Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 30 Đền thờ Bác Hồ, riêng Cà Mau có tới 18 Đền thờ. Ở những vùng đất xa xôi, người dân không có điều kiện về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến bảo tàng hay về quê Bác, mọi tình cảm thiêng liêng nhất đối với Bác đều được thể hiện, gửi gắm thông qua hệ thống Đền thờ này. Cố học giả Trần Bạch Đằng gọi đó là những “công trình của trái tim”...
Lần đó, chúng tôi về Trà Vinh công tác đúng vào dịp 19-5. Khi cùng các cán bộ địa phương vào thắp hương tưởng niệm Bác Hồ tại ngôi Đền thờ tại xã Long Đức, ngoại ô thị xã Trà Vinh, chúng tôi gặp một ông già vóc người nhỏ thó, đen đúa. Nhìn dáng dấp của ông, đủ biết đây là người lao động cực nhọc. Trước khi bước lên bậc tam cấp để vào Đền thờ, ông cẩn thận tháo dép, để ngay ngắn dưới góc sân. Hai tay nâng nén hương lên quá đầu, ông lão đứng nghiêm rồi cúi lạy trước bàn thờ Bác, khấn nguyện trước khi cắm nén hương vào lư hương. Nhìn cung cách kính cẩn, trang nghiêm của ông, chúng tôi như thấy mình thành tâm hơn. Ra khỏi Đền thờ, chúng tôi hỏi chuyện ông lão. Ông giới thiệu tên là Thạch Ngươn, 76 tuổi. Vào ngày 19-5, 2-9 và các ngày lễ, Tết hàng năm, dù bận bịu đến mấy, người dân quê ông cũng dành thời gian đến Đền thờ Bác Hồ dâng nhang (hương) tưởng niệm Người. Đặc biệt, vào chiều 2-9 hàng năm, tại Đền thờ diễn ra Lễ cúng rất long trọng theo hình thức lễ hội, với sự tham gia của hàng ngàn người. Ông nói:
- Khi dâng nhang, mình phải tịnh tâm, giống như khi vào cửa Phật vậy. Người dân Khơ-me gọi đó là nén “tâm nhang”, nghĩa là sự thành kính từ đáy lòng.
Ông Thạch Ngươn kể về lịch sử Đền thờ Bác Hồ ở vùng đất này một cách rành rẽ. Ngôi đền được Đảng bộ và nhân dân xã Long Đức xây dựng ngay sau ngày Bác Hồ qua đời. Vượt qua tầm kiểm soát và đạn pháo của địch, người dân trong các phum, sóc thay phiên nhau vào rừng lấy tre, gỗ, tranh, cùng nhau thiết kế, dựng Đền thờ Bác. Ngôi đền trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ khí thế đấu tranh của quân dân khắp nơi trong tỉnh. Mặc dù Đền thờ chỉ cách đồn địch có 300m, bị địch liên tục bắn phá nhưng lòng dân với Đền thờ Bác Hồ vẫn vững bền. Mái đền vừa bị cháy đã lập tức được lợp lại. Cột đền vừa bị xiêu đã lập tức được dựng lên. Quân dân thị xã Trà Vinh đã anh dũng bám từng bờ tre, bờ đất mà chiến đấu, bảo vệ Đền thờ Bác Hồ, giải phóng quê hương. Ngày nay, Đền thờ Bác Hồ ở Long Đức đã được trùng tu, nâng cấp, trở thành một điểm đến của du lịch về nguồn.
Chúng tôi tặng ông Thạch Ngươn tờ báo nhưng ông mỉm cười: “Cái này tui không xài được. Tui có học chữ ở lớp phổ cập, nhưng chỉ biết đếm tiền và ký tên mình thôi”.
Thật lạ! Một người dân chưa thoát khỏi mù chữ mà lại thể hiện đạo lý, phong tục một cách đáng trân trọng. Phải chăng sự tôn kính Bác Hồ trong lòng dân Nam Bộ nói chung, đồng bào Khơ-me nói riêng đã trở thành hồn cốt, máu thịt, làm nên giá trị văn hóa tín ngưỡng bền vững từ đời này qua đời khác. Giá trị ấy xuất phát từ sự thành tâm, được tôi luyện, thử thách qua chiến tranh, được bồi đắp từ cuộc sống hàng ngày.
Báo công mừng sinh nhật Bác tại Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, Long Mỹ (Hậu Giang).
Ảnh: CHU MÃ GIANG
Tìm hiểu qua một số tài liệu của cố nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng và một số công trình khảo cứu về văn hóa Nam Bộ của cố nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam, chúng tôi thấy, sự ra đời của hệ thống Đền thờ, Phủ thờ quy mô nhỏ hơn đền Bác Hồ ở ĐBSCL đều có xuất xứ tương tự như nhau. Các Đền thờ gần như được lập đồng loạt ngay sau khi Bác từ trần. Trong niềm tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh tụ của dân tộc, quân dân ĐBSCL đã lập Đền thờ Bác ở khắp nơi để tưởng niệm Người. Các đền thờ đều được lập ở những vị trí bí mật, nằm trong rừng để tránh tai mắt của địch. Trong chiến tranh ác liệt, Mỹ - Ngụy nhận ra sự “nguy hiểm” của sức mạnh tiềm tàng từ hệ thống Đền thờ này nên đã ra sức bắn phá, hủy diệt. Nhưng chúng càng phá hoại, càng làm tăng thêm ý chí chiến đấu, tinh thần quật khởi của mỗi người dân. Tại Cà Mau, những Đền thờ sau khi bị địch phá hủy, quân dân ta lại chuyển địa điểm lập Đền thờ mới, ở sâu trong các cánh rừng.
Đến nay, phần lớn các Đền thờ Bác Hồ ở Đồng bằng sông Cửu Long đều đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Tại các vùng quê của đồng bào Khơ-me, cùng với hệ thống chùa chiền, đồng bào coi Đền thờ Bác Hồ như chốn “cửa Phật” thứ hai. Vào Đền thờ tưởng niệm Bác Hồ có cả những vị Thượng tọa, Đại đức, chức sắc tôn giáo. Với họ, sự linh thiêng trong đời sống tín ngưỡng từ các đền thờ Bác Hồ cũng là một cửa thiền trong tâm khảm. Người dân từ trẻ tới già khi vào Đền thờ viếng Bác đều mang trong mình sự thành kính, tâm hồn trong sáng, thanh cao. Nếu như khi vào chùa, bà con thường cầu nguyện cho bản thân, gia đình được phước lộc, an bình thì khi vào Đền thờ Bác Hồ, ai cũng thành tâm báo công với Bác, nguyện cầu được sức khỏe, ý chí, nghị lực, nguyện noi theo gương Người. Đền thờ Bác Hồ trở thành một biểu tượng tinh thần, một giá trị văn hóa trong đời sống của hàng triệu đồng bào. Giá trị ấy là vĩnh hằng, bởi nói theo ngôn ngữ của cố học giả Trần Bạch Đằng, đó là những công trình được xây dựng, vun đắp và bảo vệ bằng trái tim...
Phan Tùng Sơn
Theo Sự kiện và nhân chứng
Tâm Trang (st)