Hóa trang, độn thổ và dụ địch
Giữa năm 1952, phong trào du kích trong toàn tỉnh Hưng Yên phát triển mạnh, thực dân Pháp buộc phải phòng ngự có trọng điểm. Địch tăng cường tuần tra, canh gác đường 39 rất nghiêm ngặt. Nữ du kích Hoàng Ngân bằng các hình thức độn thổ, phục kích, liên tiếp đánh địch trên đường 39 làm cho chúng rất hoang mang, lo sợ.
Ông Cậy kể: “Có tên đứng gác thấy phụ nữ đi qua cũng sợ, chúng sợ đến nỗi phải cho ô tô chở quân từ thị xã lên gác đường 39, tối lại chở lính về, rồi chúng phải thay lính ngụy bằng lính Âu - Phi ra gác đường 39. Con đường 39 trở thành một trận địa hết sức quyết liệt, là mục tiêu đấu tranh giằng co vô cùng gay gắt giữa ta và địch. Giữa thời điểm ấy, bà Dự tiếp tục là “tác giả” của những màn hóa trang, độn thổ gây khiếp vía quân địch”.
Bà Đậu ôn lại những năm công tác trong vùng địch hậu với nữ du kích Trần Thị Dự.
Ảnh: Quang Huy
Một lần, Công an huyện Kim Động phân công nhiệm vụ cho các lực lượng phối hợp tiêu diệt tên Trọng, một kẻ Việt gian đang làm tay sai cho phòng Nhì của Pháp. Trong hơn hai tháng, các lực lượng công an, nữ du kích Hoàng Ngân đã theo dõi, nghiên cứu, nắm quy luật hoạt động của tên Trọng để lập kế hoạch, bố trí thời gian, địa điểm trừ khử. Lần thứ nhất, với chủ trương bắt sống Trọng để khai thác nên ta đã cho người dùng thuốc mê trộn vào nhân bánh. Thuốc mê không có tác dụng, việc bắt sống không thành. Lần thứ hai, bà Dự được giao nhiệm vụ xây dựng nhân mối là một nữ du kích. Người này là bạn thân với người yêu của tên Trọng, có nhiệm vụ theo dõi và diệt tên Trọng ở đầu thôn Lương Hội (xã Lương Bằng). Khi cơ sở của ta nắm chắc thói quen của tên Trọng là hắn thường hay đi lại với nhân tình ở Lương Bằng, theo sau Trọng còn có một trung đội lính bảo vệ, ta đã dùng 3 cơ sở để bố trí lực lượng phục kích ở thôn Tân Cầu. Một buổi trưa, với màn hóa trang làm một người đi bóc lá mía và ám hiệu: “Bò ăn mía!”, bà Dự và đồng đội đã hoàn thành việc trừ khử tên Trọng. Sau khi tiêu diệt tên Việt gian, ngụy quân, ngụy quyền trong khu vực rất hoang mang, chúng không dám tổ chức đi càn và đàn áp đồng bào như trước. Các cơ quan huyện ủy, ủy ban ở nơi sơ tán và tình hình đi lại của nhân dân tương đối ổn định.
Lần khác, vào mùa nhãn (khoảng tháng 7-1952), ta biết địch thường hay đi tuần trên địa bàn xã Hiệp Cường và chúng thường có thói quen trèo lên cây để vặt nhãn ăn. Nắm được thói quen của địch, biết chúng thường dựng súng dưới gốc nhãn, bà Dự đã cùng chị em du kích Hoàng Ngân bí mật đào hố dưới gốc cây rồi bố trí cho các du kích ẩn bên dưới, phủ đất và cây cỏ lên trên. Sau khi ngụy trang xong, hôm ấy, bà Dự lại giả vờ tất bật với công việc của một người bóc lá mía ven đường. Nhận thấy thời cơ thuận lợi khi một nhóm hơn chục tên vừa leo tót lên mấy cây nhãn, bà Dự liền hô to: “Bò ăn mía! Bà con ơi, bò ăn mía!”. Biết ám hiệu, du kích từ dưới hố xông lên, thu toàn bộ súng, địch sợ hãi bỏ chạy, nhưng 12 tên đã không kịp tẩu thoát và bị ta bắt sống.
Việc lôi kéo, cảm hóa tên phán Tân cũng là một thành công trong hoạt động địch vận của nữ du kích Trần Thị Dự. Sau khi cử người vào móc nối, dụ dỗ, bà Dự đã thuyết phục để phán Tân đồng ý hằng tháng cung cấp các số liệu về lực lượng, kế hoạch, địa điểm... mà địch chuẩn bị càn quét trên địa bàn, đồng thời phán Tân phải tìm cách trả tự do cho số cán bộ của ta bị bắt. Sau đó, bà Dự trực tiếp đảm nhiệm việc thu thập thông tin thông qua những "hộp thư bí mật" bằng cách giả vờ đi chợ hoặc ngược xuôi khắp các xã trong huyện để bán hàng rong...
“Cuộc chiến “tâm công”, đánh vào hàng ngũ địch trở thành một mũi đấu tranh quan trọng trong vùng địch hậu. Ở huyện Kim Động, chị Dự đã phát huy tốt vai trò của chị em nữ du kích thông qua các hình thức: Chống càn, độn thổ, phục kích, rải truyền đơn xung quanh vị trí địch chiếm đóng, treo cờ, biểu ngữ, bắt mối với binh lính ở các đồn, bốt để nắm tình hình và thuyết phục chúng quay về với gia đình. Họ đã hạn chế tính hung hăng, cướp bóc của những tên chỉ huy, đồng thời lôi kéo được một số lính ngụy bỏ ngũ về nhà”, ông Nguyễn Trường Xuân, nguyên Bí thư Huyện ủy Kim Động thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã có những nhận xét như vậy về cấp dưới của mình.
Điều mong mỏi sau 60 năm
“Có nhiều trận đánh thắng lợi nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, do thắng lợi chưa hoàn toàn nên tổ chức không thể công khai danh tính người lập công và những người trong cuộc cũng phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc giữ bí mật”, ông Nguyễn Văn Cậy đã kể về trường hợp của bà Dự như vậy.
Bà Trần Thị Dự (ngoài cùng, bên trái) trong một buổi tập của các nữ du kích Kim Động
Là người có nhiều năm hoạt động thầm lặng trong vùng địch hậu và dưới các vỏ bọc khác nhau nên những thành tích của bà Dự không có nhiều người biết đến, mãi tới khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bà mới vinh dự được cử đi báo cáo điển hình về công tác chiến thuật chống càn, đánh độn thổ, phục kích và hoạt động binh vận trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Với những thành tích xuất sắc trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1966, xã Chính Nghĩa đã lập hồ sơ đề nghị Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho nữ Xã đội phó Trần Thị Dự, nhưng do địa phương thay đổi địa giới hành chính, bà Dự lại xây dựng gia đình rồi về công tác, sinh sống ở thôn Lôi Cầu (xã Việt Hòa, huyện Khoái Châu) nên việc vinh danh thành tích của bà bị gián đoạn, hồ sơ khen thưởng cũng bị thất lạc. Trong khi đó, tên tuổi, thành tích của bà đã được ghi nhận trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Chính Nghĩa giai đoạn 1930-2005”.
“Là chị em cùng hoạt động và thường xuyên gần gũi nên tôi hiểu, suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến cho cách mạng, chị Dự rất ít khi nói về mình. Lúc tuổi cao, sức yếu, mỗi khi gặp nhau, chúng tôi thường hay xem lại những tấm ảnh cũ rồi tếu táo bảo nhau: Mấy chục năm trước, bọn mình thiếu thốn, gian khổ là thế mà cũng "hăng" chẳng kém cánh đàn ông!”, bà Đậu xúc động nhớ lại.
Hơn 6 thập kỷ đã trôi qua, nhưng kỷ niệm về những tháng năm trận mạc với người nữ du kích năm xưa thì vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí bà Đậu và các đồng đội. Đó là những lần bất ngờ gặp địch, phải nhảy xuống trốn dưới ao bèo, bị đỉa bám khắp người; rồi những đêm vượt đường 39, các nữ du kích phải trát thêm bùn, đất để khỏi lộ ra những bắp chân trắng ngần, những lần chị em phải trú ẩn trong một căn hầm chật hẹp… Hơn 20 năm nay, khi bà Dự ra đi ở tuổi 72, bà Đậu không còn được tâm sự, hàn huyên với người “thủ trưởng” cũ, song cũng như biết bao đồng đội từng nhiều năm gắn bó với mảnh đất Kim Động, bà luôn canh cánh một nỗi niềm: “Ước sao thành tích của chị Dự được Nhà nước ghi nhận, vinh danh, để những chiến công của chị từ cách đây hơn 60 năm được nhiều người biết đến”./.
BÙI VŨ MINH
Theo Báo Quân đội nhân dân
Huyền Anh (st)