nghỉ phép năm.

Quy định chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tại Thông tư 141 vẫn có hiệu lực thi hành. Các trường hợp được thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ thực hiện theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Lao động.

Đào tạo thạc sĩ từ 1- 2 năm

Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, thời gian đào tạo thạc sĩ từ 1- 2 năm. Thời gian tối thiểu 1 năm học được áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên.

Siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bàn hàng đa cấp (BHĐC) có hiệu lực bắt đầu từ 1/7 có nhiều nội dung đáng chú ý. Theo đó, nghiêm cấm các doanh nghiệp BHĐC yêu cầu người tham gia bán hàng phải đặt cọc, đóng tiền hoặc mua hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được tham gia mạng lưới BHĐC.

Nghị định mới sẽ siết chặt khá nhiều nội dung trong vấn đề quản lý loại hình kinh doanh, đơn cử là việc Cấm kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp; yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo kiến thức cơ bản phải trả tiền hoặc phí, không cam kết nhận lại hàng hóa (Mô hình kim tự tháp: Là mô hình mà ở đó thu nhập chủ yếu của người tham gia có từ việc tuyển dụng người tham gia mới; gia hạn hợp đồng của người đã tham gia; phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới.).

Nghị định cũng quy định doanh nghiệp đăng ký BHĐC phải có vốn pháp định là 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp phải ký quỹ một khoản tiền bằng 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng tại ngân hàng. Việc ký quỹ là nhằm đảm bảo quyền lợi đối với người tham gia BHĐC khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

Phạt người đội mũ bảo hiểm “rởm”

Theo nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, từ ngày 1/7, người đi xe máy (kể cả xe máy điện) đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng.

Mũ bảo hiểm phải có cấu tạo đủ 3 bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Mũ bảo hiểm phải được gắn dấu hợp quy CR, có ghi nhãn hàng hóa, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ; tháng, năm sản xuất.

Khi đội mũ bảo hiểm phải cài quai đúng quy cách: Kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại; không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm.

Cấm nghệ sĩ hút thuốc trên sân khấu

Thông tư 02 của của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, từ ngày 1/7, diễn viên sẽ không được hút thuốc thật trên sân khấu trong các tác phẩm có sử dụng đến thuốc lá.

Cụ thể, theo Thông tư, trong tác phẩm sân khấu và điện ảnh, chỉ sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá đối với các trường hợp: Khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật; tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định; phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá; các trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của hội đồng nghệ thuật.

Riêng đối với các tác phẩm sân khấu, khi sử dụng thuốc lá, diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật trên sân khấu.

Đối với các tác phẩm điện ảnh, trường hợp phim có nhiều hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của hội đồng thẩm định thì trước hoặc trong khi chiếu phim phải có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh và được phân loại để phổ biến theo lứa tuổi./.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: