Hơn 50 năm đã trôi qua, những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra đang lùi xa, nhưng với nhiều người, sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh vẫn còn đâu đây, những trận đòn roi, tra tấn ác độc của kẻ thù vẫn còn hiện diện ngay trên chính thân thể họ, mà thời gian không thể nào xóa nhòa. Một ngày đầu tháng 7, ngay giữa phố núi Pleiku (Gia Lai), chúng tôi may mắn được gặp bà, một trong 11 cô gái sông Hương dũng cảm năm nào. Chiến tranh đã qua nhưng bà vẫn nhớ như in những năm tháng hoạt động trong lòng địch và giây phút hạnh phúc được gặp Bác Hồ.

chuyen ve co gai song huong   anh
Bà Thừa chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TL

Bà là Hồ Thị Thừa, năm nay đã ngoài 60 tuổi, hiện đang sống tại tổ 13, phường Hoa Lư, TP.Pleiku (Gia Lai). Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, bà cho biết: Quê bà ở huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, khi vừa tròn 5 tuổi đã phải chứng kiến cảnh giặc Mỹ đánh đập và bắn giết cha mẹ mình. Sự đau đớn, mất mát đó đã hun đúc trong lòng bà một nỗi căm thù sâu sắc. Nung nấu ý chí trả thù, năm 15 tuổi, bà đã làm đơn xin vào đội du kích và nhanh chóng được gia nhập đội nữ biệt động thành. Không may trong lúc làm nhiệm vụ bà bị địch bắt đầu năm 1967, sau đó bị giam tại nhà lao Thừa Phủ: “Bọn giặc dùng đủ mọi thủ đoạn tra tấn tàn khốc nhất như đánh đập, kẹp đến rỉ máu các đầu ngón chân, ngón tay, tra tấn mãi không mang lại kết quả, chúng cho rắn chui vào ống quần, cho ăn đỉa, ăn sâu bọ, thậm chí dụ dỗ mọi cách nhưng vẫn không thu được gì. Không đủ bằng chứng, chúng buộc phải thả ra”, bà bùi ngùi nhớ lại.

Sau khi được thả về, bà tiếp tục lao vào hoạt động bí mật, hai tháng sau đó, bà được chỉ định gia nhập vào Tiểu đội Võ Thị Sáu. Tết Mậu Thân năm 1968, tiểu đội của bà được giao nhiệm vụ phục kích địch tại cầu Vân Dương (ngoại thành Huế), sau 21 ngày đêm chiến đấu gan dạ, cả tiểu đội đã tiêu diệt gần 200 lính Mỹ Ngụy, phá hủy 5 xe tăng, xe bọc thép và thu nhiều vũ khí của địch. Sau nhiều ngày đêm chiến đấu gian khổ, bao máu, nước mắt của đồng đội đã ngã xuống, chiến dịch Mậu Thân 1968 kết thúc thắng lợi. Tuy nhiên, lúc này những vết thương cũ trên người do bị địch tra tấn ngày nào lại tái phát, bà lâm bệnh nặng được tổ chức đưa ra Hà Nội chữa trị và cũng trong thời gian này, bà đã vinh dự được gặp Bác Hồ.

Đang miên man theo dòng cảm xúc bỗng bà mỉm cười nói: “Âu đó cũng là may mắn do ông trời ban cho, nếu tôi không bị bệnh chắc gì được ra Hà Nội và có vinh dự được gặp Bác Hồ chứ”. 15 ngày sau khi ở cùng anh hùng Kan Lịch và anh hùng Tạ Thị Kiều tại số nhà 83, Lý Nam Đế (Hà Nội), bà được gặp bác Lê Duẩn, bác Phạm Văn Đồng và cả bác Tôn Đức Thắng. Chưa hết bất ngờ, vui mừng khi được gặp các bác, thì bác Đồng cho biết: “Cháu Thừa chuẩn bị đi công tác cùng bác nhé… bây giờ cháu có muốn đi gặp Bác Hồ không…”, “chưa hiểu chuyện gì thì chiếc xe quân dụng xuất hiện sau đó chở tôi và bác Đồng lòng vòng qua các con phố của Thủ đô đưa tôi đến Phủ Chủ tịch gặp Bác”, bà Thừa nhớ lại. Tại đây, bà được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác Trường Chinh và đặc biệt là giây phút hạnh phúc nhất khi được gặp Bác Hồ: “Trong suốt cuộc đời chiến đấu, tôi chỉ mong một lần được gặp Bác, tưởng vinh dự đó không bao giờ có được vậy mà… Trước mắt tôi là Bác Hồ, Người mặc một chiếc áo lụa Hà Đông, quần kaki màu xám và đội mũ công nhân, nhìn thấy chúng tôi Bác nở nụ cười phúc hậu”.

Trong lúc ngồi nói chuyện với Bác, thấy bà không ngồi lên ghế mà ngồi xuống nền nhà, ngay trước mặt mình, Bác liền hỏi: “Sao cháu không ngồi lên ghế?”. Bà đáp lại: “Dạ cháu là bậc cháu, cháu không cho phép mình ngồi ngang hàng với Bác ạ”. Lúc đó Bác Hồ xoa đầu tôi bảo: “Cháu ngoan lắm, thôi Bác cho phép cháu được ngồi ngang với Bác đấy”. Trong lúc dùng cơm Bác hỏi: “Thằng Mỹ cao lớn còn cháu thì nhỏ vậy mà sao cháu cũng dám đánh?”. Tôi hồ hởi trả lời Bác: “Thằng Mỹ nó to cao nhưng cháu không sợ, cháu phải đánh nó để trả thù cho gia đình và đồng đội”. Nói rồi bà kể về gia đình mình, quê hương mình, về lần mình bị địch bắt và bị tra tấn gần 1 năm tại nhà lao Thừa Phủ, về chiến thắng của Tiểu đội Võ Thị Sáu trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968… Nói chuyện một hồi bà lấy cho chúng tôi xem tấm huy hiệu mà bà vinh dự được Bác trao tặng, “Đây, Bác đã tặng tôi và mọi người, mỗi người một chiếc huy hiệu. Tôi giữ nó mãi đến tận bây giờ đấy”. Rồi trong ánh mắt rạng ngời hạnh phúc đó, bà khoe với chúng tôi: Hôm đó, bà còn được chụp ảnh với Bác, với Anh hùng Núp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đi xem phim “Sức mạnh tinh thần Liên Xô” cùng Bác và mọi người nữa đấy. Vừa nói, bà vừa chạy vào nhà đem mấy tấm ảnh ra khoe, rồi vồn vã kể: Khi xem phim, bà được ngồi bên cạnh Bác, được Bác phân tích kỹ hơn nên bà mới hiểu sâu hơn về nội dung của bộ phim.

Một cuộc gặp gỡ khá bất ngờ nhưng đầy thiêng liêng đã tiếp thêm động lực cho bà Thừa sống và cống hiến hết mình cho đất nước. Từ đó, bà tập trung chữa bệnh và học văn hóa trong 6 năm ở đất Hà thành. Trở về quê (Thừa Thiên Huế) bà là thương binh hạng 4/4, nhưng bà vẫn lao vào lao động sản xuất. Đến năm 1985, bà cùng gia đình vào Gia Lai lập nghiệp và bà đảm nhận nhiều chức vụ như Tổ trưởng Tổ Phụ nữ, Phó Bí thư chi bộ 7, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh… Dù ở cương vị nào, người con gái sông Hương năm nào vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Nguyễn Kim
Theo nhandaovadoisong.com.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: