Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 12/02/2025

Tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội, Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1, Cục Văn thư - Lưu trữ đã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận tư liệu châu bản triều Nguyễn là di sản ký ức thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO.

8 anh unesco vinh danh
Lễ trao bằng công nhận di sản ký ức đối với châu bản triều Nguyễn.

Những tư liệu vô giá về xã hội thời Nguyễn

Theo Cục Văn thư – Lưu trữ (Bộ Nội vụ), châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945), bao gồm các văn bản do các Hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền, các địa phương đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao. Đây là các tài liệu gốc duy nhất có bút tích phê duyệt của các Hoàng đế triều Nguyễn với các hình thức ngự phê phong phú và độc đáo như: Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu mạt, Châu sổ... (ngụ ý thông qua hoặc không thông qua các văn bản này).

 Theo GS sử học Phan Huy Lê, châu bản là những văn bản có giá trị rất lớn bởi chúng là những văn bản gốc, duy nhất, không sao chép, phản ánh trung thực nhất thực trạng chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa trong suốt thời Nguyễn. Thậm chí ngay cả các sử gia triều Nguyễn cũng dựa trên nhiều châu bản để để viết sử.

 Còn theo Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình phát biểu tại lễ trao Bằng chứng nhận, châu bản là những giá trị gốc vô giá, có độ tin cậy cao để nghiên cứu về chính trị, xã hội dưới thời nhà Nguyễn. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất của một vương triều Việt Nam còn gìn giữ được cho đến ngày nay. Hệ thống châu bản này cung cấp nhiều thông tin giá trị về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội… của Việt Nam ở khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và các mối quan hệ bang giao giữa triều Nguyễn với nhiều quốc gia khác trong giai đoạn này.

 Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, hệ thống châu bản này cũng cung cấp những thông tin quý giá về văn hóa, khoa học và giáo dục dưới thời Nguyễn. Chẳng hạn như Vua Gia Long có nhiều châu bản tập trung vào phát triển giáo dục như thi cử, tuyển chọn nhân tài vào học ở Quốc Tử Giám Phú Xuân, những câu chuyện được chọn lọc để dạy dỗ con cái các triều thần… Năm 1825, Vua Minh Mạng có chính sách phân phối đồ cứu tế, giảm thuế và cứu trợ cho dân vùng bị thiên tai. Năm 1896, Vua Thành Thái mở trường dạy về văn minh phương Tây, đồng thời ngự phê mua một số báo nước ngoài, cổ vũ cho việc giao lưu, khám phá các nền văn hóa khác…

 Bà Katherine nhấn mạnh: “Những châu bản này có ý nghĩa đối với bất kỳ ai đọc chúng, bởi số lượng thông tin phong phú và chân thực phản ánh trong đó, đặc biệt là bởi những cam kết phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục mạnh mẽ mà cho đến ngày nay vẫn còn hữu ích”.

 Không những thế, 19 châu bản trong số đó là những tài liệu vô giá đối với việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam về mặt lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, như phê chuẩn việc cử hải đội Hoàng Sa Bắc Hải ra Hoàng Sa khai thác sản vật, thực hiện bảo vệ chủ quyền…

 Giáo sư sử học Phan Huy Lê nhấn mạnh: “Triều Nguyễn đã nâng tầm quản lý Trường Sa, Hoàng Sa lên vị thế cao nhất, tất cả các văn bản liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa đều được báo cáo lên nhà vua và được phê chuẩn. Những Châu bản đã cho thấy phương thức quản lý, thể hiện chủ quyền mạnh mẽ của triều Nguyễn đối với Hoàng Sa, Trường Sa, từ việc cử các đoàn thuyền, đến việc thám hiểm, đo đạc. Đây là những nét thú vị, mang tính phát hiện cao”.

 Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nói trong buổi lễ: “Việc những tư liệu có giá trị pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa được vinh danh di sản ký ức cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về chủ quyền của chúng ta đối với hai quần đảo này”.

 Ngày 14-5-2014, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hồ sơ “Châu bản triều Nguyễn” chính thức được ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO. Đây là di sản thứ 4 của Việt Nam được công nhận là di sản ký ức, sau Mộc bản triều Nguyễn, 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội) và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).

 Phát huy giá trị của châu bản triều Nguyễn

 Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, việc châu bản được công nhận là di sản cũng đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có khai thác và phát huy giá trị của kho báu này như thế nào. Châu bản là nguồn tư liệu Hán Nôm, do đó có khoảng cách và gây khó khăn không nhỏ cho người muốn tiếp cận, trừ các nhà nghiên cứu có chuyên môn về vấn đề này. Ông Phan Thanh Hải cho rằng, cách khai thác giá trị của châu bản triều Nguyễn tốt nhất là sớm mở cửa kho tư liệu châu bản đã được số hóa để học sinh, sinh viên, giới nghiên cứu hay bất kỳ ai quan tâm có thể truy cập được. Nội dung các châu bản này vô cùng phong phú, vì vậy phải có sự sắp xếp, hệ thống hóa để dễ dàng tìm kiếm…

 Ông Phan Thanh Hải cho biết, hiện nay các châu bản này đã gần xong việc dịch sang chữ quốc ngữ, và các chuyên gia của Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 đang tiến hành số hóa và đăng tải trên hệ thống mạng nội bộ của Trung tâm.

 Chung ý kiến với ông Phan Thanh Hải, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam cho rằng, cần sớm cho công chúng tiếp cận với các châu bản đã được dịch, đặc biệt là giới trẻ. Theo hướng này, trong thời gian tới, vào khoảng tháng 11, một triển lãm chính thức của châu bản triều Nguyễn sẽ được tổ chức tại cố đô Huế, nơi xuất phát của những tư liệu ký ức vô giá này.

  Theo Báo Nhân Dân
Kim Yến (st)

Bài viết khác: