Thứ năm, 19/12/2024

Như con ong làm việc cần mẫn, ngày qua ngày, người thầy ấy vẫn miệt mài bên những trang báo để sưu tầm về ảnh Bác Hồ. Mỗi lần bắt gặp bút tích hoặc bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tim ông lại dấy lên niềm vui sướng đến lạ kỳ. Ông là Cao Kim Sơn (76 tuổi) ở xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), là người thầy, là tấm gương sáng được các thế hệ học trò kính trọng, yêu mến.

40 năm gắn bó với bục giảng về bộ môn Vật lý, thầy giáo Cao Kim Sơn được nhiều thế hệ học trò nhớ mãi bởi tài năng và cốt cách thanh cao của thầy. Thầy đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh huyện Anh Sơn, từng đạt danh hiệu “Kiện tướng” trong cuộc thi giáo cụ trực quan toàn tỉnh và giải Ba toàn quốc năm 1963. Chính vì vậy, hơn ai hết, thầy là người hiểu rõ vai trò của hình ảnh đối với quá trình tiếp nhận tri thức của học sinh. Đặc biệt trong việc giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không có cách nào thiết thực hơn là để học sinh có cơ hội tiếp cận những bức ảnh của Người. Dẫu chưa một lần được gặp, nhưng hình ảnh và những câu chuyện kể về Bác Hồ là một kho tư liệu quý giá để giáo dục nhân cách con người. Cốt cách và hình ảnh của Bác Hồ theo thầy suốt những năm tháng giảng dạy trên ghế nhà trường. Say mê và trên hết là để giáo dục con cháu, các học trò của mình, người thầy dạy bộ môn Vật lý cấp THCS đã miệt mài sưu tầm những tờ báo, trang báo có đăng hình ảnh Bác Hồ. Thầy chia sẻ: “Như niềm vui mỗi ngày, tôi xem đây là trách nhiệm đối với các thế hệ học trò và con cháu. Về hưu, hàng ngày tôi vẫn đọc sách, báo để tìm kiếm những bức ảnh mới”.

nguoi-thay-me-suu-tam-1
Tập tư liệu ảnh và thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh  được thầy giáo Cao Kim Sơn
sưu tầm

Trên giá sách của thầy Sơn hiện nay đã có 350 bức ảnh và in thành cuốn tư liệu dày 200 trang khổ giấy A4. Các bức ảnh được thầy sắp xếp một cách khoa học theo trật tự thời gian cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Mở đầu là những bức ảnh chân dung Bác Hồ qua các thời kỳ, tiếp đến là hình ảnh quê nội và quê ngoại, những người thân trong gia đình và những kỷ vật gắn với tuổi thơ của Bác. Sau đó là những hình ảnh về mái trường Dục Thanh, con tàu Latútsơ Tơrêvin và bến cảng Nhà Rồng... Mỗi bức ảnh ghi lại khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Người. Để sưu tầm được những bức ảnh “độc” như vậy, thầy giáo Cao Kim Sơn hàng ngày say mê đọc sách, báo. Tháng nào thầy cũng đặt báo tận nhà, tìm đến các hiệu sách báo cũ, lục tìm tư liệu và hình ảnh về Bác Hồ hoặc xin từ bạn bè, đồng nghiệp. Những bức ảnh sau khi được tập hợp, thầy in ra, photo thành nhiều bộ dành tặng mọi người.

Không chỉ sưu tầm những bức ảnh, thầy Sơn còn rất thích sưu tầm những bài thơ viết về Bác Hồ, hay những mẩu chuyện viết về thân thế, sự nghiệp của Người. Bên bàn làm việc, những trang giấy trắng dở dang được thầy ghi chép lại. Có khi thầy còn tận dụng cả những tờ lịch cũ, đóng thành quyển và ghi chép phía sau tờ lịch. Đến nay, thầy đã sưu tầm được 28 bài thơ chủ đề mừng Xuân và chúc Tết của Bác Hồ, cùng với đó là hai bức thư Bác gửi về quê hương Nghệ An. Cũng như cuốn tư liệu ảnh, tập thơ của Bác được thầy Sơn photo gửi tặng những người thân thiết. “Không chỉ giáo dục nhân cách cho những người học trò, cho con cháu mình mà chính tôi cũng đang ngày đêm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...”, thầy Cao Kim Sơn bộc bạch.

Cầm trên tay những cuốn tư liệu ảnh và thơ do nhà giáo Cao Kim Sơn gửi tặng mới thấy được niềm đam mê của thầy. Lặng lẽ suốt hơn 50 năm, người thầy vẫn như con ong làm việc cần mẫn, không ngừng nghỉ. Giờ đây, ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” lịch trình làm việc của thầy vẫn không mệt mỏi: Đi bộ đều đặn mỗi sáng, tìm đến các bài báo để tiếp tục sưu tầm hình ảnh Bác Hồ./.

Phan Tuyết

Theo Báo Công an Nghệ An

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: