“Trung tá QNCN Trương Văn Hảo không tham của rơi” - tiêu đề của bài báo đăng trên mục “Người tốt - Việc tốt”, Báo Quân đội nhân dân khiến tôi chú ý. Khi đến đơn vị anh, được nghe đồng đội kể về tấm gương khiêm nhường, giản dị, luôn nỗ lực và cố gắng không ngừng trong cuộc sống cũng như trong thực hiện nhiệm vụ của anh, tôi càng thêm cảm phục.

Hành động đẹp

Nhặt được của rơi, trả lại người mất là hành động đẹp, luôn được xã hội khuyến khích, khen ngợi. Nhưng với Trung tá Trương Văn Hảo thì điều đó đơn giản là trách nhiệm mà mỗi công dân, quân nhân phải làm khi gặp tình huống đó. Trong sổ tu dưỡng đảng viên của mình, anh nắn nót ghi một lời dạy của Bác Hồ: “Đối với mình: Phải siêng nǎng, không được lười biếng, ai lười biếng không làm được việc. Phải tiết kiệm, không xa xỉ, vì xa xỉ hoá ra tham lam, nhất là đối với tiền bạc của đoàn thể phải rất phân minh”.

Phải chăng, chính vì ghi nhớ, luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ mà từ nhận thức đến hành động của Trung tá Trương Văn Hảo luôn nhất quán.

Tôi khá bất ngờ khi biết, sự việc anh nhặt của rơi, trả lại người mất được đăng trên báo, được đồng đội và thủ trưởng đơn vị khen ngợi đều không do anh nói ra.

Qua các đồng chí cán bộ Cục Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Quốc phòng) - nơi anh Hảo công tác, tôi mới tỏ tường sự việc. Hôm đó, vào một ngày giữa tháng 12-2013, sau một ngày làm việc miệt mài, Trung tá QNCN Trương Văn Hảo, Trợ lý Phòng Tổng hợp giám sát đánh giá đầu tư, Cục Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Quốc phòng) rời cơ quan trở về nhà. Khi đang đi trên đường Lý Nam Đế, anh Hảo tình cờ nhặt được một chiếc ví. Kiểm tra sơ bộ, anh phát hiện trong ví có hơn 16 triệu đồng, cùng nhiều giấy tờ quan trọng khác mang tên Ngô Thị Thủy, công tác tại Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (65 Lạc Trung, Hà Nội).

Ngay lập tức, anh Hảo liên hệ với lực lượng cảnh vệ của Lữ đoàn 144 đang làm nhiệm vụ để tiến hành lập biên bản giải quyết sự việc. Chiếc ví được bàn giao cho các đồng chí cảnh vệ, anh Hảo yên tâm ra về. Một ngày sau đó, bằng phương pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng của Lữ đoàn 144 đã liên hệ được với chị Ngô Thị Thủy, tiến hành xác minh và tổ chức bàn giao toàn bộ tài sản, giấy tờ cho chị Thủy.

Tại buổi nhận lại tài sản bị mất, chị Thủy xin phép được gặp trực tiếp anh Hảo để nói lời cảm ơn chân thành. Anh Hảo đã khiến chị và gia đình thêm phần cảm phục khi cho biết: Nếu là một quân nhân nào khác thì họ đều có hành động tương tự, đây là điều mà mỗi người lính phải làm khi được giáo dục, rèn luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội.

Trong thư gửi lãnh đạo, chỉ huy Cục Kế hoạch và Đầu tư, chị Ngô Thị Thủy viết: “… trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, khi mà không ít người đang cuốn vào vòng quay lo toan cuộc sống gia đình. Không ít người tính toán, bon chen thiệt hơn, luôn tìm mọi cách vun vén, lo toan cho cuộc sống của cá nhân. Thế nhưng, những người lính Bộ đội Cụ Hồ vẫn thầm lặng hy sinh cống hiến cho quê hương, cho đất nước. Các anh làm việc không chút tính toán thiệt hơn cho cá nhân mình mà tất cả đều “Vì nhân dân phục vụ”. Suy nghĩ và việc làm của Trung tá QNCN Trương Văn Hảo là minh chứng sinh động cho những phẩm chất cao đẹp ấy của Bộ đội Cụ Hồ…”.

lang-tham-lam-theo-bac
Trung tá Trương Văn Hảo (người ngồi) tận tụy trong giờ làm việc

Không chỉ có hành động đẹp nói trên, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Cục Kế hoạch và Đầu tư đều cho rằng: Hành động đó chỉ là một chi tiết khẳng định, Trung tá Trương Văn Hảo là một cán bộ, đảng viên tiêu biểu. Trong cuộc sống hằng ngày, anh luôn chứng tỏ mình là người trung thực, thẳng thắn, nhiệt huyết với nhiệm vụ, tận tình với đồng đội.

Thầm lặng phấn đấu

Trò chuyện với Đại tá Nguyễn Duy Sơn, Phó Trưởng phòng Tổng hợp giám sát, đánh giá đầu tư, nơi Trung tá Trương Văn Hảo công tác, chúng tôi mới hiểu rõ hoàn cảnh của anh.

Gia đình anh Hảo thuộc diện khó khăn. Con trai của anh chị là Trương Hoàng Long không may bị mắc bệnh câm điếc. Để chạy chữa cho con, anh chị phải vay mượn để phẫu thuật cho cháu với mức chi phí gần một tỷ đồng.

Anh là bộ đội, chị là giáo viên tiểu học dạy ở ngoại thành Hà Nội, mức sống của gia đình rất eo hẹp. Trong điều kiện chưa có nhà riêng, sống trong căn hộ tập thể tại Định Công nhưng anh luôn động viên chị ra sức tự học nâng cao trình độ. Sự cụ thể, tỉ mỉ cùng đức tính ham học hỏi, cầu tiến đã giúp anh liên tục đạt được thành tích cao trong công tác. Nhiều năm liền, anh đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở cùng nhiều bằng khen, giấy khen.

Chức năng, nhiệm vụ của Cục Kế hoạch và Đầu tư rất đặc thù. Đó là tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác kế hoạch và đầu tư, thương mại quân sự, dự trữ quốc gia và thống kê trong quân đội; huy động, cân đối các nguồn lực phục vụ nhu cầu bảo đảm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và nâng cao tiềm lực cho quân đội…

Nghe ngắn gọn như vậy nhưng trong thực tế, những người trợ lý làm công tác tham mưu tổng hợp ở Cục Kế hoạch và Đầu tư gặp phải không ít khó khăn, trở ngại. Công tác kế hoạch và đầu tư trong quân đội có phạm vi rất rộng, liên quan đến trên 30 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và hàng chục ngành, lĩnh vực đặc thù quốc phòng. Đòi hỏi của nghề tham mưu tổng hợp không những phải có trình độ về chuyên môn, chuyên ngành (kỹ thuật, kinh tế,…) mà còn đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực, về tổ chức lực lượng, khoa học nghệ thuật quân sự, chức năng nhiệm vụ các ngành,… trong khi chưa có nhà trường quân đội nào đào tạo chuyên ngành này. Thấu hiểu sâu sắc vấn đề này, Trung tá Trương Văn Hảo đã gác lại mọi khó khăn, thiếu thốn của gia đình, thi đỗ và hiện đang theo học Đại học Xây dựng.

Gặp Trương Văn Hảo, cùng chia sẻ với anh trong căn phòng nhỏ treo đầy bằng khen, giấy khen của cặp vợ chồng “thi đua vượt khó”, tôi hiểu đúng hơn nghĩa của từ hạnh phúc. Rõ ràng, hạnh phúc không thể đo đếm bằng cuộc sống vật chất no đủ, hạnh phúc là sự hài lòng, thích nghi, là sự tổng hòa các điều kiện sống với môi trường tự nhiên và xã hội để không ngừng vươn lên phía trước, vì một tương lai tốt đẹp hơn./.

Bài và ảnh: HÀO TRẦN

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: