Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định giáo dục có vai trò hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới, bởi "Thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu, phần lớn đều do giáo dục mà nên". Là Người luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân, Người rất chú trọng việc giáo dục nâng cao trình độ văn hoá cho dân để dân "làm ăn có ngăn nắp", "bớt mê tín nhảm", "bớt đau ốm", "nâng cao lòng yêu nước" và "để thành người công dân đứng đắn”. Người chỉ rõ: "Trình độ văn hoá của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân cũng là một việc làm cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, văn minh và giàu mạnh".
Bác Hồ trò chuyện với học sinh Trường thiếu nhi rẻo cao khu tự trị Việt Bắc,1960
Tư tưởng ấy là thành quả của sự chắt lọc tinh tế giữa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại, vừa mang chất lý luận vừa có tính thực tiễn, giữa lý luận và thực tiễn luôn có sự gắn bó khăng khít, không tách rời nhau. Nghị quyết UNESCO đã đánh giá: "Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và cuộc đời đấu tranh vĩ đại của mình, Người luôn coi “con người” là vốn quý nhất, là yếu tố quyết định của sự nghiệp cách mạng. Người cũng thường xuyên nhắc nhở rằng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mượn câu nói trên để chỉ ra tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục. Trong tư tưởng Người, tất cả là vì “con người”. Đối với giáo dục thế hệ trẻ, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Tư tưởng giáo dục ấy không chỉ bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động và thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa "hồng" vừa "chuyên", có tri thức, lý tưởng, đạo đức, sức khoẻ và thẩm mỹ... Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện, tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền; Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Trong di sản tư tưởng của Người, có tới hơn 592 lần Người nhắc đến “giáo dục”, 159 lần nhắc đến “đào tạo”, trên 190 lần nhắc đến “trường học”, gần 100 lần nhắc đến “đại học”, 92 lần nhắc đến “trường học, giáo sư”, 81 lần nhắc đến “giáo viên”, 80 lần nhắc đến “thầy giáo”, khoảng 145 lần nhắc đến “sinh viên” và đến 225 lần nhắc đến “học sinh”... Theo Người, giáo dục là để nâng cao chủ nghĩa yêu nước, ý thức chính trị, truyền thống giáo dục và tinh thần nhân ái. Người đặc biệt chú trọng đến việc truyền thụ tinh thần, truyền thống yêu nước của dân tộc. Người nói: “phải chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, kỹ thuật, lao động sản xuất”. Người nhấn mạnh: "Tăng cường hơn nữa việc giáo dục lao động trong nhà trường là một khâu chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa, nhằm trang bị cho thế hệ trẻ có những kiến thức khoa học, lại có những kiến thức cơ bản về sản xuất công nghiệp - nông nghiệp, những thói quen lao động, sẵn sàng bước vào xây dựng xã hội chủ nghĩa". Theo Người, nội dung giáo dục phải chứa đựng tính dân tộc, chủ nghĩa yêu nước và giá trị nhân văn, truyền thống văn hóa của dân tộc, ngoài ra phải lĩnh hội những giá trị khoa học của thế giới…
Và “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất”. Người chỉ rõ: “Việc giáo dục gồm có: đức, trí, thể, mỹ”. “Trước hết phải dạy cho họ những tri thức: Lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, cách viết báo cáo, nghĩa vụ và quyền lợi người công dân”.
Người đã đúc kết chân lý về giáo dục với sức mạnh nội tại của một dân tộc trong giai đoạn thuộc địa nửa phong kiến: "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Trong "ham muốn tột bậc" của Người, Người muốn "làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc" "ai cũng được học hành”. Đối với cán bộ. Người chỉ rõ: học là "để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, tổ quốc và nhân loại". Trong tư tưởng mà Người nói về “Học” được khái quát qua bốn ý về giáo dục là "học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người".
Để xây dựng nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập Hồ Chí Minh đã nêu ra nhiều quan điểm rất quan trọng:
Một là, mục tiêu của giáo dục là: Dạy và học để bồi dưỡng lý tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp; mở mang dân trí; bồi dưỡng những phẩm chất và phong cách tốt đẹp cho con người. Giáo dục để đào tạo con người có ích cho xã hội. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Giáo dục nhằm đào tạo lớp người có đức, có tài, kế tục sự nghiệp cách mạng, làm cho nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Hai là, phải tiến hành cải cách giáo dục để xây dựng một hệ thống trường lớp với chương trình, nội dung dạy và học hợp lý, phù hợp với các giai đoạn cách mạng. Nội dung giáo dục phải toàn diện: Văn hóa, chính trị, khoa học - kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, lao động...
Ba là, phương châm, phương pháp giáo dục: Phương châm bao gồm: Luôn luôn gắn nội dung giáo dục với thực tiễn Việt Nam, học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tế; học tập kết hợp với lao động; phải phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội; thực hiện dân chủ, bình đẳng trong giáo dục; học suốt đời. Coi trọng việc tự học, tự đào tạo và đào tạo lại. Học ở mọi lúc, mọi nơi, học mọi người. Phương pháp giáo dục phải xuất phát và bám chắc vào mục tiêu giáo dục. Giáo dục là một khoa học nên cách dạy phải phù hợp với lứa tuổi; dạy từ dễ đến khó; kết hợp học tập với vui chơi có ích, lành mạnh; giáo dục phải dùng phương pháp nêu gương; giáo dục phải gắn liền với thi đua.
Bên cạnh đó, phải không ngừng nâng cao đảng trí là mục tiêu của giáo dục đối với cán bộ đảng viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên vì không có giáo viên thì không có giáo dục. Phải xây dựng đội ngũ giáo viên có phẩm chất yêu nghề; phải có đạo đức cách mạng; phải yên tâm công tác, đoàn kết; phải giỏi về chuyên môn, thuần thục về phương pháp. Người đi giáo dục cũng phải được giáo dục, phải học thêm mãi, học không bao giờ đủ, còn sống còn phải học.
Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống yêu nước, trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước (năm 1911), thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã truyền bá tư tưởng yêu nước, thương nòi cho học trò Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Những năm hoạt động cách mạng tại Pháp, Bác Hồ cực lực lên án "chính sách ngu dân" của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Trong tác phẩm nổi tiếng "Bản án chế độ thực dân Pháp" (1921 -1925), Bác viết: "Nhân dân Ðông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng... "Làm cho dân ngu để dễ trị", đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất"(1).
Trong cuốn "Ðường kách mệnh" (năm 1925) và "Chánh cương vắn tắt của Ðảng" (2-1930), Bác cũng xác định rõ: Phải lập trường học cho công nhân, nông dân, cho con em họ và "Phổ thông giáo dục theo công nông hóa"(2). Ðặc biệt, ở "Chương trình Việt Minh" (1941), Bác chủ trương: "Hủy bỏ nền giáo dục nô lệ. Gây dựng nền quốc dân giáo dục. Cưỡng bức giáo dục từ bực sơ học. Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục dân tộc mình. Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị, quân sự, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài... Khuyến khích và giúp đỡ nền giáo dục quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm mạnh"(3). Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 mới thành công, Bác đã công bố "Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", trong đó, vấn đề thứ hai - là phải chống nạn dốt; vì "nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ"(4). Và, Bác nhấn mạnh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ"(5). Chỉ sau một tuần lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập", ngày 8-9-1945, Người đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, để thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân.
Trong "Thư gửi cho học sinh", ngày 5-9-1945, Bác viết: "Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em"(6). Bác khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà: "Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"(7).
Cho đến bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành giáo dục, ngày 15-10-1968, Bác lại nhấn mạnh yêu cầu của nền GD và ÐT nước ta là phải gắng sức phấn đấu theo kịp với trình độ và chất lượng của các nước văn minh, tiên tiến: "Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật"(8). Và "Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Ðảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới"(9). Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: "Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết"(10).
Kế tục và quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp to lớn và cao cả đó của Người, Văn kiện Hội nghị lần thứ hai BCH Trung ương khoá VIII đã xác định nhiệm vụ và mục đích cơ bản của giáo dục Việt Nam là "nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật, có sức khoẻ, là những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên" như lời căn dặn của Bác Hồ. Và mới đây, tại Đại hội Đảng lần thứ IX, một lần nữa Đảng ta khẳng đinh: "Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững" "Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục, thực hiện chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá. Phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, sinh viên, đề cao năng lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề, đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện "giáo dục cho mọi người", "cả nước trở thành một xã hội học tập”, thực hiện phương châm "học đi đôi với hành", giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn với xã hội.
Cũng tại Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra một loạt câu hỏi cần được thảo luận và làm rõ những vấn đề sau: “Vì sao lúc này phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ? Phạm vi, mục tiêu, yêu cầu của mỗi Đề án thế nào? Đổi mới căn bản là gì, toàn diện là gì? Nội hàm phát triển khoa học và công nghệ? Những chủ trương, chính sách, biện pháp gì cần phải thống nhất ban hành để lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới giáo dục - đào tạo và phát triển khoa học - công nghệ?... Trong công cuộc CNH - HĐH đất nước hiện nay cũng là một trong những tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển con người toàn diện, một trong tư tưởng đó có tư tưởng về giáo dục và đào tạo, đó là cơ sở, là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất cho sự phát triển xã hội ở nước ta.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với phương châm, chiến lược, mục đích, nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo con người luôn soi sáng sự nghiệp trồng người theo tư tưởng của Người. Tư tưởng đó không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người, chủ trương, đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục Việt Nam của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục, thiết thực và hiệu quả đối với người làm công tác giáo dục hiện nay. Ngày nay, yêu cầu trước mắt đặt ra phải xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta hiện nay.
1- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H,1995, tr.98-99.
2,3- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H,1995, tr.1; tr.584.
4,5,6,7- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H,1995, tr.8; tr.8; tr.32; tr.32.
8,11,12- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H,1996, tr.403; tr.404; tr.498.
9- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H,1996, tr.331.
10- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H,2000, tr.492.
Tâm Trang (Tổng hợp)