Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 12/02/2025

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) luôn giữ vai trò trọng yếu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả đường lối, quan điểm của Đảng và những lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Lịch sử CTĐ, CTCT gắn liền với lịch sử chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta.

khac-ghi-loi-bac
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với bộ đội tại Đền Hùng năm 1954. Ảnh tư liệu

Ngay trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ), lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và quán triệt thực hiện tốt tư tưởng, phương châm “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”. Người thường xuyên huấn thị: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950, căn cứ địa Việt Bắc được củng cố vững chắc hơn, Trung ương Đảng mở Hội nghị toàn quốc lần thứ ba xác định chủ trương đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong giai đoạn mới. Hội nghị đã quyết định cần đặc biệt coi trọng việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả CTĐ, CTCT trong toàn quân; đẩy mạnh việc kiện toàn hệ thống cơ quan chính trị trong toàn quân, làm cho sự lãnh đạo của Đảng được thống nhất, nhanh chóng và hiệu quả.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng, nhiều cán bộ lãnh đạo ở cơ quan trung ương, ở các bộ, ngành hành chính-dân sự đã được điều động vào công tác trong quân đội để nâng cao chất lượng CTĐ, CTCT. Từ đó, cơ quan Tổng Chính ủy - Bộ Tổng Tư lệnh ngày càng được tổ chức hoàn thiện hơn. Ngày 11-7-1950, theo Sắc lệnh số 121/SL về tổ chức Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam được thành lập (chuyển quy mô tổ chức từ Cục Chính trị lên Tổng cục), có nhiệm vụ “giúp Tổng Tư lệnh chỉ đạo quân đội về phương diện chính trị”. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng được cử làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; đồng chí Lê Liêm làm Phó chủ nhiệm tổng cục. Cơ quan Tổng cục Chính trị phát triển từ phòng lên cục, gồm: Cục Tuyên huấn, Cục Tổ chức, Cục Địch vận, Cục Quân pháp, Văn phòng Tổng cục và Nhà xuất bản Vệ quốc quân. Với sự ra đời của Tổng cục Chính trị, CTĐ, CTCT của quân đội ta có sự phát triển vượt bậc, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, củng cố quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta.

Tuy nhiên, tình hình chính trị - tư tưởng, lập trường giai cấp, ý chí chiến đấu, nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và tay sai, về quan hệ quân dân, quan hệ cán binh... của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Để khắc phục hiệu quả hiện tượng nêu trên, công tác chấn chỉnh, kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị trong toàn quân, nhất là ở các chi bộ Đảng được đặt ra cấp bách. Yêu cầu, nhiệm vụ của CTĐ, CTCT đã trực tiếp đặt ra vấn đề phải chủ động, tích cực mở trường đào tạo, bồi dưỡng về chính trị cho cán bộ các cấp trong quân đội. Tổng Quân ủy và Tổng cục Chính trị đã tổ chức nhiều lớp học bồi dưỡng chính trị ngắn ngày cho cán bộ các cấp trong toàn quân và ngay sau đó đã thành lập Trường Luân huấn chính trị trung cấp quân đội (tức Học viện Chính trị ngày nay).

Ngày 25-10-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, học viên, chiến sĩ, công nhân viên Trường Luân huấn chính trị trung cấp quân đội, đóng tại tại bản Nà Lang, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Bác đã phân tích sâu sắc, tỉ mỉ tình hình thế giới, trong nước và nhiệm vụ trọng tâm của CTĐ, CTCT của quân đội ta và khẳng định: “Cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ, gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Các chú phải thấm nhuần và làm cho toàn thể bộ đội, đồng bào thấm nhuần như vậy. Có như vậy mới tin tưởng và vượt qua mọi khó khăn để giành thắng lợi cuối cùng”.

Những lời căn dặn và yêu cầu của Bác về đẩy mạnh cuộc kháng chiến đặt ra những yêu cầu quan trọng, cấp bách, rất cần kíp đối với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả CTĐ, CTCT. Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác tư tưởng, nắm bắt tâm tư, tình cảm bộ đội. Bác dạy, mỗi cán bộ chính trị cần thấm nhuần sâu sắc tình hình mọi mặt của đơn vị với cách nhìn biện chứng, khoa học và thực tiễn gương mẫu đi đầu để làm gương cho bộ đội học tập. Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc nhất để xây dựng niềm tin quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội và nhân dân, củng cố ý chí quyết tâm đánh thắng quân xâm lược của họ. Theo Bác, có niềm tin là có sức mạnh và “Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững… thì nhất định thắng”.

Về “học tập chính trị và quân sự”, Bác cho rằng, đó là vấn đề thiết yếu, cốt lõi nhất của công tác tư tưởng và cũng là đòi hỏi bức bách nhất đối với cán bộ chính trị trong toàn quân. Bác chỉ rõ: “Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân, nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”.

Thấm nhuần những lời dạy của Bác, suốt 70 năm qua, hoạt động CTĐ, CTCT của quân đội ta luôn bám sát thực tiễn quân sự và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đội ngũ cán bộ chính trị của quân đội không ngừng phát triển, tiến bộ, trưởng thành, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại./.

 DƯƠNG PHƯƠNG DUY

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: