Cách nay 23 năm, ngày 14-1-1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ Việt Nam, trực tiếp đăng đàn tại Hội nghị Quốc tế Hồ Chí Minh - Việt Nam - Hòa bình thế giới, tổ chức tại thành phố Can-cút-ta (Ấn Độ) nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất. Bài phát biểu của Đại tướng với đầu đề “Thế giới sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi” khẳng định giá trị lớn lao của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với toàn nhân loại.
Tại Hội nghị, Đại tướng đi sâu vào các vấn đề chủ yếu như: Cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh; Độc lập dân tộc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh về chế độ mới; Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh trước cục diện mới. Các vấn đề ấy đã được làm sáng tỏ một cách cực kỳ thuyết phục bởi lối thể hiện đặc sắc duy vật biện chứng và độc đáo phong cách Võ Nguyên Giáp.
Bằng lý lẽ sinh động và lập luận chặt chẽ, Đại tướng đã làm rõ trước các nhà khoa học thế giới về “Cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh” - Đó là: “Con đường cứu nước của một dân tộc là con đường cách mạng vô sản. Chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa quốc tế chân chính. Độc lập dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, giải phóng con người”. Đó là bước phát triển mới của Chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng sáng tạo vào thực tiễn sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới của Việt Nam, có thể góp phần vào con đường phát triển của các nước phương Đông và trên phạm vi rộng hơn nữa.
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cộng sự nghiên cứu sơ đồ tác chiến
Chiến dịch Biên Giới. Ảnh tư liệu.
Đại tướng đề cập nội dung rộng lớn của vấn đề độc lập dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh bằng sự khái quát sâu sắc. Chủ nghĩa thực dân là một trong những điều sỉ nhục lớn nhất của loài người. Nó đem xiềng xích, áp bức, đói nghèo, ngu dốt, bệnh tật… đè nặng lên số phận các dân tộc nhược tiểu. Giành lại tự do, độc lập là khát vọng cháy bỏng của các dân tộc bị áp bức trong thế kỷ XX và Hồ Chí Minh là một trong những người tượng trưng cho ý chí và khát vọng đó với khẩu hiệu nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. “Người được coi là một chiến sĩ đi tiên phong trong việc thức tỉnh dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh cho độc lập tự do và phẩm giá con người” với chủ trương chiến lược đoàn kết để đấu tranh giành độc lập dân tộc. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Ngày nay, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” vẫn giữ nguyên sức sống của nó.
Về vấn đề “Chế độ mới”, Đại tướng nêu câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. Đại tướng khẳng định: Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc luôn gắn liền với tự do và hạnh phúc của nhân dân. Sự nhất quán của tư tưởng Hồ Chí Minh trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa là luôn luôn lấy lợi ích của nước, của dân làm trọng. Có thể gọi đó là chủ nghĩa xã hội “dân giàu, nước mạnh”, nó phù hợp với đặc điểm của dân tộc mình và với xu thế cơ bản của nhân loại. Cũng về vấn đề “Chế độ mới”, Đại tướng nêu rõ: Quan niệm chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với truyền thống văn hóa cộng đồng của dân tộc Việt Nam, với khát vọng công bằng, bác ái của tư tưởng triết học phương Đông. Vì vậy, các dân tộc, trong khi từ chối con đường đau khổ của chủ nghĩa tư bản, có thể nghiên cứu để tìm thấy trong tư tưởng XHCN Hồ Chí Minh một hướng đi thích hợp cho sự lựa chọn của mình”.
Chuyển tải vấn đề “Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh”, Đại tướng đã tạo dựng trong tâm trí của các đại biểu hình tượng Hồ Chí Minh-Nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là lòng nhân ái bao la, lòng tin vô hạn đối với nhân dân và nhân loại, từ đó sản sinh lý tưởng: “Giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, cuối cùng là để đi đến giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, có thể phát huy đến trình độ cao nghị lực sáng tạo của mình”. Đại tướng khắc họa chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, đi từ tinh thần nhân đạo, yêu thương không phân biệt chủng tộc, màu da gắn với lòng tin vào khả năng sáng tạo và lương tri của con người, khích lệ ý thức tự giải phóng, cổ vũ tinh thần lạc quan “biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”, xây dựng con người mới trong sự nghiệp xây dựng CNXH… để đi đến kết luận: Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là kết tinh của những giá trị truyền thống Việt Nam, đồng thời cũng là sản phẩm của tinh hoa nhân loại, là chủ nghĩa nhân văn của thời đại mới.
Phần cuối bài phát biểu, Đại tướng đề cập vấn đề tư tưởng Hồ Chí Minh trước cục diện mới, dẫn lời nhận xét về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Thủ tướng Ấn Độ Gia-oa-hác-lan Nê-ru (Jawaharlal Nehru): “Thế giới ngày nay đang trải qua một cơn khủng hoảng, khủng hoảng về tâm lý. Cái cần bây giờ là tiếp cận hòa bình, hữu nghị và tình bạn. Tiến sĩ Hồ là biểu hiện cho sự tiếp cận đó”. Đại tướng khẳng định: Những nhận xét ấy giờ đây vẫn giữ nguyên tính thời sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của tình thương yêu, của tình hữu nghị rộng lớn. Hơn ai hết, Người tha thiết với hòa bình, một nền hòa bình chân chính gắn liền với độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Vững vàng về chiến lược, Người cũng tỏ ra hết sức linh hoạt về sách lược, chỉ đến lúc không còn con đường nào khác, Người mới buộc phải phát động toàn dân Việt Nam tiến hành tới cùng một cuộc chiến tranh để giành lại độc lập và thống nhất cho đất nước. Đó là một cuộc chiến tranh vì hòa bình chân chính của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là một điển hình về quan hệ biện chứng giữa chiến tranh và hòa bình.
Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Âm vang “Thế giới sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi” và những luận điểm về tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa tới bạn bè quốc tế tại Can-cút-ta ngày ấy đang được minh chứng hằng ngày tại Việt Nam cũng như trong đời sống của đông đảo loài người tiến bộ./.
Phạm Xưởng
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)