Bác Nguyễn Văn Phượng, Phó Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An thời kỳ 1957-1961 trú tại khối 17, phường Hưng Bình, thành phố Vinh có kể lại câu chuyện sau:

Dịp 02/9/1956, Khu ủy Khu 4 (lúc đó do đồng chí Đặng Thí làm bí thư) mời các cụ đảng viên 1930-1931 ở Nghệ An và Hà Tĩnh về thành phố Vinh dự Quốc khánh.

Năm ấy bão lớn. Nhà cửa đổ nhiều. Các cụ phải di chuyển nơi ở hết chỗ này sang chỗ khác. Trong hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Đường (tức Thạc), Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, được ủy nhiệm báo cáo về sai lầm cải cách ruộng đất và chủ trương sửa sai. Các cụ phát biểu rất hăng. Gặp mặt xong, tổ chức tặng quà, đưa các cụ về nhưng không ai chịu về. Các cụ nói: “Bây giờ địch họa, thiên tai không còn đường sống nữa. Chúng tôi chỉ mong được gặp mặt Bác Hồ ở quê hoặc được ra Hà Nội báo cáo tình hình với Bác”. Chữ “địch họa” ở đây với ý là tổn thất lớn do chính ta gây ra với ta trong cải cách ruộng đất. Nguyện vọng đó được báo cáo với Bác. Bác chấp thuận nhưng gợi ý Đoàn ra Hà Nội không quá mười người. Khu ủy Khu 4 đã mời các cụ Tam, Nhu, Hài của Hà Tĩnh, cụ Kế (Nghệ An) với các đồng chí Hoàng Văn Đường, Tỉnh ủy Nghệ An; Phan Văn Trưng, Bí thư Huyện ủy Thanh Chương; nữ đồng chí Liên (Nam Đàn); đồng chí Phổ (Anh Sơn) là những địa phương làm “mạnh” trong cải cách ruộng đất. Phụ trách hậu cần và tổ chức chuyến đi là đồng chí Nguyễn Văn Phượng, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An.

Đoàn ra Hà Nội ăn nghỉ tại 54 Nguyễn Du. 14 giờ ngày 08/9/1956, xe đón Đoàn vào gặp Bác tại ngôi nhà của Chính phủ tại phố Mai Xuân Thưởng.

Mọi người vừa ngồi xong thì Bác và đồng chí Nguyễn Duy Trinh xuất hiện. Bác ngăn không cho chào đón và lần lượt bắt tay thân thiết từng người một.

An tọa, Bác nói trước: “Báo cáo về tình hình Nghệ An, Hà Tĩnh, Bác đã đọc rồi… Mời các chú uống nước”.

Lời mời của Bác không thể không theo. Từng ngụm nhỏ trà sen thanh tao và đậm đà ân tình làm cho nỗi bực bội trong lòng mỗi người được lắng dịu đôi phần. Rồi không biết vô tình hay cố ý, bàn tay Bác chạm vào cốc nước trước mặt, làm nước đổ ra đĩa. Bác đặt cái chén lên như cũ và nói đại ý:

- Các chú cẩn thận nên được uống nước. Bác vô ý làm đổ chén nước thì Bác không được uống. Nước đã đổ ra đĩa rồi, có rót lại cũng không được đầy như trước mà lại còn mất vệ sinh… Mục đích ta làm cải cách ruộng đất để cho người cày có ruộng là đúng. Đúng không các chú.

Tiếng “Đúng ạ” đồng thanh.

- Nhưng phương pháp làm - Bác nói tiếp - thì có sai. Sai thì sửa…

Sau khi thăm hỏi, nghe thêm và quán triệt chủ trương của Trung ương, Bác gợi ý đi thăm Nhà máy Diêm và một số cơ sở nông nghiệp khác ở Hà Nội nhưng cả Đoàn đều nói bây giờ thì sáng rồi, tình hình ở nhà còn bề bộn, đoàn xin phép về để cùng các địa phương tiếp tục sửa sai. Bác đồng ý và chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Duy Trinh đưa các cụ đi khám mắt, tặng mỗi người một cặp kính. Rồi Bác chia cho mỗi người một điếu thuốc lá dặn chung:

- Đoàn kết sửa sai tốt nhá!

mot tu lieu  a
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) - Ảnh: Tư liệu

Bác quay sang hỏi giờ đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Bác Phượng nhìn theo bóng Bác bàng hoàng.

Mới chớp mắt mà đã năm mươi phút trôi qua. Một buổi gặp ngắn ngủi với Bác giữa Thủ đô mà bao nhiêu thắc mắc, bao nhiêu điều không hiểu như mây mù bỗng được vén lên. Bầu trời lại cao xanh một niềm tin phấn chấn.

Nguyễn Hoàng Nhật
Theo nguoilambao.vn
 Thu Hiền (st)

Bài viết khác: