Ở xã miền núi Đô Lương (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) có những cánh rừng tươi tốt, trải dài trên khắp hẻm núi, triền đồi, được người dân địa phương đặt tên là "rừng Bác Hồ". Gần nửa thế kỷ qua, người dân ở vùng địa đầu Tổ quốc này vẫn truyền cho nhau lời kể của cha ông về những kỷ vật đặc biệt mà Bác Hồ đã tặng cho địa phương với hàm ý căn dặn mọi người về tầm quan trọng của rừng đối với đời sống con người. Có lẽ vì thế, từ bấy đến nay, người dân Đô Lương không chỉ tích cực tham gia bảo vệ rừng, mà còn luôn phấn đấu vươn lên làm giàu từ rừng...

Ky tich
Chung thủy với rừng, đời sống người dân xã Đô Lương ngày càng khấm khá

Vượt gần 4 cây số bằng xe máy theo con đường liên huyện, chúng tôi có mặt tại xã Đô Lương theo lời hẹn của ông Nguyễn Văn Hiền, một "kiện tướng trồng rừng" ở thôn Phủ Đô. Đón chúng tôi, ông Hiền tay bắt mặt mừng như người thân lâu ngày gặp lại. "Bây giờ thì sướng lắm rồi! điện, đường, trường, trạm có đủ. Nghề rừng đã chắp cánh cho người dân Đô Lương chúng tôi từ nghèo khó trở nên khấm khá. Cũng nhờ rừng, con cháu trong xã được đi học ở các trường gần, trường xa. Đấy là kỳ tích chứ đâu?..." - Ông Hiền bảo thế khi dẫn chúng tôi đi thăm hơn chục héc-ta rừng do gia đình ông nhận bảo vệ và khai thác.

Qua tiếp xúc với ông Hiền, biết ông đã chạm cái ngưỡng "thất thập cổ lai hi", nhưng sức vẫn còn vượng lắm. Gần một đời gắn bó với vùng núi rừng địa đầu hun hút gió, ông đã chứng kiến cuộc sống của người dân ở đây đổi thay từng ngày. Ông Hiền kể, những năm trước thời kỳ đổi mới, người dân Đô Lương sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp là chính. Đời sống kinh tế khi ấy gặp nhiều khó khăn, quanh năm tập trung vào trồng trọt và chăn nuôi mang tính tự cung, tự cấp. Để từng bước thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn, UBND xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng phát huy những tiềm năng tự nhiên sẵn có, tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh trồng rừng kinh tế. Về vấn đề này, anh Phạm Trung Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đô Lương cho biết, từ khi các lâm trường có chức năng quản lý rừng chuyển giao rừng tới các hộ dân, bà con trong xã đã tập trung trồng rừng và đạt được những hiệu quả bước đầu. Đến nay, có thể nói, trồng rừng kinh tế là một trong những thế mạnh giúp nhân dân thoát nghèo và làm giàu. "Hiện nay, hầu hết trong tổng số gần 1.100 hộ dân trong xã đều có rừng. Hộ ít cũng có 2-3ha, hộ nhiều có tới 8-10ha, với các loại cây trồng chính như bạch đàn, keo, mỡ... Diện tích "rừng Bác Hồ" của xã đã phủ kín gần 840ha đất lâm nghiệp. Nhờ rừng, nhiều hộ đã giàu lên mà điển hình là "kiện tướng trồng rừng" Nguyễn Văn Hiền. Giờ đây, những hộ như ông Hiền đang ngày càng nhiều lên..." - Chủ tịch Phạm Trung Nghĩa hào hứng khoe với chúng tôi.

Trước khi về thực tế tại xã Đô Lương, chúng tôi đã được một đồng nghiệp địa phương cho biết, không phải đến bây giờ, những cánh rừng ở Đô Lương mới có tên "rừng Bác Hồ". Trên báo Nhân dân, số ra ngày 5-2-1969 có đăng một bài viết cổ vũ phong trào trồng rừng ở một số địa phương miền núi có nhan đề "Tết trồng cây" của tác giả T.L (bút danh của Bác Hồ), trong đó có nêu những con số giản dị nhưng rất sinh động về kết quả trồng rừng ở Đô Lương: "Một ví dụ: Xã Đô Lương (Lạng Sơn) có nhiều đất rừng, nhưng trước đây không biết chăm lo trồng cây. Từ năm 1964, trong cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, Đô Lương hợp bảy hợp tác xã nhỏ thành ba hợp tác xã lớn. Việc trồng rừng được quản lý tốt, bảo vệ tốt, kết quả bước đầu là với 270ha rừng được chăm sóc, hằng năm đã bán cho Nhà nước 1.100m3 gỗ và 1.000m3 củi. Nhờ trồng cây tốt cho nên thủy lợi cũng tiến bộ. Hơn 100 hécta ruộng trước kia bỏ hóa, nay đã trở thành ruộng 5 tấn...".

Liên quan đến câu chuyện lịch sử trên, "kiện tướng trồng rừng" Nguyễn Văn Hiền cho biết, khi ấy, ông mới 20 tuổi, là tổ viên tổ mộc của hợp tác xã. "Biết được thành tích của nhân dân xã Đô Lương, Bác Hồ gửi thư khen và tặng cho xã một bộ đồ mộc kèm đồ rèn để nhân dân phát triển nghề rừng. Tôi vẫn còn nhớ, lúc đó, UBND xã cử các cụ cao niên đi nhận món quà đầy ý nghĩa của Bác. Đoàn về đến xã, hay tin, chẳng ai bảo ai, tất cả mọi người từ già chí trẻ đều ra đón..." - Ông Hiền kể. Rồi như muốn để cho lòng mình lắng lại trong giây phút xúc cảm dâng trào, ông ngước nhìn lên tấm ảnh Bác trong gian thờ chính của ngôi nhà khang trang của mình. Ngay sau đó, ông tiếp tục câu chuyện với chúng tôi bằng giọng đầy tự hào: "Tôi chính là một trong những người đầu tiên được sử dụng bộ đồ mộc để đóng bàn học cho các cháu học sinh trong xã. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản, Bác tặng là để cho dân sản xuất chứ chưa nghĩ sâu sắc như bây giờ. Thời gian đã trôi qua non nửa thế kỷ, tôi mới nghiệm ra rằng, bộ đồ nghề Bác tặng bà con Đô Lương chính là lời nhắc nhở mang ý nghĩa lớn lao, đó là, trồng cây, gây rừng có lợi ích to lớn cả về kinh tế và quốc phòng...".

Ky tich1
Mô hình nuôi lợn đen được nhiều hộ dân ở xã Đô Lương áp dụng cho hiệu quả kinh tế cao

Thời gian ở Đô Lương, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cùng với trồng rừng, nhiều hộ dân ở đây đã mạnh dạn mở cơ sở sản xuất gỗ bóc nhằm tận thu nguồn nguyên liệu sẵn có. Việc này không chỉ đem lại doanh thu khá, mà còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Đi đầu trong phong trào làm kinh tế từ rừng ngày nay không chỉ có các bậc cao niên đã gắn bó với rừng từ "thời thanh niên sôi nổi" như ông Nguyễn Văn Hiền, hiện nay đã có trong tay gia tài bạc tỷ, mà còn có rất nhiều người trẻ phất lên từ rừng. Một điển hình trong số đó chính là Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Trung Nghĩa. Chung thủy với rừng từ khi bắt tay vào lập nghiệp, đến nay, vợ chồng anh đang chạm "ngưỡng" tỷ phú với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, có rất nhiều hộ "thường thường bậc trung" có thu nhập cao từ rừng. Và có lẽ, cụm từ "sống nhờ rừng", nghĩa là lấy rừng làm nguồn sống do đã ngấm sâu vào huyết quản mỗi người dân ở đây nên tại Đô Lương bây giờ tuyệt nhiên không còn chuyện phá rừng. Rất nhiều chủ rừng trên quê hương của những "cánh rừng Bác Hồ", đang lặn lội đi tìm hiểu, rồi "cõng" cây công nghiệp dài ngày về trồng trong vườn rừng...

"Đó cũng là kỳ tích có phải không các nhà báo?" - "Kiện tướng trồng rừng" Nguyễn Văn Hiền hào hứng vỗ vai chúng tôi và nhắc lại câu nói lúc mới gặp, trước khi chia tay.

Nguyễn Quang Anh

Theo Báo Biên phòng

Khúc Lan Hương (st)

Bài viết khác: