Thứ năm, 19/12/2024

Chuyện mẹ Kăn Khánh 3 lần được gặp Bác Hồ dân làng Pa Kô ở A Ngo (Đakrông, Quảng Trị) nghe mãi không chán. Mừng nhà mới, người ta hát múa tới tận đên khuya. Khi cái chân đã mỏi, bà con quây quần nghe chuyện về Bác Hồ của già làng Kăn Khánh.

Năm 1959, Kăn Khánh tham gia cách mạng và được các cô, chú cán bộ ở Đảng bộ xã Hướng Điền (huyện Hướng Hóa cũ) giao nhiệm vụ làm giao liên. Hàng ngày, dân làng vẫn thấy cô bé xinh xắn, dáng người nhỏ thó, nhanh thoăn thoắt tiếp lương, tải đạn, nuôi giấu cán bộ cách mạng nằm vùng. Nhìn Khánh, chẳng ai đoán em dám làm việc mạo hiểm ấy. Vậy mà Khánh gan dạ không ai bằng.

Nhiều lần, một mình mang thư từ, công văn đi mấy ngày liền giữa rừng núi hoang vu, tìm đến đúng nơi các cô, chú giao nhiệm vụ, mà không hề sợ sệt. Lúc đó, Kăn Khánh chỉ tâm niệm là phải giữ bí mật, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, để được gặp Bác Hồ. Giao việc gì Kăn Khánh cũng làm được, bất chấp hiểm nguy. Thông thạo đường đi lối lại, nên việc gì giao cho Khánh, lãnh đạo cũng tin tưởng. Mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, Kăn Khánh lại thấy hình như ngày mình được gặp Bác đã sắp tới rồi.

Năm 1962, Kăn Khánh được cử ra Bắc học tập tại Trường Thanh niên Dân tộc Nội trú Trung ương (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Hơn chục năm học tập ngoài Bắc, Kăn Khánh đã vinh dự được gặp Bác 3 lần. Nhớ về miền ký ức thiêng liêng ấy, lần nào bà cũng rưng rưng. “Lần đầu gặp Bác thì Bác hỏi là: Cháu biết chữ chưa? Tôi đứng lên, vòng tay lại, nhưng không nói nên lời vì cảm động quá. Bao lâu nay ước mơ mà nay mới được gặp Bác. Xúc động lắm, nhưng tôi cũng cố gắng trả lời để Bác nghe. Dạ, thưa Bác, cháu chưa biết chữ nào ạ. Nói xong, tôi ngước mắt lên thì nhìn thấy hai hàng nước mắt của Bác rưng rưng rơi xuống, làm tôi càng bối rối và cảm động thêm.Tôi khóc luôn”.

nguoi-phu-nu-pako
Bà Khăn Khánh (đứng bên phải). Ảnh: Thanh Tâm

Vừa kể, bà Kăn Khánh vừa lấy tay lau nước mắt. Một vị lãnh tụ cao nhất của đất nước, phải suy nghĩ bao nhiêu công to việc lớn, mà sao vẫn nghĩ tới những người dân nơi góc núi A Ngo?

“Lần thứ hai gặp Bác vào ngày thiếu nhi 1/6, Bác hỏi: Đồng bào miền Nam chiến đấu như thế nào? Tôi đứng lên, vòng tay lại và nói: Dạ, thưa Bác, đồng bào miền Nam đấu tranh không sợ gian khổ, chiến đấu dũng cảm không sợ bị thương, không sợ hy sinh. Cháu chỉ sợ bị mù hai mắt, sau này nước nhà thống nhất, Bác vào thăm miền Nam thì cháu không nhìn thấy Bác nữa. Nói xong thì tôi ngước mắt lên thì thấy mắt Bác rưng rưng. Bác dặn: Cháu cố gắng học, cố gắng ăn cơm nhiều vào để bảo đảm sức khoẻ, rồi học tập văn hoá, chính trị thật tốt, lao động đoàn kết, yêu thương đồng đội thật tốt, vâng lời các cô các chú dạy bảo”.

Năm 1963, Kăn Khánh đuợc gặp Bác lần thứ ba, và đó cũng là lần cuối cùng cô bé Pa Kô được nhận những tình cảm ấm áp từ Hồ Chủ tịch. Bà kể: “Mùa Thu tháng 8 năm 1963, một đoàn xe vào tới Quảng trường. Bác đang đứng dịu hiền giản dị ở cổng để đón các cháu vào. Chúng tôi ùa vào, người thì cầm tay Bác, người ôm hông Bác… Tôi xà vào lòng Bác, vuốt chòm râu của Bác. Bác dang hai tay ôm ấp tôi như ngày xưa. Lời nói của Bác sao ấm áp, dịu dàng thế. Sau đó chúng tôi cầm tay nhau hát để Bác nghe:

Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng chúng em nhi đồng

A, có Bác Hồ đời em được ấm no

Chúng em múa ca càng nhớ công ơn Bác Hồ.

Bác gật đầu cười. Chúng tôi nói với Bác là: “Chúng cháu xin hứa với Bác là sẽ học tập tốt, lao động tốt, kỷ luật tốt, đoàn kết tốt, vâng lời thầy cô giáo. Bác ôm hôn từng người để chia tay. Mọi người đều khóc”.

Lần nào gặp Bác, Kăn Khánh cũng thấy Bác quan tâm, hỏi han tất cả các cháu học sinh, từ chuyện cơm ăn, áo mặc, tới chuyện học hành… rồi cả chuyện làng, chuyện bản. Nhớ lời Bác dặn, Kăn Khánh học ngày học đêm. Và kể từ đó cho tới tận bây giờ, khi đã là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã A Ngo, bà Kăn Khánh vẫn tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho bản làng A La ngày một ấm no hơn./.

Thanh Tâm/VOV4

Theo http://vov4.vov.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: