Từng tham gia rất nhiều trận đánh lớn, nguy hiểm luôn bủa vây giữa làn mưa bom, bão đạn của địch, nhưng với Đại tá Đinh Văn Dung từng là Đại đội trưởng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông đó là hai lần được gặp Bác Hồ.
Trong cơn mưa tầm tã đầu mùa Thu, chúng tôi tìm về gia đình Đại tá Đinh Văn Dung (sinh năm 1931), ngụ tổ 14, lô 18, phường Hạ Long, thành phố Nam Định, ông từng là Đại đội trưởng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng là người vinh dự được gặp Bác Hồ hai lần. Với ông kỷ niệm được gặp Bác Hồ sâu sắc, tự hào hơn bất cứ những gì ông đã trải qua.
“Được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi!”
Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, sức khỏe đã có phần giảm sút, nhưng khi kể về một thời tham gia kháng chiến, nhất là hai lần được gặp Bác Hồ, đôi mắt Đại tá Đinh Văn Dung lại ánh lên một niềm tự hào, như được tiếp thêm sức mạnh.
Cũng như bao chàng trai, cô gái khác, sinh ra và lớn lên trong thời đất nước chiến tranh loạn lạc, lòng căm thù quân giặc như ngấm vào máu thịt. Khi vừa tròn 16 tuổi, chàng trai trẻ Đinh Văn Dung đã tham gia chiến đấu tại Trung đoàn 28, Đại đội 231 Lạng Sơn sau đó chuyển sang Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (trước đây là Đại đoàn 316).
Đại tá Đinh Văn Dung chỉ lại những bức ảnh trong thời kháng chiến chống Pháp
Hai năm sau khi nhập ngũ, ông tham gia chiến dịch ở đường số 4 và năm 1950 tham gia Chiến dịch Đông Khê, tỉnh Cao Bằng; Chiến dịch Trần Hưng Đạo, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Năm 1952, ông tham gia Sư đoàn 316 tham gia Chiến dịch Tây Bắc và năm 1953 tham gia Chiến dịch Thượng Lào. Tháng 12/1953, ông cùng Sư đoàn tham gia đánh Mường Bồn, tỉnh Lai Châu. Đến ngày 20/12/1953, địch nhảy dù vào Điện Biên Phủ, ông cùng đồng đội chuyển về chân núi Tà Lèn chuẩn bị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Đầu năm 1954 là thời kỳ bắt đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng đồng đội tham gia làm đường, chuẩn bị chiến trường và làm công tác tham mưu, chuẩn bị bộ đội, huấn luyện bộ đội…Lúc bấy giờ ông là Đại đội trưởng, Trợ lý Ban tham mưu gấp rút cùng Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Nguyễn Hữu An đi chuẩn bị chiến trường trên cứ điểm A1.
Vào sinh ra tử với biết bao nhiêu trận đánh lớn, sống dưới làn mưa bom bão đạn, những kỷ niệm sinh tử với đồng đội chưa một lần phai nhòa trong ký ức, nhưng với ông trong cuộc đời người lính tự hào vinh dự nhất đó chính là được gặp Bác Hồ hai lần.
Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, việc thành lập nông trường đầu tiên của quân đội được gấp rút đặt lên hàng đầu. Nhiệm vụ này được Bác Hồ giao cho Sư đoàn 316 của ông Dung đóng quân có nhiệm vụ khôi phục và xây dựng Nông trường Điện Biên.
Bức ảnh Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 316 trở lại xây dựng Nông trường Điện Biên.
Trong buổi gặp mặt các chiến sỹ Sư đoàn 316 vào ngày 10/3/1958, Bác Hồ đã tặng cho Đại đoàn 316 100 Huy hiệu cùng một bài thơ. Đây cũng là lần đầu tiên ông Dung được vinh dự gặp Bác. Ông vẫn nhớ như in bài thơ mà Bác Hồ đã tặng các chiến sỹ trong ngày ấy.
“Đá rắn ta quyết tâm ta rắn hơn đá
Núi cao, chí khí ta còn cao hơn
Đảng cử ta lên mặt trận sản xuất
Khó khăn ta cố gắng vượt qua
Nhiệm vụ ấy ta quyết tâm làm tròn
Cảm ơn người đào tạo quân đội
Quyết chí đền bù nghĩa nước non”.
Sau khi nhận nhiệm vụ xây dựng và khôi phục Nông trường Điện Biên rộng 2.000 ha, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nghĩa trang đồi A1. Hầu hết dụng cụ để khai hoang, mở rộng xây dựng nông trường thời ấy đều dùng sắt, thép từ những xe tăng, binh khí… hỏng của địch để làm cuốc, xẻng…
Một năm sau khi nhận nhiệm vụ xây dựng Nông trường Điện Biên, vào năm 1959, Bác Hồ quay trở lại thăm Tây Bắc tham dự buổi triển lãm về thành tựu tăng gia sản xuất ở Tây Bắc. Đây cũng là lần thứ hai ông Dung được gặp Bác Hồ, những lời động viên, khen ngợi, phê bình của Bác trong ông vẫn còn in đậm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ các chiến sỹ Điện Biên tỉnh Nam Định
Ông Dung kể lại: “Hôm ấy Bác ăn mặc vẫn giản dị như lần đầu tôi được gặp Bác, về lần này Bác có khen anh em chiến sỹ làm tăng gia sản xuất giỏi, Bác khen con lợn nặng 120kg, khen bí to như chậu thau... Rồi bất chợt Bác nhìn lên tấm da hổ và cái sừng hươu Bác ân cần nói lại: “Bộ đội ta còn tăng gia nuôi được cả hổ và hươu cơ à?”. Rồi Bác bảo: “Việc các chú bắn hổ và bắn nai là vi phạm vào điều quy ước của pháp luật. Nhà nước không cho phép!” Rồi Bác bảo Bác đi Trung Quốc, Bác thấy quân đội giải phóng quân Trung Quốc họ trồng bông có thành tích. Bác mong rằng các cháu rồi đây nghiên cứu trồng mía, trồng lương thực, thực phẩm để mà tạo nên một sự giàu mạnh cho Điện Biên...”.
Toàn bộ Đại đoàn viết “Quyết tâm thư” thực hiện Di chúc của Người
Ông Dung bồi hồi nhớ lại kỷ niệm lúc anh em chiến sỹ nghe tin Bác Hồ mất, đôi mắt ông chợt đỏ hoe, cay cay... Năm 1969, ông Dung cùng các chiến sỹ Bộ Tư lệnh mặt trận 959 (quân tình nguyện) đóng quân tại cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Trong lúc anh em đang hành quân trong rừng, bất chợt nghe tin Bác Hồ mất. Ngay lập tức toàn bộ anh em chiến sỹ dừng chân lại 1 giờ để nghe đồng chí Tư lệnh Vũ Lập, Chính ủy mặt trận Huỳnh Đăng Hương phác thảo vắn tắt lại điếu văn trong Lễ tang của Bác do đồng chí Lê Duẩn đọc.
Ông Dung tâm sự: “Lúc nghe tin Bác mất, tất cả các anh em chiến sỹ chúng tôi, từ khối óc đến trái tim đều đau xót, mọi người đều khóc, lúc ấy không khí thật nặng nề. Chứng kiến nhiều sự hi sinh mất mát to lớn, nhưng quả thực không nỗi đau nào bằng lúc anh em chúng tôi nghe tin Bác mất”.
Khoảng một tuần sau, cơ quan Cục Chính trị đã khảo về bản Di chúc của Bác Hồ, lúc bấy giờ các chiến sĩ lên lớp 4 tiếng để họp bàn với rất nhiều diễn giải về xung quanh vấn đề xây dựng và bảo vệ Đảng theo Di chúc của Người. Chủ yếu là các vấn đề xây dựng đạo đức, xây dựng thế hệ trẻ, đoàn kết và đặc biệt là phải bảo vệ Đảng như bảo vệ con ngươi trong mắt mình.
Đại tá Đinh Văn Dung kể lại vinh dự được gặp Bác Hồ
Theo đó mỗi đảng viên phải nén đau thương, gương mẫu, dũng cảm, luôn sẵn sàng đánh địch. Biến đau thương thành sức mạnh để trả ơn Bác. Đoàn kết là tinh thần cực kỳ quý báu của 54 dân tộc anh em, miền xuôi giúp đỡ miền núi và giúp đỡ nước bạn Lào với phương châm: Vì dân giúp bạn. Xây dựng thế hệ trẻ, lúc này ở các chiến trường bổ sung hàng nghìn tân binh, lớp thế hệ trẻ là lớp thế hệ dũng cảm nhất, vì vậy mỗi tân binh chưa là đoàn viên phải phấn đấu là đoàn viên, là đoàn viên phấn đấu là đảng viên, đảng viên nào là cấp ủy, phải là hạt nhân trong lãnh đạo và là hạt nhân để gắn bó keo sơn với quần chúng.
Để thể hiện quyết tâm thực hiện theo Di chúc của Người, toàn thể chiến sỹ Bộ tư lệnh mặt trận 959 đã viết “Quyết tâm thư” tập trung chính vào 5 vấn đề chính gồm: Ý chí chiến đấu vững vàng, kiên định; Hiệu quả trong công việc, hiệu quả trong chức trách, hiệu quả trong công tác chuyên môn; Nâng cao năng lực lãnh đạo chiến đấu; Xây dựng tinh thần đoàn kết; Vì dân giúp bạn, đoàn kết quốc tế.
Sau khi hòa bình lập lại, ông Dung về làm Chủ nhiệm Khoa Đào tạo tại Học viện Quốc phòng. 45 năm đã qua đi từ ngày Bác mất, nhưng những lời hứa trong “Quyết tâm thư” ông chưa một lần quên. Đã sống ngoài cái tuổi “bát tuần” nhưng những ký ức về một thời mưa bom bão đạn, nhất là lúc ông được 2 lần gặp Bác Hồ với ông đó mãi là những kỷ niệm vinh dự và sâu sắc nhất trong cuộc đời làm lính./.
Đức Văn
Theo Dân trí
Thanh Huyền (st)