Trung đội biệt hải biệt phái tiếp tục tiến sâu vào bờ khoảng 250m và cắm cờ Việt Nam Cộng hòa ngay trước mặt lính Trung Quốc đã dàn hàng ngang cách đó 3 mét.

Kế hoạch hành quân tái chiếm đảo Quang Hoà của Việt Nam Cộng hòa: HQ4 và HQ5 đổ bộ toán biệt hải và hải kích vào phía Tây Nam và Nam Quang Hoà, trong khi HQ10 và HQ16 ở trạng thái yểm trợ và sẵn sàng tiêu diệt các tàu đối phương. Mỗi chiến hạm của Việt Nam Cộng hòa ghìm súng vào nhược điểm của một chiếc tàu Trung Quốc, khai hoả nếu bị đối phương tiến công và tiêu diệt ngay đợt khai hoả đầu tiên như chỉ thị của Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Cuộc hành quân tái chiếm đảo Quang Hoà dự kiến thực hiện vào sáng sớm ngày 19.1.1974.

Trong ngày 18.1, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1- Quân khu 1 trong kế hoạch hành quân tái chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đặc biệt nhất là vấn đề hỗ trợ của không quân. Tuy nhiên, do quần đảo này nằm cách Đà Nẵng 170 hải lý, ngoài tầm hướng dẫn của Đài Kiêm báo Paloma (Tiền SHA) nên máy bay phản lực F5 của Việt Nam Cộng hòa không thể hoạt động được. Do vậy Hải quân Việt Nam Cộng hòa  phải chiến đấu đơn phương.

Tương quan lực lượng giữa hai bên: Phía VNCH có 4 chiến hạm, gồm 1 tàu khu trục HQ4, trang bị 2 khẩu 76,21 ly tự động, 2 đại bác 100 ly; 2 tuần dương hạm HQ5 và HQ16 trang bị 1 đại bác 127 ly, 1 đại bác 40 ly đôi, 2 đại bác 40 ly đơn; 1 tàu hộ tống HQ10 trang bị 1 đại bác 76,21 ly, 2 đại bác 40 ly đơn.

Phía Trung Quốc có tổng cộng 6 tàu, bao gồm: 2 chiến hạm loại Kronstadt (số 271, 274) trang bị đại bác 100 ly, 2 đại bác 37 ly ; 2 chiến hạm loại T.43 cải biên (389, 396), trang bị đại bác 100 ly, 4 đại bác 37 ly; 2 tàu đánh cá vũ trang đại bác 25 ly và 1 tàu vận tải loại trung.

Ky4 1
Chiến hạm Trung Quốc loại Kronstadt số 274 tham chiến tại Hoàng Sa năm 1974

Sáng sớm ngày 19.1, Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa khởi hành từ Sài Gòn đến Đà Nẵng để trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân tái chiếm Hoàng Sa. Gần 4 giờ chiều hôm đó, phân đoàn 2 gồm HQ4 và HQ5 tiến về phía tây nam đảo Quang Hoà bằng cách vòng ra ngoài đảo Hữu Nhật và Quang Ảnh.

Trong khi đó, Phân đoàn 1 gồm HQ10 và HQ16 tiến thẳng về đảo Quang Hoà án ngữ về phía Tây Bắc. Hạm trưởng, Đại tá Ngạc ra lệnh cho tất cả các chiến hạm chuẩn bị súng đạn, cửa kín nước, vật dụng cứu hoả, cứu thuỷ, chạy tất cả các máy điện và máy bơm.

Bốn chiến hạm Trung Quốc chia làm hai nhóm. Nhóm 1 gồm tàu 271 và 274 vòng về phía nam đảo Quang Hoà. Nhóm 2 gồm tàu 389 và 396 di chuyển án ngữ phía tây bắc đảo Quang Hoà để ngăn cản chiến hạm của Việt Nam Cộng hòa. Hai tàu vũ trang 402 và 407 nằm sát bờ phía bắc đảo Quang Hoà. Tàu chuyên chở của Trung Quốc nằm phía đông bắc đảo Duy Mộng.

Ky4 2

Đại tá Hà Văn Ngạc, sỹ quan VNCH chỉ huy tác chiến giao tranh với Trung Quốc
giành lại Hoàng Sa

Trung tâm hành quân từ Đà Nẵng chỉ thị cho HQ5 thi hành ngay kế hoạch đã phổ biến đêm trước. Theo đó, trung đội biệt hải gồm 27 người từ HQ4 và 1 trung đội hải kích gồm 22 người từ HQ5 đổ bộ lên bờ Nam và Tây Nam Quang Hoà. Cũng trong  thời gian đó, Trung Quốc đổ bộ tăng cường khoảng trên 2 đại đội từ tàu 402 và 407 lên Đông Bắc đảo Quang Hoà (quân số này đã được lấy từ tàu chuyển vận nằm tại Đông Nam đảo Duy Mộng). Một đại đội Trung Quốc tiến về phía biệt hải Việt Nam Cộng hòa, đại đội còn lại tiến về phía hải kích Việt Nam Cộng hòa.

Trung đội biệt hải biệt phái tiếp tục tiến sâu vào bờ khoảng 250m và cắm cờ Việt Nam Cộng hòa ngay trước mặt lính Trung Quốc đã dàn hàng ngang cách đó 3 mét. Đôi bên đứng ghìm súng có lưỡi lê và khẩu chiến với nhau nhưng không hiểu nhau vì bất đồng ngôn ngữ.

Lúc này, Trung Quốc tăng cường thêm lực lượng có ý định bao vây để bắt sống quân Việt Nam Cộng hòa. Nhận thấy quân Trung Quốc đông hơn, với vị thế thuận lợi ở trên cao và được sự yểm trợ của toán quân trú phòng (trong công sự phòng thủ, trang bị súng trung liên và đại liên), trong khi quân Việt Nam Cộng hòa ít hơn và ở thế bất lợi dưới thấp, trống trải nên trung đội biệt hải phải rút xuống bìa san hô.

Ky4 3

Thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa đổ bộ lên đảo Quang Hòa

Trên mặt biển phía Tây Bắc đảo Quang Hoà, tàu Trung Quốc số 396 di chuyển cố tình đụng vào phía hữu chiến hạm HQ16, chiến hạm HQ16 di chuyển né tránh và chỉ bị xây xước nhẹ còn tàu Trung Quốc bị hư hại nhiều hơn, tuy nhiên tàu Trung Quốc vẫn tìm cách đụng lại.

Cùng lúc đó, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải ra lệnh cho HQ5 tránh khiêu khích, giữ đầu cầu và thiết lập ngay hệ thống phòng thủ. Cố giữ thế cài răng lược trên đất liền và trên mặt biển để loại trừ khả năng không quân Trung Quốc bắn phá.

Trung đội hải kích ở bờ phía tây nam đảo Quang Hoà bị lính Trung Quốc nổ súng. Ngay phút đầu phía Việt Nam Cộng hòa đã có 2 người chết và 3 bị thương, do vậy trung đội hải kích này phải rút về phía bìa san hô.

Trước tình hình đó, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ thị cho các chiến hạm bắn trọng pháo tối đa vào đảo, đồng thời triệt hạ luôn chiếc tàu đối phương; Hải đội trưởng cần phải phản ứng quyết liệt ngay và được toàn quyền sử dụng vũ lực tại vùng hành quân để thi hành nhiệm vụ. Ngay sau đó, Hải đội trưởng đề nghị cho rút quân về tàu trước khi nổ súng để bảo vệ cho lực lượng đang ở thế bất lợi.

Ky4 4
Hải chiến Hoàng Sa 1974 khai hỏa

Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ thị cho toán đổ bộ phải tiếp tục giữ đầu cầu và cho chiến hạm yểm trợ.Tuy nhiên lệnh này không thi hành được vì lúc đó đang rút quân. Trong thời gian tàu HQ4 thực hiện rút quân, tàu Trung Quốc hạ tối hậu thư bằng quang hiệu cho HQ4: “Nếu các anh lao vào chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng của các anh”.

Nhận thấy chỉ thị này sẽ gây bất lợi cho mình vì chiến hạm Trung Quốc có thể dùng toàn lực lượng để tấn công chiến hạm Việt Nam Cộng hòa trong khi hoả lực của Việt Nam Cộng hòa bị phân tán vì vừa bắn tàu đối phương vừa bắn lên đảo, nên Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển đã khuyến cáo Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải triệt hạ chiến hạm địch trước theo đúng như chỉ thị của Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Khuyến cáo này được Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đồng ý và chỉ thị cho Hải đội trưởng thi hành.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 19.1, phía Trung Quốc dàn quân có 2 tàu đánh cá vũ trang 402, 407 tại đông bắc đảo Quang Hoà, 1 tàu chuyên vận tải ở Đông Nam đảo Duy Mộng, 2 tàu Kronstadt số 274 và 271 tại Tây Nam đảo Quang Hoà, 2 tàu T.43 số 396 và 389 tại tây bắc đảo Quang Hoà. Các tàu Trung Quốc bao một vòng cung từ Tây Nam lên Tây Bắc.

Ky4 5

Giao tranh ở Hoàng Sa 1974

Phía Việt Nam Cộng hòa gồm có 4 tàu chiến cũng đã bao một vòng cung phía ngoài chiến hạm Trung Quốc từ Tây Nam lên Tây Bắc đảo Quang Hoà theo thứ tự HQ5, HQ4, HQ10 và HQ 16. Mỗi chiến hạm Việt Nam Cộng hoà bám sát và ghìm súng sẵn sàng trực xạ vào 1 tàu chiến Trung Quốc.

10 giờ 30 phút sáng 19.1, tàu HQ5 bắt đầu khai hoả. Các tàu khác của Việt Nam Cộng hòa ngay sau đó cũng khai hoả đồng loạt. Ngay loạt súng đầu tiên, tàu Trung Quốc số 274 bị trúng đạn của HQ5, chiến hạm Trung Quốc bốc cháy, bỏ chạy và ủi vào bờ san hô phía Tây Nam đảo Quang Hoà và coi như bị loại khỏi vòng chiến.

Năm phút sau, HQ4 bị trúng đạn tại đài chỉ huy và vì ổ súng 76,21 ly trước mũi không sử dụng được nên chiến hạm di chuyển về hướng Đông Đông Nam để có thể sử dụng khẩu 76,21ly sau lái tiếp tục bắn vào tàu TQ số 271. Tàu HQ4 bị hư hại và di chuyển về hướng bắc. Trong lúc đó HQ5 vẫn bám sát 2 chiếc 271và 274. Mấy phút sau chiến hạm HQ5 bị trúng đạn 37 ly, cháy phòng vô tuyến nên việc liên lạc bị gián đoạn.

Tại mặt bắc, chiến hạm HQ10, HQ16 bắn thẳng vào tàu 396 và 389. Ngay loạt súng đầu tiên, HQ10 bắn trúng vào phòng lái 396, tàu này bị bốc cháy và mất lái nên quay vòng tròn, bị HQ10 đụng vào phía sau lái. Bị loại khỏi vòng chiến đấu, chiếc 396 chạy về hướng đông bắc và ủi vào bờ san hô phía Tây Bắc đảo Duy Mộng.

Trong khi đó tàu HQ10 cũng bị hoả lực của 2 chiến hạm Trung Quốc bắn trúng đài chỉ huy và hầm máy khiến tàu bốc cháy. HQ10 bị thiệt hại nặng nề. Hạm trưởng Thiếu tá Ngụy Văn Thà tử thương, Hạm phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng và phần lớn nhân viên thương vong.

HQ10 bị mất liên lạc và còn tiến từ từ, sau đó ngưng lại khi đụng vào lái chiến hạm Trung Quốc số 396. Nhân viên còn lại đã cố gắng cầm cự đến phút chót, song biết tình trạng tàu không thể cứu vãn, thuỷ thủ đoàn còn lại phải bỏ tàu.

Ky4 6
Tàu Trung Quốc số 389 tham gia thôn tính Hoàng Sa năm 1974

Khi chiếc 396 Trung Quốc bỏ chạy, chiếc 389 cũng bị trúng đạn hư hại đáng kể do hoả lực của HQ16 nên vừa cầm cự vừa nhả khói để chạy về hướng nam. Chiếc 271 Trung Quốc ở mặt nam chạy lên hợp với chiếc 389 để chống trả HQ5. Khi đến phía Tây Nam đảo Quang Hoà, HQ5 phải dồn hoả lực bắn vào hai chiến hạm Trung Quốc 389 và 271.

Vùng chiến lúc đó mù mịt khói súng và khói do tàu Trung Quốc thả. Do súng 27 ly chỉ sử dụng được bằng tay, bắn rất chậm chạp và các ổ súng trước mũi hầu hết không sử dụng được nữa nên HQ5 phải di chuyển hướng đông nam để có thể sử dụng các ổ súng sau lái một cách hữu hiệu.

Khoảng 11 giờ 19.1, vì thiệt hại nhiều và không chịu nổi hoả lực của HQ5 nên 2 tàu Trung Quốc đã bỏ chạy về hướng bắc.

Tàu HQ16 trúng đạn tại hầm máy B.1, mất điện, phải lái bằng tay, nước vào làm tàu nghiêng 13 độ, nên vừa chiến đấu vừa di chuyển ra xa vùng chiến để đảm bảo an toàn.

HQ5 phát hiện có 3 tàu Trung Quốc vận tốc nhanh có hình dạng rất giống phi tiễn đĩnh Komar – phóng lôi hạm (guided missile frigate) cách 5 hải lý về phía Đông Bắc và máy bay MiG xuất hiện trên không. Do đó, để chỉnh đốn tình trạng chiến hạm đồng thời di chuyển tránh tên lửa, tàu HQ4 và HQ5 đã di chuyển về hướng bắc tây bắc.

Hải đội trưởng báo cáo có nhiều quân nhân hi sinh và bị thương. Tình trạng súng lớn và rađa của HQ4 và HQ5 đều không sử dụng được. Riêng HQ16 vừa di chuyển vừa cứu thuỷ.

Ky4 7

Chiến hạm HQ4 Hải quân Việt Nam Cộng hòa tham gia bảo vệ Hoàng Sa năm 1974

Hải đội trưởng lệnh cho các chiến hạm di tản khỏi vùng chiến sự vì 2 lý do: Khả năng tác chiến của các tàu chiến đã suy giảm; chiến hạm cần rời xa để máy bay Việt Nam Cộng hòa dễ dàng bắn phá chiến hạm Trung Quốc (do Vùng 1 Duyên hải thông báo). Khi di chuyển về hướng đông nam, HQ5 đã quan sát thấy 3 chiến hạm Trung Quốc từ hướng bắc đông bắc cách 6 đến 7 hải lý đang tiến nhanh về hướng đảo Quang Hoà.

Trưa ngày 19 tháng 1, Hạm đội trưởng lệnh cho HQ4 và HQ5 vào Đà Nẵng. Ngay sau đó, theo ý kiến của Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã chỉ thị cho HQ4 và HQ5 phải trở lại tiếp tục chiến đấu, tìm kiếm HQ10 và HQ16, đồng thời bảo vệ đảo còn lại. Trường hợp bị tấn công vào nếu phải rút lui, chiến hạm cố gắng ủi bãi, sẽ có HQ6 và HQ17 đến  tiếp cứu.

Tàu HQ16 bị hư hỏng, nước vào nhiều ở hầm máy B.1, tàu nghiêng 13 độ, vừa di chuyển về Đà Nẵng vừa tự cứu, cách đảo Hoàng Sa (Pattle) 15 hải lý về phía Tây. Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ thị HQ11 đến vị trí trên với vận tốc nhanh nhất để tiếp cứu HQ16.

Tàu HQ4 hư hại, các súng lớn đều không sử dụng được, hệ thống cứu hoả bị bể nhiều chỗ và không sử dụng được, hầm đạn 76,21 ly bị ngập nước, nếu quay trở lại cũng không làm gì được mà chỉ hư hại thêm.

Nhận thấy Trung Quốc đã tăng cường nhiều tàu chiến trong đó có thể có loại phi tiễn đĩnh Komar, nếu tất cả chiến hạm Việt Nam Cộng hòa đồng thời trở lại quần đảo Hoàng Sa, thì quân Trung Quốc sẽ hiểu Việt Nam Cộng hòa trở lại để tấn công và phần bất lợi sẽ nghiêng về phía Việt Nam Cộng hòa. Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển đã trình bày quan điểm trên với Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa và ông đã quyết định cho HQ4 và HQ5 trở về Đà Nẵng./.

Tiếp theo Bài 5: Trung Quốc phái MiG oanh tạc dữ dội, Hoàng Sa thất thủ.

Theo giaoduc.net.vn

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: