Người thầy giáo tốt là “thầy giáo phải thật thà yêu nghề của mình”, càng yêu nghề bao nhiêu thì càng yêu học trò bấy nhiêu. Người thầy có yêu nghề thì mới phấn đấu trở thành người thầy mẫu mực, làm tấm gương tiêu biểu của con người mới, đem trí tuệ, tâm huyết, sức lực cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, ra sức đào tạo, giáo dục các thế hệ trẻ trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội, góp sức vào xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa và bảo vệ Tổ quốc, hết lòng phụng sự nhân dân và nhân loại. Mục tiêu cao nhất của giáo dục đào tạo là rèn luyện các thế hệ học sinh, sinh viên, nguồn lực con người phát triển toàn diện. Phương pháp giáo dục là học gắn với hành, thực tiễn gắn với lý thuyết, lý luận và phù hợp với yêu cầu sự phát triển xã hội, do đó ở từng cấp học, người thầy giáo phải có phương pháp dạy học phù hợp với chương trình, nội dung và tâm lý học sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những nội dung cơ bản và cách thức giáo dục ở từng bậc học, từ mẫu giáo lên đại học để các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ với công việc của mình.
Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy phải bền bỉ chịu khó mới dạy được các cháu. Dạy trẻ như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này càng lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt.
Tiểu học cần giáo dục các cháu thiếu nhi yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép vào khuôn khổ của người lớn, phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu.
Trung học phải đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần mà không cần thiết cho cuộc sống thực tế.
Ðại học thì phải kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho cuộc sống, xây dựng nước nhà.
Những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay. Nhất là về xây dựng đội ngũ giáo viên và phương pháp dạy học.
Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi đổi mới, phát triển giáo dục để tri thức hóa toàn dân, đào tạo nhân lực, nhân tài chuẩn bị chuyển về chất của lực lượng lao động từ lao động cơ bắp và cơ khí là chủ yếu sang lao động trí tuệ, sáng tạo, nâng cao năng lực làm chủ của con người với tự nhiên, xã hội và bản thân. Chúng ta lại tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức để sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển thì yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực càng cao. Do đó phải chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng và tăng cường về chất lượng, tiến kịp trình độ của khu vực và từng bước đạt tới tầm quốc tế. Ðội ngũ thầy, cô giáo phải là những người có thực học, yêu nghề, phương pháp giảng dạy tiên tiến mới có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo lao động có trình độ và làm việc bằng kỹ thuật, trí tuệ khi nền kinh tế phát triển và mở cửa thị trường, tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng toàn diện, sâu hơn. Thực tiễn xây dựng đất nước và hội nhập, phát triển kinh tế tri thức hiện nay đặt ra với sự nghiệp giáo dục nhiều vấn đề cần phải đổi mới một cách cơ bản, theo đó những người làm nghề giáo, nhất là từ bậc trung học phổ thông trở lên cần nâng cao tinh thần sáng tạo, tự học, tự đào tạo để bồi bổ, nâng cao trình độ sư phạm, kiến thức và thông qua việc dạy học truyền thụ cho học sinh, sinh viên ý thức vươn lên, tinh thần tự học, lòng khát khao tri thức mà rèn luyện, trưởng thành, nghĩa là người thầy phải làm được vai trò gợi mở cho học sinh, sinh viên tinh thần sáng tạo, khám phá những cái mới trên nền tảng kiến thức cơ bản, phong phú của nhân loại.
Hiện nay nước ta có hơn một triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Ðây là đội ngũ trí thức quý báu của dân tộc trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để nước ta có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Trong hơn 25 năm đổi mới, đội ngũ này tăng cả lượng và chất, đáp ứng được việc phát triển nguồn nhân lực có trí thức và nghề. Ðội tuyển học sinh Việt Nam ở các cấp học ngày càng đạt được những giải cao trong khu vực và quốc tế, đào tạo nghề và đào tạo nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học có những cải cách và phát triển. Song so với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu mới thì số lượng và cơ cấu đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập, chất lượng thấp, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Nổi lên yếu kém nhất của đội ngũ giáo viên là phương pháp giảng dạy chưa phát huy tính chủ động và khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, sinh viên, học chưa gắn với hành, giảng viên đại học, cao đẳng còn thiếu, trình độ thấp so với thế giới, chưa có trường đại học nào đạt chuẩn quốc tế, một bộ phận nhà giáo thiếu gương mẫu, tiếp tay cho tiêu cực vi phạm đạo đức. Bệnh thành tích trong đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chậm khắc phục. Những bất cập, yếu kém trong ngành giáo dục hiện nay do tư duy giáo dục chậm đổi mới, cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế, quản lý giáo dục yếu kém, chưa thật coi trọng xây dựng đội ngũ giáo viên. Phần lớn giáo viên và cán bộ quản lý chưa tiếp cận được lý luận và phương pháp giáo dục hiện đại, khuynh hướng thương mại hóa đang có xu hướng phát triển... là những vấn đề nổi cộm.
Chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục mà là của Ðảng, Nhà nước và toàn dân. Ðiều có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là phải có chính sách đúng đắn ở tầm chiến lược về giáo dục và đào tạo đội ngũ giáo viên. Cần có những đột phá trong chính sách giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Theo đó, hệ thống các trường sư phạm, các trường đại học và dạy nghề, các chế độ chính sách cần đổi mới để thu hút sinh viên giỏi để tạo ra những người thầy, cô giáo giỏi nghề và đạo đức tốt. Cũng như phải không ngừng cải tiến, đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Chính sách tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên, chế độ đãi ngộ đối với thầy, cô giáo ở vùng khó khăn cần được đổi mới căn bản phù hợp với công việc có tính đặc thù của nghề dạy học. Ðổi mới tư duy giáo dục và chương trình đào tạo các cấp cần đồng bộ, gắn kết với việc nâng cấp cơ sở vật chất và đồ dùng cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu, thực hành.
Phạm Văn Khánh
Theo nhandan.com.vn
Minh Thu (st)