Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giáo viên ngày nay không phải là "gõ đầu trẻ kiếm cơm", mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất là vẻ vang”[1]. Những lời dạy của Người cho đến nay vẫn còn mang tính thời sự, là nguồn động viên quý báu cho các thế hệ thầy cô giáo.

Trong những ngày đầu lãnh đạo Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ, trong đó nêu rõ: “…Chương trình của Chính phủ ta là làm thế nào cho toàn quốc đồng bào ai cũng có ăn, có mặc, có học.

Vậy nên khẩu hiệu của chúng ta là:

1. Tăng gia sản xuất.

2. Chống nạn mù chữ.

Anh chị em là đội tiên phong trong sự nghiệp số 2 đó. Anh chị em chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc. Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em…”[2].

Những lời nói của Người trở thành nguồn khích lệ, động viên quý báu với đội ngũ anh chị em giáo viên bình dân học vụ, đặc biệt lại đặt trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, khi nước ta vừa giành được độc lập, lại phải đối đầu với ba thứ giặc “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”.

Xác định “giặc dốt” là thứ giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải nhanh chóng tiêu diệt thứ giặc này và vai trò của những người làm công tác giáo dục, những người dạy chữ càng quan trọng hơn lúc nào hết. Trong buổi nói chuyện với lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, ngày 12/6/1956, Người đã khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hoá[3].

Ngày 23/3/1956, tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc, Bác đưa ra yêu cầu và đề cao sứ mệnh vẻ vang của ngành giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước: “Ta cần nhiều cán bộ các cấp. Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hoá. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”[4].

Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là một người mang trong mình đậm nét văn hóa truyền thống Á Đông, tôn sư, trọng đạo. Tuổi thơ của Người gắn liền với những lần được nghe chuyện, hầu trà cho ông nội, ông ngoại đàm đạo với các bậc nho sỹ yêu nước. Đến thời niên thiếu, Người lại được theo chân cha mình - ông Nguyễn Sinh Sắc đến làm quan tại Bình Định theo lệnh của triều đình Huế. Tại đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên gọi thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã được truyền thụ những tư chất đạo đức của một nhà giáo từ cha mình và những người bạn của cha, trong đó có nhiều sỹ phu yêu nước. Những điều này đã ảnh hưởng tới việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, trong đó có xây dựng, củng cố, bồi đắp tư cách đạo đức của người giáo viên. Ngày 21/10/1964, trong buổi nói chuyện với các thầy cô giáo, sinh viên và cán bộ, nhân viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức...”; “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”; “Đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng”; “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”[5].

Trong Thư gửi Hội nghị giáo dục toàn quốc (tháng 3/1955), Bác Hồ cũng chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể đối với các thầy cô giáo: “…Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy học là: Chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà. Để làm trọn nhiệm vụ ấy, cán bộ giáo dục cần phải luôn luôn ra sức thi đua công tác và học tập, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi”[6]. Người cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc giáo dục thế hệ măng non thông qua lời căn dặn: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt. Công tác giáo viên và mẫu giáo có khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích đào tạo những người công dân tốt, cán bộ tốt cho Tổ quốc, cho chủ nghĩa xã hội. Điều trước tiên là dạy các cháu về đạo đức. Anh chị em giáo viên và mẫu giáo cần luôn luôn gương mẫu về đạo đức để các cháu noi theo”[7].

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn đề cao vai trò của người thầy giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều này thể hiện qua những lời chỉ bảo ân cần của Người tại lớp học chính trị của giáo viên (năm 1959): “Các cô, các chú đều biết, giáo viên ngày nay không phải là “gõ đầu trẻ kiếm cơm”, mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất là vẻ vang. Các cô, các chú phải ngày càng tiến bộ để dạy cho con em ngày càng tiến bộ, nếu không thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con em”[8]. Theo quan điểm của Bác: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa”[9].

Ngày 16/10/1968, nhân dịp bước vào năm học mới, Bác đã gửi thư cho các thầy cô giáo, đây là bức thư cuối cùng của Người gửi cho ngành Giáo dục. Trong thư, Bác dặn dò nhiều điều đối với nền giáo dục nước nhà: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó. Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chǎm sóc nhà trường về mọi mặt, đưa sự nghiệp giáo dục của nước ta lên những bước phát triển mới”[10].

Hiện nay, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu trong công cuộc đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế. 45 năm đã qua kể từ khi Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta mãi mãi ra đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng qua những lời dạy của Người đối với các thầy cô giáo và các em học sinh vẫn có thể thấy rõ tầm nhìn về giáo dục của một bậc vĩ nhân. Những tư tưởng, triết lý giáo dục của Người đến nay vẫn mang tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đang được cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện./.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. Năm 2009, tập 9, tr.489.

2. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. Năm 2009, tập 4, tr.220.

3. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. Năm 2009, tập 8, tr. 184.

4. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. Năm 2009, tập 8, tr.138.

5. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. Năm 2009, tập 11, tr.332.

6. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. Năm 2009, tập 7, tr.501.

7. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. Năm 2009, tập 9, tr.509.

8. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. Năm 2009, tập 9, tr.489.

9. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. Năm 2009, tr.331, tập 11

10. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. Năm 2009, tập 12, tr. 403-404.

Đinh Phương (Ban Tư liệu - Văn kiện)
Theo dangcongsan.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác: