Toàn dân ta, nhất là ai từng vinh dự được gần Người luôn ngưỡng mộ, tôn kính tấm gương mẫu mực suốt đời vì dân, vì nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình cảm sâu nặng với vị lãnh tụ vĩ đại là động lực to lớn để mỗi người vượt khó, vươn lên. Ký ức đẹp đẽ khắc sâu trong tâm khảm cùng những lời dạy thấm thía của Người lại ùa về trong tháng ngày kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác và Thủ đô tưng bừng đón chào 60 năm Ngày giải phóng.
Những năm tháng bên Người
Đã 45 năm trôi qua nhưng nữ y tá Bệnh viện Quân y 108 Nguyễn Thị Thu Thanh vẫn giữ bức tâm thư như báu vật mà bà trút hết tâm can hai tuần sau khi Bác Hồ mất. Nét mực dẫu mờ phai nhưng lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời thầm hứa luôn nằm lòng. Đó cũng là kim chỉ nam soi lối để bà luôn sống tốt và cống hiến hết mình bằng cái tâm “lương y như từ mẫu”.
Bà Thanh nhớ lại những năm tháng ấy, khi mình may mắn được chọn trong đội ngũ phục vụ Bác. Vinh dự nhưng cũng đầy âu lo khi Người đang lâm trọng bệnh. Bác mệt, khó thở, ho nhiều, y tá Thanh và đồng nghiệp bón từng thìa cháo, xoa bóp chân tay... ngày đêm túc trực tận tình chăm sóc, tâm nguyện mong Người sớm bình phục. Bà kể, dù ốm nặng nhưng Bác vẫn gắng tự ăn cháo hoa trộn đường, hạn chế phục vụ đến mức thấp nhất. Mỗi ngày thấy Bác yếu đi, ai nấy buồn vô hạn, khóe mắt rưng rưng. Mệt nặng mà Người vẫn trăn trở việc nước, hỏi mực nước các triền sông, diễn biến các trận đánh... Mỗi tin thắng trận từ chiến trường miền Nam như tiếp sức cho Người chống chọi bệnh tật.
“Còn gì xót xa hơn khi Bác vĩnh viễn ra đi” - giọng bà Thanh nghẹn lại. Thời khắc vĩnh biệt Người vẫn vẹn nguyên trong tâm trí. Lúc ấy, bà đã òa khóc, trống trải, chơi vơi khôn tả. Và tâm thư nói hộ nỗi lòng: “Bác Hồ của cháu không bao giờ mất! Nghĩ đến lúc Bác còn sống, những ngày phục vụ Bác; thấy mọi người khóc Bác, nghe đồng bào, đồng chí nói về Bác, bầu bạn gần xa tới viếng Bác... những cảm xúc cứ dồn dập đến với cháu rất khó tả, tiếc thương, đau đớn như mất mát một thứ gì cao quý có một không hai, như thấy trách nhiệm của mình nặng hơn gấp bội. Với kẻ thù cháu thấy trào lên căm giận cao nhất, với đồng chí, đồng bào thì thương yêu gắn bó hơn. Với thắng lợi của cách mạng thì thấy vô cùng chắc chắn”.
Với người nhiều năm lái xe phục vụ Bác như ông Nguyễn Văn Mùi, càng gần Người, học thêm được nhiều điều bổ ích và trưởng thành hơn. Được giao nhiệm vụ đặc biệt, ông vừa mừng, vừa lo, nhất là khi cấp trên quán triệt: Phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, chỉ cần “sai một li” có khi “đi một dặm”. Ghi khắc lời Người căn dặn “Chú đi cẩn thận. An toàn là tốt, nhanh đôi khi hóa chậm”, ông Mùi tự răn bằng phương châm “đúng giờ, không va quệt và giữ bí mật tuyệt đối”. Ông thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, “thuộc làu” tính năng các bộ phận. Những lời Bác căn dặn ông Mùi còn nhớ mãi. Trong chuyến đi Hải Phòng, Bác kể câu chuyện báo Pháp đăng tin người lái xe đang chở cô giáo và các em học sinh thì bỗng nhiên ngất xỉu, cô giáo liền nhanh trí kéo phanh nên xe kịp dừng lại, tránh lao xuống hồ. Rồi Bác dặn các đồng chí phục vụ nên học lái xe để đề phòng bất trắc.
Ông Mùi còn luôn ghi nhớ những lời căn dặn của Bác về sự tiết kiệm tránh lãng phí. Chiếc xe ô-tô Pobeda Bác sử dụng từ năm 1954, khi Liên Xô viện trợ xe Volga, các đồng chí lãnh đạo ngỏ ý thay, Bác kiên quyết từ chối “mình không đi nhiều, xe còn chạy tốt, hỏng đâu chữa đấy”. Nhiều chuyến công tác xa, nghỉ trưa dọc đường, Bác cùng mọi người ăn cơm nắm, tránh làm phiền địa phương. Chứng kiến những lần Người thân mật gặp gỡ bà con, chiến sĩ, ông Mùi rút ra bài học quý cho chính mình từ cách đối nhân xử thế tràn đầy tình thương, gần gũi, giản dị đến vĩ đại của Bác.
Được gần lãnh tụ kính yêu hằng ngày là hạnh phúc vô bờ, thế nên ước nguyện “dành cả cuộc đời phục vụ Bác, trong mọi hoàn cảnh luôn nỗ lực học hỏi, vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ” luôn thôi thúc ông Mùi thực hiện chu toàn trọng trách nặng nề mà vinh quang ấy. Những lời Bác dạy thấm sâu vào nếp nghĩ, nếp làm của ông, tự nhiên như lẽ thường cuộc sống. Có lần chở Bác ra sân bay Gia Lâm gặp thời tiết xấu, máy bay không thể cất cánh, ông Mùi nhận lệnh khẩn đưa Người ngược lên Lạng Sơn. Qua cửa khẩu, khi Bác bắt kịp chuyến tàu đi Nam Ninh (Trung Quốc) cũng là lúc ông chực ngất xỉu vì đói. Dẫu thế ông vẫn cảm thấy vui vì vừa hoàn thành trọng trách.
Là lãnh tụ nhưng Bác luôn cởi mở, chan hòa và rất hiểu tâm lý mọi người. Bên Người, anh em phục vụ đều thấy thoải mái, gần gũi. Với ông Mùi, Bác như người cha kính yêu. Sự quan tâm, ân cần sẻ chia, động viên thường nhật của Người khiến ông cảm động. Ông Mùi khoe, ngày ông lấy vợ, Bác mừng cưới 20 đồng và thỉnh thoảng Bác lại hỏi thăm gia cảnh. Món quà thiêng liêng ấy chính là nguồn động viên vô giá của gia đình ông.
Đọc tâm thư, bà Thanh nhớ lại những tháng ngày bên Bác.
Suốt đời noi gương Bác
Tám năm lái xe phục vụ Người nhưng không để xảy ra bất cứ sơ suất nhỏ nào là điều ông Mùi tự hào nhất. Mãi sau này, ông mới biết, để được “chấm” lái xe cho Bác, thủ trưởng đã lặng lẽ quan sát thái độ làm việc tận tụy, chu đáo và đánh giá cao trình độ tay lái, đạo đức trong sáng của ông. Cũng vì thế, ông Mùi tiếp tục được chọn lái xe phục vụ Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng. Cầm vô lăng từ khi lên Chiến khu Việt Bắc theo cách mạng cho đến lúc về hưu, chưa bao giờ ông Mùi chủ quan. Ông chia sẻ “tình huống trên đường muôn hình vạn trạng, mình phải luôn tập trung cao độ quan sát, xử lý bởi chỉ cần một phút giây lơ đãng có thể gây họa khôn lường”.
Sống khiêm nhường, mẫu mực, tinh thần trách nhiệm cao nên dù về hưu ông Mùi vẫn chưa được “nghỉ”, giữ chức Tổ trưởng dân phố 20 năm liền, rồi Trưởng ban Câu lạc bộ Nhà văn hóa khu A gần bốn năm nay. Đích thân ông Mùi gõ cửa khắp nơi xin mặt bằng, xin kinh phí, quyên góp xây nhà văn hóa cho bà con có nơi sinh hoạt, hội họp. Và cũng chính từ tác phong thân thiện, biết lắng nghe, sẻ chia mà ông hóa giải thành công nhiều mối bất hòa, bà con dân phố thêm gắn bó, đoàn kết.
“Bên Bác, lòng con trong sáng hơn”, cũng như ông Mùi, cả đời bà Thanh nỗ lực phấn đấu trở thành cán bộ “cần, kiệm, liêm, chính”, ra sức cống hiến dựng xây đất nước như Người căn dặn trong Di chúc thiêng liêng. Đồng nghiệp vẫn gọi vui cô y tá yêu nghề, chuyên cần, nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua là “vai đeo chính sách, đầu đội chủ trương”. Ham học hỏi, lại nhanh nhẹn, thông minh, chỉ sau hai năm công tác, bà Thanh được tín nhiệm bầu làm y tá trưởng, Bí thư chi đoàn khoa. Ca nào khó, y tá Thanh có mặt, tiêm, truyền, hồi sức cấp cứu... làm việc gì cũng nhanh, cũng chuẩn xác. Bà bộc bạch, làm nghề y phải cẩn thận, không sợ bẩn, ngại khổ và coi người bệnh như người ruột thịt. Họ phó thác tính mạng cho mình, mình phải gắng làm thật tốt. Nhiều thương binh xa nhà, y tá Thanh còn thay thế người thân họ tận tâm săn sóc từ vệ sinh cá nhân, cho ăn uống, nâng giấc... Thực hiện lời hứa năm xưa “Xin nguyện cùng Bác, cháu nhất định trở thành lớp thanh niên “thừa kế xây dựng CNXH vừa hồng vừa chuyên”, người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” giờ thấy lòng thanh thản.
Ông Mùi được Chủ tịch Nước tặng Bằng khen
“Đã tận tụy hoàn thành nhiệm vụ phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống”.
Theo TUẤN ANH
Huyền Trang (st)