45 năm sau ngày đứng bên linh cữu Bác Hồ trong ngày Người mất, mỗi khi nhắc lại những giây phút ấy, ông Phú Thang lại dâng trào một niềm xúc động, xót xa...
Mở đầu câu chuyện về những hồi ức, kỷ niệm về Bác Hồ, ông Phạm Phú Thang (82 tuổi) ở thành phố Thanh Hóa đọc hai câu thơ: Mười lăm phút ấy bao la/ Lòng con túc trực bên cha trọn đời.
Ông Phạm Phú Thang bồi hồi khi nghĩ về Bác
Hai câu thơ trên ông Phạm Phú Thang viết ngày 8/9/1969, đúng vào giây phút ông cùng đoàn đại biểu của tỉnh Thanh Hóa ra viếng Bác Hồ và được đứng trực bên linh cữu của Bác. Đây là hai câu thơ cuối trong bài thơ “Bên linh cữu Bác” của tác giả Phạm Phú Thang.
Kỷ niệm 2 lần gặp Bác Hồ
Nhà thơ Phạm Phú Thang sinh năm 1933, quê ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông rời quê đến mảnh đất xứ Thanh dạy học vào năm 1955 và lập nghiệp tại đây. Trong những năm làm giáo viên, ông đã vinh dự được gặp Bác Hồ vào năm 1959. Năm đó, ông cùng 1.000 giáo viên toàn miền Bắc đi dự Hội nghị “Chỉnh huấn giáo viên toàn miền Bắc” tại trường Bổ túc Công - Nông Trung ương.
Dịp đó, Hội nghị vinh dự đón Bác Hồ về dự. Kỷ niệm được gặp Bác Hồ lần đầu tiên này, ông vẫn còn nhớ như in. Ông kể: “Hôm đó, cả hội trường lớn của trường Bổ túc Công - Nông Trung ương chật kín người. Bác từ cuối hội trường đi lên, mọi người vỗ tay rầm rầm chào mừng Bác. Bác vẫy tay chào mọi người, giọng Bác nhỏ nhẹ, những bước đi rất nhẹ nhàng, chậm rãi khiến ai cũng kính mến Bác.
Hôm đó Bác mặc một chiếc áo bà ba, trên cổ Bác quàng chiếc khăn len, chân Bác đi đôi dép cao su. Trong buổi gặp các giáo viên hôm đó, Bác mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi: Ai là người cao tuổi nhất ở đây? Có một anh đứng lên trả lời: Dạ thưa Bác là cháu ạ. Bác hỏi tiếp: Anh đã học “Tam tự kinh” chưa? Anh ấy trả lời là có…
Rồi Bác bắt đầu cùng mọi người đọc từng câu trong cuốn Tam tự kinh: Nhân chi sơ/Tính bản thiện… Giáo bất nghiêm/Sư chi nọa…
Đọc xong Bác dẫn giải ý nghĩa của các câu trên cho mọi người nghe: Cuộc đời mỗi con người khi sinh ra giống như một trang giấy trắng. Thầy cô là những người đầu tiên đặt nền tảng cho con trẻ. Vì thế nhân cách của người thầy phải làm cốt lõi và trong sáng để cho học trò noi theo. Người thầy phải nghiêm thì đào tạo trò mới giỏi…”, ông Phú Thang bồi hồi nhớ lại lời dạy của Bác.
Cũng trong Hội nghị này, Bác Hồ đã nói hai câu nổi tiếng mà cho tới bây giờ người người đều biết: “Muốn hạnh phúc mười năm phải trồng cây. Muốn hạnh phúc trăm năm phải trồng người”. Từ lời nói của Bác, ông Phú Thang đã sáng tác hai câu thơ làm kim chỉ nam cho cuộc đời làm giáo viên của mình: Mười năm tính chuyện trồng cây/ Muốn trăm năm phải khéo tay trồng người.
Trong ngày Tết Độc lập, ông Phạm Phú Thang
tìm lại những bài thơ kỷ niệm mình đã viết về Bác Hồ.
Kỷ niệm lần thứ hai ông được gặp Bác là vào năm 1961, lúc này Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ 2. Trong buổi diễn văn nghệ chào mừng Bác Hồ ở hội trường 25B của tỉnh Thanh Hóa, ông cùng hàng nghìn người dân xứ Thanh đã được gặp Bác. Bác vẫn giản dị với bộ quần áo ấy, đôi dép cao su ấy… chẳng khác gì lần gặp đầu tiên.
Mười lăm phút và cả cuộc đời
Năm 1962, ông Phú Thang nghỉ dạy học, chuyển về làm biên tập tại tạp chí Người bạn văn hóa (tạp chí Xứ Thanh ngày nay) của Ty Văn Hóa (Sở VH-TT&DL Thanh Hóa ngày nay). Năm 1969, nghe tin Bác Hồ mất, trong lòng ông tiếc thương vô hạn.
Một điều vô cùng bất ngờ với ông là vào sáng ngày 5/9/1969, khi ông đang làm việc thì nhận được tin báo ông là một trong những người đại diện cho lớp văn nghệ sĩ ở Thanh Hóa ra Hà Nội dự Lễ tang Bác.
“Lúc này, tôi rất xúc động bồi hồi như hai lần trước mỗi khi được gặp Bác. Nhưng tôi cũng rất buồn, vì lần này khác hai lần trước là ra viếng Bác, gặp Bác lần cuối cùng khi Bác đã đi xa, không được nghe Bác trò chuyện nữa. Nhưng tôi vẫn mong sao giấy phút được ra gặp Bác đến thật nhanh”, ông Phú Thang nghẹn ngào kể.
Ngay trong chiều tối ngày 5/9/1969, Đoàn đi dự lễ tang Bác Hồ của Thanh Hóa lên đường ra Hà Nội. Trong đoàn đi có các vị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, một số ban ngành và những tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, chiến đấu được Bác Hồ gửi thư khen tặng.
“Tôi vinh dự và tự hào, bản thân sinh ra ở Quảng Bình, lập nghiệp ở Thanh Hóa nhưng lại được đại diện cho hơn 2 triệu người dân Thanh Hóa ra viếng Bác trong ngày đại tang. Là những người đại diện dâng lên Bác những tấm lòng của người dân Thanh Hóa khiến ai trong đoàn đi cũng bồi hồi xao xuyến nhưng vẫn mang một nối buồn vô hạn”, ông tâm sự.
Tối ngày 8/9, đoàn Thanh Hóa được đến túc trực bên linh cữu của Bác. Đêm hôm đó, từ 23h45 ngày 8/9 - 0h ngày 9/9 là đoàn của ông được đứng trực bên linh cữu của Bác. Vì là đoàn cuối cùng trong ngày nên đoàn của ông Thang may mắn được đứng cạnh Bác thời gian nhiều hơn (15 phút so với các đoàn khác là 6 phút).
Những câu đầu trong bài thơ “Bên linh cữu Bác”
do tác giả Phú Thang sáng tác khi đứng trực bên linh cữu Bác
Giây phút đứng cạnh trực linh cữu Bác cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại, người ông lại run lên xúc động. Ông Phú Thang nhớ lại: “Tôi được nhìn thấy hình hài của Bác, hai tay Bác đặt trên bụng, hai chân duỗi thẳng. Trong tiềm thức của tôi nghĩ, Bác đang nằm ngủ một giấc ngủ vĩnh hằng, Bác vẫn đang dõi theo đồng bào cả nước”.
Với ông Phú Thang, 15 phút bên linh cữu Bác khi người đã mất là cả một vinh dự và tự hào lớn lao. Chỉ 15 phút ngắn ngủi nhưng đã thôi thúc ông cả phần đời còn lại phải làm theo tấm gương của Bác.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trực bên linh cữu Bác Hồ, đêm hôm đó (8/9), ông đã hoàn thành bài thơ “Bên linh cữu Bác”, nói lên nỗi lòng của hàng triệu người dân xứ Thanh dâng lên Bác Hồ ngày Bác đi xa; cũng như quyết tâm hoàn thành tốt mọi lời dặn của Người...
Sau này, ông có nhiều lần ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác. Với ông, lần nào cũng vẹn nguyên nỗi xúc động như cái đêm 8/9 năm ấy...
Thái Bá
Theo dantri.com.vn
Minh Thu (st)