1. Thông tư số 10/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 11/7/2014 quy định một số nội dung về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ. Thông tư này thay thế Thông tư số 39/2009/TT-BXD ngày 09/12/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ.

 Theo Thông tư đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250m2, từ 02 tầng trở xuống, chủ nhà tự thực hiện khảo sát xây dựng nếu có kinh nghiệm thực hiện công việc tương tự và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng khảo sát nhằm đảm bảo an toàn công trình nhà ở và các công trình lân cận. Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 03 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát địa chất công trình.

Về thiết kế xây dựng nhà ở: Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250m2, từ 02 tầng trở xuống, ở nông thôn, khi xây dựng nhà ở một tầng có kết cấu đơn giản thì không bắt buộc phải lập bản vẽ thiết kế cụ thể, chủ nhà có thể thi công theo mẫu nhà ở đã được xây dựng nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình nhà ở (quy định cũ bắt buộc phải có bản vẽ thiết kế). Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 03 tầng trở lên hoặc nhà ở trong khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa hoặc nâng tầng nhà ở thì việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng thực hiện. Đặc biệt, trường hợp xây nhà ở từ 07 tầng trở lên, chủ nhà phải gửi hồ sơ thiết kế đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp của chính quyền địa phương để thẩm tra thiết kế theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP và Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 của Bộ Xây dựng quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình.

Về chất lượng thi công xây dựng nhà ở: Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250m2, từ 02 tầng trở xuống thì mọi tổ chức, cá nhân được tự thi công xây dựng nếu có kinh nghiệm thi công xây dựng nhà ở có quy mô tương tự và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường. Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên hoặc trường hợp nâng tầng nhà ở thì tổ chức thi công xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định.

Riêng việc xây dựng nhà ở từ 07 tầng trở lên trong quá trình thi công, chủ nhà có trách nhiệm tổ chức giám sát, nghiệm thu theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Khi hoàn thành công trình, chủ nhà có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này gửi về Sở Xây dựng để kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2014.

2. Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành ngày 14 tháng 7 năm 2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14 tháng 08 năm 2009 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT).

Thông tư đã mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là thanh niên xung phong được quy định tại Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài đối tượng quy định cũ tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, Thông tư mới mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là người đã tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cămpuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/2014 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc là các đối tượng quy định tại Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư mới bổ sung quy định khám bệnh, chữa bệnh ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn việc ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với cơ sở quân y để phục vụ người bệnh có thẻ BHYT trong địa bàn.

Về việc theo dõi, điều chỉnh quỹ định suất, Thông tư mới quy định Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm thông báo cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có sự thay đổi về suất phí, nhóm đối tượng và số thẻ theo nhóm đối tượng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Việc sử dụng quỹ định suất khi có kết dư thì cơ sở y tế được hạch toán vào nguồn thu của đơn vị sự nghiệp. Nếu quỹ định suất bao gồm cả chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã thì đơn vị được giao ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh tại các Trạm y tế tuyến xã có trách nhiệm trích một phần kết dư cho các Trạm y tế tuyến xã theo số thẻ đăng ký tại từng trạm y tế. Số kết dư để lại không quá 20% quỹ định suất, phần còn lại chuyển vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh chung của tỉnh.

Đặc biệt, Thông tư quy định mới về cấp thẻ BHYT đối với người đã hiến bộ phận cơ thể theo quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Theo đó, người đã hiến bộ phận cơ thể hoặc thân nhân mang theo Giấy ra viện do cơ sở y tế nơi lấy bộ phận cơ thể cấp (trên giấy ghi rõ bộ phận cơ thể đã hiến) đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú để được cấp thẻ BHYT lần đầu. Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm cấp thẻ những lần tiếp theo.

Thông tư cũng hướng dẫn trường hợp công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét, xử lý kỷ luật vẫn được hưởng 50% mức lương hiện hưởng theo ngạch bậc và được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương hiện hưởng nếu không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan sai thì vẫn phải đóng bảo hiểm y tế theo mức tiền lương thực tế bằng 50% mức lương hiện hưởng theo ngạch bậc. Trường hợp không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan sai được truy lĩnh số tiền lương còn lại thì cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện truy thu số tiền đóng bảo hiểm y tế theo số tiền lương được truy lĩnh trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam hay tạm đình chỉ công tác.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

3. Thông tư số 15/2014/TT-NHNN củaNgân hàng Nhà nước Việt Nam ban hànhngày 24/7/2014 về hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

 Đối tượng điều chỉnh của Thông tư gồm: Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; cá nhân được phép chơi tại điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân có kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Thông tư quy định doanh nghiệp muốn kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, có thu ngoại tệ tiền mặt từ máy trò chơi điện tử có thưởng; thu ngoại tệ tiền mặt từ việc bán đồng tiền quy ước; thu chuyển khoản từ tài khoản ở nước ngoài của người chơi chuyển vào; chi ngoại tệ bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản số tiền trả thưởng cho người chơi trúng thưởng... phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác. Giấy phép có thời hạn tối đa 10 năm kể từ ngày Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có thưởng có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp được cấp Giấy phép phải mở 01 tài khoản chuyên dùng cho từng loại ngoại tệ tại 01 ngân hàng được phép. Đặc biệt, chậm nhất ngày 06/9/2015, các doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện thu, chi ngoại tệ tiền mặt đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải làm thủ tục để chuyển đổi văn bản chấp thuận trước đây sang Giấy phép. Quá thời hạn nêu trên, doanh nghiệp không làm thủ tục chuyển đổi phải chấm dứt việc thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Trường hợp doanh nghiệp không triển khai hoạt động thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác sau 12 tháng từ ngày được cấp Giấy phép; doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý ngoại hối từ 03 lần trở lên hay bị chia, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản..., Ngân hàng Nhà nước có quyền thu hồi Giấy phép.

Theo Thông tư, việc nhận và sử dụng tiền trả thưởng bằng ngoại tệ được quy định như sau: Đối với trường hợp người chơi nhận tiền trả thưởng bằng ngoại tệ tiền mặt được bán ngoại tệ cho ngân hàng được phép lấy đồng Việt Nam; được chuyển số ngoại tệ tiền mặt trả thưởng ra nước ngoài qua ngân hàng được phép; được ngân hàng xác nhận để mang số ngoại tệ tiền mặt trả thưởng ra nước ngoài; được nộp số ngoại tệ tiền mặt trả thưởng vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của người chơi mở tại ngân hàng được phép. Trường hợp người chơi nhận tiền trả thưởng bằng ngoại tệ chuyển khoản thì số ngoại tệ trả thưởng được chuyển từ tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của doanh nghiệp sang tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của người chơi mở tại ngân hàng được phép. Số ngoại tệ trả thưởng được chuyển từ tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của doanh nghiệp sang tài khoản của người chơi mở tại nước ngoài

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/9/2014.

4. Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/7/2014về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật.

Quyết định quy định chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật công lập và ngoài công lập, gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi và biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

 Theo Quyết định, chế độ giảm học phí ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật công lập được giảm 70% học phí từ ngày 09/9/2014. Học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa – nghệ thuật ngoài công lập được giảm mức học phí không vượt quá mức quy định của các ngành đào tạo tương ứng trong các cơ sở đào tạo văn hóa – nghệ thuật công lập.

Quyết định quy định chế độ bồi dưỡng nghề học sinh, sinh viên được hưởng cụ thể như sau: Học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa – nghệ thuật công lập được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề với mức bằng 40% suất học bổng khuyến khích toàn phần/tháng; Học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa – nghệ thuật ngoài công lập được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề không vượt quá mức quy định của các ngành đào tạo tương ứng trong các cơ sở đào tạo văn hóa – nghệ thuật công lập; Chế độ bồi dưỡng nghề chỉ áp dụng đối với hai đối tượng trên và những tháng học sinh, sinh viên học tập và được trả vào đầu tháng. Bên cạnh đó, ngoài chế độ trên thì từ ngày 09/9/2014, học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật công lập còn được cấp 02 bộ quần áo tập, 04 đôi giày vải và 07 đôi tất trong mỗi năm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/9/2014.

5. Nghị định số 71/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/7/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

 Theo Nghị định hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm: Hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh; hành vi vi phạm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh; hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác.

Các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh: Cảnh cáo; Phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Quảng cáo gian dối bị phạt đến 140 triệu đồng. Theo Nghị định quy định  các DN có hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về giá, số lượng, chất lượng, công dụng, thời gian bảo hành... thì mức phạt sẽ từ 80 - 140 triệu đồng. Doanh nghiệp có hành vi bắt chước sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng; so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại khác sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng. Mức phạt đối với các hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm về bán hàng đa cấp cũng được tăng nặng. Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi tổ chức khuyến mại gian dối về giải thưởng, khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng... sẽ tăng từ 45 - 55 triệu đồng lên 50 - 80 triệu đồng.

Vi phạm quy định về bán hàng đa cấp phạt đến 100 triệu đồng. Theo Nghị định các cá nhân sẽ bị phạt 100 triệu đồng và tổ chức bị phạt 200 triệu đồng nếu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác.

Trong đó, hành vi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong một năm vượt quá 40% doanh thu trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thì sẽ bị phạt tiền từ 40-60 triệu đồng.

Phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 60-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hoá dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2014.

6. Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA giữa Bộ Công an và Bộ Y Tế ban hành ngày 23/7/2014quy định về xét nghiệm nồng độ cồn (etanol) trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Thông tư quy định người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước.

Có 4 trường hợp phải xét nghiệm gồm: Người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông (TNGT) được cán bộ công an đang giải quyết TNGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan đến vụ TNGT được cán bộ công an yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; người điều khiển phương tiện giao thông có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu; người điều khiển phương tiện giao thông bị TNGT được đưa đến cơ sở khám, chữa bệnh được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Thông tư có hiệu lực từ 19/9/2014.

7. Nghị định số 78/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/7/2014 quy định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.

Theo Nghị định có 4 giải thưởng về khoa học và công nghệ, gồm: 1- Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ; 2- Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; 3- Giải thưởng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Nhà nước khác ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về khoa học và công nghệ; 4- Giải thưởng của các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài về khoa học và công nghệ được đặt ra để xét tặng cho tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam

Tác giả công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ được nhận bằng chứng nhận giải thưởng; được nhận tiền thưởng từ ngân sách nhà nước; được tham dự Lễ trao giải thưởng và được hưởng các quyền lợi khác có liên quan đến giải thưởng.

Về tiền thưởng, Nghị định quy định, tác giả công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ nhận số tiền thưởng tương đương 270 lần mức lương cơ sở. Tác giả công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ nhận số tiền thưởng tương đương 170 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng giải thưởng.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2014./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: