Tổ làm phim có ba người: Suduki biên tập, Têramôtô quay phim (hai người bạn này là người Nhật), còn tôi là người của xưởng phim Quân đội biệt phái đi giúp bạn. Cuối năm 1965, chúng tôi được phép quay hình ảnh Bác Hồ. Tin vui đó đến với tổ làm phim. Chúng tôi ai ai cũng náo nức mong đợi giờ phút được gặp Bác.
Để đảm bảo chất lượng hình ảnh và âm thanh trong nhiệm vụ mà chúng tôi cho là rất trọng đại này, từ Nhật Bản, Hãng NDN đã điều thêm sang anh Phudi và một máy quay phim có ghi âm đồng bộ.
Chúng tôi đến phòng khách Phủ Chủ tịch chuẩn bị đón chờ Bác. Bác đi vào, vẫn với bộ quần áo ka ki quen thuộc. Chúng tôi kính cẩn chào Bác. Bác giơ tay đáp lại và cho phép làm việc. Trong khi Bác trả lời những câu phỏng vấn của Hãng truyền hình NDN thì trong máy quay phát ra những tiếng không êm khiến tôi rất lo ngại, nếu không may có gì trục trặc về kỹ thuật thì thật là thiếu sót lớn. Anh Phudi, một phóng viên quay phim đứng tuổi đã từng đi nhiều nước, có nhiều tuổi nghề, nhưng hôm nay cũng có vẻ hồi hộp, thao tác có phần lúng túng.
Bác đã trả lời xong những câu phỏng vấn. Cuối cùng, Bác dùng tiếng Nhật gửi lời chào và chúc nhân dân Nhật hạnh phúc.
Có lẽ quá lo lắng nên tôi nói với anh Phudi: “Tiếng máy không êm, liệu có trục trặc kỹ thuật gì không?”, Phudi vội kiểm tra lại máy móc. Không ngờ Bác đã nghe thấy những điều chúng tôi trao đổi nhau. Đột nhiên, Bác bảo: “Các chú cứ làm cho tốt. Nếu cần Bác trả lời lại cho mà quay”. Tất cả chúng tôi đều sững sờ, xúc động trước câu nói chứa đựng sự thấu hiểu và ân tình của Bác đối với nhóm làm phim. “Thưa Bác, tốt rồi ạ”, nước mắt Phudi bỗng trào ra…
Bác bảo:
- Nếu tốt rồi thì sang phòng bên, Bác cháu ta uống nước.
Phudi tâm sự với tôi, hơn hai mươi năm làm phim, anh đi nhiều nước, đã quay nhiều vị Nguyên thủ quốc gia. Nhưng nhiều nơi anh chỉ làm việc như cái máy. Các vị Nguyên thủ cứ diễn thuyết, mình cứ quay, việc của ai người ấy làm, không có sự giao lưu nào khác. Lần này được gặp Hồ Chủ tịch, ngay từ phút đầu anh đã xúc động, hồi hộp quá nên có lúng túng trong thao tác. Tất cả tâm trí anh bị chi phối bởi được gặp Bác Hồ, vị lãnh tụ nổi tiếng của một dân tộc anh hùng. Đến khi được nghe Bác Hồ nói sẵn sàng tạo điều kiện cho nhóm làm phim hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh càng thêm xúc động.
Trong phòng trà có cà phê, bánh, kẹo, trái cây. Bác ngồi cùng với những người làm phim, thân mật như người cha ngồi cùng các con. Bác hỏi:
- Các chú sang Việt Nam công tác lâu chưa ?
Suduki đáp:
- Thưa Bác, con sang Việt Nam hơn một năm rồi ạ.
Bác bảo:
- Thế thì các chú khuyết điểm, sang Việt Nam hơn một năm mà vẫn phải nhờ chú này (Bác chỉ người phiên dịch). Hồi còn trẻ, Bác ra nước ngoài, chỉ sau sáu tháng là nghe và nói được tiếng nước đó, không cần phiên dịch. Từ nay, các chú nên học tiếng Việt, nhờ chú này (Bác lại chỉ anh phiên dịch) giúp đỡ.
Giờ phút gần Bác, ai cũng muốn kéo dài. Chúng tôi muốn được ở bên Bác lâu hơn, nhưng Bác còn bận nhiều việc. Bác tạm biệt ra về.
Các bạn Nhật cứ đi theo Bác, tay cầm máy quay phim, máy ảnh mà như quên mất công việc, nét mặt ai cũng thẫn thờ, luyến tiếc.
Ống kính máy quay trong tay tôi không lúc nào rời Bác. Từng cử chỉ, từng bước đi, từng giọng nói, tiếng cười của Bác đối với tôi đều vô cùng quý giá.
Bác đã bước xuống bậc thềm sau phòng khách, các bạn Nhật vẫn bước theo sau. Bác chợt ngừng lại ngắt một bông hồng tặng Suduki rồi đi về phía Nhà sàn. Như đoán được mọi người vẫn dõi theo, Bác quay lại mỉm cười đôn hậu và giơ tay chào tạm biệt. Ống kính của tôi vẫn theo Bác cho đến khi bóng Người đã khuất sau những hàng cây bên nếp Nhà sàn.
Từ đó đến nay đã nhiều năm, mỗi khi nhìn tấm ảnh Bác Hồ vai khoác áo kaki, một tay cầm quyển sổ, một tay giơ cao chào tạm biệt những người làm phim, tôi lại nhớ đến kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời của một phóng viên quay phim quân đội./.
(Theo tác giả Hoàng Văn Bổn, cuốn sách Bác Hồ với Đồng Nai- Đồng Nai với Bác Hồ)
Kim Yến (st)