Tại nơi ấy, ngày 2/9/1969, cùng với ngôi nhà sàn và Khu Di tích Phủ Chủ tịch mãi mãi về sau là lưu niệm về người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Hồ Chí Minh, mãi mãi là nơi thiêng liêng, là tâm linh để cháu con về tưởng nhớ người Ông, người Bác, người Cha, để bạn bè về thể hiện lòng kính trọng, ngưỡng mộ vị “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn của nhân loại”.
Mỗi dịp Thu về, lòng chúng ta lại bâng khuâng nhớ về những kỷ niệm trong thời khắc lịch sử ngày 2/9/1945. Trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào, trước toàn thế giới: Khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đất nước giành được độc lập chưa lâu, thực dân Pháp trở lại xâm lăng, Bác Hồ rời Hà Nội lên chiến khu cùng Trung ương Đảng lãnh đạo công cuộc trường kỳ kháng chiến.
Nhà sàn của Bác tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch
Kháng chiến thành công, Bác Hồ về Hà Nội.
Về ngôi nhà của Bác ngày 19/12/1945, Người đến và làm việc tại khu Ba Đình. Đảng, Nhà nước mời Bác ở và làm việc tại ngôi nhà của Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), nhưng Bác từ chối. Người về ở trong ngôi nhà của người công nhân thợ điện phục vụ Toàn quyền. Sau đó Người không nỡ từ chối lời đề nghị của dân. Mùa Hè năm 1958, Bác Hồ mới chịu nhận một chút tài sản của Đảng, của nhân dân dành cho Người là ngôi Nhà sàn bằng gỗ, lợp ngói, giản dị trong khu vườn Phủ Chủ tịch.
Bác Hồ đã ở đó 11 năm, suốt cả 4 năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đối với miền Bắc, kể cả thời gian ác liệt nhất.
Tháng 5/1967, trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm và làm việc ở Trung Quốc, Bộ Chính trị đã quyết định xây một ngôi nhà nhỏ phía sau nhà sàn, tường, mái nhà bằng bê tông cốt thép có thể có sức chống đỡ được bom bi và mảnh đạn.
Khi nhà xây xong Bác Hồ không nhận sử dụng cho riêng mình, Người nói: Khi nào có nhiều đồng chí phụ trách đến làm việc với Bác thì họp ở nhà ấy cho chắc chắn. Còn lúc ở một mình, Bác cứ ở nhà sàn gỗ này thôi. Các chú lo cho Bác cũng phải lo cho dân ấy. Dân chịu được thế nào, Bác chịu được như vậy.
Theo quyết định của Người, nhà này đã trở thành phòng họp của Bộ Chính trị. Kể từ ngày 20/7/1967, tuần một lần Bộ Chính trị đến họp rất đều ở đây; nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị đã diễn ra tại đây để quyết định vận mệnh của đất nước, chẳng hạn như cuộc họp ngày 14/7/1969, bàn về vấn đề Hội nghị Paris; cuộc họp ngày 2/8/1969 bàn về đấu tranh ngoại giao và tình hình miền Nam; cuộc họp ngày 9/8/1969, nghe đồng chí Nguyễn Văn Linh báo cáo về tình hình chiến sự miền Nam và đấu tranh ngoại giao với Mỹ… Trên tường trong ngôi nhà này vẫn giữ nguyên 2 bản đồ: "Bố trí binh lực địch ở miền Nam", "Bố trí không quân, hải quân địch tham chiến ở Việt Nam".
Trong dịp kỷ niệm Đảng ta 39 tuổi (3/2/1930-3/2/1969), tại ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", biểu dương tinh thần hi sinh gương mẫu, đạo đức trong sáng của cán bộ, đảng viên, đồng thời kịch liệt lên án những hành vi, tư tưởng cá nhân hẹp hòi. Người chỉ rằng chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân, là bạn đồng hành của những căn bệnh tham ô hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục lợi… làm hại đến quyền lợi của cách mạng, của nhân dân, làm giảm mạnh thanh danh, uy tín của Đảng cầm quyền. Bằng bài viết của mình, đây cũng là bài viết cuối cùng về đạo đức trước khi từ biệt thế giới này, Bác Hồ không quên dặn lại mọi người cách làm người, nâng cao phẩm giá - một cái gốc quý báu để đảm bảo cho cuộc hành trình trong cuộc đời của mỗi người tới đích vẻ vang. Ngẫm suy thời cuộc hiện nay, khi mà chủ nghĩa cá nhân đẻ ra tham nhũng đã trở thành nguy cơ nội xâm, quốc nạn thì càng thấy giá trị lớn lao lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh quét sạch chủ nghĩa cá nhân là quét sạch tham nhũng để lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tại ngôi nhà này, ngày 19/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp đồng chí Bộ trưởng Điện và Than, đồng chí Nguyễn Hữu Mai, ngày 18/7/1969, người gặp Chủ tịch Công đoàn Việt Nam - đồng chí Nguyễn Đức Thuận. Người nhắc nhở giai cấp tiên phong cách mạng: Tổ chức giáo dục quần chúng công nhân, viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH.
Ngày 1/5/1969, tại đây Bác Hồ đã góp ý và sửa lời tựa cho cuốn "Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp", Người chỉ rõ: "Điều lệ này của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp rất quan trọng. Nó nhằm bảo đảm thật đầy đủ quyền làm chủ của các xã viên. Phải thực hiện tốt Điều lệ để hợp tác xã càng thêm vững mạnh, nông thôn ngày càng đoàn kết, sản xuất càng phát triển và nông dân ta càng thêm no ấm và tiến bộ". Lời tựa của Điều lệ đã được phổ nhạc thành diễn ca và ngày 24/8/1969, trong khi ốm Người vẫn nghe "Diễn ca Hợp tác xã" qua băng ghi âm.
Nơi đây, ngày 14/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn Chủ nhiệm báo Grama - Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, đồng chí Mác-ta Rô-hát; ngày 15/7/1969, người tiếp phóng viên Báo Nhân đạo, cơ quan trung ương Đảng Cộng sản Pháp, đồng chí Sác-lơ Phuốc-nê-ô. Qua những lần gặp, Người đã khẳng định rằng: Nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác - Lênin. Về tấm lòng của Bác đối với miền Nam, Bác trả lời đồng chí Mác-ta Rô-hát rằng: "Ở miền Nam mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng, gộp nỗi đau khổ của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi biết rằng tôi chưa làm tròn nhiệm vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam, mặc dù vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ".
Ngày 18/8/1969, do sức khỏe, bác sĩ đề nghị và Người chấp hành không lên xuống Nhà sàn nữa mà xuống ở hẳn nơi này để chữa bệnh. Và thế là bắt đầu từ ngày này, những ngày quy luật của cuộc đời đến với Bác Hồ ở nơi đây.
Tuy nằm trên giường bệnh nhưng Bác Hồ vẫn làm việc, hàng ngày Người vẫn nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị đến báo cáo công việc ở hậu phương và tiền tuyến, vẫn đọc sách báo và bản tin. Tập báo và bản tin từ ngày 17/8/1969 đến 24/8/1969 Bác xem và có những bài còn ghi lại bút tích của Người: Bài "Công nhân vùng mỏ Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành kế hoạch quý III" đăng trên Báo Nhân dân, bài "Bước đi của Ngành than Hà Tu" đăng trên Báo Quảng Ninh, Bác xem và đề hai chữ "cắt dán". Bác bảo đồng chí phục vụ: Đánh dấu nét chì đỏ ở bài: "Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được" đăng trên Báo Thống Nhất, và khoanh tròn chữ Ních-xơn hoãn rút thêm quân"...
Người vẫn chăm lo công việc phụng sự Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, cho dù là khoảnh khắc quy luật cuộc đời đang đến với Người.
Ngày 18/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 123-LTC bổ nhiệm đồng chí Đỗ Mười giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Văn phòng Kinh tế Phủ Thủ tướng.
Ngày 21/8/1969, Người ký:
- Lệnh số 124-LTC thưởng hai Huân chương Chiến công hạng Nhì cho hai đồng chí Paven Nôxôcariốp và Bôrít Xumiricốp đã có công giúp nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
- Lệnh số 125-LTC công bố tha cho những phạm nhân cải tạo tốt và giảm hạn tù cho những phạm nhân thật thà và cố gắng sửa chữa khuyết điểm trong thời kỳ ở trại.
Ngày 22/8/1969, Người gửi điện chào mừng các đại biểu dự "Cuộc gặp gỡ thế giới của thanh niên và sinh viên vì sự thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam" họp tại Hensinki (Phần Lan). Người gửi điện mừng tới Nicôlaixêau Xêxcu, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Rumani, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày Rumani được giải phóng khỏi ách phát xít.
Ngày 2/8/1969, Bác Hồ gửi thưởng Huy hiệu của Người cho 7 thiếu niên dũng cảm, thật thà, nhặt được của rơi đem trả lại người đánh mất, dũng cảm lao xuống sông (trong đó có cháu bé nhất là 7 tuổi) cứu người bị nạn; Người cũng giao Huy hiệu của Người cho các đồng chí Bộ Quốc phòng để thưởng cho các phi công của ta bắn rơi máy bay Mỹ, cứu dân khỏi nước lụt.
Ngày 25/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn nêu lên quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của nhân dân ta để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngày 27/8/1969, các giáo sư, bác sĩ truyền thuốc qua tĩnh mạch ở chân cho Bác Hồ.
Tháng 8/1969, mực nước các sông lên to, trong lúc Bác đang bệnh, Trung ương mời Bác lên ATK (an toàn khu), nhưng Bác bảo: Bác không thể bỏ dân. Vì thế, Trung ương đã chuẩn bị xe lội nước đưa Bác đi thì đằng sau có nhiều xe lội nước khác để cứu dân.
Ngày 29/8/1969, buổi chiều, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Người. Vừa tỉnh lại, Người hỏi: "Các chú chuẩn bị Lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi?". Nghe Thủ tướng báo cáo, Người dặn: "Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân". Người hỏi tình hình nước sông Hồng như thế nào và nhắc phải chú ý đề phòng lụt.
Ngày 31/8/1969, Người gửi lẵng hoa tặng các chiến sĩ tên lửa Sư đoàn 361 khi được nghe báo cáo các chiến sĩ tên lửa Hà Nội đã bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ ngày 30/8/1969.
Buổi chiều, Người muốn ăn một bát cháo. Các đồng chí phục vụ nấu bát cháo ngon, Người ăn hết.
Buổi tối, Lễ kỷ niệm mừng Quốc khánh được tổ chức long trọng tại Hội trường Ba Đình. Vì mệt, Người không đến dự được, nhưng Người hỏi về việc tổ chức Lễ kỷ niệm này. Người cảm thấy khỏe hơn và nhìn Người tỉnh táo hơn.
Ngày 1/9/1969, Người rất mệt, cũng có lúc tỉnh táo và nhanh nhẹn hơn, tự tay bưng và ăn được chén con long nhãn. Nhân kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, người gửi vòng hoa tới viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội, Người còn gửi tặng lẵng hoa cho Đội Cảnh sát khu vực 4 khu phố Ba Đình, Đội Bảo đảm giao thông đuờng bộ I.
Ngày 2/9/1969, bệnh của Người diễn biến rất xấu và mỗi lúc một trầm trọng. 9 giờ 47 phút, Người qua đời sau một cơn đau tim đột ngột rất nặng. Và đến lúc này, Người mới thật sự ngừng cống hiến sức lực, trí tuệ, cuộc đời mình cho dân, cho Đảng, cho nhân loại. Lúc này, từ nơi đây, truyền đến cho nhân loại nỗi đau "Đời tuôn nước mắt".
Thế là ngôi nhà làm cho Bác Hồ ở, nhưng người chỉ ở có hơn 10 ngày cuối cùng của cuộc đời mình và là nơi đã chứng kiến những ngày đêm Bộ Chính trị, các đồng chí Trung ương, tập thể giáo sư, bác sĩ trong nước và nước ngoài hết lòng trông nom cứu chữa cho Bác trong những ngày Người ốm nặng.
Nơi đây, đã chứng kiến những giờ phút nặng lòng của Bác Hồ với non sông, đất nước, vào ngày 26/8/1969, sức khỏe của Người diễn biến phức tạp, Hội đồng giáo sư bác sĩ và các y tá của Viện Quân y 108 thường xuyên túc trực bên Người để chăm sóc, theo dõi diễn biến sức khỏe. Khi tỉnh dậy, Người nói muốn được nghe một khúc dân ca. Cô y tá Ngô Thị Oanh chăm sóc sức khỏe cố gắng hát "Bài ca người chiến sĩ quân y" theo làn điệu dân ca quan họ. Nghe xong, Người tặng cô một bông hồng.
Nơi chứng kiến tình cảm da diết của Người đối với mảnh đất mà Người đã nói: "Quê mình ở Nam Đàn - Nghệ An nhưng mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước. Ở những nơi như Huế, Phan Thiết, Sài Gòn... Trước lúc đi ra nước ngoài, mình đã từng sống và đã đi đến nơi, nhưng chưa về đến chốn". Cái chốn mà cả cha mẹ của Người đều trút hơi thở cuối cùng, cho nên, lúc trở bệnh, Người đề nghị cho Người uống chút nước dừa. Như hiểu được lòng của Bác, những người phục vụ đã ra hai cây dừa trước nhà sàn, đó là hai cây dừa giống miền Nam, hàng ngày Bác vẫn chăm bón và Người có cách chăm sóc đặc biệt, luôn chăm cho hai cây lớn đều, lấy ở mỗi cây một trái, bổ ra hòa nước ở hai trái vào một chiếc cốc và tách ở mỗi trái một miếng cùi dừa bày vào đĩa, đưa lên cho Bác dùng. Bác đã nhấp một chút nước dừa để coi như được mang theo mình vào cõi trường sinh sự "Nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà".
Tại nơi ấy, ngày 2/9/1969, cùng với ngôi Nhà sàn và Khu Di tích Phủ Chủ tịch mãi mãi về sau là lưu niệm về người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Hồ Chí Minh, mãi mãi là nơi thiêng liêng, là tâm linh để cháu con về tưởng nhớ người Ông, người Bác, người Cha, để bạn bè về thể hiện lòng kính trọng, ngưỡng mộ vị “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn của nhân loại”.
Theo VietNamnet
Minh Thu (st)