Khiêm tốn, giản dị là một trong những đức tính quan trọng nhất của con người. Con người khiêm tốn là một con người hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự mình đề cao vai trò, ca tụng chiến công của cá nhân mình cũng như không bao giờ chấp nhận một tinh thần chủ bại mang nhiều mặc cảm của cuộc đời đối với mọi người. Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng thượng, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng nêu cao óc học hỏi, không khoe khoang, không tự đề cao cá nhân mình với người khác.

Càng muốn tạo ấn tượng, khoe khoang để lôi kéo sự chú ý của người khác, chúng ta chỉ càng tạo ra một kết quả ngược lại. Vì thật ra, chính sự khiêm nhường đáng quý mới tạo được ấn tượng tốt đẹp hơn là sự kiêu căng, thích tỏ ra hơn người. Ở đâu có tính khiêm tốn thì ở đó sẽ ít khi xảy ra giận dữ hay xung đột, bất hòa.

Tính khiêm tốn không thể đồng hành được với việc quá đề cao bản thân, lúc nào cũng xem mình là “cái rốn của vũ trụ”. Thay vào  đó là sự xem trọng, đề cao, và không ngại học hỏi từ mọi người xung quanh.

Trong cuốn “117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành có câu chuyện mang tên “Dưới gốc đa Tân Trào” cho chúng ta thấm thía một bài học sâu sắc và sinh động về sự khiêm tốn:

“Qua mấy ngày lội suối, tắt rừng, vượt đèo, đoàn đại biểu Hà Nội do đồng chí Hoàng Đạo Thúy dẫn đầu đã tới cây đa Tân Trào, điểm liên lạc cuối cùng. Toàn đoàn khá mệt, ngồi nghỉ dưới gốc đa, có liên lạc đón và mời nước chè tươi.

Toàn đoàn đang ngắm nhìn chiến khu với sự cảm kích, hào hùng - Bởi rừng già hùng vĩ, núi non trầm mặc. Vừa lúc ấy, từ bản gần đó, một đoàn người đi ra, người quần áo Tày, người quần áo Dao. Dẫn đầu đoàn người là một cụ già mặc quần áo Tày, đội mũ sợi màu chàm, tay chống gậy. Được biết, đó là nhân dân địa phương ra đón đoàn đại biểu Hà Nội.

 Đoàn đại biểu Hà Nội vội đứng lên chào mừng nhân dân địa phương. Sau phút chào hỏi vui vẻ, đồng chí Hoàng Đạo Thúy cử đồng chí Nguyễn Tài, ủy viên dân vận của đoàn ra nói chuyện cùng nhân dân địa phương. Còn cả đoàn xin phép được ngồi nghỉ dưới gốc đa liền đó để chờ thượng cấp.

Được gặp đồng bào ở chiến khu, với niềm tự hào là đại biểu của Hà Nội đi dự Quốc dân Đại hội (8/1945), đồng chí Nguyễn Tài dùng hết khả năng tuyên truyền của mình để nói chuyện với đồng bào: Nào là tội ác của Pháp cùng Nhật xâm lược nước ta, cướp bóc thóc lúa, để hàng triệu đồng bào ta bị chết đói; nào là phát xít Đức đã đầu hàng; Hồng quân Liên Xô đã đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật; nào là lực lượng Việt Minh ta ở Hà Nội rất mạnh, khắp nước cũng rất mạnh. Thời cơ nổi dậy giành độc lập đã tới, v.v… Chúng ta lại có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo…

 Đồng chí Nguyễn Tài vừa nói tới đây thì cụ già - người dẫn đầu đoàn nhân dân địa phương vỗ tay ngắt lời, nhân dân cùng vỗ tay hoan hô theo. Ông cụ ra hiệu, một nữ đại biểu từ trong đoàn nhân dân đứng ra đáp lời: “Nhân dân Tân Trào rất cám ơn đoàn đại biểu Hà Nội đã về dự Đại hội. Đại biểu vừa rồi đã nói chuyện với nhân dân nhiều ý hay, lời đẹp. Dân ở đây cũng được cán bộ Việt Minh, nhất là ông Ké dạy bảo nhiều. Hợp với ý của đại biểu vừa nói. Như vậy là xuôi ngược một lòng cứu nước. Chúc các đại biểu Hà Nội thu nhiều kết quả”.

Nữ đại biểu phát biểu xong, thì nhân dân trở về bản. Đoàn đại biểu Hà Nội cũng đứng dậy, đôi bên vẫy tay nhau.

Ông cụ vẫy đồng chí Nguyễn Tài lại gần, cầm tay như dắt đi. Vừa đi, vừa hỏi:

- Đồng chí thấy nữ đại biểu nói thế nào?

- Dạ, nữ đồng chí ấy nói ngắn, nhưng thể hiện trình độ khá cao. Cháu đang băn khoăn là mình nói hơi thừa…

Ông Ké tủm tỉm cười, nhẹ nhàng bảo đồng chí Tài:

- Chú cần nhớ là Hà Nội bị địch chiếm trước, trên này bị địch chiếm sau. Bây giờ trên này lại được giải phóng trước, Hà Nội vẫn bị quân giặc cướp nước thống trị. Cho nên người đi sau không nên chỉ đường cho người đi trước.

Đồng chí Nguyễn Tài giật mình nhìn ông Ké: Trời ơi! Ông già miền núi gầy gò, mảnh khảnh kia nói đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: “Người đi sau sao lại chỉ đường cho người đi trước”. Đồng chí Nguyễn Tài vội vàng nắm tay ông già: “Cháu hiểu ra rồi ạ!”. Nhìn theo bóng ông cụ bước đi, Nguyễn Tài thầm nghĩ: “Việt Minh mình có những sức mạnh, chính là ở những con người này đây”.

Thấy đồng chí Nguyễn Tài đi theo ông Ké một lát rồi bần thần đứng lại, đồng chí Hoàng Đạo Thúy liền tới gần và hỏi: “Ông Ké bảo gì, mà cậu ngẩn ngơ ra vậy?”.

 Đồng chí Nguyễn Tài kể lại lời ông Ké. Đồng chí Hoàng Đạo Thúy gật đầu bảo: “Phải nhắc nhở anh chị em mình, trò chuyện với nhân dân vùng giải phóng, phải cẩn trọng”. Nhìn theo bóng ông cụ, rồi đồng chí Thúy thầm thì với đồng chí Tài: “Không khéo ông Ké ấy chính là cụ Nguyễn Ái Quốc đấy!”.

Đến ngày khai mạc Quốc dân Đại hội, những băn khoăn đó của hai đồng chí mới được rõ ràng: Ông Ké ấy chính là cụ Nguyễn Ái Quốc”.

Theo Đại từ điển tiếng Việt (do Nguyễn Như Ý chủ biên), khiêm tốn là “không đánh giá quá cao bản thân, không tự kiêu, tự mãn”. Hay nói cách khác, cụ thể hơn: “Khiêm tốn là sự kính nhường, có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình hơn người, luôn luôn hướng về phía tiến bộ, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, không ngừng học hỏi”. Một người khiêm tốn phải biết “tự mình”, “biết đánh giá cái hay của mình một cách vừa phải và dè dặt”, nếu không, vô hình trung sẽ trở thành tự kiêu, tự đại vì “Mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình”.

Bác Hồ của chúng ta là một người khiêm tốn, thậm chí rất khiêm tốn. Giữ chức vụ cao nhất của Nhà nước ta, là một trong những lãnh tụ xuất sắc của phong trào cách mạng thế giới…, được ghi nhận là “Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất”, nhưng Người vẫn chỉ xem mình là một nhà cách mạng chuyên nghiệp phục vụ nhân dân với “ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Là lãnh tụ tối cao đã “làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”, nhưng Người khiêm tốn với tất cả mọi người, cả người già và trẻ em. Đối với những người giúp việc thường xuyên bên mình, Bác thường gọi hết sức thân mật và trân trọng là cô, chú như những người trong gia đình. Đối với các vị nhân sĩ, trí thức khi tiếp chuyện Bác luôn thưa gửi rất lễ độ và đúng mực. Là Chủ tịch nước nhưng Người ví mình như “người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra mặt trận”. Là người đi nhiều biết rộng, là nhà báo rất chuyên nghiệp, một cây bút rất sắc sảo, nhưng Bác chỉ cho rằng mình "có ít nhiều kinh nghiệm làm báo" mà thôi… Khi Quốc hội đề nghị tặng Bác Huân chương cao quý nhất của Nhà nước là Huân chương Sao Vàng, Người khiêm tốn từ chối và nói: Miền Nam còn chưa được giải phóng, khi nào thống nhất đất nước xin Quốc hội ủy quyền cho đồng bào miền Nam được thay mặt Quốc hội trao tặng thì tôi xin nhận…Trước sau Người vẫn là Cụ Hồ, là Bác Hồ gần gũi với mọi người, mọi nhà, dù là màu da, tiếng nói khác nhau. Tấm gương cuộc đời Bác là một định nghĩa hết sức sinh động về sự khiêm tốn.

Đồng chí Song Tùng, Đại sứ của nước ta nhiều năm ở nước ngoài có kể một câu chuyện ngắn về đức khiêm tốn của Bác như sau: Sáng ngày 23 tháng 7 năm 1957, trong bữa cơm thân mật, Chủ tịch nước Ba Lan Đa-vát-xki có hỏi Bác: “Thưa Chủ tịch, đồng chí là người nổi tiếng về khiêm tốn. Vậy thưa đồng chí, khiêm tốn phải như thế nào?” Bác đã trả lời rằng: “Khiêm tốn là nền tảng đạo đức của cả dân tộc Việt Nam. Đối với bản thân thì bao giờ cũng nhìn ra điều kém cỏi của mình. Đối với đồng chí và bạn bè thì ai cũng là thầy học của mình, tìm cho được điều mình phải học tập. Đối với kẻ thù cần biết cái mạnh của địch, cái yếu của ta”.

Lời khẳng định đó có thể xem là một định nghĩa về sự khiêm tốn. Định nghĩa này của Bác thật bao trùm, có một “cái gì đó” rất dân tộc, rất Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử giữ nước, dựng nước; rất dân gian, nhưng lại rất khoa học, thấu lý đạt tình mà cũng rất “khiêm tốn” và rất “Hồ Chí Minh”.

Ngày nay học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác, đối với chúng ta những cán bộ đảng viên, nhất là giảng viên trường chính trị với đối tượng học viên phong phú và có kiến thức, trình độ ngày càng cao trên nhiều lĩnh vực…, thì sự khiêm tốn, thái độ cầu thị và tôn trọng người học là những đức tính cần luôn được củng cố và nâng cao. Đó là điều sẽ giúp cho chúng ta tự tin hơn, gần gũi hơn, dễ hoà đồng hơn và làm cho mọi người kính trọng và nể phục hơn.

Ngược lại, sẽ có thể dẫn đến sự tự cao tự đại, khoe khoang, tự coi mình là “trung tâm của vũ trụ”, mà hậu quả của nó, nhẹ nhất là tình cảnh “bẽ mặt” của “đồng chí Nguyễn Tài” trong câu chuyện còn nặng hơn có thể dẫn đến “kiêu ngạo, tự phụ”, hách dịch, xem thường người khác,… - là những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4, Khóa XI đã cảnh báo. Vì vậy, qua câu chuyện, chúng ta có thể bổ sung thêm trong hệ thống kiến thức của mình một “định nghĩa mới” về sự khiêm tốn và tự suy ngẫm về một bài học sinh động từ những lời dạy quý báu cũng như tấm gương cuộc đời và nhân cách Bác Hồ. Từ đó, chúng ta có thể không ngừng tự hoàn thiện mình, xứng đáng với sự kỳ vọng của Bác Hồ, của Đảng và của nhân dân; xứng đáng với vai trò và tư cách của ngưới cán bộ, đảng viên và là “người huấn luyện” của Đảng./.

ThS Phan Văn Thuận

Trưởng khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị tỉnh Bến Tre

Theo http://truongchinhtribentre.edu.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: