dao duc nghe nghiep  a

Sinh thời, ngay từ những năm đầu xây dựng đất nước, trên cương vị người lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới lối sống, tư tưởng và đạo đức của các cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Quan điểm đạo đức nghề nghiệp của Người bắt nguồn từ tư tưởng nhân văn cao cả và đạo đức cách mạng. Bác cho rằng việc tu dưỡng đạo đức, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ phải được đặt lên hàng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác. Qua tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người cán bộ, công chức thì ta thấy được phạm trù trung tâm là “Đức” và “Tài”. Đức và tài trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước hiện nay, được Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng và đặt ra những yêu cầu nhất định đối với cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo và quản lý các ngành, các cấp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là cái gốc, là nền tảng của người cán bộ cách mạng, là “nguồn cội” làm cho tinh thần cách mạng không bao giờ cạn: “Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn; cây phải có gốc, không có gốc thì cây khô héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức thì dù có tài giỏi đến mấy cũng không thể lãnh đạo nhân dân được”. Người chỉ rõ: “Đạo đức là cái gốc của người cán bộ, trăm sự thành bại đều do cán bộ tốt hay xấu”.

Khi nói, người cán bộ, công chức có đức, có tài là muốn đề cập đến những khía cạnh hết sức cụ thể chẳng hạn: Phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành… Ta có thể hiểu phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức thuộc về phạm trù đạo đức; còn trình độ và năng lực… thuộc về phạm trù tài. Song việc tạm tách như vậy chỉ mang tính chất tương đối, bởi ngay trong từng việc cụ thể đức và tài bao chứa ở trong nhau. Trong một chừng mực nào đó giữa hai phạm trù đức và tài trong đạo đức của người cán bộ luôn cần sự thể hiện thống nhất như một chỉnh thể. Đòi hỏi cán bộ, công chức phải có đức, có tài trong thực thi công vụ là muốn đề cập tới những tiêu chuẩn chung nhất của người cán bộ, công chức. Đối với cán bộ công chức, cán bộ quản lý nhà nước nhất thiết phải có kiến thức về khoa học quản lý nhà nước; có năng lực điều hành và tổng kết thực tiễn; có khả năng thể chế hóa các chỉ thị và nghị quyết của Đảng, tinh thông về chính sách và pháp luật; nghiệp vụ hành chính; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hồ Chí Minh viết: “Nước ta là một nước dân chủ, nghĩa là nhà nước do dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân giữ đúng đạo đức công dân.”

Phần nhiều, các Nghị quyết của Đảng chỉ rõ rằng, phải coi trong việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, phải coi trọng cả “đức” và “tài”, “đức” là gốc. Nói như vậy, không có nghĩa là tuyệt đối hóa vai trò của đạo đức, xem nhẹ yếu tố “tài năng” thực chất muốn nhấn mạnh tới vị trí và tầm quan trọng của yếu tố “đạo đức” trong chỉnh thể “đức” và “tài”. Hồ Chí Minh chính là hiện thân của mối quan hệ “đức” và “tài”. Ở Người, “đức” và “tài” là một, “đức” là biểu hiện của “tài” và “tài” là biểu hiện của “đức”.

Trong cuộc họp Giám đốc và Chủ tịch các Ủy ban Công sở ở Hà Nội ngày 17/1/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: “Vậy để giúp công việc Chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ có bốn đức tính là: Cần, kiệm, liêm, chính. Cần, là anh em viên chức phải tận tâm làm việc, một người làm bằng hai, ba người…; kiệm, phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu, đồ dùng trong các công sở… Có cần, có kiệm (…) mới trở nên liêm chính để cho người ngoài kính nể được.”

Đấy chính là bốn đức tính đạo đức cần có của người cán bộ, đảng viên, cán bộ, công chứng, nó thể hiện thông qua những hành vi cụ thể trong hoạt động thực thi công vụ. Hành vi đạo đức của cán bộ, công chức chỉ có thể được hình thành và phát hiện trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày phục vụ nhân dân; phụng sự sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Không có thứ đạo đức chung chung, trừu tượng, bên ngoài cuộc sống càng không có thứ đạo đức suông. Cán bộ, công chức phải gương mẫu về đạo đức. Sự gương mẫu về đạo đức là một trong những chuẩn mực đặc trưng của nền công vụ. Người có quyền lực càng lớn, địa vị càng cao thì càng phải thường xuyên tu dưỡng và làm gương sáng về đạo đức.

Hồ Chí Minh viết: “Một điều rất quan trọng nữa là các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nên gương sáng về đạo đức cách mạng. cần kiệm liêm chính, chí công vô tư phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc… nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.

Đạo đức cán bộ, công chức theo tư tưởng của Hồ Chí Minh còn có nghĩa là Chính phủ, cán bộ phải lấy tinh thần công bộc của dân, đầy tớ của dân mà đối xử với dân. Cách hiểu này có thể coi là một đặc trưng tiêu biểu của đạo đức công vụ. Tinh thần đầy tớ của dân một mặt có ý nghĩa là tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân mặt khác có ý nghĩa người được giao trách nhiệm đại diện cho nhân dân phải tận tâm, tận tụy với công việc, với dân, phụng sự nhân dân hết mình như giữ đạo hiếu với cha mẹ vậy: “Chúng ra phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh công việc chung cho dân, chứ không phải là để đè đầu cưỡi cổ nhân dân trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.

Cán bộ là “công bộc của dân”, là “đầy tớ của dân”, vì “Nước ta là dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trưng ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Điều này càng có ý nghĩa khi sự nghiệp đổi mới hiện nay cần có sự tham gia của toàn dân, cần phát huy, học tập và làm theo những tình cảm đạo đức trong sáng của Người. Đạo đức cán bộ, công chức được đặt lên trên lập trường của giai cấp công nhân và chỉ có một mục đích: Vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân; chỉ có một tinh thần: Tận tụy hy sinh vì dân, vì nước. Đạo đức cán bộ, công chức “đức” và “tài” không tách rời nhau. Như vậy có thể khẳng định đạo đức nghề nghiệp theo quan điểm của Người là cán bộ, đảng viên phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng; phải đi đầu, đi trước trong mọi công việc, bởi vậy trong tác phẩm nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Người khẳng định: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Trong thời kỳ phát triển hiện nay, trong bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội người cán bộ, đảng viên cũng cần phải luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng để làm gương cho quần chúng nhân dân noi theo trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội. Nếu như chú trọng, xây dựng được đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay thì vô cùng quý giá, nó như một động lực tinh thần không thể thiếu để kiên quyết đấu tranh chống nạn quan liêu, tham nhũng như một trọng bệnh, một quốc nạn để bảo đảm môi trường xã hội – nhân văn lành mạnh cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị và đồng thuận xã hội. Đó là vấn đề cơ bản, lâu dài đối với sự phát triển, hiện đại hóa xã hội ở nước ta./.

Minh Thu (Tổng hợp)

Bài viết khác: