Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 12/02/2025

 

Hoàng Tuyển, có tên thật là Chung Kim Tiền, sinh năm 1912 tại làng Tân Niên Trung, tổng Hòa Lạc Thượng, tỉnh Gò Công (nay là xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân.

Ngh  s  nhGn dGn Hoang Tuy n th  ba t  trßi
Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Tuyển (thứ ba từ trái)

 Do có năng khiếu hội học, ông được gia đình cho đi học vẽ với ông Nguyễn Thanh Dương, một họa sĩ học từ Pháp về, ở làng Đồng Sơn (nay là xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Sau đó, được sự giới thiệu của thầy, ông học vẽ với họa sĩ Huỳnh Phan, cũng học từ Pháp về. Được các gánh cải lương ở Nam kỳ mời, ông cùng với họa sĩ Huỳnh Phan chuyển sang chuyên vẽ phông màn và trang trí sân khấu.

Khoảng năm 1932 – 1933, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều gánh cải lương bị giải tán, ông được một người làm thầu khoán xây dựng tên là René Được nhận vào làm nghề trang trí nội thất. Được một thời gian, ông thầu khoán này kinh doanh bị thất bại, ông chuyển đến gánh cải lương Hề Lập với nhiệm vụ vẽ phông màn và trang trí sân khấu.

Từ đây, ông mở rộng mối quan hệ làm ăn với các gánh cải lương danh tiếng (đại ban) ở Sài Gòn, như Hoa Sen, Tiến Hóa, Tô Huệ, Phụng Hảo, v.v… Trong thời kỳ này, tài năng của ông bắt đầu nở rộ. Tuy chuyên vẽ phông màn và trang trí sân khấu cho những gánh cải lương lớn, nhưng những gánh cải lương nhỏ, hát ở các tỉnh, nhờ ông vẽ phông màn, ông cũng không từ chối. Biết những gánh này nghèo, nên ông đã sáng tạo ra cách vẽ phông màn mới, chỉ cần có một tấm mà dùng được cho nhiều cảnh bằng cách vẽ lộn đầu đuôi vẫn dựng được. Các phông đó để chiều này là vườn hoa, xoay ngược lại là cảnh rừng núi, có suối chảy, có mây bay; hoặc như nội thất thì để xuôi là cảnh nhà giàu, xoay ngang ra lại là cảnh nhà nghèo, tường long, vách lở, chỉ thay đổi đôi chút trang trí bàn ghế là đạt yêu cầu. Còn đối với những gánh hát giàu có, ông lại có cách vẽ khác là làm sao thật rực rỡ, chiếu đèn vô trông lung linh, nhìn không chán mắt. Cách vẽ này được các bầu gánh và khán giả hoan nghênh nhiệt liệt.

Tháng 8 – 1945, ông tham gia cách mạng tại quê nhà. Đầu tháng 10 –1945, ông trích tay lấy máu vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức tranh được trưng bày tại cuộc triển lãm được tổ chức ở đình Trung, thị xã Gò Công; và được ông Trương Văn Huyên – một nhân sĩ ở làng Tân Duân Đông (nay là xã Bình Nghị, huyện  Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) mua với một số tiền rất lớn, tương đương mấy ngàn giạ lúa. Số tiền đó đã được nộp vào Quỹ “Tuần lễ vàng” để giúp cho cách mạng có kinh phí hoạt động.

Bằng tác phẩm nghệ thuật độc đáo đó, ông là họa sĩ đầu tiên ở nước ta vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu của chính mình; thể hiện lòng tôn kính của người nghệ sĩ; và qua đó, của nhân dân Nam bộ đối với vị lãnh tụ anh minh của dân tộc. Ông đã để lại một dấu ấn đặc biệt của nền hội họa hiện đại Việt Nam. Tiếc rằng, bức tranh bằng máu vô giá này không còn nữa, vì sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh(1).

Cuối tháng 10 – 1945, sau khi giặc Pháp tái chiếm Gò Công, ông cùng với lực lượng bộ đội chuyển quân đến căn cứ Rừng Sác -  Lý Nhơn (nay thuộc huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) tiếp tục kháng chiến. Giữa năm 1946, ông được điều động về Phòng Chính trị thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 8 đóng ở Chiến khu Đồng Tháp Mười làm công tác văn nghệ, tuyên truyền.

Năm 1947, ông được cấp trên phân công thiết kế Nhà triển lãm tại Thiên Hộ (nay thuộc xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nhân Đại lễ kỷ niệm hai năm ngày Quốc khánh nước ta (2/9/1945 – 2/9/1947) do Ủy ban Kháng chiến Nam bộ tổ chức. Nhà triển lãm được hoàn thành chỉ trong vòng một tháng, rất hoành tráng, rực rỡ và tuyệt đẹp(2).

Mùa nước nổi năm 1948, trong điều kiện hết sức khó khăn, chỉ trong vòng một tháng, ông đã hoàn thành việc vẽ 12 bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch, khổ 1m x 1,2m, theo yêu cầu của cấp trên để làm phần thưởng cho các đơn vị đạt được  thành tích xuất sắc  trong chiến đấu của quân khu(3). Với những tác phẩm hội họa này, ông đã được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn, gởi thư khen:  “… Tôi cùng với phái đoàn Nam Bộ vừa đi họp Hội nghị từ Trung ương mới về tới. Đâu đâu, phái đoàn chúng tôi cũng được chính quyền và đồng bào địa phương chào mừng, đón tiếp trọng thể… Tôi đã được chính quyền và đồng bào địa phương tặng cho một tấm hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một bức vẽ rất đẹp, rất giống… Tôi đã đưa về cơ quan lồng kiếng và treo ngay văn phòng, để ngày nào tôi cũng được trông thấy và tưởng như Người đang ở trước mặt mình… Được biết chân dung này do họa sĩ Hoàng Tuyển thuộc Phòng Chính trị Quân khu 8 tạo nên. Tôi gởi thư này tỏ lòng khen ngợi người nghệ sĩ đã đem tài năng mình cống hiến cho cách mạng…”.

Cũng trong thời gian này, ông đã thiết kế mỹ thuật cho tất cả các vở cải lương và kịch nói do Đoàn Văn công Nam bộ trình diễn. Những sân khấu do ông thiết kế đều lộng lẫy, mặc dù vật liệu chủ yếu vẫn là tre nứa và đệm bàng.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Đoàn Cải lương Nam bộ, phụ trách công việc trang trí sân khấu và thiết kế phục trang. Đặc biệt, tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1956, với vở Quang Trung do Đoàn Tuồng cổ Liên khu V trình diễn, ông được trao tặng Huy chương Vàng về thiết kế sân khấu và phục trang.

Sau đó, ông được mời thiết kết trang phục cho Đoàn Ca múa Việt Nam đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới được tổ chức tại thủ đô Viên của nước Áo; sau đó, sẽ đi biểu diễn tiếp ở Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu, Ấn Độ và Miến Điện. Với tinh thần trách nhiệm cao độ, ông đã miệt mài lao động nghệ thuật sáng tạo trong suốt sáu tháng để cho ra đời hơn một trăm phác thảo trang phục cho 12 tiết mục ca, múa của Đoàn, chủ yếu là múa nón, múa quạt, múa bướm, múa cồng chiêng, múa dưới trăng… Những phác thảo đó đã được Hội đồng nghệ thuật nhất trí thông qua.

Trước ngày lên đường, với tư cách là Phó Bí thư chi bộ và phụ trách nội bộ của Đoàn, ông cùng với toàn thể diễn viên được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn báo cáo; nhất là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên, dặn dò Đoàn khi lần đầu tiên đi biểu diễn ở nước ngoài(4).

Sau ngày đất nước được hòa bình, thống nhất (năm 1975), ông trở về miền Nam, sinh sống và công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Tuy đã về hưu, nhưng ông vẫn sống lạc quan và tiếp tục sáng tác, phục vụ đất nước và nghệ thuật. Vì thế, nghệ sĩ lão thành Hồ Bông đã có bài thơ ca ngợi ông:

Mạch máu tim tuôn thắm đỏ dòng,

Suốt đời gạn đục để khơi trong…

Chim bằng tung cánh bay chưa mỏi…

Ngang dọc trời xanh trải tấm lòng!!!

Bát ngát mênh mông một chữ tình.

Dẫu đà trắng tóc, mộng luôn xanh…

Rỏ máu tưới hoa, tô cuộc sống

Rút ruột tặng đời, dệt gấm tranh!!!

Bóng xế… đường xa… vẫn đón Xuân,

Xuân đi, Xuân đến, đã bao lần?!

Mạch đời tiếp nối, mừng Xuân mới,

Gởi Anh lời chúc:“VẠN HỒI XUÂN!”.

Năm 1992, mặc dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn cùng với người học trò giỏi của mình là nhà điêu khắc Diệp Minh Châu miệt mài lao động nghệ thuật, sáng tác tượng đài Trương Định đặt tại trung tâm thị xã Gò Công; và xem đó là nghĩa vụ của người con Gò Công đối với quê hương của mình(5). Do những công lao to lớn trong sự  nghiệp giải phóng dân tộc và nền nghệ thuật nước nhà, năm 1993, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ nhân dân. Ông mất năm 1999 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 87 tuổi./.

--------------------------------

 (1) Tuy nhiên, sau đó, có một khoảng thời gian dài, ông hầu như không nhắc đến bức tranh đó. Lý do này được tác giả Nguyễn Tri Nha cho biết trong bài Kỷ niệm với họa sĩ Hoàng Tuyển đăng trên tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang số 55 như sau: “Họa sĩ Hoàng Tuyển kể: Tôi đi kháng chiến từ cuối tháng 10-1945 ở Gò Công. Giữa năm 1946, tôi được điều động về Phòng Chính trị thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 8 làm công tác văn nghệ, tuyên truyền. Ở đó đã có Diệp Minh Châu, Bảo Định Giang và nhiều anh em văn nghệ sĩ quen biết ngày trước.

…Năm 1950, trước khi ra Việt Bắc họp, anh Trần Văn Trà, Khu Bộ trưởng Khu 8, mời tôi lên gặp. Anh hỏi thăm về bức vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng máu tôi vẽ năm 1945 ở Gò Công. Tôi báo cáo là khi trưng bày ở Triển lãm cứu quốc và bán đấu giá xong thì vừa lúc Pháp đổ bộ đánh chiếm Gò Công. Tôi đi kháng chiến ngay, không còn được biết gì về tác phẩm của mình. Anh Trà nói, đại ý là, anh ra Việt Bắc lần này sẽ mang bức họa Cụ Hồ với ba thiếu nhi Trung, Nam, Bắc của Diệp Minh Châu, vẽ bằng máu của chính tác giả, tặng Cụ Hồ và Chính phủ, anh có ý kiến gì không? Tôi nói, tôi rất vui vì bức họa của Tư Châu (Diệp Minh Châu) là tấm lòng của đồng bào Nam bộ dâng lên Cụ Hồ và Chính phủ, Tư Châu là người em, là học trò, là đồng đội của tôi, bức họa của Tư Châu cũng như là bức họa của tôi vậy. Anh Trà nói, anh là người đầu tiên vẽ hình lãnh tụ bằng máu từ năm 1945, nhưng bức vẽ của anh giờ không biết ra sao, Diệp Minh Châu là người vẽ thứ hai, sau anh, nhưng cũng chính là người học trò của anh, người em của anh, anh có đồng ý rằng bức vẽ này chính là tình cảm, là tấm lòng của người dân Nam bộ dâng lên Cụ Hồ và Chính phủ không? Tôi nói ngay rằng, tôi tự nguyện không nói gì về bức vẽ của tôi nữa để bức họa của Tư Châu là thay mặt người dân Nam bộ dâng lên Cụ Hồ và Chính phủ. Anh Trà nói, thay mặt đoàn Nam bộ tôi cảm ơn anh. Đến ngày kháng chiến thành công ta sẽ tìm lại bức vẽ của anh, còn bây giờ bức vẽ của Diệp Minh Châu sẽ là tượng trưng lòng dân Nam bộ.

Anh Trà bắt tay tôi rất chặt. Một lần nữa tôi hứa với anh sẽ không nhắc tới bức vẽ của mình.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi thì tôi tập kết ra Bắc.

Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, tôi nghỉ hưu, về Nam cũng có đi tìm hiểu về bức tranh của minh. Nhưng người đấu giá mua bức tranh là ông Trương Văn Huyên đã mất, gia đình ông là cơ sở cách mạng cũng cho biết cuối năm 1945, Pháp đánh chiếm Gò Công, nhà cửa tài sản bị hủy hoại, không còn giữ được gì. Bức tranh của tôi mất thật rồi. Tôi giữ lời hứa với anh Trần Văn Trà, không nhắc tới bức tranh của mình nữa. Nhưng anh em, bạn hữu và đồng đội xưa thì vẫn biết, vẫn nhắc”.

(2) Về Nhà triển lãm này, nhà văn Hoài Anh cho biết: “Lần đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, ở Nam Bộ có được một ngày lễ to lớn và long trọng như vậy, Chủ tịch Phạm Văn Bạch đọc diễn văn, tướng Trần Văn Trà duyệt binh, liên hoan văn nghệ. Nhà triển lãm thiết kế đồ sộ. Có thể nói đây là một công trình khá độc đáo. Hoàn toàn bằng lá tràm và tre nứa. Đã từng là một nghệ sĩ trang trí, thiết kế lâu năm của Sài Gòn trước đây, anh Hoàng Tuyển được phân công phác thảo ra Nhà triển lãm này và đã được Bộ Tư lệnh Quân khu duyệt y. Thật không ngờ, khách ở thành phố xuống dự đều nghĩ rằng, đây là một công trình của một kiến trúc sư tài hoa. Bởi sau gần một tháng trời thi công, Nhà triển lãm nổi bật lên như một tòa lâu đài với mái vòm, cửa cuốn, hành lang uốn lượn ngoạn mục. Bước vào trong, căn nhà được phủ bằng những tấm đệm bàng, trắng tươi và bóng láng như một dinh thự sang trọng, chớ không phải ở chiến khu. Nhà triển lãm thu hút người ta bằng những hàng cờ phướn đủ màu sắc. Và, ban đêm, ánh điện còn làm nổi bật lên những tấm áp phích, những họa phẩm, những tấm hình cỡ lớn của tổ nhiếp ảnh Quân khu đã chụp được trong nhiều trận đánh lẫy lừng của quân dân Quân khu 8… Tại cuộc triển lãm này, ngay ngày khai mạc, họa sĩ Diệp Minh Châu đã lấy máu trong cánh tay mình vẽ nên  bức tranh Bác Hồ và ba em bé Trung Nam Bắc quây quần dưới chòm râu của Bác trên nền lụa”.

(3) Về việc vẽ những bức tranh này, nhà văn Hoài Anh viết: “Vào một buổi sáng năm 1948, anh Bảo Định Giang tìm tôi cho biết: Anh được ủy nhiệm của Bộ Tư lệnh Quân khu yêu cầu tôi vẽ 12 bức chân dung Bác Hồ cỡ lớn làm giải thưởng cho các đơn vị quân đội và một số địa phương trong một Hội nghị thi đua sắp tới. Tôi đã chấp hành mệnh lệnh và hứa cố gắng hoàn thành trong thời gian quy định… Tôi được cấp 12 thước vải trắng  với một chiếc xuồng con và một em bé tên Nga giúp việc. Nga rất thích hội họa, có khả năng bài trí sân khấu và còn có khả năng diễn kịch… Vâng, đúng là Huỳnh Nga, sau này là Đạo diễn sân khấu và cũng được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Nhưng lúc ấy Huỳnh Nga còn rất nhỏ, chuyên giúp tôi bơi xuồng và làm một số công việc vặt khác. Chia tay anh Bảo Định Giang với ba tấm giấy giới thiệu trong tay, hai thầy trò chống xuồng ra đi. Đồng Tháp Mười lúc này đã là một cái biển lớn mênh mông, không biết đâu là bến bờ. Ghé mấy xóm nhà thì nơi nào nước cũng ngập tới mái lá, chưa biết tá túc vào đâu. Việc đầu tiên là phải kiếm mua cho được các loại sơn và bút vẽ. Việc này phải ra chợ Cao Lãnh mới có được. Nhưng Huỳnh Nga đi ba ngày rồi trở về tay không. Không ai dám cấp giấy phép cho em ra vùng tạm chiếm. Chúng tôi đã tìm được tới nhà in báo Tổ Quốc để may ra có thể nhờ giúp đỡ gì chăng? Cái nhà in này chỉ có một bàn in lăn tay, cũng nghèo nàn lắm. Họ không có màu gì khác màu mực đen. May quá vét lại các hộp sơn có thể hòa lẫn màu tím pha với đỏ thành màu nâu, có thể dùng vẽ màu áo của Bác. Nhưng còn màu da của Bác, phải là màu hồng nhạt. Chúng tôi bàn với nhau, bật ra một sáng kiến tìm tới một ngôi đình cũ bị máy bay Pháp bắn đã sụp. Tại đây gạch ngói vung vãi khắp nơi, ngâm nước lâu ngày đã mềm lụn, chúng tôi bóp thử thấy đỏ rực như son, có thể pha trộn vẽ da người rất đẹp. Nhưng Huỳnh Nga hỏi:

- Không có màu trắng để pha màu đậm nhạt, làm sao anh Hai?

Tôi nói với em: Ta lấy ngay cái nền vải trắng này làm sơn trắng là xong thôi. Nhưng điều khó khăn là vẽ rồi thì không thể bôi xóa để vẽ lại. Vậy phải tính toán từng nét vẽ.

Màu sơn như vậy là tạm được, bây giờ làm sao có được mấy cây cọ, một cái lớn, một cái nhỏ, một cái bút nhọn để vẽ tóc và tỉa râu… Trước đây, hồi còn ở Sài Gòn, lúc ngặt nghèo khi quân Pháp bị quân Nhật đảo chính, nhiều cửa hàng không buôn bán gì nữa, có lần tôi phải kiếm đuôi ngựa bó lại làm cọ lớn và dùng râu dê làm bút nhọn. Bây giờ ở Đồng Tháp Mười mênh mông nước nổi lấy đâu ra đuôi ngựa và râu dê. Không dè Huỳnh Nga bật ra sáng kiến: Để em tìm râu mèo làm bút nhọn và lông ngỗng làm cọ to, anh Hai vẽ coi có đặng không. Cái mẹo nhỏ đó đã có kết quả.

Sau hai tháng trời làm việc không kể ngày đêm, chúng tôi đã hoàn thành mười hai bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một thứ màu đặc biệt có một không hai này. Những bức chân dung cao rộng, hoành tráng nổi bật lên trên bộ khung bọc vải đỏ rực rỡ và uy nghi”.

(4) Về việc này, họa sĩ Hoàng Tuyển kể lại:

- Chúng tôi được lệnh lên Phủ Chủ tịch để Bác Hồ duyệt lại lần nữa. Chúng tôi rất phấn khởi và vui sướng lên gặp Bác Hồ. Buổi biểu diễn cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng như đã tổng diễn tập. Khán giả tuy vắng hơn, nhưng hầu hết là các vị Trung ương Đảng, các Bộ, các ngành của Trung ương…

Các diễn viên chưa tới lượt ra sân khấu đều cố gắng tìm cách được hé mắt nhìn Bác Hồ ngay giữa hàng ghế đầu. Tiết mục nào Bác cũng vỗ tay trước và các vị khán giả cao cấp vỗ tay theo dạt dào và hào hứng. Cả đoàn chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Sau buổi biểu diễn, chưa kịp tẩy trang, Bác có lệnh cho đoàn cử đại diện vô phòng làm việc gặp Bác. Các anh Lưu Trọng Lư, Nguyễn Văn Thương cử tôi thay mặt cùng với các nghệ sĩ Ngọc Dậu, Kim Chi, Kim Anh, Phùng Nhạn, Thúy Quỳnh, Xuân Quỳnh, Tân Nhân, Khánh Vân… vô gặp Bác.

Cuộc đời tôi nếu có lúc nào hồi hộp nhất thì đây là lần đầu tiên tôi thấy thế nào là hạnh phúc khi trực tiếp được gặp lãnh tụ. Người lãnh tụ tôi hằng kính mến hàng chục năm nay, từ khi tôi biết Người chính là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, bao năm bôn ba ở nước ngoài, gian khổ muôn phần để tìm đường cứu nước, là Người đã làm nên cuộc cách mạng vĩ đại của đất nước ta, là Người đã đọc Tuyên ngôn Độc lập ở vườn hoa Ba Đình, là Người được cả nước tôn thờ, được suy tôn là Cha già dân tộc…

Quả thật trong lòng tôi có hơi run. Nhưng Bác đã từ phòng khách ra đón chúng tôi. Dưới ánh đèn sáng trưng, Bác ung dung như một ông tiên xuất hiện. Chúng tôi quây quần bên Bác, ai ai cũng xúc động, ngắm nhìn Bác, được gần gũi Bác, tưởng như nghe cả được hơi thở của Bác truyền cho chúng tôi một sự nồng ấm thân tình… Bác giơ tay cho phép chúng tôi ngồi. Biết tôi là cán bộ lãnh đạo, Bác cho ngồi ngay trước mặt đối diện với Bác. Nhiều chị không muốn ngồi, đứng sau lưng Bác. Riêng Thúy Quỳnh và Xuân Quỳnh thì quỳ ngay hai bên chân Bác vuốt ve chiếc áo lụa của Bác. Chờ cho mọi người ổn định rồi, Bác Hồ thong thả và vui vẻ nói với chúng tôi, đại ý: Như tất cả chúng ta đều biết, nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ, nửa nước được độc lập, tự do. Và, cũng nhờ Liên Xô đài thọ, Đảng và Chính phủ ta mới cử được một đoàn đại biểu hơn một trăm người, trong đó có đoàn văn công của các cháu, sang tham dự Đại hội liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 7 tổ chức tại Thủ đô Viên, nước Áo trong vòng một tháng… Sau đó đoàn văn công của các cháu sẽ ở lại để đi thăm và biểu diễn phục vụ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu… Trên đường trở về đoàn của các cháu sẽ thăm và biểu diễn ở hai nước Ấn Độ và Miến Điện… Đây là lần đầu các cháu mang chuông đi đánh ở nước ngoài. Các cháu phải làm sao để cho khi mình từ giã rồi, họ vẫn còn nhớ tới mình. Muốn cho người ta nhớ thì phải làm sao ăn ở cho người ta thương… Muốn cho người ta thương thì mình phải luôn luôn nói năng vui vẻ, duyên dáng, dịu dàng, đi đứng nhẹ nhàng, tác phong đơn giản, thái độ khiêm tốn… Nói chung Bác mong tất cả, từ cán bộ đến các đoàn viên, nghệ sĩ, diễn viên nhớ lời Bác dặn… Sau khi các cháu lên đường, Bác sẽ thường xuyên theo dõi, đón chờ tin vui của các cháu gửi về…

… Nói xong Bác đưa tất cả chúng tôi vào một căn phòng đã có đông đủ cả đoàn ngồi chung quanh những chiếc bàn đã dọn sẵn bữa ăn khuya… Bác lặng lẽ bước ra phía sau… Tôi vội vã chạy ra nhìn theo, Bác đang bước nhanh và đi khuất.

Tôi nhìn mãi, nhìn mãi, bâng khuâng như vừa tỉnh một giấc mơ. Ôi, tôi đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sao? Cả đoàn chúng tôi đang ngồi đây kia, chưa ai muốn dùng tô cháo Bác cho. Họ còn xôn xao tấm lòng của Bác, vì lời dặn của Bác, vì ước mơ sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ Bác trao”.

(5) Tượng đài Trương Định được khánh thành năm 1995.

Nguyễn Phúc Nghiệp

Theo tiengiang.gov.vn

Khúc Thị Lan Hương (st)

Bài viết khác: