Trong suốt 70 năm qua, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ được bồi đắp trở thành một biểu tượng của một giai đoạn lịch sử. Trong thi ca, đó là những con người có vẻ đẹp thuần hậu, trong sáng, giản dị mà anh dũng tuyệt vời; trong mỹ thuật đã để lại những tượng đài lẫm liệt, hùng tráng, đậm chất sử thi.

Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ

Tham quan phòng tranh giai đoạn 1954-1964 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhiều người đã đứng lặng trước tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng. Bức tranh như bản hùng ca. Nét mặt của 7 nhân vật chính, 7 chiến sĩ Điện Biên rất biểu cảm. Tranh của Nguyễn Sáng có đặc điểm là nhân vật trong tranh có dáng chắc như măng mọc, chân như gắn chặt vào đất. Gương mặt nhân vật như kể hết cá tính, hoàn cảnh xuất thân, suy nghĩ trong đầu… Bức tranh này từng một thời bị coi là “chưa nghiêm chỉnh” bởi 7 nhân vật mỗi anh một phách, chẳng nghiêm trang gì trong buổi lễ kết nạp. Sau này người ta được biết, người phê phán điều đó chưa từng qua mặt trận Điện Biên Phủ, không biết được cái không khí thiêng liêng của những thời khắc đó, khi con người đã bị bom, đạn chần cho tơi tả nhưng vẫn cố gắng trụ vững trong chiến hào. Câu chuyện kết nạp Đảng là sự ghi nhận những nỗ lực tột bậc của người chiến sĩ.

tuong-dai-my-thuat-1
" Tình quân dân"-(tranh sơn mài của Nguyễn Sĩ Ngọc).

Bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ được làm bằng chất liệu sơn mài. Chất liệu mà cho phép người nghệ sĩ suy tư, nghiền ngẫm, những nét vẽ đôi khi mất hàng giờ để mài, liếc. Nói vậy để thấy, tư duy trong tranh sơn mài không phải là thứ tư duy dễ dãi, bộc phát. Trong phòng tranh này còn có nhiều bức tranh sơn mài nổi tiếng khác, như: Từ trong bóng tối (Lê Quốc Lộc); Nhớ một chiều Tây Bắc (Phan Kế An); Chợ Mường Khương (Nguyễn Trọng Niết); Ra đồng (Trần Đình Thọ); Qua cầu khỉ (Nguyễn Hiêm); Nghỉ trưa (Nguyễn Sáng); Xuân hồ Gươm (Nguyễn Tư Nghiêm); Hòa bình hữu nghị (Nguyễn Khang)… Tất cả đều có chủ đề sáng tác khắc họa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và được thể hiện bằng một chất liệu sơn mài độc đáo riêng có ở Việt Nam đó là tranh. Nhiều tác phẩm đã được đưa đi triển lãm tại Liên Xô và Đông Âu vào các năm từ 1958 đến 1962 và đã khiến giới mỹ thuật quốc tế khâm phục.

Cần nói thêm một chút về chất liệu sơn mài. Vào thời kỳ những năm 50, 60 của thế kỷ trước, thế giới vẫn biết đến sơn mài là chất liệu của hàng thủ công mỹ nghệ. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp đưa “nghệ thuật giá vẽ” vào Việt Nam. Các họa sĩ Việt Nam tiếp thu và phát triển ra trường phái của riêng mình. Đó là cách thể hiện nét vẽ rất chậm, rất tỉ mỉ… ngược hẳn với sự cuồng nhiệt, vội vã của phong cách thể hiện tân thời. Chất liệu của tranh sơn mài mới lạ từ vỏ điệp, vỏ trứng, sơn, đất, vải… Tranh sơn mài có sự khúc xạ đa chiều. Đối với thế giới, các họa sĩ Việt Nam mở ra một chuyên ngành mới.

Có thể nói rằng, tranh sơn mài rất quý: Từ vật liệu (là vàng, bạc, son, vóc) rất đắt tiền, thời gian kéo dài, rất cần khéo léo kỳ công. Nhưng tất cả những thứ quý giá đó đều được các họa sĩ dành để khắc họa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Đó là một sự trân trọng tuyệt vời.

Mỹ thuật quân đội

Có thể thấy rằng, từ lâu các thế hệ lãnh đạo Tổng cục Chính trị đã có sự quan tâm lớn đến lực lượng sáng tác mỹ thuật của quân đội. Từ năm 1960, Phòng Văn nghệ Quân đội đã có những hình thức mở lớp truyền dạy mỹ thuật qua các lớp vẽ. Tiếp sau đó, các lớp vẽ được sự giúp đỡ của Trường Mỹ thuật Việt Nam tạo ra một lứa “họa sĩ đi B” như: Nguyễn Hiêm, Huỳnh Biếc, Bằng Lâm, Tạ Quang Bạo, Ninh Hải… khoảng 20 người.

Mỹ thuật ở thời điểm này đã cổ vũ chiến đấu rất tích cực. Nhiều lớp vẽ được mở giữa chiến trường, nhiều cuộc triển lãm tranh tượng ngay trên đường hành quân đã động viên khí thế của quân dân. Vào năm 1973, tại Sư đoàn 325 có phong trào “Bộ đội vẽ, vẽ bộ đội”, người phụ trách phong trào là họa sĩ Lê Duy Ứng, mở lớp dạy vẽ cho 40 chiến sĩ, trong 2 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8-1973). Số họa sĩ đào tạo trong chiến trường này về sau có nhiều người thành công trên con đường nghệ thuật.

Ngày 7-9-1974, Xưởng Mỹ thuật Quân đội được thành lập để chỉ đạo các hoạt động mỹ thuật trong quân đội. Xưởng có sự tham gia của nhiều họa sĩ hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như: Nguyễn Hiêm, Mai Văn Hiến, Sĩ Tốt, Văn Giáo, Nguyễn Bích, Phạm Thanh Tâm, Huy Toàn, Nguyễn Như Huân, Văn Đa, Quang Thọ… Từ thời gian thành lập cho đến trước khi sáp nhập vào Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Xưởng Mỹ thuật Quân đội đã xây dựng được nhiều tượng đài lớn, có giá trị nghệ thuật cao: Nghĩa trang Trường Sơn, Quế Sơn, Binh đoàn Tây Nguyên chiến thắng, Nguyễn Trãi, Chiến thắng sông Lô, Đại đoàn Đồng Bằng, Chiến thắng Cầu Giẽ…

tuong-dai-my-thuat-2
"Bắc Nam một nhà" - (tranh sơn mài của Nguyễn Văn Tỵ).

Từ năm 1991 đến nay, Tổng cục Chính trị thường xuyên phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác và triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài LLVT & CTCM. Sự phối hợp này đã tạo ra sân chơi lớn cho các nghệ sĩ, đó là triển lãm 5 năm một lần, là những đợt tham quan thực tế tại các đơn vị quân đội, là những trại sáng tác… Qua đó đã có nhiều tác phẩm mỹ thuật về đề tài LLVT & CTCM được đánh giá cao. Mấy năm gần đây, số lượng và chất lượng tác phẩm gửi về tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài LLVT & CTCM đều đạt những con số ấn tượng, có nhiều tác phẩm có giá trị. Ví dụ, triển lãm 2004, có gần 1000 tác phẩm gửi về tham dự; năm 2009, có 600 tác phẩm gửi về tham gia triển lãm. Các tác phẩm được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao có: Rừng đước (Thái Hà); Khúc ngoặt (Lê Anh Vân); Tây Nguyên sau ngày giải phóng (Đoàn Văn Nguyên); Hà Nội 1972 (Bùi Anh Hùng); Đầu nguồn (Trịnh Bá Quát); Bản Xô-nát Hà Nội 1972 (Phan Oánh); Tọa độ (Nguyễn Vinh)…

Năm nay, kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trùng với dịp triển lãm mỹ thuật toàn quốc 5 năm đề tài LLVT & CTCM. Ban tổ chức cho biết, hiện giờ đã có khoảng 600 tác phẩm gửi về đăng ký tham gia triển lãm. Họa sĩ Trịnh Bá Quát, thành viên ban tổ chức triển lãm cho biết: “Theo thống kê ban đầu của chúng tôi, các tác phẩm tham gia triển lãm lần này có nhiều cái khác biệt. Đó là chất lượng tác phẩm, chất liệu đa dạng, phong phú, kích thước lớn… đề tài về hình ảnh người chiến sĩ trên mặt trận hôm nay cũng được các nghệ sĩ khắc họa sinh động”. Được biết, đến tháng 11 tới đây, triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài LLVT & CTCM sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Có thể thấy, Xưởng Mỹ thuật Quân đội và sau này là bộ phận Mỹ thuật thuộc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã làm tốt vai trò cầu nối giữa nghệ sĩ tạo hình và mảng đề tài LLVT & CTCM. Trong tương lai, nếu bộ phận Mỹ thuật đảm đương được nhiệm vụ bồi dưỡng đào tạo chiến sĩ có năng khiếu trong toàn quân trở thành những nghệ sĩ tạo hình thì chúng tôi tin rằng, mỹ thuật quân đội sẽ có bước phát triển kế tục xứng đáng với cha anh.

Bảy mươi năm qua, mỹ thuật quân đội luôn đồng hành cùng mỹ thuật nước nhà. Các nghệ sĩ đã xây dựng được hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ qua nhiều tác phẩm đẹp, sáng tạo. Dấu ấn đó sẽ còn mãi cho muôn đời sau./.

Bài và ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: