Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 12/02/2025

Năm 1973, học giả Sin-gô Si-ba-ta, giáo sư Trường Đại học Hô-xê, Tô-ki-ô, Nhật Bản, sau một thời gian thực tế tại Việt Nam, đã viết công trình nghiên cứu “Những bài học của chiến tranh Việt Nam – Những suy nghĩ triết học về cuộc cách mạng Việt Nam”. Với dòng chữ: “Kính tặng nhân dân Việt Nam anh hùng”, ông đã gửi tặng Việt Nam nghiên cứu này với tấm lòng của một người bạn quốc tế yêu hòa bình, khâm phục ý chí, con người Việt Nam.

ho-chi-minh-tu-tuong-lon
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần xin lược thuật chương “Hồ Chí Minh -một nhà tư tưởng lớn” trong nghiên cứu của Giáo sư Sin-gô Si-ba-ta.

Khi đến Việt Nam vào tháng 7-1967 để điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ, tôi đã đi thăm Hà Nội và xuống tận vĩ tuyến 17 dưới làn bom đạn ác liệt. Suốt dọc đường đi, hầu hết nhà cửa đã đổ nát, chỉ có một số rất ít chưa bị đổ. Tôi vào một ngôi nhà tranh nghèo nàn. Trên chiếc án thờ nhỏ trong ngôi nhà đó, một bức chân dung của anh Nguyễn Văn Trỗi, người đã bị hành hình trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, được treo bên cạnh bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả hai bức chân dung này được lồng trong khung đẹp đẽ, đều không phải loại được sản xuất hàng loạt như đã thấy ở một số nước. Thậm chí, đây không phải là những bức chân dung đẹp. Chúng trông giống như những bức tranh minh họa được bà chủ nhà nông dân cắt ra ở một số báo chí với một sự tôn kính và lòng thương yêu vô hạn. Những bức chân dung ấy, tôi thấy là tôi đang nhìn vào cái hình ảnh thật sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ấp ủ trong tim người dân Việt Nam. Tôi cũng có thể còn cảm thấy những tình cảm sâu xa nhất đã nối liền quần chúng nhân dân với vị lãnh tụ của họ.

Tôi vô cùng cảm động vì một câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi nghe thấy ở Việt Nam. Tôi hỏi ông Nguyễn Quy Quy, một người Việt Nam phiên dịch tiếng Nhật, là có thể kiếm được cho tôi bản tiểu sử thật sự đầy đủ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông ấy trả lời rằng: “Không, không có bản tiểu sử nào thật đầy đủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không nói gì về con đường mà Người trải qua. Có sử gia đã đề nghị Người viết tiểu sử thì Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Trước hết, hãy viết lịch sử của nhân dân Việt Nam. Khi viết xong, tôi sẽ viết tiểu sử của tôi”. Mà lịch sử đầy đủ của nhân dân Việt Nam thì chưa viết được. Do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết được điều đó nên Người trả lời như vậy”.

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này càng nổi tiếng hơn nữa. Tôi muốn nói đến sự đóng góp của Người về mặt tư tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp những gì cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin?

Trước hết, những đóng góp của Người được coi là sâu sắc và là sự phát triển của học thuyết Lê-nin-nít trong mỗi quan hệ và những vấn đề dân tộc và thuộc địa. Điều được đề cập một cách đặc biệt trong mối quan hệ này là lời tố cáo sự tàn bạo mà bọn thực dân ngày càng nhúng tay vào nhiều hơn. Năm 1924, Người đã viết hàng loạt những vấn đề nói về sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp. Đặc biệt là cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản vào năm 1924, trong đó, Người đã cho chúng ta biết những chi tiết sâu sắc và cảm động mà chủ nghĩa thực dân Pháp đã tiến hành bóc lột đến mức độ kinh khủng và sự đàn áp dã man ở Việt Nam như thế nào. Thực vậy, những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh dấu một thời kỳ bằng những lý thuyết của những vấn đề dân tộc và thuộc địa. Vào những ngày đó, có rất ít người Mác-xít được như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể hiểu thấu được những vấn đề thuộc địa có liên quan đến cái được mệnh danh là “nền văn minh” của các nước đế quốc chủ nghĩa. Người viết: “Thực dân hóa chẳng qua chỉ là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu mà thôi. Bạo lực ấy càng trở nên đáng ghê tởm hơn khi nó được thực hiện đối với phụ nữ và trẻ em… Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi thấy rằng văn minh dưới nhiều hình thức khác nhau như tự do, công lý… được tượng trưng bằng hình ảnh một người đàn bà dịu hiền và được một hạng người nổi tiếng là hào hoa phong nhã ra sức điểm tô, lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người đàn bà bằng xương, bằng thịt và xúc phạm một cách vô liêm sỉ tới phong hóa, trinh tiết và đời sống của họ”.

Điều quan trọng ở đây là do nắm vững được những vấn đề thuộc địa như vậy nên chúng ta thấy rằng, Người đã nhấn mạnh đến những mối quan hệ với “nền văn minh” đế quốc. Điều đã được nêu ra chính là điều mà Người am hiểu về sự tương phản giữa chủ nghĩa đế quốc và thuộc địa, cũng như những quan hệ qua lại giữa các thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến các thuộc địa của Pháp. Kết quả là, bằng kinh nghiệm của mình, Người hiểu được rằng, chủ nghĩa đế quốc đã chấp nhận và thực hiện một phương pháp để làm cho các thuộc địa khác nhau đánh lẫn nhau. Người đã viết: “Ngày nay, chủ nghĩa đế quốc đã tiến tới một trình độ hoàn bị gần như là khoa học. Nó dùng những người vô sản da trắng để chinh phục những người vô sản các thuộc địa. Sau đó nó lại lấy những người vô sản ở thuộc địa này đi đánh những người vô sản ở các thuộc địa khác. Sau hết, nó dựa vào những người vô sản ở các thuộc địa để thống trị những người da trắng vô sản”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể đoán trước được tương lai của chủ nghĩa đế quốc với sự chính xác đến kinh ngạc. Năm 1924, Người đã tiên đoán về khả năng của cuộc “chiến tranh Thái Bình Dương” như sau: “Vì đã trở thành một trung tâm mà bọn đế quốc tham lam đều hướng cả vào nhòm ngó, nên Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản phải nai lưng ra gánh”.

Đã nhiều lần tôi tự hỏi rằng, liệu có thể có một vị lãnh tụ nào khác được như Chủ tịch Hồ Chí Minh hay không, một con người có kinh nghiệm cả về cuộc sống của công nhân ở chính quốc và cả về cuộc sống của các dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, một con người đã từng đấu tranh nhằm đoàn kết các dân tộc đó. Hơn nữa, một sự đóng góp có tầm quan trọng bằng những từ ngữ về lý thuyết và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều mà Người đã làm cho sâu sắc một cách đặc biệt những lý luận về vấn đề dân chủ, quyền dân tộc tự quyết và quyền dân tộc cơ bản. Trong “Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: "người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”…  Lời trích dẫn này đã biểu lộ những tư tưởng chủ đạo trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và vì thế, tư tưởng về cuộc cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế tục tư tưởng của cuộc cách mạng giành độc lập của Mỹ và những tư tưởng của cuộc cách mạng Pháp. Đặc điểm duy nhất về tư tưởng Hồ Chí Minh là điều mà Người đã thừa kế những tư tưởng ấy và mở rộng quyền con người thành quyền của dân tộc.

Trong các cuộc cách mạng ở Châu Á, cuộc cách mạng Trung Quốc thường được coi là cuộc cách mạng có tính chất tiêu biểu. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ sâu sắc hơn thì cuộc cách mạng Trung Quốc giành được thắng lợi vào năm 1949, trong khi cuộc cách mạng Việt Nam giành thắng lợi vào năm 1945. Vì vậy, cuộc cách mạng Việt Nam đã tiến hành sâu rộng, trước cách mạng Trung Quốc ở trình độ nắm được chính quyền. Cuộc cách mạng ở Triều Tiên cũng đã được tiến hành vào tháng 8 đến tháng 9-1945. Xét cả hai cuộc cách mạng Trung Quốc và Triều Tiên, do hai nước này đều kề tiếp với Liên Xô nên thực sự không phải lo lắng lắm về sự đe dọa từ sau lưng. Ngược lại, còn có thể trông mong sự ủng hộ của Liên Xô. Nhưng với trường hợp cách mạng Việt Nam, bọn phản động Quốc dân đảng, tức chế độ Tưởng Giới Thạch đã nắm quyền ở miền Bắc Trung Quốc, cùng quân đội Anh đã đổ vào Việt Nam. Điều đó làm cho Việt Nam hoàn toàn không có khả năng dựa vào sự ủng hộ của quân đội Xô-viết, cũng như vào các cuộc cách mạng ở những nước Đông Âu.

Tại Việt Nam, cuộc cách mạng hoàn toàn được tiến hành bằng sức mạnh của nhân dân Việt Nam. Cụm từ “tự lực cánh sinh” đã trở thành khẩu hiệu từ đầu năm 1945. Tôi nghĩ, đó là điều đóng góp mới mẻ trong lịch sử của các học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác.

Thứ nữa là sự đóng góp về mặt lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã phát triển lý luận của cuộc cách mạng Việt Nam trên cơ sở tính chất riêng biệt của hoàn cảnh Việt Nam. Do đó, Người còn phát triển hơn nữa học thuyết Mác-xít về cách mạng và các vấn đề quân sự, đặc biệt là lý luận quân sự đối với các nước thuộc địa và phụ thuộc đặt cơ sở trên lý thuyết của chiến tranh du kích.

Thường thường, người ta nói rằng, chiến tranh nhân dân ở các nước thuộc địa và phụ thuộc là được Mao Trạch Đông đề ra một cách tổng quát như lý thuyết của cuộc chiến tranh lâu dài, lý thuyết chiến tranh du kích. Theo một số xu hướng, thì lý thuyết chiến tranh nhân dân của Việt Nam đã được giới thiệu như một sự áp dụng các học thuyết quân sự của Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, “Những nguyên tắc hướng dẫn cho đơn vị Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam đề ra từ trước cuộc cách mạng 1945, đưa ra một lý thuyết duy nhất phù hợp với những điều kiện đặc biệt của Việt Nam. Nó khác hẳn với học thuyết chiến tranh nhân dân của Trung Quốc. Học thuyết quân sự của Mao Trạch Đông, như chính Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nói, là học thuyết chiến tranh nhân dân tiến hành trong một đất nước có không gian rộng lớn với dân cư đông đúc. Nhưng ở Việt Nam, như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, là một đất nước có đặc điểm địa hình hẹp với dân số ít ỏi. Do sự cần thiết phải có một lý thuyết phù hợp với hoàn cảnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp và nhiều người khác đã cùng nhau phát triển một học thuyết quân sự riêng biệt của Việt Nam.

Một trong những đóng góp quan trọng nữa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam là đã nêu lên được lý thuyết về công cuộc xây dựng XHCN trong khi đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân. Lý thuyết này đã được khởi thảo ngay giữa cuộc chiến tranh nhân dân hiện tại, được tiến hành hàng chục năm kể từ thắng lợi của cuộc cách mạng năm 1945. Quan điểm chung trong chủ nghĩa Mác về công cuộc xây dựng CNXH là chỉ có thể tiến hành sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi nhân dân Việt Nam buộc phải tiến hành chiến tranh. Vậy liệu họ có ngừng công cuộc xây dựng CNXH chừng nào họ còn mắc vào cuộc chiến tranh? Họ phải tiến hành xây dựng CNXH thậm chí ngay trong những cuộc chiến. Đảng Lao động Việt Nam, theo như tôi hiểu rõ, là một trong số những đảng Mác-xít của thế giới chấp nhận lý thuyết này./.

TẦM THƯ (lược trích)
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: