1. Nghị định số 84/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/11/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Có hiệu lực ngày 01/11/2014.  

Theo Nghị định thì các Cơ quan, tổ chức có hành vi lãng phí thì tùy vào quy mô, mức độ ảnh hưởng sẽ bị công khai thông tin theo một trong các hình thức sau:

- Công bố tại cuộc họp và niêm yết tại trụ sở;

- Đưa lên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của đơn vị;

- Thông báo trên các ấn phẩm báo chí hoặc các phương tiện thông tin đại chúng.

Nội dung công khai bao gồm tên, địa chỉ của đơn vị gây lãng phí; hành vi gây lãng phí; biện pháp đã xử lý với người có hành vi lãng phí.

Việc công khai thông tin này phải thực hiện chậm nhất là 3 ngày làm việc sau khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý.

2. Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009. Nghị định mới có hiệu lực từ 01/11/2014.

Theo Nghị định giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nghị định mới của Chính phủ đã tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp. Theo đó, thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn. Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc, trình tự quy định. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được nhà nước bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.

Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.

Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính).

Nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu, Nghị định bổ sung thêm 2 phương thức phân phối xăng dầu mới là: Phương thức mua đứt bán đoạn và nhượng quyền thương mại.

Nghị định đưa ra thêm đối tượng là thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối và đối tượng là thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoạt động theo pháp luật về nhượng quyền thương mại.

Nghị định nêu rõ, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về: Giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành; thời điểm sử dụng, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng quý, các biện pháp điều hành khác.

Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu; giám sát việc trích lập, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá của thương nhân đầu mối.

3. Thông tư số 24/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH ngày 05/9/2012 hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 11 năm 2014.

Thông tư đã bổ sung các tiêu chí cụ thể sau để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo:

- Hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng bằng hoặc thấp hơn chuẩn nghèo.

- Hộ mới thoát nghèo là hộ nghèo nhưng qua điều tra, rà soát hàng năm thì có thu nhập cao hơn chuẩn nghèo.

- Hộ tái nghèo hoặc hộ nghèo mới phát sinh là hộ do những yếu tố rủi ro dẫn đến mức thu nhập bình quân đầu người/tháng tại thời điểm điều tra, rà soát bằng hoặc thấp hơn chuẩn nghèo.

- Hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo là hộ nghèo có ít nhất một thành viên còn khả năng lao động.

- Hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là hộ nghèo không còn thành viên nào có khả năng lao động.

          4. Thông tư số 133/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày ngày 11 tháng 09 năm 2014 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2014. Thay thế Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.

Thông tư bổ sung thêm hai đối tượng không chịu phí sử dụng đường bộ sau:

- Xe kinh doanh vận tải thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên;

- Xe ô tô không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã như: nhà ga, cảng, khu khai thác khoáng sản, nông, lâm nghiệp và xe ô tô dùng để sát hạch của tổ chức dạy nghề đào tạo lái xe.

Thông tư 133 quy định rõ như sau sau: “Xe mô tô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về hộ nghèo. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quy định cụ thể chuẩn hộ nghèo áp dụng tại địa phương theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào chuẩn hộ nghèo do địa phương ban hành để xác định hộ nghèo”.

Thông tư cũng quy định rõ về mức thu phí đối với ô tô chịu phí gọp còn 8 loại (Theo Thông tư 197 là 11 loại);  mức phí đối với xe mô tô loại có dung tích xy lanh đến 100 cm3 tối đa 100 nghìn đồng/năm (quy định tại Thông tư 197 là từ 50 – 100 nghìn đồng/năm); loại có dung tích xy lanh trên 100 cm3 tối đa 150 nghìn đồng/năm (quy định tại Thông tư 197 là từ trên 100 – 150 nghìn đồng/năm).

Theo Thông tư thì trường hợp chủ phương tiện không nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư 186/2013/TT-BTC và các văn bản pháp luật liên quan. Như vậy, mức phạt sẽ từ 01 – 03 lần số tiền không nộp phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện.

5. Quyết định số 1018/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành ngày 10 tháng 10 năm 2014 sửa đổi một số nội dung tại các quyết định ban hành quy định quản lý thu, chi BHXH, BHYT.

Theo Quyết định này Hồ sơ tham gia BHXH của các đơn vị sẽ có nhiều thay đổi theo hướng giảm tải đối với hồ sơ, ví dụ:

- Bỏ mẫu D01-TS, D01b-TS tại các thủ tục có yêu cầu như báo giảm lao động, ngừng đóng, tạm ngừng đóng BHXH…

- Bỏ danh sách người lao động tham gia BHXH có yêu cầu như thủ tục tham gia lần đầu, báo tăng, báo giảm lao động…

- Thay “tờ khai tham gia BHXH, BHYT”, “tờ khai tham gia BHXH tự nguyện”, “tờ khai tham gia BHXH” bằng “tờ khai tham gia BHXH, BHYT” mới và “tờ khai thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT”.

- Định nghĩa cụ thể như thế nào là bản chụp và quy định cụ thể việc hồ sơ hưởng BHXH không yêu cầu bắt buộc phải nộp các chứng từ có công chứng.

Những thay đổi này được nêu cụ thể tại Quyết định số 1018/QĐ-BHXH; các đơn vị sử dụng lao động nên tham khảo thông tin của văn bản này để đảm bảo việc thực hiện thủ tục có liên quan./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: