Tháng Tám vừa rồi, từ Nha Trang ra Hà Nội, nhà báo - nhà quay phim Phạm Việt Tùng lễ mễ mang theo trong hành lý một chiếc máy chữ đời cũ khá to và nặng. Thì ra, đó là chiếc máy chữ mà nhà thơ - nhà báo Giang Nam vừa tặng ông và ông đã quyết định tặng lại kỷ vật quý này cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang trong giai đoạn xúc tiến thành lập: “Đây là chiếc máy chữ ông Giang Nam cho biết đã mua và sử dụng liên tục mấy chục năm liền từ ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến sau ngày miền Nam giải phóng 30.04.1975… Tôi nghĩ Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ cần những hiện vật có giá trị như thế này!”.
Không chỉ vậy, ông cũng hứa với các cán bộ Nhà Văn hóa của Hội Nhà báo Việt Nam rằng, tới đây, ông sẽ dốc sức hoàn thành cuốn phim Bác Hồ với báo chí - Báo chí với Bác Hồ theo đặt hàng của Nhà văn hóa, trên cơ sở những thước phim tư liệu ông đã trực tiếp quay được và tích lũy nhiều năm qua về chủ đề này.
Bác Hồ - nguồn cảm hứng bất tận cho những người làm phim
Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hình tượng kinh điển, nguồn cảm hứng bất tận cho những người làm phim. Tuy nhiên, làm phim tài liệu về một nhân vật lịch sử đã khó, mà người ấy lại là vị chủ tịch kính yêu của cả dân tộc thì lại càng khó khăn gấp bội. Đối với đạo diễn, nhà báo Phạm Việt Tùng, người đã từng theo Bác từ những ngày đầu dấn thân vào nghề, thì chính Bác là người thầy vĩ đại chỉ dạy tận tình cho bất cứ nhà báo nào được may mắn làm việc cùng Người.
Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng đạo diễn, nhà báo Phạm Việt Tùng vẫn tất bật với các dự án phim, đôi bàn chân miệt mài in dấu khắp mọi miền đất nước để tiếp tục cho ra đời những thước phim tài liệu thời sự chân thật và giàu cảm xúc. Lần giở lại “thước phim quý” qua những khung ảnh, đôi mắt người đạo diễn già rưng rưng và ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những lời căn dặn của Người lại ùa về trong tâm trí ông.
Ngược dòng thời gian, nhà báo Phạm Việt Tùng đưa chúng tôi về những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Ở độ tuổi 20, còn rất trẻ, lại có năng khiếu văn nghệ cộng với chút lãng tử của chàng trai Hà Nội gốc, ông nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của các nhà quay phim gạo cội của nền điện ảnh nước nhà như: Nguyễn Thế Đoàn, Hoàng Thái, Phan Nghiêm, Phạm Văn Khoa, Mai Lộc, Phan Trọng Quỳ, An Sơn, Tô Cương, Ngọc Quỳnh, Khánh Dư, Nguyễn Đăng Bẩy, Hồng Nghi... với xuất phát điểm làm “chân điếu đóm” trong đoàn quay phim. Cơ duyên ấy giúp nhà báo Phạm Việt Tùng may mắn gặp Bác Hồ từ rất sớm. Để rồi các thước phim đầy xúc động về Người như: Vài hình ảnh về Bác Hồ; Bác Hồ, người thầy người đồng nghiệp; Bác Hồ với điện ảnh, điện ảnh với Bác Hồ... với góc nhìn đầy tính sáng tạo, khám phá, ghi lại những thời khắc lịch sử gắn liền với Bác Hồ được ông nâng niu, trân trọng như những bảo vật vô giá trong suốt cuộc đời cầm máy của mình. Vì vậy những câu chuyện ông kể, có chuyện do ông trực tiếp chứng kiến và có chuyện nghe từ các đồng nghiệp kể lại trong chặng đường tái dựng chân dung Bác Hồ.
Trong trí nhớ của đạo diễn Phạm Việt Tùng những ngày đầu kháng chiến mọi thứ đều phải làm thủ công, cộng với những trận sốt rét hành hạ đến rụng hết cả tóc, vất vả, thiếu thốn trăm bề, ấy vậy mà ngọn lửa của tình yêu nghề luôn hừng hực và cháy sáng trong tim các nhà báo cách mạng. Ngày ấy điều kiện cho phóng viên tác nghiệp còn rất khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập nhưng cũng có lúc vui sướng, hạnh phúc. Đó là những lần được đi quay phim về Bác Hồ, được nghe Bác nói về nghề báo và đặc biệt là những lời dạy của Người về nguyên tắc, đạo đức cần có của một người làm báo chuyên nghiệp.
Phải luôn quý trọng tiếng mẹ đẻ
Ông kể, năm 1951 trước yêu cầu cần dựng một bộ phim có hình ảnh Bác, các đồng chí Phạm Văn Khoa và Mai Lộc mạnh dạn xin phép Bác cho quay bổ sung, Bác đồng ý. Cùng lúc đó đồng chí Trường Chinh vừa tới. Anh Mai Lộc người miền Nam kéo ngay cái thước dây để đo từ ống kính đến mũi Bác xem bao xa để lấy độ nét ống kính thật chính xác. Anh gọi: “Khoa ơi Khoa quinze yard”, (tiếng Pháp tức là 15 thước của người Anh). Anh Phạm Văn Khoa gạt thước ống kính không ngờ có tiếng đập mạnh và tiếng nói của Bác: “Không nói được tiếng Việt sao phải nói tiếng Tây? Tại sao cái đầu óc nô dịch thế!”.
Lúc này anh Mai Lộc rất hoang mang bởi mới từ Nam bộ lặn lội ra Việt Bắc mà bị mắng nên bật khóc rưng rức. Thấy anh khóc Bác lại nói: “Bác mắng oan lắm sao mà khóc!”. Thế rồi anh Mai Lộc vẫn tiếp tục quay cảnh Bác đọc báo và làm việc với Tổng Bí thư Trường Chinh. Khi quay phim xong, thấy anh Mai Lộc vẫn còn ấm ức, Bác bỗng nhiên nói một câu bằng tiếng Pháp: “Payer les artistes tout de suite” (Trả thù lao cho diễn viên đi). Thế là mấy Bác cháu lại cười vang. Bác cho mỗi người một điếu thuốc lá Trung Hoa. Lúc này, Bác mới căn dặn: “Nói các thứ tiếng ngoại quốc Bác biết nhiều hơn các chú. Nhưng phải luôn luôn quý trọng tiếng mẹ đẻ các cháu nhé!”.
Trong một dịp khác, cánh quay phim được lệnh làm bộ phim Việt Nam kháng chiến để gửi sang Trung Quốc nhờ họ làm giúp, bởi nền điện ảnh Việt Nam còn kém, chưa được trang bị các thiết bị hiện đại. Ta muốn quay cảnh Bác họp Hội đồng Chính phủ tại Chiêm Hóa nhưng ánh sáng trong ngôi nhà mái lá không đủ cho cảnh quay. Trong lúc cánh quay phim đang “bí”, loay hoay chưa biết làm thế nào cho đủ sáng thì Bác chỉ ngay lên mái nhà, bảo với nhà quay phim Khánh Dư lúc đó đang là phụ quay: “Chú trèo lên dỡ mấy tàu lá cọ xuống cho ánh sáng lọt vào là quay được”.
Bác Hồ với nhà báo nổi tiếng thế giới - Joris Iven - Năm 1965
(Ảnh do đạo diễn Phạm Việt Tùng cung cấp)
Các chú chuẩn bị máy, Bác bảo cho mà làm
Là vị Chủ tịch Nước, nhưng Bác quan tâm đến những việc rất nhỏ của cánh quay phim, quan tâm sát sao và rất cụ thể. “Bác luôn biết mình đang thuận lợi, khó khăn gì để giúp đỡ mình, thân tình và nhân ái” - nhà báo Việt Tùng tâm sự. Ông vẫn nhớ như in câu chuyện của Bác Hồ làm đạo diễn trong chuyến quay phim chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ II. Thấy các nhà quay phim đã có mặt đông đủ, Bác chủ động hỏi: “Các chú có mang nhiều phim không?”. Mọi người thành thật thưa với Bác: “Thưa Bác, chúng cháu chỉ có một hộp phim thôi ạ”. Bác liền bảo: “Thế các cháu chuẩn bị máy đi, Bác bố trí cho mà làm”. Thế là Bác bố trí cho cụ Tôn Đức Thắng nói về mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về công tác kháng chiến, bác Phạm Văn Đồng nói mặt trận ngoại giao... Đến đoạn không cần thiết Bác hô to “stop” để tiết kiệm phim cho các cảnh sau. “Ông Cụ rất am hiểu về nghề làm phim” - nhà quay phim Việt Tùng tự hào.
Luôn cảm thông và giúp đỡ anh em quay phim
Ông bồi hồi kể, khoảng năm 1957-1958, Bác Hồ đi sang Nga để dự Lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Nhà quay phim Nguyễn Khánh Dư được tháp tùng theo Bác để đưa tin. Bởi có thói quen đi rất nhanh, Bác thường bước từng sải dài, chỉ nhắm nhanh đến đích, để thực hiện công việc của mình. Khi đến Điện Kremli, Bác đã bước vào gần đến sảnh mà Nguyễn Khánh Dư vẫn loay hoay chưa bắt kịp hình ảnh của Bác nên đang chưa biết xoay xở thế nào. Thấy thế, Bác liền quay trở lại xe và hỏi nhỏ nhà quay phim Nguyễn Khánh Dư: “Này, không quay được hả?”. Lúc đó, ông Dư mới mạnh dạn thưa: “Thưa Bác, Bác đi nhanh quá ạ. Phim nhựa mang theo người nặng lắm, mà Bác đi nhanh như thế, cháu không quay kịp ạ”. Bác lại bảo: “Bác đi lại cho mà quay nhé! Khi quay Bác xong rồi nhớ lia máy quay lên lá cờ Việt Nam với Liên Xô nhé cháu!”. Thế nên máy quay sau đó đã hướng vào Bác, quay được hình ảnh Bác từ trong ôtô mở cửa ra và “khoe” được hình ảnh lá cờ của ta tung bay trên bầu trời nước bạn. Bác cũng chủ động đi chậm hơn, tạo thuận lợi để đoàn làm phim thu được những thước phim lịch sử đó.
Bác Hồ luôn quan tâm đến những việc rất bé như vậy. Câu chuyện của nhà quay phim Tô Cương được nghệ sĩ Việt Tùng kể lại trong niềm xúc động. Đầu năm 1960, gia đình Luật sư Francis Henry Loseby, ân nhân của Bác trong vụ án Hồng Kông sang thăm Việt Nam. Bác Hồ đưa các vị khách quý đến thăm Nhà máy Công cụ số 1.
Trong lúc đang quay phim, đột nhiên máy quay bị hỏng. Bác nghe xoạch một tiếng, biết là máy quay không chạy được. Bác chủ động dừng lại, quay ra nói chuyện với các vị khách, tạo thời gian cho anh em sửa máy. “Bác lo cho mình như thế đấy. Nếu Bác đi thẳng, mình không chữa được máy, không quay được hình ảnh Bác, không hoàn thành được nhiệm vụ, chắc chắn sẽ bị kỷ luật…” - nhà báo Phạm Việt Tùng nói.
Bài học về tính liêm khiết
Trong một lần Bác đi công tác ở 11 nước xã hội chủ nghĩa, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mới bảo với đạo diễn An Sơn cùng đoàn: “Trong nước Bác đi dép cao su thì được còn đi quốc tế thì không được. Hôm nay anh đã mua một đôi giày với một đôi tất mới, tối chú đem vào phòng Bác rồi cất đôi dép của Bác đi và để đôi giày này vào để ngày mai Bác đi tiếp khách cho sang trọng”. Sáng mai, Bác dậy đi tìm dép khắp nơi mãi không thấy, biết ngay có người đã giấu nên đành đi tạm đôi giày. Nhưng vì giày mới chưa quen đi nên gót chân Bác bị chảy máu. Mọi người trong đoàn thấy thế rất thương Bác và hối hận lắm.
Mấy hôm sau, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thấy Bác đọc báo mà đẩy xa tờ báo mới đọc được. Với kinh nghiệm của nghề, ông biết mắt Bác bị tăng độ. Nhân sang Đức có loại kính tốt, bác sĩ bèn mua về, lại bảo nhà quay phim An Sơn đêm khuya vào đổi kính của Bác. Chẳng may anh An Sơn vô ý để Bác giật mình thức giấc. Bị phát hiện, An Sơn lúng túng: “Thưa Bác cháu muốn đổi kính để Bác đọc tốt hơn”. Bác nói: “Bác cháu mình đi công tác phục vụ cách mạng hay đi mua kính cho Bác? Cháu phải nhớ rằng Bác không đưa tiền nhờ cháu mua, và tiền chắc hẳn không phải của cháu, như vậy phải lấy tiền của dân. Thôi cất đi...”.
Vậy đấy.
Đằng sau khuôn hình, tại hậu trường những cảnh quay chân thực về Bác, còn biết bao những câu chuyện giản dị và cảm động đã theo Phạm Việt Tùng suốt chặng đường làm báo. Với tâm nguyện “làm gì cho xứng đáng”, ông đã trở thành một đạo diễn làm phim tài liệu nổi tiếng và là chủ nhân của Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012./.
Ngọc Thành
Thu Hiền (st)