Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Trải qua hơn 80 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dạn dày kinh nghiệm, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng.

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đang được Ban chấp hành Trung ương Đảng quán triệt và triển khai thực hiện. Nghị quyết đã đánh giá tình hình công tác xây dựng Đảng trong những năm qua và chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản đẫn đến những hạn chế, yếu kém. Trong đó nhấn mạnh nguyên nhân: nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát.

Vấn đề này dã được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm, nhắc nhở cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, trong di chúc để lại cho Đảng, cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"(1). Vậy làm thế nào để Đảng ta có được điều đó? Bác đã chỉ ra: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình"(2). Ở Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình đã trở thành một nguyên tắc không thể thiếu trong phong cách lãnh đạo của Người. Dù ở cương vị lãnh đạo cao nhất, Người vẫn thực hành tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, nêu tấm gương sáng về đức tính trung thực, thẳng thắn, về thái độ và phương pháp phê bình cho cán bộ, đảng viên noi theo.

Từ một quan niệm hết sức giản dị nhưng bao hàm tính triết lý và biện chứng sâu sắc: người đời không phải là thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm, Bác chỉ ra rằng: "Tổ chức đảng cũng vậy, Đảng không phải trên trời rơi xuống, "Đảng là người, nên có sai lầm", tức là cũng có lúc khoẻ mạnh, lúc ốm đau, bệnh tật. Đó là lẽ thường tình, không vì thấy ốm đau mà phát sinh tư tưởng lo sợ, bi quan, tuyệt vọng, giấu giếm bệnh tật trong mình"(2). Do đó, theo Bác có bệnh thì phải mạnh dạn, chủ động, khẩn trương, kiên trì chạy chữa. Hồ Chí Minh chỉ ra liều "thần dược" để chữa trị các chứng bệnh trong cơ thể của tổ chức Đảng và mỗi cá nhân đảng viên là tự phê bình và phê bình: "Tự phê bình là phương thuốc trị bệnh cứu mình, phê bình là phương thuốc trị bệnh cứu người". Người nói: “Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc, để đến nỗi bệnh càng nặng, không chết cũng "la lết quả dưa"(2).

Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên "mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt". Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như con người cần không khí, không có không khí con người sẽ chết, không có tự phê bình và phê bình Đảng khó lòng mà tồn tại. Chủ tich Hồ Chí Minh khẳng định: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình "để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng"(2).

Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất giúp Đảng ta ngày càng thêm mạnh, ngày càng phát triển, càng nâng cao hơn nữa năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Tự phê bình và phê bình giúp ta sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tiến bộ không ngừng. Bởi vậy, theo Bác, trong Đảng muốn đoàn kết chặt chẽ, "ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình". Có thực hành dân chủ rộng rãi thì tự phê bình và phê bình mới trở thành nền nếp thường xuyên trong sinh hoạt Đảng. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (năm 1947), Bác viết: "Nếu cách lãnh đạo của ta không được dân chủ thì đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ không dám phê bình".

Tự phê bình và phê bình là nhu cầu nội tại của tổ chức Đảng và đảng viên. Song sử dụng nó phải đúng mục đích thì mới có tác dụng, hiệu quả cao. Nếu sử dụng không đúng mục đích thì dù đó là vũ khí sắc bén cũng không tiêu diệt được kẻ thù, là "thần dược" cũng không trị được bệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: "Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy phê bình mình cũng như phê bình người phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người". Do đó, tự phê bình và phê bình tức là gột rửa những thói hư tật xấu, những cái nhơ bẩn lây bám, xâm nhập vào con người chứ không phải cắt bỏ thân thể con người. Tư tưởng nhân văn, đề cao yếu tố con người của Hồ Chí Minh ở đây thật bao la, sâu sắc và chan chứa tình người. Bác Hồ đã từng phê phán: "Ai hợp với mình thì người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng, nó làm hại đến sự thống nhất".

Từ quan điểm xuất phát thể hiện tính dân chủ và nhân đạo cao cả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương pháp, hình thức và những yêu cầu để tiến hành tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả cao nhất:

Trước hết, phê bình phải đi đôi với tự phê bình và phê bình phải gắn liền với sửa chữa, với biểu dương khen thưởng. Nếu chỉ phê bình người khác mà không tự phê bình thì chẳng khác nào "thầy thuốc chỉ đi chữa bệnh người khác mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa". Tại buổi Lễ bế mạc lớp Bổ túc trung cấp (10/1947), Hồ Chí Minh đã nói: "Tự phê bình rồi lại phải phê bình người khác nữa... Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ "nể Cụ" không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người...Thấy cái xấu của người mà không phê bình là một khuyết điểm rất to. Không phê bình, tức là để cho cái xấu của người ta phát triển".

Tự phê bình và phê bình phải gắn với sửa chữa, tức là phải chỉ rõ ưu, khuyết điểm và phương hướng để phát huy hoặc khắc phục. Đồng thời phải gắn với động viên, khen thưởng, xử phạt rõ ràng.

Thứ hai, tự phê bình và phê bình phải đạt tới cái đích là làm rõ đúng, bảo đảm tính khách quan, trung thực, thẳng thắn và chân tình. Tự phê bình cũng như phê bình phải trung thực, không nể nang, không thêm bớt. Bác nhắc nhở: "Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, "trị bệnh cứu người", chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm. Khi phê bình, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Trong lúc phê bình, khuyết điểm phải vạch rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải nhắc đến. Một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau".

Thứ ba, Khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải bảo đảm tính dân chủ, công khai. Công khai phân tích, nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm của mình, đồng chí mình và tổ chức đảng trước hội nghị, phê phán nghiêm khắc tình trạng "ngồi lê đôi mách", "việc gì cũng không phê bình trước mặt mà để nói sau lưng". Bác cho rằng: " Kiểu phê bình như vậy là biểu hiện của bệnh "cá nhân"".

Tự phê bình và phê bình muốn đạt kết quả cao thì phải được tiến hành trong bầu không khí thật dân chủ, bình đẳng. Chỉ có dân chủ rộng rãi thì mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân mới tích cực, chủ động, nói thẳng, nói thật. Song mở rộng dân chủ trong tự phê bình và phê bình không có nghĩa là muốn nói gì thì nói, muốn phê thì phê. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì một cuộc tự phê bình và phê bình nghiêm túc là: "Trong lúc thảo luận, mọi người được tự do hoàn toàn phát biểu ý kiến , dù đúng hoặc không đúng cũng vậy. Song không được nói gàn, nói vòng quanh". ở đây, vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt rất quan trọng, như Bác đã dạy: cán bộ cao cấp phải gương mẫu tự phê bình và phê bình trước.

Thứ tư, tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên, phê bình từ trên xuống và từ dưới lên, nhất là từ dưới lên, có như vậy mới đạt hiệu quả cao. Bởi vì, nếu chỉ phê bình một chiều thì như Bác so sánh cũng giống như người "đi một chân, không thể đi được".

Khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải đảm bảo đúng nguyên tắc, song cách thức tiến hành phải mềm dẻo, khéo léo. Nếu chỉ dùng phương pháp cứng rắn, mệnh lệnh, ép buộc thì rất khó tiếp thu. Phê bình không đúng lúc, đúng chỗ, không khôn khéo sẽ có tác dụng ngược lại thậm chí còn gây ra hậu quả khó lường bởi lẽ lời chê như một mồi lửa, lòng tự ái, kiêu căng của con người giống như một kho thuốc súng. Ngày xưa,Trang Tử cũng đã từng nói: Người chê ta phải là thầy ta, người khen ta phải là bạn ta, người nịnh hót ta là kẻ thù của ta.

Thứ năm, người và tổ chức được phê bình phải có thái độ thành khẩn, vui lòng để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét. Hết sức tránh thái độ "giấu bệnh sợ thuốc", bị phê bình thì im lặng, không tìm cách sửa đổi. Hồ Chí Minh gọi đó là "thái độ không thật thà, không đúng đắn" và thái độ đó sẽ dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng, bệnh ngày càng nặng thêm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Trong bất kỳ một tổ chức đảng nào, cho dù là tổ chức đảng cấp trên hay tổ chức đảng cấp dưới, bất kỳ một cá nhân đảng viên ở cương vị nào nếu không thấm nhuần tư tưởng tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cũng sẽ phạm phải những sai lầm lớn. Thực tế hiện nay, một số tổ chức đảng và đảng viên đã làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, trong các cuộc họp đã dám nói thẳng, nói thật ưu, khuyết điểm giúp tổ chức đảng và đồng chí mình phát huy, sửa chữa. Song bên cạnh đó, vẫn còn một số tổ chức đảng chưa phát huy tốt tinh thần phê và tự phê. Trong các cuộc hội nghị, cán bộ, đảng viên không dám góp ý kiến, đặc biệt là góp ý cho cấp trên, cho lãnh đạo vì sợ bị trù dập, không được thăng chức, nâng lương... Một số tổ chức đảng và đảng viên không góp ý cho tổ chức, cho đồng chí mình ngay trong cuộc họp mà lại đi nói sau lưng có tính chất "kích động", làm mất uy tín người khác. Bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ, đảng viên lợi dụng tinh thần phê và tự phê để chỉ trích, phê phán người khác với thái độ không thiện cảm, vì mục đích cá nhân "vạch lá tìm sâu", "chuyện bé xé ra to", làm cho người bị phê bình không nhận ra được sai lầm để sửa hoặc có nhận ra họ cũng khó lòng mà sửa được. Bởi vậy, chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải bằng hành động thực tế, không nên hô hào, chỉ nói mà không làm hoặc nói nhiều làm ít.

Tự phê bình và phê bình là biện pháp quan trọng nâng cao trí tuệ, phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn trong Đảng, là quy luật sinh tồn và phát triển của Đảng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi phải có tính Đảng và tính nguyên tắc cao, phải đảm bảo tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường được mối quan hệ chặt chẽ giữa đảng và quần chúng. Chủ tich Hồ Chí Minh đã tiếp thu, nghiên cứu, vận dụng và bổ sung sáng tạo quan điểm của Mác, Ăngghen, Lênin về vấn đề tự phê bình và phê bình một cách hết sức cụ thể và độc đáo. Chính vì vậy, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng nước ta đi đến thành công, xứng đáng và làm tròn vai trò lãnh tụ chính trị của giai cấp và của dân tộc. Ngày nay, khi toàn Đảng đang quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng, chúng ta càng thấm nhuần hơn tư tưởng tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này sẽ giúp chúng ta thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của đất nước, của dân tộc tới thắng lợi vẻ vang.

* Tài liệu dẫn và tham khảo:

1/ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - NXB Chính trị quốc gia - Hà Nội - 1999.

2/ Hồ Chí Minh: Về tự phê bình và phê bình- NXB Sự thật - Hà Nội - 1986.

3/ Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị quốc gia - Hà Nội- 1996.

4/ Xây dựng Đảng, rèn luyện đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh - NXB Quân đội nhân dân - Hà Nội - 2003.

5/ Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Đặng Thanh Vững

Theo http://truongleduan.quangtri.gov.vn/

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: