Từ khi ra đi “tìm hình của nước” đến khi gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy thanh niên chính là lớp người thực hiện những thử thách lớn lao và sứ mệnh cao cả của cách mạng, của dân tộc. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của công tác vận động thanh niên của Đảng và xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên. Được sự quan tâm dìu dắt của Đảng, của Bác Hồ, Đoàn thanh niên đã từng bước trưởng thành, lớn mạnh qua các cuộc đấu tranh vô cùng oanh liệt, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khen ngợi: “Từ chỗ chỉ có một Lý Tự Trọng, đến nay chúng ta đã có 78 vạn đoàn viên Đoàn Thanh niên lao động hăng hái ra sức giúp Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Tiến bộ đó làm cho Bác rất vui sướng và trẻ lại. Nó làm cho lòng Bác phơi phới như hoa nở trong mùa xuân”(1).

Nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam, tháng 8 năm 1964, sau khi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ bắt đầu dùng máy bay, tàu chiến bắn phá miền Bắc. Giữa những ngày tháng lịch sử ấy, ngày 30-9-1964, Đại hội đại biểu Thanh niên Thủ đô đã diễn ra. Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Gặp gỡ và nói chuyện với thanh niên Bác đã bày tỏ niềm vui sướng và sự hài lòng của mình về thành tích của các cháu thiếu niên trong học tập, của thanh niên trong lao động sản xuất và xung phong đi tham gia phát triển kinh tế và văn hoá miền núi. Bác cũng khẳng định thanh niên Thủ đô đã có thành tích khá về các mặt tăng năng suất lao động, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật; thanh niên nông thôn làm thuỷ lợi và phân bón tốt; thanh niên trong các lực lượng vũ trang, trong các cơ quan, trường học đều cố gắng và đạt thành tích khá. Đặc biệt, Người nhấn mạnh: Trong số 21 vạn thanh niên Thủ đô đã có 12 vạn đăng ký sẵn sàng đi chiến đấu và lao động sản xuất theo yêu cầu của đất nước. Có thể nói, những lời động viên khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ, động lực cho đoàn viên thanh niên tích cực hơn nữa trong việc học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo không ngừng để góp phần tham gia đánh thắng kẻ thù, “nơi đâu cần thanh niên luôn có” và “khi Tổ quốc gọi tên thanh niên luôn sẵn sàng”.

Không chỉ người đồng chí, mà còn như người Cha kính yêu, Bác rất cẩn thận căn dặn thanh niên Thủ đô: “Đối với mọi công việc nên thiết thực, bền bỉ; Cần đẩy mạnh phong trào thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; Thanh niên phải ra sức học tập chính trị, văn hoá và khoa học - kỹ thuật; Hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1964 của Nhà nước; Nâng cao cảnh giác, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu”(4). Người cũng yêu cầu thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước; Trung ương Đoàn cần tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước, giác ngộ giai cấp và đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên”. Với thanh niên công nhân Bác bảo phải góp sức làm cho thật tốt cuộc vận động “Ba xây, ba chống”. Với thanh niên nông dân phải góp sức làm cho thật tốt cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp”.

Những lời chỉ bảo của Bác đến với từng đối tượng đoàn viên thanh niên có ý nghĩa sâu sắc và giá trị to lớn trong thời kỳ giữa lúc nhân dân ta khắc phục khó khăn, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động xã hội để tích luỹ vốn cho sự nghiệp công nghiệp hoá Xã hội chủ nghĩa, cải thiện từng bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, củng cố miền Bắc về mọi mặt, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.

Kết thúc buổi nói chuyện, Bác đã nhấn mạnh: Cần củng cố và phát triển tốt hơn nữa Đoàn Thanh niên Lao động… Mỗi đoàn viên thật sự phụ trách, gần gũi và giúp đỡ một bạn ngoài Đoàn cùng tiến bộ thì Đoàn sẽ phát triển vững chắc và nhanh chóng hơn nữa. Những lời dạy bảo quý báu của Bác Hồ tại Đại hội thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với thanh niên Thủ đô. Qua những lời chỉ bảo ân cần đó thanh niên Thủ đô càng thấy rõ được vai trò và trách nhiệm, sự ảnh hưởng của mình đối với sự phát triển của thanh niên cả nước, từ đó mà cố gắng, nỗ lực làm tròn nhiệm vụ của mình đối với tổ chức mình, với Đảng với niềm tin yêu Bác dành cho.

50 năm đã trôi qua, Thanh niên Thủ đô đã trải qua 14 kỳ Đại hội, các thế hệ thanh niên Thủ đô luôn khắc ghi những lời dạy của Bác, nối tiếp nhau viết nên truyền thống vẻ vang của mình. Thanh niên Thủ đô tự hào là nơi khởi xướng nhiều phong trào hành động cách mạng, đi đầu trong cuộc Cách mạng Tháng Tám giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, tuổi trẻ Hà Nội đã làm rạng danh bởi có những người con “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” (1945 - 1946); phong trào “Tình nguyện theo đội hình tiến lên, tình nguyện trong xây dựng, phát triển kinh tế (1955- 1965)”; Phong trào “Ba Sẵn sàng”; phong trào “Xây dựng tập thể học sinh, sinh viên XHCN”; phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể của những năm 1977 - 1978; phong trào “Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”, phong trào “Thanh niên tình nguyện” (1999), và gần đây nhất là phong trào “Tôi yêu Hà Nội”... Thanh niên Thủ đô luôn tâm niệm rằng: Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, tuổi trẻ Thủ đô cũng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, xứng đáng với lời Bác kính yêu đã dạy: “Đối với mọi công tác, thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước”(5).

Năm 2014, với chủ đề là “Năm Thanh niên tình nguyện” sẽ là động lực, nguồn cổ vũ to lớn đối với Đoàn và tuổi trẻ Việt Nam trong quá trình rèn luyện, cống hiến; là điều kiện và môi trường thuận lợi để tuổi trẻ Thủ đô thấy rõ trách nhiệm, vinh dự, tích cực chuẩn bị hành trang, ra sức phấn đấu cho Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Với chủ đề “Năm Thanh niên tình nguyện”, Đoàn Thành phố Hà Nội đã tổ chức thực hiện trọng điểm và có hiệu quả các hoạt động của tuổi trẻ vì vệ sinh môi trường với chương trình “Hà Nội xanh”; Hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ tham gia đảm bảo an toàn giao thông, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội “Hà Nội an toàn”; xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh niên Thủ đô “Hà Nội văn minh”; các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ vì cuộc sống cộng đồng; Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, chăm sóc, giúp đỡ nhân nhân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn “Hà Nội nghĩa tình”; và các sản phẩm của hoạt động tình nguyện thông qua công trình, phần việc thanh niên trên các lĩnh vực của xã hội “ Hà Nội trẻ”…

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, t4,t.32,33

2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1996, t5,t.364

4, 5.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t14,t.386

Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Huyền Trang (st)

Bài viết khác: