Khác với giới văn chương và âm nhạc, người họa sĩ ít có điều kiện thực hiện một tác phẩm hoàn chỉnh nơi chiến trường. Nếu ví các bức ký họa như những nốt nhạc thì ta có nhiều nốt nhạc tuyệt đẹp. Trong hai cuộc kháng chiến, chúng ta có những bức ký họa giá trị đẹp về nghệ thuật, sâu về ý nghĩa. Mới thấy tâm hồn Việt, dù trong chiến tranh gian khổ, vẫn vút lên các giá trị chân - thiện - mỹ.
Ký họa chiến trường
Ký họa là cách các họa sĩ thu thập tài liệu để phục vụ cho những tác phẩm mỹ thuật lớn sau này. Người ta có thể bắt gặp nhiều ký họa trong các tác phẩm lớn. Họa sĩ nói chung đều không hài lòng với việc coi ký họa là một tác phẩm hội họa hoàn chỉnh. Nói như dân trong nghề là “chưa thành tranh”. Tuy nhiên, ký họa chiến trường lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người. Bởi đó chính là minh chứng hiển hiện, rõ nét, đậm dấu ấn lịch sử… Qua ký họa chiến trường, người xem không chỉ thấy được tâm trạng nhân vật, mà còn cả tâm trạng người cầm bút.
Ký họa "Nghỉ chân bên đường" của Phan Kế An.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông hiện có một gia tài vô giá về những bản ký họa chiến trường. Nhiều nhà sưu tập đoán rằng, gia tài của họa sĩ trị giá hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, họa sĩ Huỳnh Phương Đông chưa bao giờ có ý định bán những bức ký họa của mình. Ông nói: “Phải giữ nó cho con cháu”. Tôi hiểu rằng ông muốn giữ cho con cháu những bài học lịch sử, bằng chứng về một thời chiến tranh ác liệt qua các bức ký họa của mình.
Giáo sư mỹ thuật người Mỹ Đa-vít Thô-mát (David Thomas) - con nuôi của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, từng nhận xét rằng, tranh của Huỳnh Phương Đông có gam màu, hình khối sinh động... Cái quý của những bức ký họa này chính là góc nhìn của người trong cuộc, cái cảm nhận ban đầu về không khí, âm thanh, màu sắc tác động trong từng rung cảm, từng nét vẽ.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông kể, ông có nhiều tranh vẽ trực họa tại chiến trường Tây Ninh, Củ Chi. Những bức vẽ này phần lớn đều được vẽ ngay dưới chiến hào. Người xem cũng có thể nhận thấy điều đó qua những nét vẽ rất bay, rất thoáng, màu pha nhanh. Có những trận ta phải rút lui, họa sĩ vội vàng gói ghém các bức họa đó trong ống pháo sáng, vỏ đạn 105mm rồi chôn xuống đất, chỉ cầm theo mình hộp màu, cây bút và tấm bản đồ kho tranh.
Cách làm của họa sĩ Huỳnh Phương Đông cũng là cách làm chung của nhiều họa sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Các danh họa của chúng ta rất thích vẽ trực họa ngay tại chiến trường. Có nhiều tranh vẽ rất kỹ, tưởng như người nghệ sĩ tỉ mỉ xem, ngắm, vẽ một cách rất sảng khoái. Có thể ví dụ như các bức tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Du kích Bến Tre (1949) của Diệp Minh Châu, Dân công chuyển đá ngăn nước (1951) của Nguyễn Sĩ Ngọc, Đường Bạch Mai (1947) của Nguyễn Văn Tỵ, Nghỉ bên đường (1953) của Tô Ngọc Vân, Phá hoại ở Phong Phú (1947) của Văn Giáo… Họa sĩ Phan Kế An kể lại, vào thời chống Pháp, các họa sĩ phần nhiều là người sống ở thành thị, khi về nông thôn cũng có ít nhiều bỡ ngỡ, nhưng tất cả đều rất say sưa khám phá. Họa sĩ Tô Ngọc Vân được biết đến như một thành viên của Đại đội 3, không rõ đại đội này thuộc đơn vị nào, nhưng đã được họa sĩ ký họa rất nhiều. Xem lại những ký họa của ông, người ta thấy ông theo rất sát bước chân bộ đội, từ sinh hoạt, rèn luyện cho tới các trận công đồn, phục kích… Một phần di cảo ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân vừa được tìm lại gần đây đã được nhiều nhà sưu tầm mỹ thuật quốc tế mua lại với số tiền lớn. Có thể thấy, mặc dù những ký họa, phác thảo tại chiến trường của các họa sĩ chưa thành tác phẩm mỹ thuật hoàn chỉnh nhưng vẫn được giới sưu tầm nghệ thuật đánh giá rất cao.
Trở lại với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đây có thể là thời kỳ nở rộ nhất của các ký họa chiến trường, tranh cổ động. Các họa sĩ thời kỳ sau này ý thức hơn đến việc xây dựng tác phẩm hoàn chỉnh chứ không còn là việc ghi chép tài liệu nữa. Các triển lãm ký họa chiến trường của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Phạm Ngọc Liệu, Nguyễn Đức Dụ, Lê Duy Ứng, Nguyễn Hải Nghiêm… tổ chức trước đây luôn nhận được sự chào đón nồng nhiệt của công chúng nghệ thuật. Ký họa chiến trường đã trở thành những cuốn sử bằng tranh vô giá. Xem các tác phẩm này, chúng ta thấy được không chỉ những hình ảnh sống động qua góc nhìn thăng hoa của nghệ sĩ, mà còn cảm nhận được khí thế của một giai đoạn lịch sử.
Mỹ thuật phục vụ mặt trận
Bên cạnh ký họa chiến trường, chúng ta còn thấy tranh cổ động, một loại hình nghệ thuật có sức lan tỏa, tác động tới nhận thức cộng đồng sâu sắc. Thường thì tranh cổ động không được xếp chung hàng với tranh nghệ thuật, một phần vì tính “không độc bản” của loại tranh này. Tuy nhiên, tranh cổ động của Việt Nam lại rất được giới sưu tầm nghệ thuật quan tâm, tìm kiếm. Tôi hỏi nhiều người sưu tầm tranh cổ động và được biết rằng, phương pháp sáng tác của Việt Nam là độc đáo và đặc biệt. Nhiều bức tranh ra đời ngay tại chiến trường, được họa sĩ thực hiện bằng cách vẽ đi vẽ lại nhiều lần theo một mẫu, hoặc in trên đá, in li-tô, khắc gỗ-những phương pháp thể hiện rất riêng của mỹ thuật Việt Nam.
Ký họa "Bộ đội xây dựng cầu" của Trần Văn Cẩn.
Một trong ít họa sĩ hàng đầu về tranh cổ động của Việt Nam là họa sĩ Trường Sinh. Ông kể lại bức tranh đầu tiên của ông vẽ tại chiến trường là trên đỉnh đèo Pha Đin. Khi đó, ông đang phụ trách một khối dân công đi phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Bức tranh của ông đã được bày nhiều ngày trên đỉnh đèo hùng vĩ này. Có những chiến sĩ đi qua nói lại rằng, ngắm bức tranh ấy mà đôi chân leo đèo thêm nhẹ. Tình cảm của quân dân đối với nghệ thuật đã trở thành động lực để họa sĩ Trường Sinh cho ra đời hàng trăm tác phẩm tranh cổ động rất nổi tiếng sau này.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến kể lại một kỷ niệm mà bà từng được chứng kiến. Khoảng cuối năm 1969, những họa sĩ quân đội đã tập hợp một lớp chừng 40 học viên là bộ đội của nhiều quân chủng, binh chủng tại các mặt trận về Hà Nội để học điêu khắc, nặn tượng. Các chiến sĩ được yêu cầu làm tượng đất nung, hoặc đục tượng từ gỗ có kích thước 0,4mx0,4m. Lúc đó, hầu hết các chiến sĩ này ở mặt trận ra, phần lớn đã có “hoa tay” nhưng chưa có kỹ thuật bài bản. Tượng họ làm rất hồn nhiên, tả thực, có thể thấy rõ cuộc sống chiến trường gian khổ qua những tác phẩm. Họa sĩ Trần Văn Cẩn, khi đó là Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Việt Nam đã mua hết các tác phẩm này để động viên chiến sĩ. Lứa chiến sĩ được đào tạo trong thực tế mặt trận này, về sau đã có những tên tuổi thành danh như Trần Đốc, Xuân Thành, Nguyễn Hiền…
Như vậy, tranh ký họa là thể loại xung kích trên mặt trận, được các họa sĩ - chiến sĩ sử dụng để phục vụ kháng chiến. Ngược lại, các chiến sĩ có vốn sống, vốn trải nghiệm đầy ắp nơi chiến trường cũng có khả năng nâng tầm thành nghệ sĩ để quay trở lại phục vụ chiến trường. Đây là dấu ấn đặc biệt của mỹ thuật quân đội./.
Bài và ảnh: Lê Đông Hà/ Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)
Bài 3: Tượng đài của mỹ thuật thế kỷ hai mươi