Thứ năm, 19/12/2024

Kỳ 1: Mạch nguồn tuôn chảy

Tự bao giờ, hai tiếng "Tân Trào" đã hiện hữu trong tâm trí chúng ta. Nó có sức mạnh kỳ lạ, cứ cuốn hút, lôi kéo mỗi “con Hồng, cháu Lạc” dù ở bất cứ nơi đâu cũng muốn tìm về, được đắm mình vào nguồn cội cách mạng, như được gặp lại hình bóng Bác Hồ cùng những bậc hiền tài đất Việt mà tên tuổi của họ đã được khắc trong sử vàng dân tộc từ khi khai sinh nền cộng hòa non trẻ của chúng ta.

Với tâm thế và cảm xúc đó, lần này “hữu duyên” được về miền nguồn cội, khiến sự háo hức bất chợt đến đỉnh điểm; khiến niềm vui tràn ngập và tiếng lòng xốn xang (!)

Sáng tháng Tám trời xanh như nước biếc, theo con đường nhựa phẳng lì, hai bên là mươn mướt nương chè, đồi ngô, chung quanh có núi cao và rừng cây đại ngàn như ôm lấy con đường kéo dài vô tận. Càng đi sâu vào trong, tiết trời càng mát dịu trong lành, khiến con người muốn thả lỏng để thưởng thức khoảng không gian và hương vị được kết tụ từ lịch sử, văn hóa và thiên nhiên...

Đang trôi theo cảm xúc bồi hồi, thì một đồng chí cán bộ địa phương phá vỡ tĩnh lặng bằng chất giọng trầm ấm. Anh mở lời như thể để thực hiện chức năng hướng dẫn viên: Từ hai năm trở lại đây, đảng bộ và nhân dân địa phương rất đỗi vui mừng, hạnh phúc khi đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đó là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn!

Qua những lời giới thiệu “có lửa” ấy, cộng với tâm trạng mong mỏi chung riêng bấy lâu, khi Tân Trào phác dáng trong tầm mắt, bất chợt cảm xúc đã nghèn nghẹn.... Kỳ lạ thật, thường thì sau mỗi sự chờ đợi chắc chắn sẽ kết thúc bằng niềm vui vỡ òa, bằng tiếng hét sung sướng, để tận hưởng, để vùng vẫy... Thế nhưng lần này thì không. Cái cảm xúc đến với Tân Trào thật khó diễn tả, nó lắng sâu, đong đầy, rưng rưng... Nó khiến con người ta tiến những bước chân chầm chậm theo đoàn, lặng lẽ nhìn và tự cảm nhận chứ không chia sẻ cùng ai, cũng không mở lời bàn tán...

Vậy đó, vậy mới biết, mới thấm thía đủ đầy Tân Trào là chốn thiêng liêng, là miền nguồn cội, là nơi “chôn nhau, cắt rốn” của chính quyền cách mạng và nền cộng hòa non trẻ. Về với Tân Trào, chắc chắn ai cũng sẽ cảm nhận rõ ràng về giá trị của không gian, lịch sử và văn hóa - nơi thượng nguồn, tuôn chảy mạch ngầm sức mạnh, bắt đầu cho dòng chảy cuồn cuộn của cách mạng Việt Nam trong 9 năm kháng chiến.

ve-mien-nguon-coi
Lán Nà Nưa – nơi Bác Hồ ở, làm việc tại Tân Trào

Tân Trào là cái tên mới, được hợp nhất từ hai xã Tân Lập và Hồng Thái vào năm 1945 (trước đây còn gọi là Kim Long và Kim Châu). Đây là vùng thung lũng bằng phẳng, rộng gần 7000 ha; không khí trong lành, tiết trời mát mẻ; bao quanh những triền lúa xanh mướt, là sừng sững núi non chót vót, bên dưới uốn lượn những dòng chảy trong xanh. Cái thế của Tân Trào không chỉ ở việc tiện đường giao thông, dễ bề cơ động, thuận cho liên lạc... mà còn là nơi có thể tự túc lương thực, thực phẩm; đặc biệt nhất là “tấm giáp lòng dân” của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang bao bọc, chở che... Giờ đây về với Tân Trào, ngắm và ngẫm lại cái thế của Thủ đô Kháng chiến càng thán phục tầm nhìn thiên tài của Bác Hồ và Đảng khi chọn nơi này làm chốn khởi nguyên cho tổng khởi nghĩa và cuộc kháng chiến thần kỳ, chứ không phải ở những nơi khác.

Chọn Tân Trào làm Thủ đô kháng chiến là quyết định chiến lược đúng đắn, thì việc chỉ đạo bày phòng, bố trí các cơ quan cách mạng hoạt động, công tác trong vùng ATK càng cho thấy sự tài tình của Đảng và Bác Hồ. Ngay đến tận bây giờ, theo dấu ấn lịch sử, thực hiện “tua” tham quan, mỗi người càng có thêm kiến thức để cảm nhận được sự gắn kết hoàn hảo, không thể tách rời giữa hoạt động của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lãnh đạo Đảng và các cơ quan Trung ương trong vùng ATK.

Tất nhiên rồi, trong mấy ngày ngắn ngủi đến với Tân Trào dễ mấy ai có thể đến được hết các địa danh đã từng đi vào lịch sử "mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào". Thế nhưng chỉ cần có chút vốn kiến thức về địa lý, am hiểu thêm một ít về nghệ thuật quân sự, chắc chắn rằng, sự cảm nhận về thế bố phòng của Tân Trào sẽ khiến người ta cảm phục hoàn toàn. Đúng như lời của cô hướng dẫn viên trong bộ trang phục Tày tươi mới: Khu Di tích lịch sử Tân Trào có tới 117 di tích, nằm trải dài ở 11 xã thuộc hai huyện Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) với diện tích tự nhiên hơn 530km2. Thế nhưng, giữa các di tích căn cứ lại có mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết kỳ lạ như dòng chảy xuyên suốt từ Trung ương đến các cơ quan, tỏa ra mọi miền Tổ quốc bằng con đường thuận lợi nhất, hiệu quả nhất.

“Nơi chúng ta đang đứng đây là “thủ đô” của “Thủ đô kháng chiến” – là trung tâm của Khu Di tích, với những địa danh chỉ nhắc đến tên thì lòng đã rộn ràng, xao xuyến, như: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, rồi lán Hang Bòng, Đồng Man, Lũng Tẩu - Khấu Vấu...” - Anh Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tân Trào – người cán bộ hiếu khách, tiếp lời cô hướng dẫn viên. Rồi anh cẩn trọng hướng dẫn chúng tôi tham quan rừng Nà Nưa. Chỉ ở một triền rừng ngã bóng xuống con suối trong vắt, đã có tới năm căn lán di tích. Đầu tiên là lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến 22-8-1945, rồi ba căn lán của những người giúp việc cho Bác là lán Cảnh vệ, lán Điện đài, lán Đồng minh. Cuối cùng là căn lán diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng (từ 13 đến 15-8-1945), quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa và ra bản Quân lệnh số 1 Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Đứng lặng dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lán Nà Nưa, ai trong chúng tôi cũng không khỏi bùi ngùi, xúc động. 69 năm trước, Bác đến đây từ Chiến khu Pác Bó (Cao Bằng), sáng chiều gắn bó với từng gốc cây, hòn đá, con đường... nơi đây, để lo việc lớn, gây dựng đại sự, khẩn trương chỉ đạo chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Chuyện rằng, khi mới về Tân Trào ngày 21-5-1945, Bác ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự, khi ấy là Chủ nhiệm Việt Minh xã Tân Trào. Đến cuối tháng 5, chính Người yêu cầu cán bộ địa phương dẫn vào rừng để Bác chọn địa điểm ở và làm việc. Khảo sát nhiều nơi trong rừng Nà Nưa, cuối cùng Bác chọn chỗ căn lán hiện nay. Lán được làm theo kiểu nhà sàn, rộng chưa đầy 12m2, lợp lá cọ, dưới những tán cây rậm rạp, cách làng Tân Lập 500m về phía Đông. Lán có hai gian nhỏ, bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian phía trước là nơi Bác làm việc, tiếp khách. Chỗ nghỉ của Bác chỉ đơn sơ một chiếc giường làm bằng tre vầu, giống như chiếc chõng...

Gần trưa, chúng tôi rời rừng Nà Nưa về đình Tân Trào thuộc làng Tân Lập. Ngôi đình này được xây dựng từ năm 1853 (thời Tự Đức) và được trùng tu vào năm 1923. Đình nằm trên khu đất rộng, bằng phẳng, phía trước là đường rộng, mặt nhìn về hướng Nam – nơi có ngọn núi Ao Rừm, dưới chân núi là dòng Khuổi Pén huyền thoại. Tại đây, nhân viên Khu Di tích giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về những sự kiện lịch sử liên quan đến di tích này. Đó là những ngày 16 và 17-8-1945, Bác Hồ và Trung ương Đảng triệu tập Quốc dân Đại hội, phát động phong trào giải phóng dân tộc và thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh Pháp, đuổi Nhật, lập nên chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là sự kiện, Bác Hồ đứng trước Đình Tân Trào, bên dòng suối Khuôn Pén (sáng 17-8-1945) đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là người do Quốc dân Đại hội bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên; ra sức chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước! Xin thề! Xin thề! Xin thề!”.

Và cũng từ lời thề ấy, từ mái đình Tân Trào này, phong trào cách mạng lan ra, sục sôi khắp cả nước. Cũng chính từ chiếc nôi cách mạng Tân Trào những chủ trương, đường lối như suối nguồn “chảy” đến mọi miền Tổ quốc, soi rọi, dẫn đường cho Cách mạng Tháng Tám đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Và cũng từ mạch nguồn cách mạng ấy, dòng chảy lịch sử được kế tục, tiếp nối trong công cuộc đổi mới, phát triển hôm nay./.

Ghi chép của NGUYỄN TẤN TUÂN

(Còn nữa)

Kỳ 2: Tiếp nối những mùa Thu thắng lợi

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: