Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ cách mạng đã được nghệ thuật tạo hình ghi lại ấn tượng trong suốt 70 năm qua. Nhiều tác phẩm thành công, nhiều cuộc đời dâng hiến của những nghệ sĩ tạo hình đã để lại cho muôn đời sau "gương mặt dân tộc" trong thời đại Hồ Chí Minh đoàn kết vùng lên, đập tan xiềng xích nô lệ, "rũ bùn đứng dậy sáng lòa".
Từ tháp ngà nghệ thuật…
Đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chúng tôi được nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến giới thiệu về lịch sử mỹ thuật Việt Nam -“dòng chảy thẩm mỹ”. Quả tình, khi biết thêm về lịch sử, người xem cảm nhận được nhiều hơn giá trị trong mỗi tác phẩm nghệ thuật. Bà Yến cho biết: “Các tác phẩm đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (LLVT&CTCM) chỉ chiếm khoảng 7% trong toàn bộ các tác phẩm mỹ thuật được lưu trữ trong Bảo tàng Mỹ thuật, nhưng đây là những bộ sưu tập vô giá, với những tác phẩm rất thành công về mặt nghệ thuật”.
Họa sĩ Phan Kế An vẽ Bác Hồ tại chiến khu. Ảnh tư liệu.
Một tác phẩm nghệ thuật “đứng” được với thời gian bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Những yếu tố cơ bản như đường nét, bố cục, màu sắc, hay yếu tố từ dấu ấn cá nhân nghệ sĩ sáng tạo đó là phong cách. Các tác phẩm mỹ thuật về đề tài LLVT&CTCM còn có giá trị tư liệu rất đặc biệt đối với lịch sử mỹ thuật nước nhà. Ta có thể chia lịch sử mỹ thuật cận đại Việt Nam bằng những quãng thời gian nhỏ như sau: Thời kỳ Trường Mỹ thuật Đông Dương: Tiếp thu nghệ thuật tạo hình của người Pháp; thời kỳ kháng chiến chống Pháp: Các nghệ sĩ tạo hình đã từ bỏ “tháp ngà nghệ thuật” để lăn lộn vào hiện thực cuộc sống; thời kỳ hòa bình (1954-1964): Giai đoạn phát triển cao nhất của tranh sơn mài, khẳng định giá trị mỹ thuật Việt Nam; thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: Các nghệ sĩ tạo hình thế hệ thứ hai, thứ ba ra đời phục vụ công cuộc kháng chiến; thời kỳ hậu chiến: Các thế hệ thứ tư và thứ năm tiếp thu tinh hoa từ cha, anh, có tầm nhìn quốc tế. Những tác phẩm mỹ thuật lớn tạo ra dòng chủ lưu của “dòng chảy nghệ thuật”. Và có một sự thật là, phần lớn tác phẩm mỹ thuật “lớn” đều có chủ đề về LLVT&CTCM.
Họa sĩ Phan Kế An là một điển hình của lớp họa sĩ rời bỏ “tháp ngà nghệ thuật” đi theo kháng chiến. Ông sinh năm 1928, là con quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại (sau là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ). Ngay từ những ngày còn học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Phan Kế An đã tham gia các hoạt động ủng hộ Việt Minh. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, ông đã theo cách mạng lên ATK làm họa sĩ cho Báo Sự thật. Những tác phẩm mỹ thuật đẹp nhất của họa sĩ Phan Kế An đều được sáng tác tại Tây Bắc. Trong đó, bức tranh nổi tiếng "Nhớ một chiều Tây Bắc" đã được họa bằng một bài hát cùng tên, trong đó có những câu: "Chiều Tây Bắc trong veo ngà ngọc/ Trời như cầm được ở lòng tay/ Người lính già trầm tư nỗi nhớ/ Anh thả chiều vào tranh…". Họa sĩ Phan Kế An kể, có một tâm thế chung của thanh niên thời đại là rời bỏ “tháp ngà”, khoác lên mình tấm áo lấm bụi trường chinh, họa sĩ cũng không ngoài hoàn cảnh đó.
… tới mặt trận
Có thể kể tới khối lượng tác phẩm được các nghệ sĩ đi theo cách mạng từ những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Các tác phẩm này mang hơi thở cuộc sống, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc và được sáng tác trong những ngày tháng kháng chiến gian khổ. Qua từng tác phẩm, chúng ta hiểu thêm phần nào về cuộc ra đi theo kháng chiến của các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.
Cần phải nói thêm rằng, đặc điểm của lớp nghệ sĩ tạo hình thế hệ đầu thường xuất thân từ gia đình tầng lớp thượng lưu trong xã hội, có học vấn cao. Trước Cách mạng Tháng Tám, đề tài chủ yếu của họ là về phong cảnh, tĩnh vật, thiếu nữ, hội hè… Vào kháng chiến, đề tài của họ là hiện thực cuộc sống, chắt lọc từ cuộc đấu tranh gian khổ của toàn dân tộc. Các nghệ sĩ của chúng ta đã sáng tác một cách say mê, háo hức, đem hết tài năng, sức lực của mình ra phục vụ kháng chiến. Từ năm 1946 đến năm 1951, đã có ba cuộc triển lãm mỹ thuật lớn được ghi nhận, bên cạnh đó còn rất nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, trao đổi về phương hướng sáng tác. Ngày 10-12-1951, nhân cuộc triển lãm mỹ thuật được tổ chức tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Bác Hồ đã viết thư gửi các nghệ sĩ, bức thư có câu nổi tiếng: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Nhớ lại những ngày đầu “ra trận”, lão họa sĩ Phan Kế An kể: “Lúc đó trong tình cảm của văn nghệ sĩ nói chung và họa sĩ nói riêng đang có một cuộc “thoát thai” từ cuộc sống nô lệ. Nói chung, đó là một cuộc thay đổi mãnh liệt trong tình cảm, lý trí, khiến cho các họa sĩ sôi sục lên, họ vứt bỏ tất cả để đi theo kháng chiến, đi theo cách mạng”.
"Kéo pháo". Tranh sơn mài của Dương Hướng Minh.
Những nghệ sĩ tạo hình đã tỏa đi khắp các ngả phục vụ kháng chiến. Phía Việt Bắc có các danh họa: Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tiến Chung, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm… Phía Liên khu 4 có Nguyễn Sĩ Ngọc, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Văn Tỵ… Tại Liên khu 5 và Nam Bộ có Nguyễn Đỗ Cung, Diệp Minh Châu, Nguyễn Hiêm… Các sáng tác của họ tập trung vào hình ảnh người chiến sĩ, dân quân, nông dân; với các chất liệu và phương pháp in li-tô, in đá, khắc gỗ, ký họa, bột màu, màu nước, bút sắt cùng những phương thức sáng tạo sắc bén nhất để ghi nhận lại tâm thế thời cuộc.
Câu chuyện về những người nghệ sĩ ra đi phục vụ kháng chiến chống Pháp sau này còn được nhắc lại với lớp họa sĩ thứ hai và thứ ba “xếp bút nghiên lên đường ra trận”, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Họ là sinh viên từ các trường mỹ thuật hoặc là bộ đội có tài năng, năng khiếu hội họa, điêu khắc rồi tự rèn luyện trở thành nghệ sĩ. Có thể kể đến những: Dương Viên, Phạm Ngọc Liệu, Tạ Quang Bạo, Lương Xuân Đoàn, Trịnh Dân, Minh Đỉnh, Nguyễn Đức Dụ, Bằng Lâm, Lê Duy Ứng, Lê Trí Dũng…, những người đã để lại các tác phẩm mỹ thuật thành công không kém gì thế hệ tiền bối, với những tác phẩm nổi tiếng như: Vượt trọng điểm (sơn mài-Lê Trí Dũng), Bác Hồ và thiếu nhi ba miền (tượng tròn - Lê Duy Ứng), Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh (Tượng đài - Tạ Quang Bạo).
Có thể thấy, trách nhiệm của nghệ sĩ với Tổ quốc đã trở thành truyền thống: Đất nước lâm nguy là lên đường ra trận! Đã xuất hiện nhiều gia đình họa sĩ mang truyền thống tốt đẹp ấy, đó là Lê Quốc Lộc - Lê Trí Dũng, Tô Ngọc Vân - Tô Ngọc Thanh… Trong cuộc ra đi lần đầu theo tiếng gọi non sông, đã có nhiều danh họa, trong đó có tới 8 “vì sao sáng” của nền mỹ thuật Việt Nam đương thời, đó là: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Phan Chánh, Diệp Minh Châu. Cả 8 họa sĩ sau đó đều được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996. Riêng họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân còn được đặt tên cho một con đường đẹp ven hồ Tây (Hà Nội). Sau này, tiếp bước thế hệ cha anh, nhiều họa sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân và hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc./.
Bài và ảnh: Lê Đông Hà/ Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)
Bài 2: Sáng tác bên chiến hào