Nhà sử học người Mỹ Josephine, trong một tham luận đọc tại hội nghị quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 29-3-1990 có nhận xét: "Trong số các lãnh tụ là nam giới như Thomas Jefferson, Mahatma Gandhi, Vladimir Ilyich Lenin, Karl Marx, Mao Trạch Đông, Martin Luther King và Nelson Mandela, chỉ có Hồ Chí Minh là luôn luôn nói về quyền bình đẳng của người phụ nữ". Chủ đề phụ nữ đã trở thành chủ đề lớn trong các bài phát biểu về cách mạng, các bài phát biểu về phụ nữ và với phụ nữ, trong các tác phẩm văn xuôi và trong thơ ca của Bác.

Thơ ca viết về phụ nữ mà Bác Hồ để lại, tính từ bài Cô Vượng khuyên chồng (1928) đến bài thơ Khen 11 cháu dân quân gái thành phố Huế (1968) thì số lượng thơ là đáng kể và tự nó đã nói lên một phần về sự quan tâm của Bác Hồ đối với chủ đề này.

bac-ho-phu-nu
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu phụ nữ
các dân tộc dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 2. Ảnh: Tư liệu

Thơ ca viết về phụ nữ của Bác trước hết là biểu hiện tấm lòng rộng mở, yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm và cảm thông. Ba bài thơ Cô Vượng khuyên chồng, Thư vợ gửi chồng, Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng viết trước Cách mạng Tháng Tám cho thấy sự cảm thông, thấu hiểu đối với phụ nữ của Bác là rất lớn. Đọc những bài thơ này cứ tưởng như đọc những bài thơ của chính phụ nữ viết vậy. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị là, trong tập thơ Nhật ký trong tù cũng có ba bài thơ về tình cảnh đáng thương trong hoạn nạn, tai ương của mấy cặp vợ chồng: Vợ người bạn tù đến thăm chồng, Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng, Gia quyến người bị bắt.

Bất công, ngược đãi, ức hiếp phụ nữ là bản chất của chế độ thực dân phong kiến ở bất cứ đâu, ở bất cứ nước nào. Bác đã lớn tiếng tố cáo mạnh mẽ chế độ tàn bạo đối với phụ nữ ở khắp các châu lục, Bác dành sự quan tâm và tình thương lớn cho phụ nữ. Nhưng không một chiều, không bao giờ làm cho phụ nữ bé nhỏ đi. Cùng với tình thương yêu, Bác luôn tìm mọi cách thức tỉnh giác ngộ và khích lệ người phụ nữ tự chủ trong cuộc đời riêng, đứng lên trong cuộc đời chung. Trong Bài Ca phụ nữ, Bác ca ngợi truyền thống anh hùng của phụ nữ:

Việt Nam phụ nữ đời đời

Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh.

Một khi phụ nữ đã đứng lên thì mọi sức mạnh được phát huy. Lời người vợ trong bài Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng thật rắn rỏi trong một tình thế người chồng hoạt động cách mạng không may sa vào lưới giặc, bị tù, người vợ nguyện tiếp bước trên con đường đi của chồng.

Vì anh tranh đấu mấy phen,

Vì anh mong giải phóng cháu Tiên, con Rồng.

Em xin anh chớ phiền lòng

Em tuy hèn yếu quyết thay chồng đấu tranh.

Để phát huy sức mạnh và tài năng phụ nữ, Bác đã làm sống dậy hình ảnh người phụ nữ trong lịch sử anh hùng của dân tộc qua diễn ca Lịch sử nước ta, đó là Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân xung trận dũng mãnh trăm trận trăm thắng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, vai trò và sức mạnh của phụ nữ càng được phát huy, phụ nữ có mặt ở mọi nơi, trên khắp các mặt trận. Bác rất tự hào về những tấm gương phụ nữ anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi khi chị em lập chiến công hoặc đạt thành tích xuất sắc, Bác động viên, biểu dương và khen ngợi kịp thời. Chị Mạc Thị Bưởi hy sinh anh dũng, Bác viết bài thơ:

Vì lòng yêu nước nồng nàn

Nêu gương oanh liệt muôn ngàn đời sau.

Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân Mậu Thân 1968, được tin các nữ dân quân thành phố Huế lập chiến công, Bác xúc động có thơ Khen 11 cháu dân quân gái thành phố Huế:

Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường

Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường

Bác khen các cháu dân quân gái

Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.

Bác thực sự coi phụ nữ là lực lượng cách mạng trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Bác tôn trọng phụ nữ, đề cao vai trò phụ nữ và chăm lo cho sự phát triển của phụ nữ. Bác coi việc giải phóng phụ nữ là mục tiêu của cách mạng và sự nghiệp giải phóng phụ nữ bao giờ cũng gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, gắn liền với độc lập, tự do của Tổ quốc. Tương lai phát triển của phụ nữ đi cùng với bước tiến của đất nước.

Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến, khẩu hiệu vừa chiến đấu vừa sản xuất mà Bác và Đảng đề ra được quán triệt và trở thành hành động cụ thể, là việc làm hằng ngày. Bác nêu điển hình trong Thư Bác Hồ gửi Mẹ Nguyễn Thị Đào, một bà mẹ vì nước vì dân đã hiến dâng cả 6 người con cho Tổ quốc. Lời thơ là lời người mẹ mà cũng là lời non nước, tình nhà nghĩa nước quyện chặt, tiền tuyến hậu phương là một, hiện tại và tương lai kết nối, phơi phới tin yêu:

Con đi đi, đi đi con

Đánh Tây để giữ nước non Lạc Hồng

Bao giờ kháng chiến thành công

Con về giúp mẹ vun trồng lúa khoai.

Biết bao tấm gương những mẹ, những chị, những em, những cháu gái đã góp phần làm nên truyền thống anh hùng, làm nên chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, làm nên những kỳ tích trong xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bác luôn luôn nhắc nhở mọi người câu nói của Karl Marx: Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ như thế nào. Bác đã tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Hơn ai hết, Bác vững tin ở phụ nữ: Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai./.

Lê Xuân Đức
Theo Báo Quảng Nam
Minh Thu (st)

Bài viết khác: