Gương mặt Bác thoáng buồn, Bác nói với tôi mà như nói với chính mình: "Còn hàng triệu cháu như các cháu, giờ này chưa có được một viên kẹo nào đâu..."
Những mẩu chuyện nho nhỏ về Bác Hồ đã được nhiều người Việt Nam thuộc lòng, trong đó có những câu chuyện Bác tặng quà cho trẻ em Việt Nam cũng như trẻ em quốc tế: "Quả táo của Bác Hồ", hay "Ai ngoan sẽ được thưởng".
Là một trí thức cấp tiến, một người say mê lao động, một chiến sĩ cách mạng, một lãnh tụ giải phóng dân tộc, một nhà báo, nhà thơ, họa sĩ..., con người rộng lớn và sâu thẳm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được nhiều thế hệ khám phá và học hỏi. Qua cảm nhận của các nghệ sĩ về Người ghi lại trong bộ tác phẩm 11 cuốn "Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh (NXB Văn học), Người còn hiện lên là một Con Người tha thiết nhất với con người.
Dưới đây là một câu chuyện ít người biết đến, được kể bởi nghệ sĩ H'ben (Quang Tuệ ghi), một người con của dân tộc Bahnar, Việt Nam - được trích trong tập sách nói trên.
Bác Hồ chia kẹo
Tôi sinh năm 1933 ở làng Đé Đơng, xã Yang Trung, huyện Kông Chro - một cái làng nghèo khó của người Bahnar.
Khi tôi bắt đầu lớn lên, Đé Đơng là một làng nô lệ nên sự khổ nhục của con người không thể kể xiết.... Khi đã có nhận thức, biết thương người làng mình, cũng là lúc tôi biết làng tôi có cán bộ chống Pháp đang ở.
Một hôm, cán bộ người Kinh vào làng nói, bây giờ tôi vẫn còn nhớ đại ý: Hiện nay có Bác Hồ là người lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Đánh được Pháp rồi, người làng ta và cả dân các làng Tây Nguyên rộng lớn này sẽ được sung sướng, tự do...
Hồi đó, tôi không hiểu biết những lời ấy. Nhưng cuộc sống hiện tại cực quá, nên chẳng riêng tôi mà cả làng ai cũng muốn đứng lên đánh Pháp, đứng lên làm cách mạng. Vả lại, từ trong sâu thẳm suy nghĩ của mỗi người nói đến Bác Hồ là nói đến lẽ phải, sự công bằng nên ai ai cũng ưng, cũng muốn đi theo con đường của Bác...
Một ngày của năm 1956, Bác đến thăm trường Dân tộc Trung Ương đóng tại Gia Lâm, Hà Nội. Lần đầu tiên, tôi được biểu diễn văn nghệ cho Bác và các cán bộ cùng đi theo. Xem xong, Bác xoa đầu tôi và ân cần hỏi.
- Cháu dân tộc gì?
- Thưa Bác, dân tộc Bahnar - Tôi trả lời Bác.
Bác hỏi tiếp:
- Cháu ở đây ăn cơm có no không?
- Thưa Bác, có no ạ - Tôi thưa.
Bác lại hỏi:
- Cháu có nhớ nhà không?
- Thưa Bác, có ạ - tôi trả lời Bác.
Bác thoáng đăm chiêu "ừ" rồi nói với tôi:
- Cháu cố gắng học cho giỏi rồi sau này sẽ trở về quê hương Tây Nguyên phục vụ đồng bào...
Nhưng rồi chiến tranh đã không cho tôi như bao người khác trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình như điều người ta vẫn hằng mong đợi... Là diễn viên của Đoàn Văn công giải phóng, sống ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhớ lời Bác dặn tôi càng cố gắng phấn đấu để biểu diễn phục vụ ở Phủ Chủ tịch và Nhà khách của Bác thêm một lần nữa. Có lần chúng tôi còn được biểu diễn phục vụ một "người khách đặc biệt" của Bác Hồ, ông Xu-các-nô.
Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là hôm biểu diễn lần cuối cùng cho Bác xem ở Phủ Chủ tịch năm 1967. Kết thúc buổi biểu diễn, Bác gặp riêng các diễn viên. Bác cho kẹo và hỏi từng người:
- Cháu xin Bác bao nhiêu?
Ai cũng nhanh nhẩu xin Bác cho nhiều nhiều. Đến lượt tôi, Bác hỏi:
- Thế cháu xin Bác bao nhiêu?
Tôi thật thà đáp:
- Thưa Bác, cháu chỉ xin một viên thôi ạ.
Bác cười to và nói:
- À, cháu này ngoan lắm!
Nhưng rồi gương mặt Bác thoáng buồn. Bác nói với tôi, với mọi người xung quanh mà như nói với chính mình, với những người đang ở xa:
- Còn hàng triệu cháu như các cháu, giờ này chưa có được một viên kẹo nào đâu..
Chúng tôi lặng đi trong xúc động. Chúng tôi hiểu trái tim mênh mông của Bác khi ấy, cũng như bất cứ lúc nào khác vẫn đang hướng về miền Nam còn ngập chìm trong lửa đạn. Trước ngày mất không lâu, Bác có nói một lời tưởng như đơn giản, nhưng nghĩ ra thì mới thấy thấm sâu về ý nghĩa: miền Nam luôn ở trong trái tim tôi....
Dưới con mắt quan sát của một nhà thơ Việt Nam, nhà thơ Huy Cận, thì “Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là người của một quyển sách, một nền văn hóa duy nhất”. Từ tuổi nhỏ, Người đã học chữ Hán và văn học cổ điển Trung Quốc. Người cũng tiếp thu nền văn hóa Ấn Độ qua ảnh hưởng của đạo Phật và qua sự tiếp xúc với rất nhiều người bạn Ấn Độ quen thân trong cuộc chiến đấu. Tại Liên Xô, vào những năm 20, Bác khám phá ra nền văn học Nga của thế kỉ XIX. Người đọc nhiều Turgenev, Tolstoi và cũng đọc một vài tác phẩm của Chekhov. Tại Pháp, “thế kỉ ánh sáng” đã chiếu rọi ánh sáng vào tâm trí Người. Ham đọc Voltaire và Rousseau, và cũng đọc nhiều Victor Hugo, Anatole France, Người thật sự đã hấp thụ được tinh thần của cách mạng Pháp ngay từ nguồn. Suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang dấu ấn của lòng ham mê đầu tiên ấy về những lý tưởng tự do và bác ái.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho những người có dịp gặp Người: người ta tưởng được tiếp kiến một lãnh đạo Nhà nước, một lãnh tụ cách mạng, thì người ta lại được gặp một con người. Người đấu tranh giành độc lập, tự do, bảo vệ nhân phẩm cho đồng loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người hiền vĩ đại, bởi vì Người đã tin tưởng ở con người, ở những dân tộc, bởi Người đã tin vào những khả năng vô tận của con người để tự cải thiện tâm hồn và cuộc sống của chính mình.
Trên báo Ogoniok (Liên Xô trước đây), số 39, ra ngày 23-12-1923, nhà thơ đồng thời là nhà báo Xô-viết nổi tiếng O.Mandenxtam đã viết như sau: “Dáng dấp con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai…Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới...”./.
Theo Vân Sam/ vietnamnet.vn
Phương Thúy (st)