nguoi-nu-du-kich-1

Di ảnh bà Trần Thị Dự

Trong quá trình sưu tầm kỷ vật về đội nữ du kích Hoàng Ngân (tỉnh Hưng Yên), chúng tôi được ông Nguyễn Văn Cậy, nguyên cán bộ Tiền khởi nghĩa (hiện trú tại phường Lê Lợi, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), giới thiệu một bức ảnh đen trắng chụp các nữ du kích Hoàng Ngân huyện Kim Động. Chỉ vào tấm hình kỷ vật từ cách đây gần 60 năm, ông bảo: “Trong số họ, có một nữ du kích từng vinh dự có mặt tại Lễ duyệt binh mừng Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng trở về Thủ đô năm 1955”.

Người nữ du kích được ông Cậy nhắc tới là bà Trần Thị Dự, một cán bộ lão thành cách mạng, người từng tham gia hàng chục trận chiến đấu và lập nhiều chiến công xuất sắc trong những năm công tác ở vùng địch hậu Hưng Yên. Tổng kết 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bà được bầu là Chiến sĩ thi đua, được tặng Huy hiệu của Hồ Chủ tịch và là một trong hai chiến sĩ du kích huyện Kim Động đại diện cho lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân tham gia Lễ duyệt binh ở Thủ đô Hà Nội.

Sau hơn nửa thế kỷ, bà Dự đã thành người thiên cổ, nhưng những trận chiến đấu gan dạ, dũng cảm của bà và các nữ du kích trên vùng đất nhãn thì vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức đồng đội. Trong câu chuyện của các nhân chứng đang ở tuổi bát thập, hình ảnh nữ du kích Trần Thị Dự đã được khắc họa với không ít những chiến công như huyền thoại.

Người chỉ huy quyết đoán

Thời kỳ những năm 1949-1951, số nam thanh niên ở vùng địch hậu Hưng Yên ngày càng trở nên thiếu vắng, đa số đã thoát ly theo kháng chiến, một số khác thì bị o ép bắt đi lính cho giặc. Bởi vậy, chị em phụ nữ đã phát huy “lợi thế” vừa làm việc đồng áng, vừa tham gia hoạt động kháng chiến ngay tại địa phương mà không bị kẻ địch nghi ngờ. Trong số những phụ nữ tham gia kháng chiến, bà Dự là người có nhiều kinh nghiệm hoạt động, bởi bà từng tham gia Việt Minh tại xã Chính Nghĩa (huyện Kim Động) từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Theo những người cùng công tác kể lại, công việc “đáng nể” nhất mà bà Dự làm được chính là việc xây dựng, phát triển lực lượng du kích ngày một lớn mạnh giữa lúc quê hương đang bị giặc Pháp đàn áp, kìm kẹp.

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Đình Mậu, nguyên Chính trị viên huyện đội Kim Động, và được nghe ông kể về một thời trận mạc cùng những kỷ niệm gắn bó với nữ du kích Trần Thị Dự. Tới nhà ông ở thành phố Hải Dương, mới hay bà Nguyễn Thị Hưng, vợ ông, cũng là nữ du kích từng có nhiều năm hoạt động cùng bà Dự. Trong ký ức về một thời chưa xa, hai ông bà đã “bổ sung” cho nhau nhiều tình tiết sống động, cụ thể về người bạn chiến đấu năm xưa. Ông Mậu bảo, kể về các trận đánh do bà Dự trực tiếp tham gia và chỉ huy thì nhiều lắm, khó có thể nhớ hết. “Tôi chỉ kể những trận điển hình thôi, bởi tính ra, tôi từng tham gia gần 50 trận đánh cùng chị Dự và có nhiều trận giành thắng lợi, gây tiếng vang, làm quân thù khiếp sợ”.

Theo ông, bà Dự là một người vừa giỏi chỉ huy, vừa có tài thuyết phục, lôi kéo trong công tác địch vận để giúp ta có được những trận “không đánh mà thắng”. Đó là trận đánh diệt bốt Trương Xá, một bốt lớn được địch đặt trên đường 39 ở phía bắc huyện Kim Động. Bốt có một trung đội ngụy chiếm đóng do sếp bốt tên là Đội Thuần chỉ huy. Bà Dự đã xây dựng nội ứng trong hàng ngũ địch bằng cách cài một nữ du kích tên là Nguyễn Thị Khương (ở thôn Vĩnh Đồng, xã Đồng Thanh) vào làm vợ tên sếp bốt. Bà Dự thấy chị Khương có nhan sắc, ăn nói khéo léo, nhẹ nhàng nên đã bố trí chị giả làm vợ Đội Thuần. Sau hơn một năm, chị Khương vừa nắm tình hình địch, vừa vận động, cảm hóa Đội Thuần. Đêm 12-1-1952, một đại đội của ta tiến công vào bốt Trương Xá, Đội Thuần đã ra mở cổng đầu hàng. Trận ấy, quân ta vừa xóa bốt, vừa đón cả một trung đội hàng binh địch mà không cần phải nổ súng.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Đậu (thôn Cốc Ngang, xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), nữ du kích từng có nhiều năm hoạt động cùng bà Trần Thị Dự, kể rằng, sau khi Pháp thất bại trong Chiến dịch Biên giới 1950, cơ sở kháng chiến và các khu du kích trên địa bàn tỉnh Hưng Yên dần đi vào ổn định, ta có điều kiện cải thiện đời sống của dân quân du kích và bộ đội. Là cán sự Huyện đội Kim Động phụ trách nữ du kích Hoàng Ngân, bà Dự đã cùng Hội Mẹ chiến sĩ ở các vùng quê vận động thực hiện: Mỗi thôn một chum tương, vại cà, ao rau muống; mỗi gia đình cùng tham gia vào việc chuẩn bị, góp rơm, rạ ủng hộ bộ đội.

Nhớ lại chuyện cũ, bà Đậu cười vui mà nước mắt lăn dài: “Ngày ấy, cuộc sống thiếu thốn, cơm không đủ ăn, nhưng chị em chúng tôi vẫn thường hay nhường cơm cho bộ đội. Đến bữa, các anh giục chúng tôi đi ăn, mấy chị em bảo: “Các anh cứ ăn đi, chúng tôi ăn sau cũng được”. Nói thế là để các anh yên tâm, chứ thực ra lúc chị em ngồi vào mâm thì mỗi người chẳng đủ lấy một bát, trong khi nồi thì vẫn đang… bốc khói!”.

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng bà Dự và đồng đội vẫn chẳng chịu thua kém cánh mày râu, bà đã chỉ huy lực lượng nữ du kích các xã trên địa bàn huyện tổ chức đánh địch bằng nhiều hình thức táo bạo: Chông, mìn, cạm bẫy, hóa trang, độn thổ, đánh đường giao thông, đánh địch ở các chợ… làm cho địch hoang mang, lo sợ. “Hồi ấy, chị Dự vừa là cán sự Huyện đội Kim Động phụ trách nữ du kích và địch vận, vừa kiêm chức Xã đội phó, trực tiếp chỉ huy nữ du kích Hoàng Ngân xã Chính Nghĩa để làm nòng cốt phát triển lực lượng nữ du kích của huyện”, ông Nguyễn Văn Cậy cho biết.

Theo lời ông kể, những năm đầu thập kỷ 1950, khi đang là Đội trưởng Công an Việt Dũng huyện Kim Động, một tổ chức công an xung phong của tỉnh Hưng Yên, ông Cậy từng có nhiều năm hoạt động tại địa bàn xã Chính Nghĩa và rất ấn tượng với hình ảnh nữ du kích Trần Thị Dự mảnh mai trong trang phục quần láng đen, áo cánh nâu, đầu chít khăn mỏ quạ. Người phụ nữ ấy luôn thể hiện một tác phong mạnh mẽ, quyết đoán mỗi khi chỉ huy lực lượng nữ du kích địa phương cùng phối hợp với bộ đội và công an tham gia diệt ác, trừ gian, phá ách kìm kẹp của địch.

Ông Cậy nhớ lại: “Trong những trận đánh quan trọng, chưa bao giờ cấp trên cử một cán bộ nữ chỉ huy, nhưng trong trận đánh diệt bốt Thanh Sầm, tình huống ấy đã xảy ra”. Đó là một ngày giữa tháng 10-1950, các lực lượng: Bộ đội, công an, du kích… đã lên kế hoạch phối hợp diệt bốt Thanh Sầm. Đây là bốt được thực dân Pháp bố trí ở phía bắc huyện Kim Động, trong bốt, địch có khoảng 50 lính bảo an dân vệ. Nữ du kích Hoàng Ngân các xã: Hưng An, Đồng Thanh đã tích cực trinh sát nắm địch, làm giao thông liên lạc, kịp thời tiếp tế, nuôi quân. “Trận đó, đồng chí Cát là Trung đội trưởng, tôi chỉ huy Công an Việt Dũng, chị Dự chỉ huy dân quân du kích. Chúng tôi phối hợp đánh bốt từ tối hôm trước tới 3 giờ sáng hôm sau thì đồng chí Cát hy sinh, tôi bị thương. Trước tình thế khó khăn ấy, chị Dự nhận nhiệm vụ tiếp tục chỉ huy tiêu diệt bốt. Chị đã làm tốt công việc được giao và khoảng nửa giờ sau thì quân địch buộc phải đầu hàng. Ta chiếm được bốt, tiêu diệt và bắt sống hơn 30 tên địch”.

Ông Cậy bảo rằng, bà Dự đã làm "tròn vai" một người chỉ huy xông xáo, mưu trí trong một tình huống ngoài dự kiến để tiếp tục chỉ đạo các lực lượng phối hợp hạ bốt Thanh Sầm, bắt tên đồn trưởng gian ác khét tiếng, mở khu du kích, giải phóng hàng vạn dân ở khu vực Bắc Kim Động - Nam Khoái Châu.

Ôn lại chuyện cũ, ông Cậy còn ấn tượng với một trận đánh khác mà bà Dự tham gia. Đó là trận đánh có sự phối hợp giữa nữ du kích Hoàng Ngân xã Chính Nghĩa và bộ đội huyện Kim Động. “Trận đánh diễn ra vào tháng 3-1954, chúng tôi đã phục kích, hóa trang độn thổ trên đường 39, bắt sống một đại đội lính Âu - Phi mà không bị tổn thất về người và vũ khí, riêng chị Dự đã bắt sống 2 tên địch, thu các chiến lợi phẩm: Điện đài, ống nhòm, súng trường…”. Hai tháng sau thắng lợi trong trận phục kích trên đường 39, bà Dự và đồng đội lại tiếp tục phối hợp đánh địch tập kết tại thôn Lương Hội. Trận đó, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 20 tên địch, riêng bà Dự tiêu diệt và bắt sống 4 tên. Chưa kịp tận hưởng niềm vui chiến thắng, bà Dự đã phải gánh chịu một nỗi đau riêng. Ngay trong trận đánh, người yêu, người đồng chí thân thiết của bà ở Huyện đội Kim Động đã anh dũng hy sinh…

(còn nữa)

BÙI VŨ MINH

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: