Đền thờ Bác Hồ ở Pác Bó
Ngay sau ngày Bác Hồ qua đời, cuối năm 1969 tại tỉnh Trà Vinh, lúc đó còn trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn cũ, bà con người Việt và người Khmer đã vừa bí mật vừa công khai dựng lên một ngôi Đền thờ Bác Hồ.
Ngôi đền rất đơn sơ, giản dị nhưng trang nghiêm. Và đặc biệt, có tấm ảnh chân dung Bác Hồ đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi đền. Ðó là một đền thờ Bác Hồ, theo tôi, là độc đáo nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vì nó được lập công khai ngay trong vùng đất đối phương quản lý mà đối phương phải chấp nhận chứ không làm gì được. Ngôi đền được bà con hương khói suốt tháng quanh năm mà không một kẻ nào, dù ác tâm, dám xúc phạm hay hủy hoại.
Có một ngôi Đền thờ Bác Hồ mới được khánh thành ngày 19-5-2011, theo tôi, cũng là một ngôi Đền thờ Bác Hồ hết sức độc đáo. Ðó là Đền thờ Bác Hồ ở Pác Bó, Cao Bằng.
Lịch sử đã ghi lại, vào buổi sáng ngày 28-1-1941, từ Trung Quốc, Bác Hồ đã bí mật về nước. Ðiểm dừng chân đầu tiên của Người là cột mốc 108, sau tròn 30 năm bôn ba nơi xứ lạ quê người tìm đường cứu nước. Và hang Cốc Bó, một hang đá lạnh lẽo cách rất gần cột mốc 108 đã được chọn làm nơi tá túc, một “đại bản doanh” của Cách mạng với một người duy nhất vừa “Tổng chỉ huy” vừa “lính” là Bác Hồ.
Bác Hồ đã ở trong hang Cốc Bó khoảng hai tháng. Tháng Giêng tháng Hai, khí hậu ở Cao Bằng rất lạnh, hang Cốc Bó dĩ nhiên còn lạnh lẽo hơn bội phần. Năm 1979, hang Cốc Bó đã bị quân xâm lược dùng chất nổ phá toang miệng hang, nhưng lòng hang vẫn còn nguyên vẹn. Người viết bài này đã từng đứng trên miệng hang, vào năm 2003, để nghe và nhìn những giọt nước lạnh rỏ tí tách từ các thạch nhũ xuống lòng hang, nơi Bác Hồ của chúng ta đã nằm ngủ trong những đêm rét mướt. Năm 2011, khi trở lại thăm hang Cốc Bó, thì đường lên miệng hang đã bị chặn lại vì một lý do “nhạy cảm” nào đó, nên khách du lịch không có cảm giác thật sự về cái lạnh trong lòng hang khi được nghe và nhìn những giọt nước lạnh từ trần hang rỏ xuống.
Những sự nghiệp lớn thường bắt đầu từ hành trình gian khổ. Vinh dự cho Pác Bó (tiếng Tày có nghĩa là “Miệng Nguồn”), khi địa danh này được coi là một “cột mốc khởi đầu” cho cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Thử nghĩ xem, nếu vào một ngày đầu năm 1941, Bác Hồ không về nước và ở hang Cốc Bó (tiếng Tày có nghĩa là “Hang Nguồn”), thì công cuộc vận động cách mạng chống thực dân Pháp sẽ như thế nào? Tình cờ chăng, khi một địa danh có lẽ khá vô danh như hang Cốc Bó lại trở thành một điểm sáng của lịch sử Việt Nam hiện đại? Nhưng với những ai đã từng đến thăm hang Cốc Bó, họ đều có chung nhận xét, đây không hề là chuyện tình cờ. Hình suối và thế núi ở Pác Bó có một vẻ gì thật đặc biệt, nó vừa khuất vừa mở, vừa kín vừa thông, dễ tiến dễ thoái, và một người có tầm nhìn xa rộng như Bác Hồ khi chọn địa danh này cho công cuộc dựng cờ khởi nghiệp, thì đó là sự lựa chọn sáng suốt và thực tế của một nhà quân sự và một nhà chính trị.
Trên đường vào trung tâm khu di tích Pác Bó, du khách đi sát qua một ngọn đồi có tên “Pò Tếng Chấy”, ngọn đồi có suối Lê-nin bao bọc ba bề, đứng trên ngọn đồi này nhìn về phía nam, tầm mắt chợt mở ra bát ngát.
Tỉnh Cao Bằng đã chọn đỉnh ngọn đồi ấy, ngọn đồi có tên là “Pò Tếng Chấy”, để làm nơi xây dựng đền thờ Bác Hồ. Chữ “Pò” ở đây có nghĩa là “đồi” là “ngọn đồi”, còn “Tếng Chấy” là gì thì tôi đã hỏi một số người dân địa phương, nhưng không ai biết nghĩa. Thôi thì cứ tạm gọi là đồi “Tếng Chấy” vậy. Bây giờ Bác Hồ đã hiển thánh, thì sự hiển thánh của Người cũng vô cùng giản dị, như chính đời sống của Người. Vì thế, đền thờ Bác Hồ được xây trên đỉnh ngọn đồi mang cái tên mộc mạc “Pò Tếng Chấy” cũng thật thú vị, nó đúng như phong cách sống của Bác lúc sinh thời.
Ðược thiết kế cách điệu từ hình dáng một ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc ở Pác Bó, đền thờ Bác Hồ không khiến người đến viếng phải choáng ngợp vì sự đồ sộ hay hình thức tân kỳ, mà có cảm giác ấm áp như đang đến với một ngôi nhà sàn bình dị bên trong có ngọn lửa bếp cháy rực suốt ngày đêm.
Không lặp lại mẫu kiến trúc ở các công trình tương tự trong cả nước, đền thờ Bác Hồ ở Pác Bó thanh thoát trong hình thể và uy nghi như một nơi tụ khí, vừa ung dung như một đài quan sát cho ta mở tầm mắt, lại vừa thân thiện gần gũi trước cảnh quan sông núi và cánh đồng lúa gieo của đồng bào dân tộc Nùng dưới chân đồi. Xây dựng và hoàn thành chỉ trong vòng một năm, từ 19-5-2010 đến 19-5-2011, Đền thờ Bác Hồ ở Pác Bó vẫn kịp tỏa lên vẻ thiêng liêng và bình dị, cứ như ngôi đền đã tọa lạc trên ngọn đồi “Pò Tếng Chấy” này từ lâu lắm.
Quay về hướng Nam, đền thờ Bác Hồ như gợi nhớ tấm lòng yêu thương vô hạn của Người đối với đồng bào miền Nam ngày đất nước còn phải chịu nỗi đau chia cắt. Bây giờ, đất nước đã liền một dải, thì “phương Nam” đây chính là “Nam quốc sơn hà” vậy! Bên trong Đền thờ, đặt nơi trang trọng nhất ở gian chính điện là một bức tượng toàn thân Bác Hồ với dáng ngồi thanh thản. Trên cao nhất là bức hoành phi khắc bốn "Hồng nhật cao minh" được mạ vàng trang trọng. Bên tả bức tượng khắc bài thơ bốn câu của Bác Hồ: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Ðây suối Lê Nin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà/”. Nhà thơ Trần Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nói với tôi: “Anh nhìn kỹ xem, bức tượng Bác Hồ này rất có thần phải không? Dường như khí thiêng sông núi ở Pác Bó đã tụ cả vào bức tượng đồng này, khiến tôi mỗi lần chiêm ngắm lại một lần ngạc nhiên”. Ðúng là bức tượng Bác Hồ ở đền thờ này kỳ lạ thật, nó khiến ta có cảm giác an tĩnh khi chiêm ngắm, nhưng lại dấy lên trong ta một nỗi bồi hồi nào đó, vừa theo cách một tác phẩm nghệ thuật tác động tới người xem, vừa mang vẻ thiêng liêng thu hút ta như một bức tượng thánh.
Anh Trần Hùng kể, thời gian xây dựng đền thờ Bác Hồ, lúc đó anh đang là Giám đốc Sở VH, TT&DL, anh đã được lãnh đạo tỉnh cử lên hiện trường với công nhân suốt hai tháng cuối cùng, khi công trình sắp “về đích”. Ðó là thời gian cường độ lao động ở công trình là cao nhất, kỹ sư và công nhân phải làm cả ba ca. “Ðó là niềm vinh dự, một cơ may đã cho tôi được cùng góp sức nhỏ bé của mình vào công trình này anh ạ!”.
Có một chi tiết khiến tôi cảm động, đó là chiếc bàn nhỏ đặt ở góc Đền thờ tiếp nhận những công đức của người đến viếng. Khi tôi và mấy người bạn xin được góp chút lòng thành, thì cô gái người Nùng là nhân viên Bảo tàng đã cẩn thận ghi họ tên người cung hiến công đức trên tấm giấy hoa in sẵn rất đẹp và trao cho chúng tôi như một ghi nhận. Và như một món quà kỷ niệm.
Thanh Thảo
Theo Baonhandan.com.vn
Kim Yến (st)