Trước khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác” Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã để lại bản Di chúc dặn lại những người kế tục sự nghiệp của mình bao điều tâm huyết. “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” là một trong những lời dạy chí tình, chí nghĩa của Người, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị, là phương châm sống và hành động của chúng ta.
Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác kể lại: Năm 1966, bước sang tuổi 76, tình trạng sức khoẻ của Bác có giảm so với năm trước. Nhớ lời Bác dặn năm ngoái, trước 9 giờ ngày 10 tháng 5, đồng chí Vũ Kỳ đặt sẵn chiếc phong bì tài liệu “Tuyệt đối bí mật” trên bàn làm việc của Bác. Nhưng sáng nay không thấy Bác viết gì thêm(1). Ngày hôm sau, 11 tháng 5, Bác vẫn dành đúng một tiếng, từ 9 giờ đến 10 giờ, để tiếp tục suy nghĩ. Bác đọc rất chăm chú từng câu, từng chữ. Có lúc, Bác đã cầm bút lên, rồi lại đặt xuống. Nhưng Bác không viết gì thêm.
Từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 5, Bác họp Bộ Chính trị. Chính trong những ngày này, Bác đã viết thêm câu "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" sau đoạn đã viết "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng".(2)
Hẵn trong mỗi chúng ta, ai cũng nhớ rằng, trong bản Di chúc “trước hết nói về Đảng” Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”.(3) Chính vì vậy: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(4). Và để làm được điều đó, Người dạy “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình”,(5) với tinh thần “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” .
Trong cuộc sống, sinh hoạt Đảng, hàm nghĩa của phê bình và đoàn kết tưởng chừng như mâu thuẫn với nhau. Bởi “đoàn kết” là đồng lòng, đồng sức còn phê bình thì tuy là “nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm”(6) nhưng đều hướng tới mục đích để đồng chí, đồng nghiệp mình tiến bộ, quan hệ xã hội tốt đẹp và cùng hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, của Dân.
Nguyên lý của phê bình được Người chỉ rõ: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”. Cho nên “Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”(7). Bác cho rằng; “Biết mình có khuyết điểm, nhưng không chiụ cố gắng sửa đổi”,(8) thấy đồng chí có khuyết điểm nhưng “để mặc kệ”(9) là một việc làm đáng phê phán. Người dạy: “Tự phê bình và phê bình phải ráo riết, triệt để, không nể nang, không thêm, không bớt, không dùng những lời mĩa mai, cay độc, châm chọc, phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm, phê bình căn cứ vào việc làm chứ không suy diễn, quy kết”.(10)
Theo tinh thần đó, có thể nói phê bình và tự phê bình là một việc làm bình thường trong cuộc sống. Bởi không ai dám chắc rằng trong sinh hoạt, công tác mình sẽ không có thiếu sót cho nên phải tự phê bình và phê bình là tất yếu. Điều Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta là khi phê bình phải xuất phát từ tình thương yêu đồng chí. Cùng với tình thương, mỗi người khi phê bình hãy đặt hoàn cảnh đồng chí mình với mình để có sự thông cảm, chia sẻ, phân tích có tình, có lý. Đặc biệt, phê bình phải xuất phát từ động cơ trong sáng thì người “phê” và người được “phê” đều sẽ vui vẽ.
Hơn 80 năm, giữ quyền lãnh đạo xã hội, sở dĩ niềm tin của nhân dân với Đảng ngày càng cao; Đảng ta ngày càng lớn mạnh trước hết, Đảng ta luôn xác định trách nhiệm của mình: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”. Đứng trong hàng ngũ của Đảng, những người đảng viên luôn phấn đấu đi đầu, gương mẫu, chịu đựng hy sinh, gian khổ chịu trước, sung sướng hưởng sau,“mình vì mọi người”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Mặt khác, Đảng ta không tự thoả mãn, dấu diếm khuyết điểm. Nếu có khuyết điểm, Đảng công khai tự phê bình, nhận khuyết điểm trước dân, kịp thời sửa chữa và sửa chữa có kết quả. Mặt khác, “Đảng yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị công tác nào, cũng phải không ngừng tự rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng, khắc phục các thói quan liêu, cửa quyền, giữ gìn thanh danh, uy tín của Đảng”.
Điều đáng buồn, trong đời sống, sinh hoạt Đảng có tổ chức Đảng, cá nhân chưa làm được điều đó. Trước hết, các cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng chưa quán triệt nguyên tắc “tự phê bình và phê bình”, một trong những nguyên tắc quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Từ đó, chưa đưa công tác này thành chế độ, thành nền nếp. Còn đối với cán bộ, đảng viên, thì theo lối suy nghĩ “dễ người, dễ mình”, thấy đồng chí có khuyết điểm cũng không dám nói, hoặc không nói, để đề phòng lỡ khi mình gặp khó khăn, sai lầm sẽ được không bị làm khó. Tâm lý “dĩ hoà vi quý” vì thế có cơ hội để lây lan. Lâu dần, cái xấu tự nhiên thành nếp, vô hình trung đã tạo ra không khí nặng nề “bằng mặt, nhưng không bằng lòng”, trong cơ quan, đơn vị, chỉ chờ cơ hội để bùng nổ như ung nhọt lâu ngày. Đó là chưa kể, trong cuộc sống một số người còn lợi dụng phê bình “để công kích, để nói xấu, để chửi rủa”(11) để “đập cho tơi bời”(12). Động cơ của những người này “Khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”.(13) Thậm chí họ “coi những người có khuyết điểm và sai lầm... như đối với hổ mang, thuồng luồng”.(14) Hậu quả của nó là một số đồng chí từ khuyết điểm nhỏ nhưng do không được đồng chí, tổ chức góp ý để sửa chữa đã tích tụ thành khuyết điểm lớn. Còn tổ chức thì mất cán bộ, nội bộ dẫn đến mất đoàn kết.
Người ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng lời dạy “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” của Người thì vẫn còn sống mãi. Tuân theo di huấn của Người mỗi một cán bộ, đảng viên và mỗi người dân hãy sống với nhau có nghĩa có tình, đoàn kết, gắn bó cùng hướng đến mục đích “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như mong ước của Người lúc sinh thời./.
(1) Khi viết Di chúc lần đầu tiên Bác có dặn đồng chí Vũ Kỳ, là Thư ký của mình, đây là tài liệu tuyệt đối bí mật. (Vũ Kỳ - Bác Hồ viết Di chúc)
(2),(3),(4),(5) Trích Di chúc
(6),(7),(8),(9),(10),(11),(12),(13),(14) trích tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Nguyễn Trí Ánh
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Minh Thu (st)