Khi kể lại câu chuyện về Bác Hồ, cựu chiến binh Lê Đức Minh (TP. Hồ Chí Minh) đã vô cùng xúc động. Bác đã đi xa, nhưng màu xanh Bác để lại vẫn muôn đời còn đó..                          

mau xanh con mai   anh
Bác Hồ trồng cây tại xã Vật Lại, Ba Vì. Ảnh: Tư liệu

*Từ một cuộc gặp gỡ...

Tôi nhớ mãi mùa Hè năm 1957, Bác Hồ về thăm Sư đoàn 325, lúc ấy đang đóng quân ở Đồng Hới (Quảng Bình).

Chiếc xe con màu trắng đưa Bác đến. Hàng ngũ bộ đội nhốn nháo, ai cũng muốn nhoài người ra để được nhìn Bác rõ hơn. Tới gần bộ đội, Bác xuống xe, giơ mũ vẫy chào. Tiếng hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” muốn vỡ tung lồng ngực. Bác đáp lại hóm hỉnh: “Các cháu hô Hồ Chủ tịch muôn năm chứ Bác lại nói Hồ Chủ tịch muốn nằm vì Bác đi đường xa hơi mệt. Các cháu về đi, tối nay Bác cháu ta họp mặt”.

Chúng tôi giải tán về doanh trại, bồn chồn đứng ngồi không yên, chỉ chờ tiếng còi tập hợp để ra sân gặp Bác... Từ trong nhà, Bác ung dung đi ra, với bộ đồ nâu giản dị. Tay Bác xách chiếc chiếu đơn gấp lại ở giữa, một tay cầm chiếc quạt giấy, thong thả trải chiếc chiếu lên thềm rồi ngồi xuống.

Bác đứng lên, đưa tay ra hiệu cho bộ đội ngồi xuống. Một cán bộ tuyên huấn bước ra nói: “Mừng Bác đi xa mới về (hồi ấy Bác vừa đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa), hôm nay chúng ta liên hoan văn nghệ bằng những tiết mục cây nhà lá vườn, các đồng chí có đồng ý không?”. Tất cả chúng tôi, ai ai cũng muốn ngâm một bài thơ, hát một bài hát để nói lên niềm kính yêu vô hạn đối với Bác. Mở đầu là bài hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, tiếp đến là bài thơ Đêm nay Bác không ngủ...

Sau một tiết mục, Bác lại lấy kẹo ra thưởng. Cứ như thế, Bác cháu quây quần suốt hai tiếng đồng hồ. Giữa lãnh tụ và chiến sĩ không còn khoảng cách mà như hòa làm một, khác nào cha với con trong niềm thương yêu dạt dào tình cảm.

Thời gian trôi qua nhanh. Bác đứng dậy nhìn đoàn quân, dặn dò: “Các cháu ngâm thơ và hát rất hay, Bác còn muốn nghe mãi.... Nhưng trời đã khuya, mai các cháu còn phải học tập và công tác, Bác cũng phải làm việc. Trước khi ra về Bác đề nghị một việc: Để kỷ niệm ngày Bác cháu mình gặp mặt, mỗi người hứa trồng cho Bác hai cây phi lao. Các cháu có làm được không?”. “Được ạ! Được ạ! Hồ Chủ tịch muôn năm!”- Tất cả đồng thanh.

Theo lời Bác, kể từ ngày ấy khắp sư đoàn rộ lên một phong trào trồng cây phi lao phủ xanh bờ biển. Mỗi chúng tôi không chỉ trồng hai cây mà thi đua trồng thật nhiều. Có chiến sĩ trồng hàng ngàn cây dọc suốt bờ biển Quảng Bình...

*.....Mười tám năm sau

Năm 1975, ngày thống nhất đất nước, trên đường về Nam, ngang qua Quảng Bình, tôi chú ý quan sát vùng đất mà bộ đội, trong đó có tôi, trồng phi lao ngày trước. Không ngờ ngay trên tuyến lửa này, mặc cho bom cày đạn xới, suốt mười mấy năm chống Mỹ, những cây phi lao bé bỏng ngày xưa đã thành rừng dày đặc, xanh um, chạy dài tít tắp. Lòng tôi trào lên một niềm vui lâng lâng xen lẫn nỗi niềm bâng khuâng thương nhớ. Nhớ hình bóng thân thương của Bác ngày nào giữa đoàn quân trong đêm hè năm ấy.

Kể lại câu chuyện, tôi liên tưởng đến tổ chức UNESCO, đến cuộc vận động bảo vệ môi trường của Liên hiệp quốc...Và thực sự tự hào.“Ôi! Bác của chúng ta có tầm vóc vĩ đại biết bao!”. Bác luôn đi trước thời đại. Ngay trong những ngày kháng chiến gian khổ, đời sống còn khó khăn, chưa tiếp cận nhiều với công cụ sản xuất hiện đại, nhưng Bác đã thấy trước những tác hại của môi trường mà ngày nay chúng ta đang phải đối mặt. Bác gắn việc trồng cây với việc trồng người: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Và mỗi năm khi Tết đến xuân về, tất cả mọi người lại nhớ đến lời kêu gọi của Người :

“Mùa Xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”

Màu xanh Bác để lại vẫn muôn đời còn đó...

Theo Tuổi trẻ Online
Minh Thu(st)

Bài viết khác: